Hoạt động làm giấy Washi có trên khắp các tỉnh thành Nhật Bản. Tùy theo nguyên liệu và phương pháp làm giấy mà chất lượng và ứng dụng khác nhau, mặc dù đều là giấy Washi. Số lượng được biết lên đến cả 1000 loại giấy. Mỗi loại Washi gắn liền với địa danh sản xuất và được truyền cho đời sau như một văn hóa đặc sắc của địa phương. Lần này chúng ta sẽ chỉ khám phá một số trong vô vàn nơi sản xuất Washi.
Hosokawashi
Làng Higashi-chichibu, phường Ogawamachi, tỉnh Saitama
Đây là một trong ba loại giấy Washi được công nhận là Di sản thế giới. Vào năm 1978, Nhật Bản đã chỉ định kĩ thuật làm loại giấy này là tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng của đất nước. Chất giấy dai bền do sợi cây Kouzo đan chặt, màu hổ phách mộc mạc, dịu dàng là đặc trưng của Hosokawashi. Được dùng cho giấy dán tường, cửa kéo Shoji, giấy ghi chép, giấy gói Kimono,...
Sekishubanshi
Miền Tây tỉnh Shimane
Trong những loại giấy Sekishuwashi được làm tại miền Tây tỉnh Shimane, Sekishubanshi là đặc biệt nhất vì làm từ nguyên liệu là cây Kouzo và được công nhận là Di sản thế giới vào năm 2009. Giấy này dai bền đến mức gấp uốn 3000 lần vẫn không rách, thường được dùng làm giấy vẽ, viết thư pháp, cửa kéo Shoji,...
Honminoshi
Thành phố Mino, tỉnh Gifu
Trong những loại Washi của thành phố Mino - nơi có hoạt động làm Washi khá phổ biến, chỉ có loại Washi làm từ bàn tay của một số người thợ trong giới hạn, dụng cụ và nguyên liệu lựa chọn khắt khe, mới được gọi là Honminoshi. Phần vỏ đen của cây Kouzo được tách cẩn thận bằng dao rồi mới dùng làm nguyên liệu, tạo nên màu trắng tinh không sót chút tạp chất nào. Mềm mại và đẹp đẽ, được đánh giá là loại Washi làm cửa Shoji cực kì cao cấp.
Najio Washi
Najio, tỉnh Hyogo
Sử dụng nguyên liệu chính từ cây Ganpi, trộn với bùn từ nham thạch núi lửa, Najio Washi có đặc trưng khó bám bẩn, khó nhàu và ít bị côn trùng ăn. Loại giấy Washi vừa bền chắc lại vừa mềm mại này còn dùng để dán phía sau những bức bình phong dát vàng bởi tác dụng làm cho lớp vàng óng ánh hơn sau một thời gian. Najio Washi còn được sử dụng nhiều trong việc phục hồi các tác phẩm nghệ thuật và di tích nổi tiếng.
Echizen Washi
Quận Goka, tỉnh Fukui
Nguyên liệu có thể là cây Kouzo, cây Mitsumata hoặc cây Ganpi tùy theo ứng dụng. Là loại có lịch sử lâu đời nhất trong những loại Washi Nhật Bản, còn được gọi là “Vua của giấy”. Được sử dụng làm Dajokansatsu, tiền giấy thống nhất toàn quốc, lưu hành vào đầu thời Meiji, Echizen Washi cũng có lịch sử lưu hành lâu đời trên đất nước Nhật Bản.
Ecchu Washi
Gokayama, Yatsuo, Birudan, tỉnh Toyama
Ecchu Washi là tên gọi Washi của ba vùng sản xuất Gokayama, Yatsuo, Birudan, tỉnh Toyama. Toyama trước đây từng rất phát triển nhờ buôn bán thảo dược với những bao đựng được làm từ Washi. Cũng có nhiều người kế thừa trẻ tuổi vẫn đang hăng hái nỗ lực phát triển những sản phẩm Washi mới mẻ.
Inshu Washi
Miền Đông tỉnh Tottori
Kĩ thuật làm giấy Washi truyền thống được gìn giữ ở hai nơi, làng Sajison và thôn Aoyacho thuộc thành phố Tottori. Sử dụng nguyên liệu chính từ 3 loài cây bản địa, Kouzo, Mitsumata và Ganpi cùng với tỉ lệ pha trộn tinh tế, Inshu Washi là loại giấy thích hợp nhất đối với mực tàu. Nếu nói về số lượng sản xuất giấy Washi được dùng trong thư pháp và tranh thủy mặc Suibokuga, không địa phương nào có thể vượt qua miền Đông tỉnh Tottori.
Ryukyushi
Tỉnh Okinawa
Năm 1694 là lần đầu tiên giấy Washi xuất hiện trong lịch sử của Okinawa. Theo dòng thời gian, giấy Washi từng có lúc biến mất từ năm 1944. Tuy nhiên, nhờ vào những người thợ thủ công đầy nhiệt huyết, trải qua vài thập kỉ, giấy Washi lại được hồi sinh rực rỡ. Bên cạnh đó, loài thực vật sinh trưởng tại Okinawa được dùng làm nguyên liệu sản xuất Washi - cây Itobasho chính là yếu tố khiến cho loại giấy Washi sản xuất tại Okinawa trở nên quý hiếm.
Mayu Senda/ kilala.vn