Mang kiến trúc hiện đại vào nhà tắm Sento truyền thống
Bài: Phương Thanh
May 21, 2021
Nguồn: Dezeen
Sento trong văn hoá Nhật Bản
Trong văn hóa nhiều quốc gia việc tắm rửa không chỉ giúp làm sạch mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng về sự thanh tẩy cơ thể và cả tâm hồn của con người. Đó là một trong nhiều lý do tạo nên văn hoá nhà tắm công cộng - Sento (銭湯) từ thời Edo (1603-1868) tại Nhật. Sau những cải cách thời Minh Trị, các Sento ẩm thấp thời kỳ Edo đã được nâng cấp, trở thành tiền đề cho Sento ngày nay. Tuy nhiên, Sento chỉ thực sự được ưa chuộng sau Thế chiến thứ hai, khi nhiều ngôi nhà thiếu đi không gian tắm thoải mái. Ngoài ra, người Nhật coi trọng sự liên kết trong xã hội nên Sento là nơi họ có thể xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn.
Thời gian trôi qua, nhu cầu về sự riêng tư khiến con người đến Sento thưa thớt hơn. Nhiều gia đình Nhật Bản tự tạo không gian Sento ở nhà để vừa tiết kiệm vừa tận hưởng cảm giác thoải mái. Chính vì thế, các Sento ở Tokyo dần đóng cửa do không đủ kinh phí để duy trì.
Xem thêm: Nhà tắm công cộng Sento: nét văn hóa đẹp đang bị lãng quên
Với mong muốn khôi phục nét văn hóa của người Nhật, công ty kiến trúc Schemata Architects đã phát triển dự án cải tạo Sento truyền thống ở Tokyo. Nhà tắm công cộng Koganeyu được lựa chọn để thực hiện thí điểm. Được xây dựng từ năm 1985, nơi đây mang cấu trúc của một nhà tắm truyền thống với vách ngăn thấp nhằm tách biệt khu tắm nam và tắm nữ.
Bằng những thay đổi trong vật liệu công trình, giữ lại và tăng thêm vài phần công năng, nhà tắm công cộng Koganeyu vẫn mang tinh thần văn hoá cổ truyền nhưng khoác lên mình "lớp áo" hiện đại hơn, nhằm thu hút những khách hàng trẻ tuổi. Để thực hiện điều đó, Schemata Architects đã "biến" quầy tiếp tân thành quầy bar phục vụ bia và các loại nước giải khát. Đơn vị thiết kế lựa chọn vị trí cách xa cửa chính để quầy bar trông như một bán đảo, đôi khi có thể sử dụng như một bàn DJ trong các sự kiện.
Sự thay đổi tinh tế từ cách chọn vật liệu xây dựng
Đánh giá đây là nơi quan trọng, thu hút được khách hàng nên màu sắc và vật liệu tạo nên quầy bar được các kiến trúc sư tính toán kĩ. Tường bê tông thô phản ánh chất công nghiệp được giữ nguyên để tăng sự tương phản với quầy bar được lát gạch men màu be nhẹ nhàng, vuông vắn. Gạch sứ không những tiện lợi cho việc lau chùi vệ sinh mà lớp kẻ ron giữa các viên gạch còn tăng ma sát, giảm độ trơn cho người di chuyển. Bên cạnh đó những viên gạch nhỏ màu be tạo cảm giác ấm áp, làm sáng không gian và cũng phổ biến trong nhiều công trình. Tuy nhiên chúng lại không nhàm chán mà tạo cảm giác thân thuộc, gợi khách hàng nhớ về những công trình công cộng ở Nhật Bản thuở xa xưa.
Khác với Onsen - hình thức tắm nước nóng từ nguồn nước tự nhiên, Sento phổ biến ở đô thị và dùng nước đun nóng để phục vụ việc tắm rửa, ngâm bồn. Bằng cách sử dụng gạch đá Towada, loại gạch đá thường được dùng ở Onsen, có thể đổi sang màu lục lam khi ở trong nước, giúp trải nghiệm cảm giác riêng tư khi ngâm mình trong làn nước ấm nóng, ngay cả trong bồn tắm chung.
Ngược lại với gam màu tươi sáng ở khu ngâm nóng, gam màu ở bể ngâm lạnh và phòng xông hơi có phần tối hơn với tường bê tông xám và một chút ánh sáng để tạo cảm giác thư giãn. Cách sử dụng vật liệu tuy đơn giản nhưng đều có chủ ý, phòng thay đồ được sử dụng locker (tủ đựng đồ) bằng gỗ phong vàng để tạo cảm giác ấm áp, thân thuộc trước và sau khi tắm.
Những tác phẩm nghệ thuật sống động trong sento
Schemata Architects đã hợp tác cùng vài nghệ sĩ để tái hiện một vài kiểu trang trí sento truyền thống, trong đó có nghệ sĩ Yoriko Hoshi, người đã chọn phần không gian trên cao của các bức tường - nơi tiếp giáp trần nhà để vẽ một bức họa về con người và núi Phú Sĩ.
Một nghệ sĩ khác là Iichiro Tanaka đã thiết kế những tấm noren, rèm cửa chia đôi bằng vải truyền thống, để phân cách phòng thay đồ nam và nữ. Tanaka đã chọn câu cảm thán “Oi!” để tỏ lòng kính trọng khách hàng đến với Sento.
Xem thêm:Khám phá sento Nhật Bản qua nét vẽ của Honami Enya
kilala.vn