Machiya: Những nếp nhà truyền thống nơi phố cổ Nhật Bản
Bài: Quỳnh Thư, Phương Anh
Sep 4, 2021
Ảnh: Pixta
Hình ảnh những nếp nhà gỗ cổ kính thường thấy trong các bộ phim
Nhật Bản hoặc trên những con phố nhuốm màu thời gian ở Kyoto được gọi
bằng cái tên thân thương: Machiya.
Machiya - kiến trúc nhà phố truyền thống
Machiya (町屋/町家) là những ngôi nhà gỗ truyền thống của Nhật Bản rất phổ biến ở những khu phố cổ như Kyoto hay Kanazawa. Từ "Machiya" được ghép từ hai chữ: "machi" (町) có nghĩa là "thị trấn", và "ya" (家/屋) nghĩa là "nhà" (家) hoặc "cửa hàng" (屋) tùy thuộc vào Hán tự được sử dụng.
Machiya được cho là đã xuất hiện từ thời Heian (794 - 1185) và tiếp tục phát triển cho đến thời Edo (1603 - 1867) và cả thời Meiji (1868 - 1912). Trước đây, những ngôi nhà này là nơi ở của các thị dân, bao gồm thương gia và thợ thủ công thành thị. Kiểu nhà phố Machiya (町屋) cùng với nhà trang trại Nouka (農家), nhà của ngư dân Gyoka (漁家) và nhà trên núi Sanka (山家) là 4 phân loại thuộc Minka (民家) - nhà ở được xây dựng theo phong cách truyền thống Nhật Bản.
Bên cạnh việc một số người vẫn tiếp tục sống trong các Machiya, hiện nay, nhiều nơi đã được chuyển thành nhà hàng, cửa hiệu hoặc Ryokan (lữ quán).
Cấu trúc thường thấy của một Machiya
Machiya điển hình thường là một ngôi nhà sâu và dài bằng gỗ nằm ở trục đường chính, có cửa ra vào hướng ra mặt tiền đường. Gỗ là vật liệu chính yếu để xây nên ngôi nhà, tường được đắp bằng đất và mái lợp ngói. Các Machiya thường cao từ một hoặc một tầng rưỡi đến hai tầng, đôi khi cũng có những ngôi nhà cao đến ba tầng.
Kiểu nhà Machiya xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các khu phố cổ như Kyoto, Nara hay Kanazawa, và ở mỗi khu vực khác nhau sẽ có một số biến đổi để phù hợp với môi trường, nhiệt độ cũng như đặc điểm từng địa phương. Tuy nhiên, cấu trúc thường thấy của một Machiya sẽ bao gồm Mise/Omoteya (店/おもてや), tức không gian dành để buôn bán, trưng bày hàng hóa ở phía trước và Omoya (母屋) - khu vực sinh hoạt của gia chủ ở bên trong.
Một hành lang dài gọi là Toriniwa (通り庭) chạy từ khu vực nhà chính dọc theo sân trong đến cuối khu đất của căn nhà, nơi đặt nhà kho Kura (倉/蔵). Đây là con đường để vận chuyển hàng hóa từ kho đến cửa tiệm phía trước. Khu vực này cũng bao gồm phòng tắm và nhà vệ sinh.
Không gian giữa Omoteya và Omoya thường gồm một hoặc nhiều khu vườn, được bao quanh bởi mái hiên hẹp gọi là Engawa (縁側). Khu vườn phía sau Omoteya thường khá nhỏ, hầu như không vượt quá kích thước một tsubo (3,3m2) và do đó nó được gọi là Tsubo-niwa (坪庭). Ở đây, người ta thường trồng các giống tre có thể mọc và sinh trưởng trong điều kiện ít ánh sáng.
Ngoài ra còn có thể có một khu vườn nằm ở sân sau, kế bên nhà kho có tên là Oku-niwa (奥庭). Những khu vườn này mang ánh sáng và thiên nhiên vào trong ngôi nhà, và cũng phục vụ một chức năng thiết thực đó là thoát nước và thông gió: khi một khu vườn được tưới nước và những khu vườn còn lại khô, một làn gió tươi mát bắt đầu luân chuyển khắp ngôi nhà.
Phòng sinh hoạt lớn nhất trong một Machiya nằm ở phía sau của tòa nhà chính, nhìn ra khu vườn Oku-niwa ngăn cách khu nhà chính với nhà kho, được gọi là Zashiki (座敷). Căn phòng này còn đóng vai trò làm phòng tiếp khách dành cho những vị khách đặc biệt hoặc khách hàng.
Cửa trượt Shoji và Fusuma được sử dụng để tạo nên các bức tường linh hoạt, có thể đóng/mở hoặc loại bỏ hoàn toàn để thay đổi số lượng, kích thước và hình dạng của các phòng cho phù hợp với nhu cầu của gia chủ tại từng thời điểm.
Thời xưa, độ rộng mảnh đất của Machiya sẽ tỉ lệ thuận với sự giàu có của chủ hộ. Một Machiya điển hình sẽ chỉ rộng từ 5,4-6m nhưng dài đến 20m, lí do là vì vào thời Edo, các cửa hiệu sẽ bị đánh thuế theo chiều rộng mặt tiền của mỗi Machiya. Vì cấu trúc rộng và dài hun hút này mà các Machiya còn được gọi với cái tên khác là “ウナギの寝床 - Unagi no nedoko”, tức “chiếc giường của lươn”.
Những yếu tố thiết kế thường có trong Machiya
Đặc trưng khi nhìn vào một ngôi nhà Machiya đó là các song cửa gỗ Koshi (格子) ở mặt tiền. Điều đặc biệt là thiết kế song cửa sẽ khác nhau tùy thuộc mặt hàng mà nơi đó kinh doanh, chẳng hạn cửa hàng lụa hoặc sợi, cửa hàng gạo, cửa hàng rượu hay Okiya - nhà của các Geisha... Ngoài ra, khi những tấm song cửa này nhô ra khỏi mặt trước của căn nhà, chúng sẽ được gọi là Degoshi (出格子).
Thông thường, những Koshi này sẽ không được sơn phết, nhưng Koshi của Hanamachi (phố đèn đỏ nơi cộng đồng của Geisha và Oiran sinh sống) thường sẽ được sơn đỏ. Mặt tiền của tầng hai thường được làm bằng đất với kiểu cửa sổ đặc biệt gọi là Mushiko mado (虫籠窓), tức cửa sổ lồng côn trùng.
Lối vào chính của một Machiya gồm hai cửa: Odo (大戸) - cửa lớn thường dùng để vận chuyển hàng hóa hoặc mang các vật lớn vào nhà và Kugurido (潜り戸) nhỏ hơn hay còn gọi là cửa phụ để sử dụng hàng ngày, chẳng hạn như làm lối đi. Còn bên trong khu vườn Tsubo-niwa thường sẽ được rải sỏi và bài trí một chiếc đèn lồng đá Toro (灯篭).
Như đã nhắc ở trên, cửa trượt Shoji (障子) và Fusuma (襖) thường được sử dụng trong các Machiya để tạo ra những vách ngăn tạm thời mà không làm phá vỡ tính truyền thống của căn nhà. Bên cạnh đó, những cánh cửa giấy này còn có tác dụng kỳ diệu, giúp ngôi nhà thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông do tính chất thông thoáng và kiểm soát độ ẩm tuyệt vời của giấy Washi.
Các ngôi nhà Machiya truyền thống cũng sử dụng các loại bình phong khác nhau và thay đổi theo mùa, chẳng hạn vào mùa hè, tấm bình phong bằng tre đan sẽ được sử dụng để tránh nắng hắt vào nhưng vẫn đảm bảo có gió lùa.
Cuộc sống bên trong căn nhà gỗ Machiya
Machiya cũng như các kiến trúc nhà ở truyền thống của Nhật Bản nhấn mạnh vào yếu tố hòa hợp với thiên nhiên, đất trời, nơi bạn có thể ngắm nhìn thiên nhiên bốn mùa luân chuyển thông qua những khu vườn được đặt bên trong.
Tuy nhiên, điểm đặc trưng của một Machiya nơi phố thị đó chính là sự kết hợp giữa không gian sống với khu vực kinh doanh, tại đây, ranh giới giữa bên trong và bên ngoài (Uchi - Soto), công cộng và riêng tư khá mơ hồ. Khi bạn di chuyển từ không gian này sang không gian khác của căn nhà, giữa hai thế giới có sự chuyển mình và giao thoa lẫn nhau, hay nói cách khác, bạn ở bên trong mà đồng thời cũng đang ở bên ngoài.
Ngày nay, nhiều Machiya đã được chuyển đổi thành các lữ quán, vì vậy khách du lịch hoàn toàn có thể trải nghiệm cảm giác sống bên trong một ngôi nhà cổ, lắng nghe dòng chảy của thời gian, quá khứ - hiện tại và cảm nhận thiên nhiên hòa hợp ở nơi đây.
Machiya và những nỗ lực bảo tồn
Những nếp nhà gỗ Machiya bất chấp vị thế là một phần di sản của văn hóa Nhật Bản, đã trải qua sự suy giảm số lượng nhanh chóng trong những thập kỉ gần đây, với nhiều ngôi nhà bị phá bỏ để cung cấp không gian cho các tòa nhà mới.
Đề cập đến vấn đề này, người ta đưa ra nhiều lí do để minh chứng cho sự suy giảm của Machiya như khó bảo trì và tốn kém, có nguy cơ thiệt hại do hỏa hoạn hoặc động đất cao hơn các tòa nhà hiện đại, một số ý kiến lại cho rằng chúng đã quá lỗi thời. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2003, hơn 50% số người sống trong các Machiya cho rằng, nguồn tài chính để có thể duy trì Machiya là một khó khăn với họ.
Từ năm 1993 đến năm 2003, hơn 13% Machiya ở Kyoto đã bị phá bỏ. Khoảng 40% trong số đó được thay thế bằng những ngôi nhà mới hiện đại, và 40% khác trở thành chung cư cao tầng, bãi đậu xe hoặc trung tâm thương mại. Với nỗ lực để bảo tồn nét đẹp truyền thống này, một tổ chức đã được thành lập với mục tiêu khôi phục và bảo vệ các Machiya còn sót lại ở Kyoto.
Năm 2005, với sự hỗ trợ của một nhà hảo tâm ở Tokyo, "Quỹ Machiya
Machizukuri" đã được thành lập để cùng với những chủ sở hữu Machiya khôi
phục lại ngôi nhà của họ, giúp kiến trúc này được chỉ định là "Cấu
trúc có tầm quan trọng của cảnh quan". Theo đó, các Machiya được bảo vệ
khỏi việc phá dỡ mà không có sự cho phép của thị trưởng Kyoto, và chính
quyền thành phố cũng cung cấp một khoản phụ cấp cho các chủ sở hữu để hỗ trợ việc duy trì tòa nhà.
kilala.vn