Bạn có nhận ra một sự thật là, hầu hết những đầu bếp chế biến nên Sushi - món ăn trứ danh của Nhật Bản đều là nam giới?
Văn hoá, lối sống tại xứ Phù Tang vẫn tồn tại những quy tắc, lễ giáo khắt khe, đặc biệt là đối với phụ nữ. Họ không được leo lên đỉnh núi thiêng Omine (tỉnh Nara), không được chạm vào vòng đấu Sumo, và với món Sushi cũng vậy. Chuẩn mực, quy định về việc chế biến món ăn đặc trưng của nước Nhật đã tạo ra một hủ tục kỳ lạ, gây khó hiểu với du khách quốc tế. Theo truyền thống, nữ giới không được dạy trở thành đầu bếp làm Sushi và có nhiều câu chuyện giải thích lý do cho điều cấm kỵ này.
Đặc điểm cơ thể của phụ nữ
Nhiều người Nhật quan niệm rằng một số đặc điểm sinh học của phụ nữ sẽ ảnh hưởng đến hương vị của những miếng cá tươi. Cụ thể, bàn tay phụ nữ thì quá nhỏ và ấm nên khó có thể nắm bắt được độ tươi của cá; kinh nguyệt cùng các loại mỹ phẩm trên người phái yếu có thể làm ảnh hưởng đến sự nhanh nhạy của khứu giác và tác động xấu đến hương vị món ăn.
Vào năm 2011, bộ phim tài liệu “Jiro Dreams of Sushi” ra mắt, với nội dung miêu tả nhà hàng Sushi được mệnh danh là ngon nhất thế giới - Sukiyabashi Jiro. Trong phim, bếp trưởng Jiro Ono đã giải thích nguyên nhân khiến phụ nữ vắng bóng trong lĩnh vực này: “Để trở thành đầu bếp Sushi chuyên nghiệp, bạn phải có vị giác cùng khứu giác ổn định. Do chu kỳ kinh nguyệt nên phụ nữ sẽ bị mất cân bằng vị giác, đó là lý do họ không thể làm nghề này”.
Washoku - thế giới của đầu bếp nam
Theo Fumimasa Murakami, một giáo viên tại Học viện Sushi Tokyo, thế giới ẩm thực truyền thống Nhật Bản (Washoku) từ lâu đã bị nam giới thống trị, hơn cả ẩm thực Ý hoặc Pháp. Không có dữ liệu chính thức về sự phân hóa giới tính của các đầu bếp Sushi ở Nhật, nhưng Murakami ước tính phụ nữ chỉ chiếm “ít hơn 10%”.
Ông chia sẻ, vẫn còn định kiến về việc đầu bếp Sushi là nữ giới, nhất là ở các nhà hàng truyền thống lâu đời. Không ít khách hàng không muốn có đầu bếp nữ tại quầy.
Bên cạnh đó, điều cản trở phái nữ tham gia vào công việc chế biến Sushi chính là việc đi chợ, chọn nguyên liệu cá tươi truyền thống. Từ xưa đến nay, các chợ cá chủ yếu do nam giới đứng ra quản lý, điều hành hoạt động, như khu chợ cá Tsukiji ở Tokyo chỉ toàn cánh mày râu giao dịch mua bán. Vì vậy, phụ nữ sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn khi thực hiện giao dịch ở các chợ cá như thế.
Rào cản về vai trò của người phụ nữ
Ngoài ra, với nhiều người thì theo quan niệm phương Đông, nữ giới thường lo toan công việc gia đình, chăm sóc chồng con nên có ít thời gian để toàn tâm toàn ý trong quá trình chế biến Sushi. Món ăn này đòi hỏi sự học tập, rèn luyện mang tính trường kỳ cũng như sự tinh tế, tận tụy trong việc chế biến, tạo nên thành phẩm chất lượng.
Yuki Noguchi, một nữ học viên đã hoàn thành khóa đầu bếp Sushi dài 8 tháng tại Học viện Sushi Tokyo chia sẻ với AFP rằng: “Đầu bếp Sushi hay làm việc vào buổi tối, điều này rất khó khăn với phụ nữ. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng số lượng nữ giới muốn trở thành đầu bếp Sushi ngay từ đầu đã là rất ít”.
Xóa bỏ định kiến cũ kỹ
Chúng ta đang sống trong thời đại bình đẳng giới và tiếng nói nữ quyền được đề cao. Thế nên đối với nhiều phụ nữ Nhật, họ dần dấn thân, không ngần ngại nỗ lực để thực hiện ước mơ tạo ra những miếng Sushi tươi ngon, hấp dẫn.
Và ngày nay, nhiều người đã phá bỏ truyền thống có phần lạc hậu trong nghề làm Sushi. Trên thực tế, các bếp trưởng vẫn tiếp nhận học viên nữ dù không nhiều, nhưng nếu muốn học, phụ nữ vẫn được tạo điều kiện để theo đuổi đam mê.
Nhà hàng Onodera tọa lạc tại khu Ginza của Tokyo là một nơi như thế. Học viên nữ tại đây sẽ phải tìm hiểu tất cả mọi thứ, từ tên các loại cá, cách phân biệt chúng đến việc loại bỏ vảy và cắt lát đúng cách, nhận biết mùi vị cùng độ tươi của cá. Họ thậm chí còn được hướng dẫn cách di chuyển qua những tấm rèm truyền thống bên trong Onodera một cách uyển chuyển nhờ khuỷu tay.
Tại Nhật đã có những đầu bếp Sushi là nữ xuất hiện. Như Oona Tempest, đầu bếp cho nhà hàng Tanoshi Sushi ở New York và là học trò của bậc thầy Toshio Oguma. Hay Yuki Chizui, cô đã mở một nhà hàng Sushi với toàn đầu bếp nữ mang tên Nadeshiko Sushi vào năm 2010. Chizui đã tạo ra một nhà hàng mang phong cách nữ tính, khi thay đổi phương thức làm việc và thái độ với khách hàng.
Theo truyền thống, những đầu bếp Sushi nam luôn im lặng phục vụ khách hàng, còn các đầu bếp nữ ở nhà hàng Nadeshiko Sushi sẽ mang đến không khí thân thiện, gần gũi khi chào hỏi, trò chuyện với thực khách. Yuki luôn chào đón và hướng dẫn tận tình cho những phụ nữ đến đây học nghề, không ngừng nỗ lực để xóa bỏ định kiến giới trong nghề làm Sushi.
Đầu bếp Sushi là một nghề vất vả và khắc nghiệt, đặc biệt là đối với nữ giới khi họ phải đối mặt với nhiều trở ngại, quy tắc hà khắc. Tuy nhiên, cũng trong môi trường ấy, chúng ta chứng kiến nhiều phụ nữ không ngừng đấu tranh và đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trong mảng ẩm thực Sushi tại xứ sở hoa anh đào.
kilala.vn