Vào năm 1966 tại Nhật đã có một hiện tượng kỳ lạ khi số lượng sinh thấp đến bất ngờ. Điều này là do đây là năm Hinoeuma – được xem là năm không may mắn cho bé gái nếu được sinh ra đời.
Năm Hinoeuma là gì?
Tại Việt Nam và một số nước châu Á theo lịch âm, năm 1966 là năm Bính Ngọ - năm ngựa, được kết hợp từ thiên can Bính (Hỏa dương) và địa chi Ngọ (ngựa) và tại Nhật cũng như vậy. Tuy nhiên người Nhật lại khá e ngại khoảng thời gian này, cụ thể là từ ngày 01/01/1966 – 02/1967, họ gọi năm này là Hinoeuma hoặc Ngựa lửa.
Theo quan niệm của người Nhật, những người phụ nữ sinh vào năm ngựa lửa sở hữu tính khí nóng nảy và thường gặp trắc trở trong hôn nhân, bị bạc đãi, chồng chết sớm hoặc sát chồng…
Chu kỳ này sẽ lặp lại sau mỗi 60 năm, nghĩa là đến năm 2026 sẽ là năm Bính Ngọ - Hinoeuma – Ngựa lửa.
Vào năm 2010, những nhà nghiên cứu đến từ Đại học Osaka và Cục Bình đằng giới ở Nhật Bản đã tiến hành khảo sát cuộc sống của những người phụ nữ sinh năm 1966 (năm ngựa lửa gần nhất).
Kết quả cho thấy những người phụ nữ sinh năm này có tỷ lệ ly hôn cao hơn những người phụ nữ sinh trước hoặc sau họ vài năm. Họ cũng ít được tiếp cận với giáo dục cấp đại học và thu nhập hộ gia đình chỉ khoảng dưới 500.000 yên/tháng (khoảng 81 triệu đồng).
Mặc dù các nhà nghiên cứu không xác định cụ thể lý do dẫn đến kết quả cuộc sống tương đối nghèo khó của những phụ nữ này, nhưng họ tin rằng nguyên nhân chủ yếu có thể là do sự phân biệt đối xử đối với những người phụ nữ sinh năm 1966.
Nguyên nhân dẫn đến lời nguyền Hinoeuma
Theo một câu chuyện xa xưa, có một người phụ nữ sinh năm 1666 (năm Bính Ngọ), vì đem lòng yêu một người đàn ông nhưng không được đền đáp, bà đã gây ra một vụ hỏa hoạn lớn ở Edo. Điều này khiến quan niệm phụ nữ sinh vào những năm Hinoeuma sẽ mang tính khí không tốt.
Quan niệm này ảnh hưởng đến xã hội như thế nào?
Năm 1966, Nhật Bản trải qua sự sụt giảm đột ngột về tỷ lệ sinh. Trong những năm 1960, tỷ suất sinh là khoảng 2,0 - 2,1 trẻ em trên một phụ nữ, nhưng vào năm 1966, tỷ lệ này đã giảm đáng kể xuống còn 1,6 trẻ em trên một phụ nữ. Số ca sinh năm 1966 thấp hơn nhiều so với những năm xung quanh, điều này cũng có thể thấy trong tháp dân số của Nhật Bản, nơi có một vết lõm lớn vào năm 1966 (ảnh dưới).
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, số ca sinh năm 1966 là 1.360.974, giảm 25% so với năm 1965.
Nhiều bậc cha mẹ khi đó lo lắng cho con gái mình sẽ gặp bất lợi rất lớn trên đường hôn nhân sau này nên đã chọn cách không sinh con và vào thời điểm đó, các thiết bị y tế chưa đủ để có thể xác định giới tính trẻ từ trong bụng mẹ.
Loại mê tín này có thể có tác động lớn hơn đối với các cuộc hôn nhân sắp đặt, nơi cha mẹ trao đổi ảnh của con trai hoặc con gái của họ thông qua trung gian để tìm kiếm người bạn đời tương lai của con mình. Chính vì thế, năm sinh lúc này cũng là một bất lợi lớn.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi rất nhiều trong vài thập kỷ qua ở Nhật Bản, bao gồm cả cách tìm bạn đời tương lai. Trước năm 1945, hôn nhân sắp đặt chiếm 70% trong tổng số các cuộc hôn nhân, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống còn một nửa vào những năm 1960, dưới 30% vào những năm 1980 và chỉ 5% tổng số cuộc hôn nhân là do sắp đặt vào năm 2010.
Thậm chí để xóa bỏ quan niệm này, Nhật Bản còn thành lập Hiệp hội Hinoeuma để giúp đỡ những người phụ nữ sinh vào năm này trở nên tự tin hơn, thắp lên “ngọn lửa” nhiệt huyết bên trong họ để có thể bước qua trở ngại, tiến đến thành công.
kilala.vn