Linh thần trên đỉnh Tengu

Bài và ảnh: Nguyễn ĐìnhSep 1, 2018

Mặt đỏ, mày chau, cùng chiếc mũi dài quá cỡ… vị linh thần có dáng hình kỳ lạ ấy được người Nhật gọi là Thiên Cẩu (Tengu). Nơi cư ngụ của thần là các khu rừng trên đỉnh núi cao. Theo truyền thuyết, Thiên Cẩu từng là ác thần, mang lại chiến tranh, điềm dữ, chuyên cám dỗ người tu hành, nhưng nay đã trở thành một vị thần bảo hộ, may mắn, bình an và hạnh phúc theo văn hoá – tín ngưỡng dân gian Nhật Bản.

ngọn núi Tengu nơi có đền thờ Thiên Cẩu

Ngọn núi cùng tên Tengu - nơi có đền thờ Thiên Cẩu. (Ảnh: Nguyễn Đình)

Rất nhiều danh sơn ở Nhật Bản có Thiên Cẩu ngự trị, riêng ở thành phố cảng Otaru trên vùng Bắc Hải Đạo (Hokkaido), có duy nhất một ngọn núi cùng tên Tengu - nơi có đền thờ Thiên Cẩu với gương mặt khổng lồ cùng một bộ sưu tập hơn 700 mặt nạ Thiên Cẩu độc đáo từ khắp Nhật Bản. Thăm thú non cao Thiên Cẩu ở Otaru chính là một hành trình thưởng ngoạn hấp dẫn để cùng gặp gỡ, tìm hiểu và khám phá câu chuyện về vị linh thần có diện mạo kỳ lạ trên đất Nhật.

Chiếc mũi dài Thiên Cẩu 

hình vẽ Thiên Cẩu
Thiên Cẩu trong hội họa (Ảnh: Nguyễn Đình)

Ở Nhật Bản, những dấu chỉ bằng hình ảnh về Thiên Cẩu tìm được sớm nhất có niên đại từ thế kỷ 6 – 7, cũng là thời điểm Phật giáo du nhập từ Hàn Quốc và Trung Quốc vào Nhật Bản và trở nên thịnh hành. Từ nguyên của vị thần Thiên Cẩu – Tengu ở Nhật Bản được cho rằng chính là Tian-Gou (Thiên Cẩu: phát âm theo tiếng Hoa). Điều đặc biệt là, trong nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, Thiên Cẩu được miêu tả như một sinh vật hình người với mỏ chim dài, có cánh và móng vuốt nên được gọi là “Karasu Tengu”, tức “Thiên Cẩu hình người mỏ quạ”. Tuy nhiên, về sau, hình ảnh Thiên Cẩu dần được nhân cách hóa với hình dáng của một đạo sĩ cùng chiếc mũi dài, nên được gọi là “Hanataka Tengu”, tức “Thiên Cẩu hình người mũi dài”.

linh thần Thiên Cẩu sẽ được trang trí

Tùy từng vùng miền trên đất Nhật, linh thần Thiên Cẩu sẽ được trang trí mang các sắc thái biểu cảm khác biệt

Nguyên do Thiên Cẩu mang hình người mũi dài (Hanataka Tengu) có rất nhiều lý giải thú vị, khởi nguyên của Thiên Cẩu ở Nhật Bản cũng là một loài động vật giống chó, giống cáo, hay còn được gọi là hồ ly tinh, chuyên dùng phép thuật bắt cóc và ăn thịt trẻ con, gây nên chiến tranh, hoả hoạn. Và bởi vì là loài bốn chân nên khi xuất hiện thường biến thành hình người để dễ thực hiện điều ác. Tuy biến hoá thành hình người, nhưng chiếc bóng của Thiên Cẩu vẫn không giấu được chiếc mõm dài, do vậy hình tượng Thiên Cẩu dù mang hình người nhưng có thêm chiếc mũi dài là vậy. 

Riêng với Thiên Cẩu hình người mỏ chim (Karasu Tengu), dáng hình này xuất hiện ở Nhật Bản từ thế kỷ 7, được cho là sự kết hợp thú vị giữa Hindu giáo và Phật giáo. Trong Hindu giáo cũng có một vị thần tương tự như Thiên Cẩu mang thân người mỏ chim, gọi là Garuda – vật cưỡi của thần Vishnu, một trong tam thần tối cao của Hindu giáo (Brahma – Shiva – Vishnu). Thuyết giải về dáng hình Thiên Cẩu mỏ chim được cho là sự vay mượn từ hình ảnh chim thần Garuda. Thêm một lý giải khác là ở vùng Hokkaido có loài chim cú săn cá, với sải cánh lên đến 1,8m, cũng được cho là khởi hình của vị thần Thiên Cẩu mỏ chim.

Trên đỉnh Tengu

Otaru ở Hokkaido là thành phố cảng sầm uất trong vịnh Ishikari. Nơi đây từng là thương cảng trọng yếu của vùng Hokkaido, là điểm tham quan lý tưởng của toàn vùng với nhiều danh thắng, di tích mang tính lịch sử như kênh đào Otaru, bảo tàng hộp âm nhạc, các lò sản xuất thuỷ tinh truyền thống, và đặc biệt là món Sushi phố cổ Otaru nổi tiếng. 

Otaru có một điểm cao lý tưởng để quan sát toàn thành phố, đó là núi Tengu. Từ trung tâm phố cổ, chỉ mất khoảng 10 phút đi xe là đến được chân núi Tengu ngay phía sau thành phố. Danh sơn này là một địa chỉ đỏ ở Hokkaido khi mùa đông đến, những con dốc trải dài từ đỉnh núi trở thành các đường trượt tuyết hấp dẫn du khách đến từ khắp thế giới. Đây cũng là nơi đầu tiên xuất hiện môn thể thao trượt tuyết ở Hokkaido.

Linh thần trên đỉnh Tengu

Rất nhiều người bản địa lên đỉnh Otaru mỗi ngày để gửi gắm linh thần Thiên Cẩu các lời khấn, khiến chiếc mũi dài của thần đổi màu do bị xoa quá nhiều. (Ảnh: Nguyễn Đình)

Trong khu rừng trên đỉnh núi Tengu, có ngôi đền nơi thờ vị linh thần Thiên Cẩu. Người Otaru mỗi khi lên đỉnh núi, đều tìm đến đền thờ này và dùng tay vuốt vào chiếc mũi dài trên gương mặt Thiên Cẩu để gửi gắm lời khấn nguyện. Điều thú vị là tùy vào nội dung khấn nguyện mà cách vuối mũi Thiên Cẩu cũng khác nhau. 

Nếu cầu làm ăn phát đạt, cầu bình an khi đi đường, dùng hai tay nhẹ nhàng xoa hai bên cánh mũi. Cầu học vấn thành công, đặt tay hai bên sống mũi và vuốt mạnh cùng lúc về chóp mũi. Cầu bình an cho gia đình, dùng từng tay xoa cánh mũi ba lần, cầu mẹ tròn con vuông, cầu con cái lớn mạnh, dùng tay xoa chóp mũi. 

Rất nhiều người bản địa lên đỉnh Otaru mỗi ngày để gửi gắm linh thần Thiên Cẩu các lời khấn, khiến chiếc mũi dài của thần đổi màu do bị xoa quá nhiều. Đây cũng là dấu chỉ chứng tỏ sự linh thiêng của Thiên Cẩu ở Otaru trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản. 

mặt nạ Tengu

Bộ sưu tập mặt nạ Thiên Cẩu với đủ mọi kích cỡ, chất liệu, phong cách và mục đích sử dụng. (Ảnh: Nguyễn Đình)

Bên cạnh đền thờ Thiên Cẩu, đỉnh Otaru cũng sở hữu một không gian trưng bày độc đáo, là bộ sưu tập mặt nạ Thiên Cẩu với đủ mọi kích cỡ, chất liệu, phong cách và mục đích sử dụng. Từ các mặt nạ Thiên Cẩu thường thấy xuất hiện trong kịch Nô đến các mặt nạ phục vụ lễ hội, thờ cúng, và trong cả các sáng tác mỹ thuật… tất cả được sắp xếp liên hoàn, tạo nên một không gian đặc biệt ấn tượng với những khuôn mặt Thiên Cẩu mang đủ hình thái cảm xúc khác biệt. Không gian trưng bày này là nơi có bộ sưu tập Thiên Cẩu lớn nhất Nhật Bản và được xem như một bảo tàng trưng bày chuyên đề về Thiên Cẩu, nơi người xem phần nào hiểu thêm về ngoại hình, tính cách và tích truyện thú vị của linh thần Thiên Cẩu xứ Phù Tang. 

Nguyễn Đình / kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU