Lễ Tiết phân trong gia đình người Nhật

Bài: Inako / Ảnh: PIXTAJan 14, 2018

Khoảng ngày 3/2 ở Nhật được gọi là ngày Tiết phân. Đây là ngày mà các thành viên trong gia đình sẽ cùng quây quần bên nhau để thực hiện nghi thức xua đuổi ma quỷ, nguyện cầu những điều tốt lành cho năm mới. Trong vô vàn những phong tục và lễ hội tại Nhật Bản, lễ Tiết phân luôn là một trong những sự kiện được người Nhật quan tâm và đóng vai trò không thể thay thế trong xã hội Nhật Bản hiện đại.

Tiết phân là gì?

lễ Tiết phân gia đình người Nhật
(Ảnh: photomai/PIXTA)

Về mặt văn tự, Tiết phân (節分, Setsubun) có nghĩa là “sự phân chia giữa các mùa”, nhằm chỉ ngày trước khi bước vào các tiết Lập xuân, Lập hạ, Lập thu và Lập đông. Tuy nhiên, bởi sự kiện đón xuân quan trọng với người Nhật hơn cả, nên kể từ thời kì Edo trở đi, Tiết phân chỉ được dùng để nhắc tới ngày trước ngày Lập xuân. Nếu ngày đầu tiên của tiết Lập xuân được người Nhật coi như thời điểm khởi đầu của năm mới, thì ngày Tiết phân cũng quan trọng tương đương với ngày 30 tháng Chạp. 

Thêm vào đó, người phương Đông ngày xưa thường quan niệm rằng thời điểm giao mùa là lúc ma quỷ dễ dàng xâm nhập vào nhà nhất. Vì vậy mà ở Trung Quốc cổ đại, vào ngày 30 tháng Chạp, người dân thường tổ chức lễ hội xua đuổi tà ma. Đến thời kì Nara, tập tục này du nhập vào Nhật Bản, sau đó dần dần trở thành một sự kiện lớn trong cung đình Heian. Tại lễ hội này, sẽ có những người hoá trang thành quỷ để cho những người cầm mâu và khiên tiến tới ném đậu vào người để xua đuổi. Sang thời Edo thì tập tục này được biến tấu ít nhiều khi đi vào các tầng lớp bình dân.

Các tập tục truyền thống trong lễ Tiết phân tại gia Nhật Bản

Ném, rải và ăn đậu nành rang

Ngày nay, bên cạnh những lễ hội xua đuổi ma quỷ được tổ chức tại các đền thờ và chùa chiềng lớn trên toàn quốc, các tập tục của lễ Tiết phân cũng được thực hiện tại gia. Theo truyền thống, sẽ có một thành viên trong nhà đeo mặt nạ quỷ để hoá thân thành quỷ. Nhân vật quỷ này tượng trưng cho tà khí và tai ương, và ý nghĩa của tập tục ném đậu nành rang vào quỷ là để xua đuổi điều xui xẻo, cầu may mắn đến nhà. Trong đó, đậu nành là một trong năm loại ngũ cốc quan trọng xưa nay, được cho là có linh lực trú ngụ. Hơn nữa, âm đọc chữ “đậu” là “mame” (豆) trong tiếng Nhật lại trùng với chữ “mắt của ma quỷ” (魔目), nên việc ném các loại đậu nói chung vào mắt của ma quỷ (ở đây là tượng trưng cho ma quỷ) có thể giúp tiễu trừ tà khí, giảm thiểu lượng ma quỷ. 

tập tục trong lễ Tiết phân

Ném đậu nành rang, hoạt động không thể thiếu trong lễ Tiết phân (Minh họa: preart/PIXTA)

Tuy nhiên, loại đậu sử dụng trong lễ Tiết phân nhất thiết phải là đậu đã được rang. Người Nhật cho rằng nếu sử dụng đậu tươi và quên nhặt lại chúng sau khi đã ném hoặc rải, chồi non mọc lên từ đó sẽ mang lại xui xẻo. Bên cạnh đó, động từ “rang” (炒る) và “bắn trúng” (射る) trong tiếng Nhật lại có cùng âm đọc là “iru”, nên chỉ cần dùng “đậu đã rang” thì sẽ có thể “bắn trúng vào mắt quỷ”. 

Ban đêm là thời điểm thích hợp nhất để ném và rải đậu. Bởi Âm dương đạo quan niệm quỷ môn nằm ở hướng Đông Bắc và tương ứng với khoảng 2 – 4 giờ đêm, nên người Nhật cho rằng quỷ từ quỷ môn sẽ đến vào lúc đêm khuya từ hướng Đông Bắc. Do đó, nếu ném và rải đậu vào khoảng thời gian này sẽ khiến ma quỷ không thể xâm nhập vào nhà. 

Tại nhiều gia đình Nhật Bản, người đóng vai quỷ sẽ là bố, còn trẻ con sẽ đuổi theo để ném đậu. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng cách chọn như vậy là nhầm lẫn, bởi không thể để người là trụ cột gia đình bị xua đuổi đi. Do đó người đóng vai quỷ thích hợp nhất sẽ là người mẹ hoặc anh trai lớn. 

Thêm vào đó, người thực hiện nhiệm vụ rải đậu ngay sau đó thường sẽ là gia chủ trong nhà. Tuy vậy, nếu trong gia đình có người rơi vào năm hạn hoặc năm tuổi, thì nhiệm vụ xua đuổi tai ương của năm sẽ được giao cho người đó. Hai câu “thần chú” quan trọng thường được đọc khi rải đậu là: “Oni wa soto” (Quỷ hãy ở bên ngoài) và “Fuku wa uchi” (May mắn hãy ở lại trong nhà). Thứ tự nơi rải sẽ là từ phòng trong cùng ra đến các phòng còn lại, cuối cùng là sảnh đón khách. 

Sau khi kết thúc nghi thức rải đậu, người Nhật sẽ ăn số đậu đã rải để cầu chúc một năm mới tràn đầy may mắn, giúp cơ thể xua tan tà khí và tránh được bệnh tật. Mỗi hạt đậu được coi là tượng trưng cho một tuổi, vì vậy người Nhật sẽ ăn số đậu tương ứng với số tuổi của mình hoặc cộng thêm một.

Ăn Ehomaki

phong tục ăn Ehomaki
Nhân của Ehomaki là sự hòa trộn của 7 nguyên liệu khác nhau, tượng trưng cho 7 vị thần may mắn

Có một phong tục nữa xuất hiện trong ngày lễ Tiết phân đó là ăn Ehomaki. Phong tục này bắt nguồn từ tập quán ăn Sushi cuộn rong biển để cầu mong mua may bán đắt ở các phố chợ lớn hay giới thương nhân Osaka thời Taisho. Khi ăn Ehomaki, người Nhật thường quay mặt về “Eho” – phương hướng được coi là may mắn nhất của năm đó để cầu mong điều ước sẽ đạt thành, tránh được tai họa, bệnh tật và kinh doanh thuận lợi. Nhân của Ehomaki là sự hòa trộn của 7 nguyên liệu khác nhau, tượng trưng cho 7 vị thần may mắn. Chúng có thể thay đổi tùy theo thời đại lịch sử và phong thổ địa phương.

Bên cạnh đó, khi ăn Ehomaki, người Nhật thường không dùng dao cắt thành khoanh mà để nguyên cuộn để vận may được trọn vẹn. Ngoài ra, trong bữa ăn cũng phải giữ im lặng từ đầu đến cuối để may mắn không thoát khỏi miệng mà bay mất đi.

Treo đầu cá mòi cơm và nhành đông thụ ở trước hoặc trong nhà

đầu cá mòi
(Ảnh minh họa: tea/PIXTA)

Người Nhật ngày xưa vẫn thường dùng vật nặng mùi hoặc sắc nhọn để xua đuổi tà ma. Từ đó mới nảy sinh ra phong tục treo cá mòi cơm (Iwashi) và nhành đông thụ (Hiigari) vào ngày Tiết phân ở trước hoặc trong nhà người Nhật. Ngày nay, chúng đã trở thành biểu tượng không thể vắng bóng của ngày lễ Tiết phân.

Inako / kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU