Lễ hội Jidai - bức tranh cuộn về các triều đại lịch sử Kyoto
Bài: Kim Oanh / Ảnh: iStock, 123rfOct 15, 2017
Lễ hội Jidai tái hiện lịch sử chân thực và nghiêm túc
Thành phố Kyoto ( Kyoto-shi ), thuộc phủ Kyoto ( Kyoto-fu) đã từng là kinh đô của Nhật Bản trong suốt hơn hơn 1000 năm với tên gọi là Heian-kyo. Đó là một giai đoạn lịch sử quan trọng, kể từ khi Thiên hoàng Kanmu ban chiếu dời đô từ Nagaoka đến Heian-kyo vào năm 794, cho đến năm 1868 khi triều đình Minh trị quyết định dời kinh đô về Edo (Tokyo).
Jidai Matsuri, có nghĩa là Lễ hội Thời đại, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1895, nhân kỷ niệm 1100 năm sự kiện dời đô từ Nagaoka đến Heian của Thiên hoàng Kanmu (781-806). Vì vậy, ý nghĩa ban đầu của lễ hội là nhằm tôn vinh công lao của vịThiên hoàng này. Năm 1895 cũng là thời điểm đền Heian vừa được xây dựng xong.Sau thành công của lần tổ chức đầu tiên, Jidai Matsuri được tiếp tục tổ chức trong năm tiếp theo và trở thành một lễ hội thường niên của cố đô. Từ năm 1896, ngày tổ chức lễ hội được xác định chính thức là ngày 22 tháng 10 vốn là ngày dời đô từ Nagaoka sang Heian-kyo. Bên cạnh đó, ngoài việc tôn vinh Thiên hoàng Kanmu, lễ hội còn tôn vinh Thiên hoàng Komei (1831~1867), là người có công trong việc khẳng định vai trò của Heian-kyo trong giai đoạn quyền lực nằm trong tay Mạc phủ Tokugawa tại Edo.Đồng thời ông cũng là vị Thiên hoàng cuối cùng trị vì tại Heian-kyo.
Thời gian diễn ra lễ hội bắt đầu từ 7g30 sáng tại đền Heian. Sau khi các nghi lễ tại đền Heian kết thúc, linh hồn của hai vị Thiên hoàng Kanmu và Komei, tượng trưng cho sự thiêng liêng của thần linh, sẽ được rước lên kiệu Mikoshi. Cùng với đám rước thần, kiệu Mikoshi sẽ được khiêng đến cung điện Kyoto, là nơi sinh sống trước đây của hai vị Thiên hoàng.
Cuối cùng, đúng vào lúc 12 giờ, thần linh lại được rước lên kiệu trở về điện Heian. Lần này, cùng với sự trở về đám rước thần là đoàn diễu hành tái hiện các nhân vật lịch sử, phong tục, trang phục v.v.. của các triều đại lịch sử trong suốt 1100 năm từ thời Heian đến Meiji. Sự đầu tư nghiêm túc và tỉ mỉ trong việc tái hiện lịch sử của các nhà tổ chức lễ hội đã khiến cho lễ hội này được xem như một cuốn sách giáo khoa lịch sử chân thực và sinh động mang đến cho người tham dự sự trải nghiệm về quá khứ hào hùng của dân tộc Nhật Bản.
Màn trình diễn các phong tục tập quán đặc sắc của cố đô
Aoi Matsuri, Gion Matsuri và Jidai Matsuri là ba lễ hội lớn nhất (Sandaisa-三大祭) của Kyoto. Nếu hai lễ hội Aoi Matsuri và Gion Matsuri gắn liền với ý nghĩa xua đuổi dịch bệnh, thiên tai, cầu mong sức khỏe thì Jidai Matsuri được nhắc đến như một bức tranh cuộn tái hiện thành công phong tục tập quán, trang phục và các nhân vật lịch sử của các triều đại lịch sử tồn tại ở cố đô trong suốt hơn 1000 năm lịch sử. Trong lần tổ chức năm 2014, Jidai Matsuri có 18 đoàn diễu hành, chủ yếu trình diễn trang phục, phong tục, nhân vật lịch sử thuộc 9 thời đại: Meiji, Edo, Azuchi Momoyama, Yoshino, Muromachi, Kamakura, Fujiwara, Heian, Enryaku (bao gồm cả thời Nara).
Với du khách tham dự lễ hội, việc chiêm ngưỡng sự trình diễn của đoàn diễu hành này trong đoạn đường dài hơn 2km từ cung điện Kyoto đến đền Heian chính là điều thú vị nhất. Bên cạnh đó, một trong những đặc điểm gây ngạc nhiên nhất của đoàn diễu hành là sự trình diễn theo trật tự đảo ngược các thời kỳ lịch sử. Đi đầu đoàn diễu hành là đoàn quân Yamagunicủa thời Meiji (1868), đưa người xem lần lượt trở về từng thời kỳ lịch sử đã qua của Kyoto và kết thúc là đoàn diễu hành thời Nara (794). Cảm giác chiêm ngưỡng một đoàn diễu hành theo trình tự ngược dòng lịch sử trong một không gian mà hình ảnh của quá khứ được tái hiện một cách chân thực đã tạo cảm xúc mạnh mẽ và khó quên trong tâm trí của người xem. Không những vậy, hình ảnh củakiệu Mikoshi, đám rước, nhân vật lịch sử, trang phục cung đình cùng với tiếng nhạc réo rắt khiến người tham dự đang đắm mình trong bầu không khí thiêng liêng của lễ hội có cảm giác như được chứng kiến từng thời khắc lịch sửcủa cố đô. Đó cũng chính là điểm nhấn quan trọng của lễ hội này.
Có thể nói, đối với người dân đang sinh sống ở Kyoto, ý nghĩa của Jidai Matsuri cũng không nằm ngoài sự tôn kính tổ tiên, thần linh, gửi gắm niềm tin, cầu mong thần linh ban cho mình một cuộc sống bình an, khoẻ mạnh. Đồng thời, việc phục dựng và trình diễn các phong tục tập quán của các thời đại lịch sử trong lễ hội Jidailà một thông điệp rõ ràng về nhu cầu giữ gìn và phát triển văn hóa tâm linh gắn liền với chủ nghĩa dân tộc của người dân Nhật Bản. Giá trị này đã trở thành một yếu tố xuyên suốt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của lễ hội truyền thống ở quốc gia này. Vì vậy, dù được tái hiện bằng bất cứ hình thức nào, Jidai Matsuri nói riêng và các lễ hội truyền thống Nhật Bản khác luôn mang đến cho người tham dự một ấn tượng khó phai về một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc bậc nhất trên thế giới.
Kim Oanh/kilala.vn