Trong lịch sử Nhật Bản, nếu bên cạnh những Samurai nam sở hữu kiếm thuật thần sầu là các Samurai nữ quả cảm nhưng lại ít được nhắc đến, thì giới nhẫn giả cũng có những Ninja nữ với đủ tài nghệ được gọi là Kunoichi. Tuy nhiên, thực hư về sự tồn tại của họ vẫn gây tranh cãi bởi không còn nhiều tài liệu lịch sử ghi chép về Kunoichi được lưu lại.
Kunoichi là ai?
Ban đầu, Kunoichi (くノ一) là một từ lóng dùng để chỉ người phụ nữ trong thời Edo nhưng ít được sử dụng, dần dà nó được dùng với nghĩa “Ninja nữ” trong văn hóa đại chúng nhờ vào tác phẩm "Ninpou Hakkenden" (năm 1964) của tiểu thuyết gia Yamada Futaro.
Là những Ninja nữ, Kunoichi cũng được huấn luyện Ninjutsu (Nhẫn thuật)
dành riêng cho họ, thành thạo nhiều loại vũ khí khác nhau và trở
thành gián điệp để thu thập thông tin mật. Tuy nhiên, họ còn
được đào tạo nhiều kỹ năng khác như vu nữ Miko, Geisha, thậm chí là gái
bán hoa để hành động mà không bị nghi ngờ. Do vậy, Kunoichi dễ dàng xâm
nhập vào những địa bàn mà Ninja nam khó lòng tiếp cận.
Về nguồn gốc của "Kunoichi", từ này được cho là hình thành từ các ký tự giống với ba nét của chữ “女 – Onna – Nữ”: nét thứ nhất giống với chữ “く– Ku” rong bảng chữ cái Hiragara, nét thứ hai giống với chữ “ノ – No” trong bảng chữ cái Katakana và nét gạch ngang giống với chữ Kanji “一 – Nhất”.
Những tranh cãi xoay quanh sự tồn tại của Kunoichi
Mặc dù Kunoichi xuất hiện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật như tiểu thuyết, phim truyền hình, điện ảnh, manga, nhưng một số nhà nghiên cứu lịch sử lại phủ nhận sự tồn tại của họ.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà sử học đến từ Đại học Mie như Yuuji Yamada, Katsuya Yoshimaru và một số thành viên khác cho thấy vẫn chưa có tài liệu lịch sử nào ghi nhận Ninja nữ thực hiện nhiệm vụ do thám, nội gián giống như Ninja nam.
Theo Yoshimaru, từ "Kunoichi" được dùng với nghĩa là “Ninja nữ” chỉ được bắt nguồn từ tiểu thuyết thời hiện đại "Ninpou Hakkenden" có sức ảnh hưởng lớn của tác giả Yamada Futaro.
Tuy nhiên, trong tập 8 của cuốn sổ tay hướng dẫn Ninja "Bansenshukai" được viết vào năm 1676, "Kunoichi-no-jutsu" (くノ一の術) đã được đề cập và được hiểu là nhẫn thuật Ninjutsu được sử dụng bởi phụ nữ.
Tuyển tập "Bansenshukai" gồm những kiến thức về các gia tộc Ninja tại vùng Iga và Kouka. Theo cuốn sách này, nhiệm vụ chính của Kunoichi là gián điệp thâm nhập vào làm thuê cho gia đình của kẻ thù để thu thập thông tin tình báo, cố gắng xây dựng lòng tin của họ để nghe lén các cuộc hội thoại mật. Kunoichi-no-jutsu được sử dụng khi nhiệm vụ gián điệp khó tiếp cận với tư cách là một Ninja nam.
Xem thêm: Onna-bugeisha: Những nữ Samurai quả cảm bị lãng quên
Sự tồn tại của Kunoichi cũng được củng cố phần nào qua hiện tượng nữ Ninja có thật trong lịch sử. Một hậu duệ quý tộc là Mochizuki Chiyome sống ở thế kỷ 16, phục tùng dưới trướng của lãnh chúa Takeda Shingen, đã tuân lệnh và tuyển dụng phụ nữ để tạo nên một lực lượng gián điệp lên đến hàng trăm người.
Vũ khí của Ninja nữ
Theo "Bansenshukai", Kunoichi cũng được huấn luyện thành thạo nhiều loại vũ khí khác nhau, trong đó có Neko-te, được dùng như móng tay giả để đâm vào cổ đối phương và có thể được tẩm độc trước khi ám sát.
Ngoài ra, các Ninja nữ còn dùng Tessen, quạt gấp được làm bằng kim loại như một vũ khí bí mật. Bởi bấy giờ, quạt đã trở thành một vật dụng cá nhân quen thuộc với nhiều người nên sẽ tránh được sự nghi ngờ. Thêm vào đó, các Kunoichi còn tẩm thuốc độc vào rượu của đối thủ để nhanh chóng hạ gục họ.
Mochizuki Chiyome, nữ Ninja lừng danh
Mochizuki Chiyome (望月 千代女) chính là biểu tượng cho tinh thần chiến đấu anh dũng của phụ nữ Nhật khi trở thành thủ lĩnh của đội quân Kunoichi hàng trăm người phục vụ cho gia tộc Takeda. Là một người “văn thao võ lược”, Chiyome còn là một nhà thơ.
Bà là hậu duệ của Ninja Mochizuki Izumo-no-Kami sống ở thế kỷ 15, thuộc gia tộc Ninja Koga và kết hôn với Mochizuki Moritoki, lãnh chúa Samurai của quận Saku, tỉnh Shinano (nay là tỉnh Nagano). Bản thân chồng bà cũng là họ hàng xa với Izumo-no-Kami.
Tuy nhiên, biến cố đã ập tới cuộc đời bà khi người chồng Moritoki tử trận trong loạt trận chiến Kawanakajima từ năm 1553 đến năm 1564 giữa lãnh chúa Takeda Shingen cai trị tỉnh Kai (nay là tỉnh Yamanashi) và lãnh chúa Uesugi Kenshin đến từ tỉnh Echigo (này là tỉnh Niigata).
Từ đó, Chiyome được bảo trợ bởi người chú của chồng, chính là lãnh chúa Takeda Shingen – thủ lĩnh của gia tộc Takeda. Lãnh chúa Takeda sau đó đã trao nhiệm vụ thành lập một đội Ninja nữ chống lại lực lượng đối địch cho Chiyome.
Kế hoạch mà lãnh chúa Takeda muốn thực hiện là đào tạo toàn diện một đội quân nữ hoạt động dưới hình thức gián điệp để thu thập thông tin tình báo cho phe cánh của gia tộc Takeda. Sau khi suy tính, lãnh chúa nhận ra Chiyome chính là người thích hợp nhất cho nhiệm vụ này bởi bà xuất thân từ dòng dõi Ninja Koga danh giá.
Chấp nhận nhiệm vụ được giao phó, Chiyome đã triển khai kế hoạch tại làng Nezu thuộc vùng Shinshuu (nay là Tomi, tỉnh Nagano) và tiến hành tìm kiếm những ứng cử viên tiềm năng. Theo đó, bà đã tuyển dụng những cô gái bán hoa, nạn nhân của những cuộc chiến thời Chiến quốc và cả các cô gái trẻ mồ côi.
Họ được Chiyome huấn luyện gắt gao để có thể trở nữ tình báo, người đẹp chuyên mê hoặc đàn ông, sát thủ, và thậm chí còn được dạy các kỹ năng của vu nữ Miko ở các đền Thần đạo để thuận tiện hoạt động mà bị phát hiện. Theo thời gian, đội quân nữ gián điệp còn học thêm kỹ năng của các nghề khác như diễn viên, gái bán hoa hay Geisha để dễ dàng hành động trong nhiều bối cảnh khác nhau.
Sau cùng, nữ Ninja tài năng Chiyome đã thiết lập nên một mạng lưới gián điệp gồm 200 đến 300 người dưới trướng gia tộc Takeda. Với sự giúp sức của lực lượng Kunoichi hùng hậu, lãnh chúa Takeda luôn được thông báo mọi diễn biến của kẻ địch, giúp ông luôn đi trước đối thủ một bước trong thời gian dài, mãi cho đến khi lãnh chúa qua đời đầy bí ẩn vào năm 1573. Từ đó về sau, tin tức về nữ Ninja Chiyome cũng dần biến mất khỏi các ghi chép lịch sử.
Truyền cảm hứng cho phim ảnh, trò chơi điện tử
Là nữ Ninja hiếm hoi có thật trong lịch sử, Chiyome trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà làm phim, họa sĩ hay nhà sáng tạo trò chơi điện tử. Trong bộ phim "Sanada Yukimura no Bouryaku" (tựa tiếng Anh: The Shogun Assassins) năm 1979, diễn viên Yatsuko Tanami đã vào vai nữ Ninja Chiyome, ngoài ra, bà còn trở thành nhân vật chính trong tiểu thuyết lịch sử "Risuko" của tác giả David Kudler.
Đặc biệt, Chiyome chính là hình tượng nữ Ninja được rất nhiều nhà sản xuất trò chơi điện tử khai thác, điển hình như nhân vật chính trong trò chơi "Red Ninja: End of Honor", hay xuất hiện trong "Samurai Warriors", "Nobunaga's Ambition: Souzou (DLC)", "Puzzle & Dragons" và "Toukiden: The Age of Demons".
Ngoài ra, câu lạc bộ bóng đá nữ của thành phố Iga, tỉnh Mie còn lấy tên gọi của Ninja nữ làm tên đội “Iga FC Kunoichi” hay bộ phim "Kunoichi" (2011) của đạo diễn Seiji Chiba đều lấy cảm hứng từ những nữ gián điệp bí ẩn này.
kilala.vn