Kinue Hitomi: Nữ vận động viên Olympic đầu tiên của Nhật Bản

Bài: Rin Jul 10, 2021

Là nữ vận động viên đầu tiên của Nhật Bản tham dự Olympic và đạt huy chương vàng hạng mục chạy 800m, Kinue Hitomi trở thành người tiên phong và tạo bước đà giúp phụ nữ Nhật khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực thể thao. Tuy nhiên, cô đã phải đấu tranh với nạn phân biệt đối xử khủng khiếp giữa nữ và nam vận động viên thời bấy giờ. Dù ra đi ở tuổi 24 xuân xanh, nhưng những gì Kinue để lại vẫn còn vang vọng đến tận ngày hôm nay. 

Bộc lộ tài năng từ rất sớm

Kinue Hitomi (人見絹枝) sinh ngày 1/1/1907 tại thành phố Okayama trong một gia đình tá điền khá giả. Do đó, cô đã được tạo điều kiện theo học tại Trường trung học nữ sinh Okayama – một trong những ngôi trường tốt nhất tại đây. Lúc này, phụ nữ Nhật bắt đầu tham gia vào nhiều môn thể thao, nổi bật như vận động viên quần vợt Isoko Asabuki. Đây cũng là môn thể thao đầu tiên Kinue chọn để luyện tập, và với tài năng bộc lộ, cô nhanh chóng được chọn vào đội tuyển quần vợt của trường. Tuy nhiên, môn điền kinh mới thực sự là nơi Kinue toả sáng, dù điền kinh gồm tập hợp nhiều môn thể thao cạnh tranh: đi bộ, chạy cự ly, nhảy cao, nhảy xa, ném lao, ném đĩa, ném búa, ném tạ và yêu cầu có sự phát triển toàn diện về thể lực. 

bat-dau-choi-quan-vot
Khởi đầu với môn quần vợt, nhưng Kinue toả sáng ở bộ môn điền kinh. Ảnh: melos.media, ssf.or.jp

Vào tháng 11 năm 1923, Kinue 16 tuổi lần đầu tiên tham gia thi đấu tại Đại hội thể thao phụ nữ tỉnh Okayama lần 2 và đã lập được kỷ lục quốc gia không chính thức ở môn nhảy xa với thành tích 4m67. Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho thể thao, tháng 4/1924, Kinue theo học tại Cao đẳng giáo dục thể chất nữ tại Setagaya, Tokyo. Tháng 10 cùng năm, cô trở lại quê nhà để tham gia Đại hội thể thao nữ Okayama lần 3 và tiếp tục lập kỷ lục thế giới không chính thức ở hạng mục nhảy xa ba bước với thành tích 10m33. Cùng năm này, Kinue tiếp tục ghi 2 kỷ lục thế giới tại Đại hội thể thao Đền Meiji năm 1924: nhảy xa ba bước với thành tích 11m35 và phóng lao với thành tích 26m37. Tháng 10/1925, tại Đại hội thể thao Osaka lần 4, cô không chỉ giành vị trí cao nhất ở cự ly chạy 50m, mà còn phá kỷ lục của bản thân ở môn nhảy xa ba bước với 11m62. Tên tuổi của Kinue tiếp tục vang danh khi đứng đầu 2 hạng mục này Đại hội thể thao đền Meiji năm 1925 ở Tokyo. 

Bước đệm trước thềm thi đấu Olympic 1928 

Sau khi nhận công việc tại toà soạn Osaka Mainichi Shimbun vào tháng 4/1926, Kinue vẫn tiếp tục niềm đam mê thể thao khi tham gia Thế vận hội nữ lần 3 do tờ báo Miyoshino tổ chức vào tháng 5. Tại đây, Kinue đã ghi 3 kỷ lục quốc gia không chính thức: nhảy xa 5m06, ném tạ 10m39 và môn thi 100m vượt rào với thành tích 15,4 giây. 

Đặc biệt, vào tháng 8 năm 1926, Kinue là đại diện duy nhất của Nhật Bản tham gia Thế vận hội dành cho nữ tại Gothenburg, Thụy Điển. Để tham gia thi đấu, cô đã một mình đi tàu từ Nhật băng qua Siberia và đến thành phố Moscow của Nga. Tại đây, một phóng viên của báo Mainichi Shimbun đã đợi để đưa cô đến địa điểm thi đấu tại Thụy Điển.

the-van-hoi-nu-thuy-dien-1926
Kinue xuất sắc giành 2 huy chương vàng tại Thế vận hội nữ 1928 và xuất hiện trên ảnh bìa của tạp chí The Sunday Mainichi ngày 12/6/1929. Ảnh: ssf.or.jp, mainichi 

Là đại diện duy nhất của Nhật Bản tại Thụy Điển, Kinue đã tham gia 6 nội dung thi đấu và xuất sắc giành 2 huy chương vàng ở nội dung: nhảy xa (5m50), nhảy xa đứng - standing long jump (2m49), huy chương bạc ở môn ném đĩa (32m61) và huy chương đồng chạy cự ly 100m (12 giây). Sau khi trở về nước, với thành tích xuất sắc trong cuộc tuyển chọn đội tuyển tham gia Olympic 1928 ở Amsterdam, Kinue trở thành nữ vận động viên Nhật Bản đầu tiên giành chiếc vé đặc biệt này. 

Toả sáng tại Olympic 1928 

Tại Olympic Amsterdam 1928, bộ môn điền kinh dành cho nữ lần đầu tiên góp mặt vào chương trình thi đấu với 5 nội dung: chạy cự ly 100m và 800m, chạy tiếp sức 4x100m, nhảy cao và ném đĩa. 

Khi thi đấu ở nội dung chạy cự ly 100m, Kinue đã bị loại trước sự ngỡ ngàng xen lẫn thất vọng của công chúng nước nhà vì trước đó 2 tháng, cô đã phát kỷ lục thế giới tại vòng loại Olympic ở Osaka. Gạt đi thất bại, Kinue quyết định tham gia nội dung chạy cự ly 800m một cách liều lĩnh vì trước đó cô chưa thi đấu chính thức bao giờ. 

Bằng tài năng và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Kinue đã giành quyền góp mặt ở trận chung kết Olympic diễn ra vào ngày 02/08/1923. Chỉ thua 1 giây so với người chiến thắng Lina Radke, Kinue đã giành được huy chương bạc với thành tích 2:17:06 và làm vang danh nữ vận động viên Nhật tại đấu trường quốc tế này. Cùng với Kinue, một đại diện khác của Nhật Bản là nam vận động viên điền kinh Mikio Oda đã giành được huy chương vàng Olympic đầu tiên cho nước Nhật ở hạng mục nhảy xa ba bước. 

olympic-amsterdam-1928
Kinue chỉ thua Lina Radke - người đoạt huy chương vàng chạy 800m 1 giây. Ảnh: bunshun.jp

Tuy nhiên, chiến thắng của Kinue với tư cách là nữ vận động viên đã làm dấy lên sự phân biệt đối xử cũng như xem thường phụ nữ trong cánh nhà báo, vì thời bấy giờ, nam giới đang thống trị các phương tiện truyền thông. Rất nhiều tờ báo đưa tin về các nữ vận động viên với thái độ không tôn trọng. Phóng viên nam Knute Rockne đã viết về cuộc thi đấu điền kinh của các vận động viên nữ Olympic trên tờ Pittsburgh Press: “Đó chẳng phải là cảnh tượng gì đáng ngạc nhiên khi chứng kiến nhóm các cô gái xinh đẹp tự chạy và làm bản thân mình kiệt sức”. Còn một số tờ báo khác lại tập trung vào miêu tả cảnh đuối sức của các vận động viên nữ mà không hề xem trọng những nỗ lực của họ. Hầu hết trong mắt báo chí thời bấy giờ, phụ nữ quá yếu ớt khi chạy trên quãng đường dài. Vài ngày sau chiến thắng của Kinue, IAAF (Liên đoàn điền kinh quốc tế) đã bỏ phiếu loại bỏ nội dung chạy 800m nữ ra khỏi Thế vận hội mãi cho đến năm 1960. 

Kiên cường đấu tranh với phân biệt giới tính 

Trở về Nhật Bản sau chiến thắng, Kinue được báo chí trong nước ca ngợi vì thành tích mang tích lịch sử của cô tại Amsterdam, nhưng cùng với đó, cô cũng gặp phải nhiều câu hỏi phân biệt giới tính và khiếm nhã từ các phóng viên. Một phóng viên hỏi cân nặng của Kinue và cô trả lời rằng khoảng 53 hoặc 54kg. Sau đó, nhà báo này kết luận: “Cân nặng này bằng với cân nặng của hầu hết đàn ông. Chẳng phải mọi người đều nghi ngờ rằng cô không thực sự là phụ nữ. Điều này có hơi thô lỗ nhưng phần ngực và hông của cô thật sự không giống với những người phụ nữ Nhật bình thường khác, có vẻ cô giống với phụ nữ phương Tây hơn”. Hoặc Kinue cũng gặp phải câu hỏi: “Việc hoạt động thể chất ở cường độ cao có thể gây ra các bất thường sinh lý ở phụ nữ, điều này có đúng không?” Thậm chí, còn có người gửi thư đến tận nhà cô và ghi rằng: "Đó là việc không nên làm với tư cách là phụ nữ Nhật Bản." 

kinue-hitomi-phan-biet-gioi-tinh
Kinue phải chịu đựng nhiều lời miệt thị về ngoại hình nhưng vẫn luôn lạc quan sống. Ảnh: asahi, mainichi 

Với tinh thần kiên cường và ý chí mạnh mẽ, Kinue đã bỏ ngoài tai tất cả những lời khiếm nhã và cố gắng giữ vững tinh thần lạc quan. Tuy rằng, bản thân cô rất thất vọng và từng chia sẻ nỗi lòng của mình với người thân. Cô tiếp tục thi đấu xuất sắc và giành bốn huy chương: 1 vàng, 2 bạc, 1 đồng trong tình trạng bị sốt tại Thế vận hội nữ năm 1930 tổ chức ở Praha, Tiệp Khắc. Kinue đã tham gia giải đấu quốc tế này cùng với 5 vận động viên trẻ khác của Nhật Bản. Tuy nhiên, Chính phủ đã không hỗ trợ tài chính nên nhóm vận động viên trẻ đã phải tự gây quỹ. Kinue quyết định kêu gọi sự quyên góp và ủng hộ của tất cả các trường nữ sinh tại Nhật và đã thành công vì nữ sinh xem đội tuyển này chính là đại diện cho sự quyết tâm, lòng kiêu hãnh của phụ nữ. 

Sức ảnh hưởng lan tỏa đến tận hôm nay

Sau khi kết thúc Thế vận hội nữ tại Tiệp Khắc, đội tuyển Nhật Bản trong đó có Kinue đã tiếp tục đến nhiều nơi tại châu Âu như Paris, Luân Đôn, Berlin để thi đấu trong vòng nửa tháng. Lịch trình cực kỳ khắc nghiệt đã làm sức khoẻ của cô bị ảnh hưởng không nhỏ. Chưa dừng lại ở đó, ngay sau khi trở về Nhật Bản, cô còn phải đến nhiều buổi thuyết trình, thăm các nhà tài trợ ở nhiều thành phố trên nước Nhật mà không hề được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, dù cho thành tích của cô có xuất sắc đến mấy, ánh mắt xem thường và kỳ thị dành cho nữ vận động viên vẫn xuất hiện. Vào ngày 25/3/1931, Kinue đã phải lấy một cái tên khác để nhập viện ở Osaka vì muốn tránh sự truy đuổi của phóng viên và dư luận. Ba tháng sau, vào ngày 2/8, cô đã qua đời vì căn bệnh viêm phổi. 

osaka-mainichi-shimbun
Tờ Osaka Manichi Shimbun - nơi Kinue từng làm việc đưa tin về sự ra đi đột ngột của cô ở tuổi 24. Ảnh: mainichi 

Với quyết tâm thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trong môn thể thao điền kinh, Kinue đã thành lập liên đoàn phụ nữ và duy trì tham gia đến khi qua đời vào năm 1931. Kinue đã trở thành hình mẫu cho phụ nữ Nhật Bản mạnh dạn theo đuổi ước mơ trở thành vận động viên, nhất là đủ quyết tâm tham gia các đấu trường thể thao quốc tế như Olympic. Vào Thế vận hội năm 1932 tại Los Angeles, Mỹ, trong số 131 vận động viên Nhật Bản tham gia thi đấu đã có 16 vận động viên nữ. Đặc biệt, nữ vận động viên bơi lội Hideko Maehata suýt giành được huy chương vàng ở nội dung bơi ếch 200m, và 4 năm sau ở Berlin, cô đã trở thành nữ vận động viên đầu tiên tại Nhật giành huy chương vàng tại một kỳ Olympic. Ngày nay, trong đội tuyển Olympic Nhật Bản, vai trò của nữ vận động viên đã thay đổi so với thời của Kinue, tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những ánh mắt khác thường hướng về phía họ. 

tuong-kinue-hitomi
Tượng của nữ vận động viên Kinue Hitomi tại quê nhà Okayama. Ảnh: tripadvisor 

kilala.vn 

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU