Kiểu ngồi Seiza: bí quyết rèn luyện sự kiên trì của người Nhật
Bài: Mai Hà Linh
Apr 22, 2020
Ảnh: PIXTA
Seiza là gì?
Kiểu ngồi Seiza (正座) còn được gọi là “Chính tọa”, nghe có vẻ thật hoành tráng và khá lạ lẫm với đa số người Việt. Đây là kiểu ngồi truyền thống và cũng là một trong những chuẩn mực về mặt phép tắc cho những sinh hoạt trên chiếu Tatami, được người dân Nhật Bản áp dụng từ xa xưa. Không ai biết kiểu ngồi Seiza ra đời chính xác vào thời gian nào, chỉ biết rằng nó trở nên phổ biến từ đời Shogun thứ 3 thời Edo.
Dù khá khó khăn và không thoải mái, thậm chí là đau đớn khi mới bắt đầu, nhưng phải công nhận rằng kiểu ngồi này đã góp phần hình thành những tính cách đẹp đẽ của người Nhật khiến nhiều người trên thế giới phải nể phục, chẳng hạn như nhã nhặn, khiêm tốn, kiên trì,...
Theo đánh giá của nhiều người, đây là kiểu ngồi vừa thể hiện sự tôn trọng với người khác vừa thể hiện sự kiềm chế của bản thân, dù đang ở trong một trạng thái gò bó mà vẫn giữ được sự bình tĩnh nhất có thể.
Kiểu ngồi Seiza được áp dụng trong những dịp nào?
Thấy thì có vẻ trịnh trọng, nhưng Seiza lại được người Nhật áp dụng khá nhiều trong sinh hoạt hằng ngày. Thời xưa, kiểu ngồi này được các võ sĩ dùng để rèn luyện ý chí. Hay khi đến thăm nhà một ai đó, nếu được gia chủ mời ngồi thì người Nhật sẽ ngồi kiểu Seiza để thể hiện sự kính trọng.
Ngày nay, lối sống hiện đại ở Nhật Bản cũng kéo theo những quy tắc có phần "dễ thở" hơn cho những người trẻ. Họ không cần phải thi hành Seiza khi ở trong nhà mà có thể thoải mái ngồi bệt xuống sàn. Hơn nữa, ở những đô thị hiện đại như Tokyo, những căn nhà vẫn còn giữ lối kiến trúc truyền thống với chiếu tatami dần bị thay thế bằng những căn hộ kiểu Âu với bàn ghế cao.
Vì vậy mà kiểu ngồi Seiza cũng dần biến mất trong những gia đình hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, đối với những sự kiện và hoạt động truyền thống mang tính chất trang trọng như Trà đạo, cắm hoa nghệ thuật Ikebana, thư pháp, chơi cờ vây,... người Nhật vẫn luôn áp dụng kiểu ngồi Seiza.
Ngoài ra, kiểu ngồi này cũng được dùng trong khi lắng nghe cấp trên, người lớn tuổi, người có địa vị,... để thể hiện lòng thành kính. Kể cả khi học tập, người Nhật cũng cho rằng ngồi kiểu Seiza sẽ giúp não bạn tập trung hơn để tiếp thu được những lời nói từ người khác.
Cách ngồi đúng là như thế nào?
Nhắc đến Seiza, nhiều người sẽ nghĩ đến một cách ngồi quỳ bình thường, nhưng thật ra nó lại có những quy tắc nhất định, thậm chí là có cả quy tắc khi đứng lên nữa. Sau nhiều lần thay đổi, Seiza đã có được một kiểu ngồi chính thức như bây giờ.
Cách ngồi:
- Đầu tiên, quỳ gối xuống chiếu Tatami. Theo người Nhật, nếu không có tatami thì chúng ta có thể thay bằng zabuton (đệm ngồi). Không nên ngồi trực tiếp trên tấm thảm hoặc ván gỗ sẽ làm chân bị đau nhức.
- Tiếp theo, kéo thẳng bàn chân, giữ gót chân ở dưới phần mông, hai ngón chân cái chồng lên nhau.
- Tay đặt lên trên đầu gối hoặc trên đùi một cách vừa phải.
- Luôn luôn kéo thẳng lưng để có một dáng ngồi đẹp nhất.
Theo truyền thống, con gái sẽ khép kín hai bên đầu gối lại, còn con trai có thể mở ra một chút. Cũng có trường hợp yêu cầu mở hai đầu gối thì có thể mở với khoảng cách là một nắm đấm.
Cách đứng:
Khi đứng dậy, dùng tay hoặc đầu gối của mình trượt sang bên trái rồi mới từ từ đứng lên. Tránh đứng thẳng dậy luôn sẽ khiến tổn thương và làm đau nhức phần chân.
Ưu điểm và nhược điểm của kiểu ngồi này
Có một điều chắc chắn rằng, bất cứ ai lần đầu ngồi theo kiểu Seiza đểu sẽ cảm thấy bị tê và gò bó vì toàn bộ thân trên của cơ thể đều dồn vào phần chân. Không chỉ người bình thường, việc tê chân cũng là một điều gây khó khăn cho cả các Samurai thời xưa.
Khi bị tê, bạn đừng nên đứng lên ngay lập tức mà hãy duỗi thẳng chân một cách từ từ. Nhiều người Nhật nói rằng, cách duy nhất để cải thiện được tình trạng này là phải luyện tập ngồi thật nhiều. Có lẽ việc luyện tập này cũng góp một phần kiên trì, nhẫn nại trong tính cách con người họ.
Tuy nhiên kể cả khi bạn đã ngồi thành thạo rồi, thì việc ngồi quá lâu vẫn khiến cho chân bị căng và trở nên tê hơn. Vì vậy họ có những mẹo nhỏ như luân phiên đổi ngón cái bên chân trái và phải với nhau giúp chân hết bị tê tạm thời.
Khi ngồi kiểu Seiza, điều quan trọng nhất là phải ngồi đúng tư thế lưng luôn giữ thẳng. Nếu ngồi sai, lưng bạn sẽ bị gù đi, dẫn đến những tư thế xấu sau này, và chân bạn cũng bị đặt nhiều áp lực xấu lên làm chân bị căng, lúc đứng dậy sẽ dễ bị ngã, gây nhiều sự nguy hiểm.
Tuy vậy nhưng những lợi ích mà kiểu ngồi Seiza mang lại cho cơ thể và tinh thần thì nhiều vô kể. Nếu bạn ngồi đúng, nó sẽ giải phóng cho cột sống của bạn khỏi sự chèn ép của những chiếc ghế trong cả một ngày dài. Bạn cũng có thể ngồi một lúc vào buổi sáng sau khi thức dậy, nó sẽ giúp bạn điều hòa cảm xúc, khởi động não bộ và làm sáng khỏe đôi mắt. Và điều quan trọng nhất vẫn là có thể rèn luyện được tính cách kiên trì như người Nhật.
Kiểu ngồi Seiza của người Nhật có chút khó nhưng cũng rất thú vị. Các bạn hãy thử luyện tập tại nhà để tự rèn luyện bản thân, và biết đâu sau này lại có cơ hội ghi điểm trong mắt người Nhật nữa đó!
kilala.vn