Khuân vác Bokka: Nghề "lạ" tự do giữa núi rừng

Bài: Rin
Jul 12, 2022

Nguồn: Asahi

Vác một khối hàng hóa cao quá đầu trên lưng, độc hành giữa thiên nhiên rộng lớn, các Bokka vận chuyển thức ăn và đồ dùng đến những túp lều trên núi, bên trong vùng đầm lầy thuộc ranh giới các tỉnh Gunma, Fukushima và Niigata. 

Mang theo một núi hàng hóa nặng trăm ký, Norihito Ishitaka, 34 tuổi, rảo bước trên con đường gỗ xuyên qua khu vực đầm lầy Ozegahara được bao phủ bởi những bông hoa bắp cải chồn hôi để tiến lên các túp lều dành cho khách du lịch trên đỉnh núi.

Ishitaka và những người làm công việc như anh được gọi là "Bokka - 歩荷", những người mang vác hàng hóa trên lưng và vận chuyển lên núi. Đây là một nghề thử thách giới hạn bản thân, cần đến thể lực và một tinh thần thép để theo đuổi.

Gian truân của nghề Bokka 

Vào mùa hè - mùa cao điểm, hàng hóa mà Ishitaka mang thường vượt quá trọng lượng cơ thể anh. Có lần, anh đã vác đến 140kg trong khi bản thân chỉ nặng 70kg. Việc gắng sức quá nhiều trong những mùa du lịch bận rộn có lúc khiến cân nặng của anh giảm xuống chỉ còn 65kg. 

norihito ishitaka làm nghề bokka
Anh Norihito Ishitaka đang vận chuyển hàng hóa trong khu vực Vườn quốc gia Oze ở Katashina, tỉnh Gunma. Ảnh: Asahi 

Trong suốt mùa đi bộ đường dài từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 10, Ishitaka cùng sáu đồng nghiệp khác vận chuyển thịt, rau củ và các loại hàng hóa khác nhau đến cho hơn 10 túp lều ở khu vực đầm lầy Ozegahara. Với mỗi mùa du lịch, anh có thể khuân vác tổng cộng 17 tấn hàng hóa trên lưng. 

Ishitaka thường bắt đầu chuyến leo núi của mình tại điểm xuất phát ở ga Hatomachitoge của tỉnh Gunma để đảm bảo có thể xuống đến chân núi trước khi trời tối. Anh thực hiện hành trình này sáu lần một tuần. Dụng cụ duy nhất cần thiết cho một chuyến Bokka là khung gỗ "Shoiko", trông giống như chiếc thang có gắn dây đeo vai. 

dụng cụ Shoiko
Shoiko, người bạn đồng hành không thể thiếu của người làm nghề Bokka. Ảnh: Asahi 

Trông thì đơn giản nhưng công việc vận chuyển một lượng hàng hóa cực lớn đòi hỏi kỹ năng cùng sự am hiểu sâu sắc về khu vực đồi núi mà Bokka sẽ tiến hàng giao hàng.

Ishitaka cho biết, điều quan trọng là phải xếp các hộp các tông có trọng lượng và hình dáng khác nhau thành một khối hàng hợp lý trước khi khởi hành. Nếu trọng tâm của khối hàng nghiêng sang một bên thay vì thẳng đứng, gánh nặng đè lên cơ thể sẽ càng lớn. Thông thường, Ishitaka dành từ 15 phút để tìm ra cách sắp xếp hàng hóa hợp lý nhất.

“Chìa khóa chính là đặt trung tâm trọng lực của hàng hóa tại điểm cao hơn một chút so với gáy”, Ishitaka cho biết. Để giữ thăng bằng và phân bổ đều trọng lượng, các Bokka cũng thường khoanh tay lại, nắm tay thành nắm đấm rồi kẹp chặt vào nách, hoặc có thể nắm chặt hai tay và đặt phía trước bụng.

Ngoài ra, Ishitaka cũng rất chú tâm đến quãng đường mình phải đi qua bởi nếu vô tình bị ngã, hàng hóa chắc chắn phải xếp lại, điều này khá tốn thời gian cũng như sức lực.

Theo anh, tiếp đất bằng ngón chân trước sẽ ngăn bản thân không bị ngã vì cách đi này cho phép gót chân bám sâu vào đường đi, trong trường hợp bị trượt chân khi đi trên ván gỗ hoặc sỏi ướt. Còn nếu tuyết đọng và lấp đầy các ổ gà trên đường, sẽ cần thận trọng tìm ra con đường phù hợp để có thể tránh chúng.

Công việc Bokka tuy gian khổ nhưng Ishitaka luôn được truyền sức mạnh từ những lời cảm ơn mà mình nhận được. “Tôi có thể tận mắt thấy công việc mình đang làm giúp ích cho người khác và tôi rất lấy làm tự hào về điều đó”, anh nói. Đây đã là năm thứ 10 Ishitaka gắn bó với nghề.

Cơ duyên đến với nghề Bokka

Sinh năm 1988 tại Osaka, ngay sau khi tốt nghiệp trung học, Ishitaka đã bắt đầu làm việc cho một công ty vận chuyển. Sau đó, anh tìm được công việc khuân vác hàng hóa lên các túp lều của khách du lịch trên núi Phú Sĩ. Năm 24 tuổi, Ishitaka vô tình đọc được mẩu tin về nghề Bokka tại công viên quốc gia Oze nằm trong vùng đầm lầy Ozegahara trên một tờ báo mạng. 

Mặc dù từng có kinh nghiệm khuân vác hàng chục kg hàng hóa trên núi Phú Sĩ, nhưng những người khuân vác ở Oze còn đảm trách các nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều. Ishitaka cho biết: “Tôi vô cùng ngạc nhiên khi con người có thể khuân vác hàng hóa nặng đến như vậy. Biết được điều này, tôi đã thấy lạnh cả sống lưng”. 

Norihito Ishitaka dừng chân nghỉ ngơi
Norihito Ishitaka dừng chân nghỉ ngơi. Ảnh: Asahi 

Ngay năm sau, vào năm 2013, Ishitaka trở thành một tân binh trong nghề Bokka và nhanh chóng nhận ra công việc này khó khăn hơn rất nhiều so với dự đoán. Việc phải mang vác hàng hóa nặng hơn trước kia đã đẩy cơ thể của anh đến giới hạn.

Kết quả là do gắng sức trong công việc mà các khớp hông của anh đã bị viêm, khiến Ishitaka phải dùng đến thuốc giảm đau. Anh cũng từng thường xuyên ngã và làm vỡ trứng, làm các quả cà chua bị dập nát trong quá trình vận chuyển. 

Những thất bại này làm cho Ishitaka gần như suy sụp. Tuy vậy các tiền bối đã ở bên khuyên nhủ và chú ý đến anh nhiều hơn, họ giúp đỡ anh khi cần và cũng giữ khoảng cách để anh cảm thấy thoải mái, sau cùng là giúp Ishitaka trở nên độc lập hơn. 

Vào mùa xuân trong năm đầu tiên làm Bokka, Ishitaka đã đi đến quyết định sẽ cống hiến cả phần đời còn lại để làm công việc khuân vác ở miền núi: “Tất cả mọi người ở đây, bao gồm nhân viên tại túp lều, hướng dẫn viên du lịch, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường và các quan chức về mảng xây dựng đều có trái tim ấm áp, nên tôi quyết định sẽ tiếp tục làm việc ở Oze như một Bokka để kiếm kế sinh nhai”. 

Tùy vào trọng lượng hàng hóa được vận chuyển cũng như khoảng cách di chuyển đến các túp lều, thu nhập hàng ngày của một Bokka dao động từ 10.000 yên (khoảng 1.700.000 VND) đến 15.000 yên (khoảng 2.500.000 VND).

Tuy vậy, vì công việc chỉ diễn ra từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 10, trong mùa du lịch, nên nếu chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ đây sẽ rất khó để duy trì cuộc sống. Do vậy, từ mùa thu đến mùa xuân, Ishitaka còn khuân vác các thiết bị hạng nặng vào sâu bên trong núi để xây dựng tháp truyền tải điện, phục vụ cho các cuộc thăm dò địa chất và những dự án khác. 

Anh cũng thành lập một nhóm trong mùa thấp điểm để giúp đỡ các đồng nghiệp Bokka tìm kiếm công việc làm thêm. Tất cả những nỗ lực này đều nhằm hướng tới mục tiêu đơn giản là tiếp tục khuân vác hàng hóa tại Oze. Ishitaka bày tỏ: “Tôi muốn sống ở đây, với lòng biết ơn vì có thể kiếm sống nhờ vào môi trường tự nhiên”. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU