Bạn có thắc mắc một chú ngựa trong hoàng gia Nhật Bản sẽ có những nhiệm vụ gì?
Ngựa là một loài vật linh thiêng trong Thần đạo và văn hóa Nhật Bản, gắn bó với đời sống của người dân nước này từ xa xưa. Trước đây, chúng ta đã có dịp làm quen với Kirara, chú ngựa thiêng được yêu mến tại ngôi đền Gozohan Kumano. Còn hôm nay, hãy cùng Kilala đến thăm chú ngựa có tên là Shoyo để tìm hiểu về cuộc sống của một chú ngựa trong hoàng gia Nhật Bản nhé.
Hộ tống Đại sứ
Satou Mitsuru, một nhân viên đảm nhiệm chăm sóc các chú ngựa thuộc đoàn Cảnh vệ Hoàng gia Nhật Bản, chia sẻ: “Tất cả các chú ngựa sống ở đây đều từng là ngựa đua. Bạn có thể gọi điều này là sự thay đổi nghề nghiệp của chúng sau khi đã tham gia vào các cuộc đua đầy thử thách để 'kiếm kế sinh nhai' trước đó”.
Hiện tại, ở chuồng ngựa hoàng gia đang có 14 chú ngựa lai chuyên làm nhiệm vụ tuần tra và một số nhiệm vụ khác, đảm bảo trật tự, ổn định cho khuôn viên Cung điện Hoàng gia.
Nhiệm vụ chính của những chú ngựa này bao gồm trở thành xe ngựa hộ tống Đại sứ mới của các nước được bổ nhiệm làm việc tại Nhật. Theo truyền thống lâu đời ở Nhật Bản, những nhà ngoại giao được ngựa hoàng gia hộ tống từ ga Tokyo đến Cung điện Hoàng gia để diện kiến Thiên hoàng.
Shoyu (翔優), 16 tuổi, là một trong số những chú ngựa hoàng gia trên. Chú ngựa đực này đã tham gia vào lực lượng Cảnh vệ Hoàng gia sau khi từ giã sự nghiệp ngựa đua của mình ở tuổi lên 4.
Ông Satou cho biết mình là người tiếp nhận Shoyu vào ngày đầu tiên chú đến chuồng ngựa hoàng gia: “Shoyu đến từ một câu lạc bộ đua ngựa do một người quen của tôi làm chủ. Khi cưỡi Shoyu, tôi ngay lập tức nhận ra rằng chú ngựa này rất phù hợp với công việc làm ngựa hộ tống của hoàng gia”.
Được biết, ông Satou bắt đầu cưỡi ngựa khi còn là học sinh trung học cơ sở. Về sau, ông trở thành một tay đua ngựa chuyên nghiệp, tham gia một số cuộc thi đua ngựa cấp quốc gia. Thông qua sự giới thiệu của người cố vấn đua ngựa, ông Satou đã bén duyên với công việc hiện tại ở hoàng cung Nhật Bản.
Là một cựu tay đua với kinh nghiệm 35 năm, ông đã tham gia huấn luyện rất nhiều ngựa và hướng dẫn cho các tay đua ngựa. Ông Satou bật mí rằng cần có những yếu tố nhất định để một chú ngựa phù hợp với công việc hộ tống hoàng gia: “Chú ngựa đó phải có tính khí bình tĩnh và đáng tin cậy. Nó cũng không dễ trở nên hung hăng. Shoyu là một ví dụ hoàn hảo cho loại ngựa này”.
Nhắc đến vấn đề liệu có phải những chú ngựa đẹp mã mới được hộ tống đoàn xe của các Đại sứ, ông Satou khẳng định điều này hoàn toàn không chính xác.
“Về cơ bản, chúng tôi không tìm kiếm những chú ngựa đẹp mã. Tuy nhiên, chúng tôi cũng quan tâm đến những niềm tin lâu đời về ngựa. Ví dụ như những chú ngựa tốt thường có lông trắng như chiếc tất ở chân sau bên trái; hoặc nếu có hai xoáy trên trán thì chú ngựa đó có xu hướng hay lo lắng”, ông cho biết.
Satou cũng kể thêm rằng trong chuồng ngựa cũng có một con ngựa với hai xoáy trên trán nhưng nó lại không dễ kích động: “Chúng tôi không hoàn toàn tin vào những lời truyền miệng về ngựa. Chúng tôi chỉ cân nhắc về chúng”.
Đóng vai trò chủ chốt trong đội Cảnh vệ Hoàng gia
Những chú ngựa khi gia nhập vào đội Cảnh vệ Hoàng gia buộc phải từ bỏ tên gọi cũ của mình và được gọi bằng cái tên mới gồm 2 chữ Kanji ghép lại, giống như "翔優 - Shoyu". Những cái tên này được bầu chọn bởi các thành viên của đội Cảnh vệ.
Bước đầu tiên phải làm khi một chú ngựa mới gia nhập vào đội là giúp chúng thích nghi với môi trường sống mới ở cung điện. Các chú ngựa này phải trải qua nhiều khóa huấn luyện khác nhau để tập thích ứng. Đặc biệt, không có bất kỳ hoạt động cưỡi ngựa nào diễn ra cho đến khi chúng hoàn toàn thích ứng.
Ông Satou cho biết điều quan trọng với một chú ngựa là chúng phải dễ cưỡi và giúp cho cảnh vệ mới có được sự tự tin, tiến bộ nhanh chóng trong kỹ năng cưỡi ngựa. Ông Satou bộc bạch: “Trở thành một 'giáo viên' cho các cảnh vệ mới cũng cần thiết như tham gia vào các buổi lễ hộ tống với vai trò là ngựa hoàng gia. Sự thật thì việc là giáo viên này còn quan trọng hơn cả hộ tống”.
Tham gia vào các buổi lễ hoàng gia với một chú ngựa bao gồm công việc trở thành xe ngựa hộ tống và diễu hành trên đường phố. Lúc này, ngựa phải bước từ môi trường yên tĩnh bên trong cung điện ra thế giới bên ngoài với rất nhiều người dõi theo trên đường phố. Hơn nữa, có thể xuất hiện các tiếng động bất ngờ, hoặc gió có thể khiến một số thứ bay ngang qua ngựa, từ đó khiến chúng dễ trở nên hung hăng.
Lúc này, ngựa có thể tuân thủ theo hướng dẫn của cảnh vệ cưỡi ngựa, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hộ tống hay không là kết quả của sự kết hợp giữa tính cách nội tại của ngựa và việc huấn luyện mỗi ngày.
Về việc huấn luyện, mỗi ngày, các chú ngựa hoàng gia trong đó có Shoyu được cảnh vệ dẫn ra khỏi chuồng ngựa vào buổi sáng. Chúng được dẫn đến trường đua ngựa gần đó. Tại đây, ngựa được tập các bài tập như đi bộ đến khi đổ mồ hôi, phi nước kiệu và nhảy. Sau đó, chúng trở về chuồng ngựa, được tắm rửa, chăm sóc móng.
Ông Satou chia sẻ: “Những chú ngựa sẽ không rời khỏi đội Cận vệ Hoàng gia cho đến khi chúng 20 tuổi, do vậy, ngựa Shoyu vẫn sẽ tiếp tục chăm chỉ làm việc đến lúc đó”.
kilala.vn