Kết nối Việt - Nhật trong triển lãm của Phan Quang
Bài: Lam Phong/ Ảnh: nhân vật cung cấpNov 12, 2017
Từng gây ấn tượng mạnh trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật đương đại tại Việt Nam và các nước lân cận qua các triển lãm chuyên đề từ “Không gian/Giới hạn”, đến “Nhật ký người nông dân”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Quang tiếp tục theo đuổi các dự án nhiếp ảnh nghệ thuật độc đáo gắn liền với mối quan hệ Việt – Nhật, được khai thác từ các góc cạnh rất thời sự.
Để phục vụ cho dự án trình diễn sắp đặt nghệ thuật mang tên “Adaption” (Thích nghi), hai cái tô gốm được khai quật từ những xác tàu đắm trên lãnh thổ Việt Nam – một có xuất xứ từ lò gốm Chu Đậu ở Hải Dương từ thế kỷ 15, tô thứ hai cùng niên đại xuất xứ từ Trung Quốc xuất sang thị trường Nhật Bản – được Phan Quang đem sang Nhật Bản, ngâm trong nước biển ở vùng cảng Yokohama và mỗi ngày đều quay phim, ghi lại hình ảnh bị hàu, san hô đeo bám.
Triển lãm “Adaption” tại Yokohama. Một biểu đạt giản đơn chỉ với ảnh cận cảnh 2 cái tô treo trên vách, hiện vật chính được sắp đặt lẫn trong cát biển mang từ Việt Nam và Yokohama.
Anh lý giải ý đồ của dự án: “Vấn đề tranh chấp lãnh thổ do con người áp đặt, còn hiện vật như hai cái tô từ hai nơi sản xuất khác biệt, nhưng cùng nằm dưới lòng biển Việt Nam, tự thân nó không hề biết đấu tranh xem mình là của ai, thuộc về ai, ranh giới ở đây là khái niệm rất mờ nhạt”. Dù ở Cù Lao Chàm hay Yokohama, thì bản chất thiên nhiên chẳng có gì thay đổi, cái tô chìm trong lòng biển thì sẽ bị hàu, san hô bám vào, và nó vẫn là cái tô như nguyên bản lúc ra đời từ hơn 500 năm trước. Sự “thích nghi” và hòa hợp đó giải mã thật nhiều điều, đúng như Phan Quang chia sẻ: “Trong thế giới con người, kẻ mạnh bao giờ cũng là kẻ thắng thế và cho mình là đúng, chỉ có sự vật là không bị thay đổi”. Sau triển lãm ở cảng biển Yokohama, “Thích nghi” sẽ được Phan Quang đưa về Việt Nam để giới thiệu với người yêu nghệ thuật trong một sắp đặt cùng chủ đề tương tự.
Nghệ sĩ Phan Quang thực hiện sắp đặt “Adaption” tại Yokohama, Nhật Bản.
Một đề tài gai góc khác mà Phan Quang theo đuổi là đề tài chiến tranh, cụ thể là thân phận và cuộc sống của những người vợ, người con trong gia đình bản địa có cha là lính Nhật tham chiến tại Châu Á. Để thực hiện đề tài có tên gọi "Re/Cover (Phủ đậy/Phục hồi)", Phan Quang đã đi qua các nước Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Philippin, Trung Quốc,... chụp lại những nhân chứng sống của chiến tranh và thế hệ con cháu của các binh lính Nhật. Anh phủ lên những tác phẩm của mình một lớp vải lụa mỏng, sản phẩm của một công ty dệt ở Kyoto, từng hoạt động vào thời Đệ nhị thế chiến và vẫn tồn tại đến bây giờ.
Bác Thành – con gái của một người lính Nhật có tên Việt là Ngô Tử Lân – đứng cạnh tác phẩm là 3 thế hệ con – cháu – chắt của cụ Ngô Tử Lân.
Tấm vải lụa trở thành yếu tố gợi mở, làm mềm hoá hình ảnh các chủ thể ẩn hiện phía sau. Mỗi tác phẩm trong "Re/Cover" kể lại một câu chuyện rất đời, cũng là bi kịch của chiến tranh, khi những người lính Nhật buộc phải về nước theo mệnh lệnh, để lại vợ, con tự bấu víu nhau sống trong kỳ thị và không được xã hội thừa nhận. Trong bi kịch ấy lại có những tình yêu, niềm mong đợi của người vợ Việt thủ tiết nuôi con, chờ chồng, hy vọng chồng trở lại.
Lam Phong/kilala.vn