Hơn 120 năm trở về trước, trong thế giới nghệ thuật châu Âu xuất hiện một nàng Geisha xinh đẹp đến từ phương Đông khiến người người tò mò tìm hiểu để rồi say đắm, mê mẩn. Từ danh họa người Ý Picasso đến nhà soạn nhạc vĩ đại người Pháp Debussy, ai cũng đều ngưỡng mộ và biến cô thành “nàng thơ” trong tác phẩm của mình. Người đó chính là Kawakami Sadayakko - nàng Geisha của xứ Phù Tang.
Ở đất nước mặt trời mọc, Geisha là những cô gái được đào tạo về kỹ năng múa hát, chơi nhạc cụ truyền thống và biết cách trò chuyện, xã giao trong các buổi tiệc của giới thượng lưu. Họ luôn trang điểm với lớp phấn trắng dày, môi tô son đỏ, mắt kẻ chì đen và đỏ, mặc kimono, biểu diễn nghệ thuật mua vui cho đời - nhưng không bán thân.
Geisha (hay Geiko theo phương ngữ vùng Kansai) đã xuất hiện từ thời Edo, tuy nhiên theo thời gian, số lượng các nghệ giả ngày càng giảm dần. Trong lịch sử xuất hiện nhiều nàng Geisha nổi tiếng được người đời ca tụng, ngưỡng mộ, cuộc đời của họ được ghi chép lại và lưu truyền đến ngày nay. Một trong số đó là nàng Kawakami Sadayakko.
Kawakami Sadayakko - người con gái tài sắc mang hoài bão lớn
Kawakami Sadayakko (川上 貞奴) hay còn được biết đến với cái tên Sada Yacco là một mỹ nhân sinh vào ngày 18/07/1871. Bà xuất thân trong một gia đình là hậu duệ Samurai giàu có, quyền thế. Tuy nhiên vì gia đình làm ăn sa sút, nợ nần nên từ lúc 4 tuổi, Sadayakko đã được gửi đến giúp việc tại Hamada - ngôi nhà của Geisha ở quận Yoshicho.
Tại đây, bà được học về các nghệ thuật truyền thống như: trà đạo, cắm hoa, ca hát, khiêu vũ và diễn kịch. Ngoài ra bà còn được học đọc và viết để trở thành một thiếu nữ trí thức.
Bà được Kamekichi, chủ nhân của Hamada và là một trong những mỹ nữ được yêu mến nhất đất kinh thành thời ấy đào tạo, nhận làm người thừa kế. Kamekichi tin rằng Sadayakko sau này sẽ là một Geisha lừng danh, và bà đã đúng.
Có nhan sắc, tài năng, lại mang tư tưởng tiến bộ nên Sadayakko đã trở thành một mỹ nhân xinh đẹp, thông minh và hiện đại. Nàng thu hút biết bao ánh nhìn, sự ngưỡng mộ của mọi người và vào năm mười lăm tuổi đã bước vào giới quý tộc với thân phận là tình nhân của Thủ tướng Ito Hirobumi. Sau đó, Sadayakko trở thành một Geisha có địa vị cao, nổi tiếng trong tầng lớp thượng lưu.
Cuộc đời của bà rẽ sang hướng khác khi Sadayakko đến với niềm đam mê diễn xuất. Bà đã gặp Kawakami Otojiro, một nam diễn viên lừng danh thời ấy, người đã tham gia vào các vở kịch hấp dẫn, làm say đắm biết bao khán giả, trong đó có Sadayakko.
Bà đã bị thu hút bởi vẻ lãng tử hào hoa cùng thế giới nghệ thuật đầy mộng mơ mà Otojiro mang đến. Thế rồi sau khi được thả tự do, thoát khỏi vòng tay của vị Thủ tướng già thì Sadayakko đã đến bên Otojiro, cùng ông xây dựng gia đình vào năm 1893 và dấn thân vào con đường diễn xuất để thực hiện ước mơ trở thành một ngôi sao sân khấu.
Lúc ấy, Otojiro là một trong những người tiên phong về Shinpa (新派), một hình thức sân khấu ở Nhật Bản, khắc họa những câu chuyện theo lối melodrama, tương phản với phong cách Kabuki truyền thống, sau dần lan rộng sang các rạp chiếu phim. Otojiro đã biến vợ mình thành nữ diễn viên chuyên nghiệp đầu tiên tại nước Nhật.
“Nàng thơ” xứ Nhật nổi danh phương Tây
Gặp nhiều khó khăn về tài chính ở Nhật, Sadayakko đã theo chồng đến nước Mỹ vào năm 1899. Khi đến đây, ban đầu đoàn kịch của bà và chồng gặp chút khó khăn nhưng sau đó đã nhanh chóng gặt hái được thành công.
Những màn biểu diễn của bà đã gây chú ý và được khán giả xứ cờ hoa tán thưởng cuồng nhiệt. Ngay cả Otojiro cũng phải nhận ra rằng Sadayakko không phải là một người phụ nữ nhỏ bé bình thường.
Nàng là Geisha nổi tiếng nhất ở Nhật Bản, được các thủ tướng, võ sĩ Sumo và các ngôi sao kịch Kabuki tôn sùng. Nàng có thể mê hoặc bất cứ ai, ngay cả những người phương Tây không thể hiểu một từ nàng nói.
Không chỉ ở Hoa Kỳ, danh tiếng của Sadayakko đã truyền đến châu Âu. Bà mặc Kimono và tỏa sáng rực rỡ khi biểu diễn trên các sân khấu lớn ở các thành phố phồn hoa từ Paris, London đến Berlin, Vienna, Prague, Moscow, Rome...
Kể từ năm 1900, chuyến hành trình vượt Đại Tây Dương đến Paris và biểu diễn vở The Geisha and the Knight của Sadayakko đã đánh dấu một bước ngoặt lớn, giúp bà trở thành “nàng thơ” với nhiều nghệ sĩ.
Chân dung của bà xuất hiện trong tranh của danh họa Picasso. Debussy đã lấy cảm hứng từ nhan sắc cùng cuộc đời bà để sáng tác nhạc. Guerlain tạo ra nước hoa Yacco để tỏ lòng kính trọng đối với bà...
Những cô gái phương Tây thời ấy đã tìm hiểu về mỹ phẩm, cách trang điểm và Kimono mà Sadayakko mặc, những vật phẩm này được bán trong một cửa hàng mang tên bà, cách Opéra Garnier ở Paris không xa.
Nghệ thuật trang điểm dựa trên kiểu trang điểm truyền thống của Geisha đã mang đến một xu hướng làm đẹp mới với son môi đỏ, lớp nền dày và điểm nhấn màu đen quanh mắt.
Bà trở thành một hình mẫu lý tưởng, truyền cảm hứng đến một bộ phận phụ nữ Pháp thời đó. Lúc ấy Sadayakko tựa như một đóa hoa xứ Phù Tang đẹp và lạ, mang hương thơm làm say đắm bao người.
Xem thêm: Những người phụ nữ đầu tiên rời khỏi Nhật Bản và sứ mệnh lịch sử của họ
Biểu tượng của phụ nữ xứ Phù Tang
Sau những năm tháng huy hoàng tại đất khách quê người, Sadayakko đã trở về Nhật Bản từ tháng 08/1902. Tại quê nhà lúc ấy, bà được coi là biểu tượng của người phụ nữ tự do, đi trước thời đại.
Thời gian sau đó, Sadayakko đã nỗ lực đấu tranh cho nữ quyền tại Nhật trong hoạt động nghệ thuật. Bà mở trường sân khấu đầu tiên dành cho nữ giới, đào tạo những phụ nữ có đam mê với diễn xuất thành ngôi sao điện ảnh, tạo cơ hội cho họ tỏa sáng.
Bà cũng không ngần ngại thể hiện tình cảm riêng tư của mình một cách công khai mặc kệ sự bàn tán dị nghị của thiên hạ. Năm 1912, sau khi người chồng Otojiro qua đời, bà đã đến bên doanh nhân Fukuzawa Momosuke và sống với ông đến năm 1933.
Tháng 09/1917, Sadayakko tuyên bố giải nghệ, màn trình diễn cuối cùng của bà là vai chính trong vở kịch Aida. Những ngày tháng cuối đời, bà chọn cuộc sống bình yên, tránh xa thị phi.
Sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến hai, bà phát hiện ra mình bị mắc bệnh nan y - ung thư gan và trải qua quá trình điều trị gần một năm. Ngày 07/12/1946, Sadayakko ra đi, kết thúc cuộc đời trải đầy vinh quang trong hoạt động nghệ thuật.
Cuộc đời nàng Geisha tài sắc được thế hệ sau biết đến với những đóng góp quảng bá văn hóa Nhật Bản đến thế giới. Hình ảnh của bà được lưu giữ trên tranh ảnh, họa báo; sách vở, tiểu thuyết cũng không ngừng nhắc người ta nhớ về một người con gái tài sắc đã từng tỏa sáng trên sân khấu quốc tế.
kilala.vn