Kannushi: Người phụng sự trung thành của các vị Thần

Bài: Ái ThươngJan 21, 2023

Tại các đền thờ Thần đạo của Nhật có những người đảm nhiệm việc thực hiện nghi lễ, truyền tải thông điệp, tiếng nói của nhân loại đến Thần linh, và họ chính là Kannushi.

Shinto (Thần đạo) là tôn giáo bản địa của người Nhật, tại đất nước mặt trời mọc, Thần linh hiện diện khắp mọi nơi và người dân luôn tổ chức các nghi lễ để được kết nối với Thần. Từ đây mà hình thành nên những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo trong đời sống tôn giáo xứ Phù Tang. Và “sứ giả” làm cầu nối giữa con người với thần linh chính là Kannushi.

Kannushi là ai?

Kannushi (神主 – Thần Chủ), ban đầu được phát âm là Kamunushi, còn được gọi với thuật ngữ khác là Shinshoku (神職 – Thần Chức). Từ này dùng để chỉ linh mục thực hiện các nghi lễ đến Thần linh và có vai trò quan trọng nhất trong các đền thờ. 

Kannushi Nhật Bản
Kannushi - Thần Chủ, chức vụ quan trọng trong tôn giáo Shinto. Ảnh: japantimes

Ban đầu, Kannushi là trung gian giữa các vị Thần và con người, truyền ý chỉ của Thần đến người dân. Sau này, Kannushi được biết đến là một người đàn ông làm việc tại đền thờ và tổ chức các nghi lễ tôn giáo ở đó.

Kannushi xuất hiện từ khi nào?

Vào thời cổ đại, do sự chồng chéo về quyền lực chính trị và tôn giáo trong gia tộc nên người đứng đầu dòng tộc sẽ là người truyền giáo, nói lên mong muốn và ý chỉ của Thần linh. 

thần chủ
Ảnh: miguelmichan

Về sau, vai trò này đã dần chuyên biệt hơn và được giao cho những người hiểu biết, chuyên về tôn giáo, tâm linh nắm giữ. Cũng từ đây xuất hiện khái niệm về Kannushi, thuật ngữ này đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 8 trong cuốn “Kojiki” (Cổ Sự Ký) do O no Yasumaro viết, sao lục và biên soạn vào năm 712.

Lễ phục và đồ vật nghi lễ

Trang phục thường ngày của các Kannushi là Hakama, bên cạnh đó họ còn mặc Kariginu, loại trang phục quý tộc triều đình thời Heian (794-1185) và đội mũ Eboshi. Lễ phục là Joe, một loại Kariginu màu trắng được sử dụng trong các nghi lễ và hoạt động tôn giáo.

Đồ vật nghi lễ mà Kannushi sử dụng bao gồm Shaku có hình dạng một thanh gỗ và Onusa - cây gỗ được trang trí bởi Shide. 

Lễ phục Joe
Lễ phục Joe. Ảnh: japantimes

Shaku có nguồn gốc là Hu, một gậy quyền phẳng có nguồn gốc từ Trung Quốc, như tấm thẻ được sử dụng bởi các quan chức thời phong kiến trên khắp khu vực Đông Á.

Onusa là một cây đũa gỗ theo truyền thống được sử dụng trong các nghi lễ thanh tẩy của Thần đạo. Onusa được trang trí bằng một số Shide – dải giấy hình ziczac, thường được gắn với sợi dây thiêng Shimenawa hoặc cành cây Sakaki để tạo thành Tamagushi và được sử dụng trong các nghi lễ Thần đạo.

onusa
Cây đũa gỗ Onusa. Ảnh: grapee

Nhiệm vụ của một Thần chủ

Kannushi là những con người phụng sự cho Thần vì vậy họ luôn phải làm việc chăm chỉ, tận tụy và tâm huyết. Kannushi kế thừa và bảo vệ ngôi đền, xây dựng địa điểm này thành vùng đất linh thiêng để người dân có thể cảm nhận được sự hiện diện của Thần trong cuộc sống thường nhật. 

Trở thành Thần chủ là một công việc cao quý, đòi hỏi về cái tâm trong sáng, lương thiện cùng tinh thần trách nhiệm cao. Nhiệm vụ của mỗi Kannushi bao gồm các công việc sau:

  • Tiến hành các nghi thức, nghi lễ cúng bái, thờ phụng Thần linh.
  • Cầu nguyện, đọc những lời cầu khẩn của dân thường đến các vị Thần.
  • Thực hiện lễ thanh tẩy cho những người đến thờ cúng tại đền.
  • Quản lý và duy trì, bảo tồn cơ sở vật chất của đền thờ.
  • Đặt mua hoặc lên kế hoạch tự sản xuất các loại bùa và quẻ xăm, cũng như bảo quản chúng, đảm bảo về số lượng và chất lượng.
nghi lễ cúng bái thần linh
Thần chủ thực hiện nghi lễ cúng bái thần linh. Ảnh: fushimiinari
  • Quản lý, thống kê việc hạch toán tiền cúng dường, tiền công đức.
  • Tổ chức các hoạt động quan hệ công chúng trong cộng đồng. 
  • Tiếp khách đến thăm viếng, giới thiệu và cung cấp thông tin về lịch sử, kiến trúc, văn hóa của đền thờ.
  • Cập nhật thông tin trên trang web hoặc tạo bản tin trên các trang mạng xã hội về ngôi đền tiếp quản, làm các công việc văn thư liên quan đến giấy tờ pháp lý của đền thờ.
  • Kannushi còn thực hiện, tiến hành nghi lễ đám cưới truyền thống cho các cặp đôi.

Làm thế nào để trở thành Kannushi?

Để trở thành Thần chủ, yêu cầu phải có chứng chỉ nghiệp vụ gọi là “Chứng chỉ Thần chức”, phải theo học tại các trường đại học mà Hiệp hội Đền thờ Thần đạo (Jinja Honcho – 神社本庁) chấp thuận và vượt qua các kỳ thi tuyển, chứng nhận trình độ.

Học viên muốn lấy được chứng chỉ có thể thi vào trường Đại học Kokugakuin của Tokyo hoặc Đại học Kogakkan của Ise để hoàn thành các chương trình đào tạo và thực hành, tham gia các kỳ thi theo quy định.

Kannushi 1
Cần có "Chứng chỉ Thần chức" để trở thành Kannushi. Ảnh: alamy

Hoặc học viên cũng có thể lựa chọn hình thức khác. Đó là theo học trong vòng 2 năm tại các cơ sở đào tạo Thần chức do các đền thờ vận hành, như đền Atsuta Jingu, Nagoya có nhiều cơ sở đào tạo tại nước Nhật. Hay học viên có thể theo học hệ từ xa của viện Quốc học Osaka và hoàn thành chương trình học theo quy định.

Tuy nhiên chứng chỉ đại học cấp vẫn được đánh giá cao hơn và trường hợp học viên thi lên đại học phải có giấy tiến cử của văn phòng đền thờ của các tỉnh, thành phố.

Kannushi 2
Ảnh: japantimes

Kannushi là một công việc khác biệt, độc đáo nhưng cũng được trả lương như bao nhân viên bình thường khác. Mức thu nhập của một Kannushi khởi điểm là tầm 240 nghìn yên, lương trung bình mỗi năm là hơn 4,2 triệu yên.

Kannushi được phép kết hôn và con cái của họ thường được thừa kế vị trí, công việc này. Việc cha truyền con nối là không bắt buộc nhưng trong thực tế tại nước Nhật, các Kannushi thường nuôi dạy con mình nối nghiệp. 

Kannushi 3
Ảnh: picture-worl

Kannushi chủ yếu do nam giới đảm nhận nhưng không phải là không có phụ nữ, và trong trường hợp này thường những góa phụ sẽ được giao trọng trách thay chồng tiếp quản công việc, sau đó truyền lại cho con cháu.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU