Việc lắng nghe 108 tiếng chuông được cho là giúp gột rửa mọi lỗi lầm của năm cũ để sẵn sàng chào đón năm mới.
Vào ngày 31/12 cuối cùng của năm, hay còn gọi là ngày “大晦日 – Omisoka”, người Nhật có truyền thống ăn mì trường thọ Toshikoshi Soba trong tiếng chuông chùa đêm Giao thừa. Đây là một phong tục cổ xưa đã tồn tại ở Nhật hơn 1.000 năm và ẩn chứa những triết lý sâu sắc của Phật giáo.
Vào đêm Omisoka, các ngôi chùa ở địa phương ở Nhật Bản sẽ gióng lên 108 hồi chuông từ đúng 23 giờ ngày 31/12 và kéo dài đến 0 giờ ngày đầu năm mới, trong đó, 107 tiếng chuông được đánh trước nửa đêm và hồi chuông cuối cùng được đánh vào thời khắc Giao thừa. Hầu hết các đài truyền hình tại Nhật đều phát sóng sự kiện truyền thống này nên dù gần nhà không có chùa, mọi người đều không phải bỏ lỡ thời khắc quan trọng của năm mới.
Trong tiếng Nhật, sự kiện này được gọi là “除夜の鐘 – Joya no Kane”, trong đó “除夜 – Joya" là đêm Giao thừa còn “鐘 – Kane” là chuông, nên Joya no Kane có nghĩa là rung chuông đêm Giao thừa.
Truyền thống gióng 108 hồi chuông linh thiêng này có nguồn gốc từ Trung Quốc và là một buổi lễ đánh dấu kết thúc năm cũ bằng cách tiêu trừ mọi tội lỗi, chào đón năm mới. Số lượng 108 tiếng chuông xuất phát từ Phật giáo.
Cùng với nhiều phong tục còn tồn tại ở xứ Phù Tang, Phật giáo cũng được truyền bá vào Nhật Bản từ Trung Quốc với nguồn gốc sâu xa là từ Ấn Độ. Chuỗi tràng hạt cầu kinh mà các Phật tử sử dụng (Juzu) cũng có nguồn gốc từ Ấn Độ, nơi nó được gọi là “Mala”, nghĩa là vòng tròn. Ban đầu, Mala được làm từ gỗ cây bồ đề ở nơi Đức Phật thiền định để tìm ra nguồn gốc mọi khổ đau mà con người phải hứng chịu, chuỗi tràng hạt này cũng có 108 hạt.
Chuỗi hạt cầu kinh này tượng trưng cho toàn bộ thế giới và các tầng trời. Trong Hindu giáo và chiêm tinh học của Ấn Độ, vũ trụ được chia thành 12 khu vực cai quản bởi các chòm sao cung hoàng đạo.
Hệ thống 12 khu vực này được dùng để hiểu và đánh dấu chính xác những thời điểm xảy ra sự kiện quan trọng như năm mới. Mỗi khu vực cung hoàng đạo lại được chia nhỏ thành 9 ô, do vậy, tổng số tầng trời là 108 và con số 108 trở nên vô cùng thiêng liêng, biểu tượng cho các chu kỳ của cuộc sống.
Phật giáo du nhập ý tưởng trên từ Hindu giáo nhưng đã sáng tạo nên điều mới mẻ chính là có 108 phiền não trùng hợp với 108 tầng trời trên. Đêm giao thừa chính là thời khắc tất cả tội lỗi của năm cũ nên được xóa bỏ, do vậy mới sinh ra tục lệ rung chuông chùa 108 lần.
Những tiếng chuông chùa rung lên liên tục đủ 108 lần này sẽ tỏa ra “Phật lực” và bất kỳ ai nghe thấy Joya no Kane sẽ đều được gột rửa sạch tất cả 108 phiền não, khổ đau và sẵn sàng đón năm mới.
Trong suốt thời Edo, một số ngôi chùa tại Nhật còn có phong tục mở cửa để người dân vào và rung chuông hoặc đánh trống thiêng 108 lần nhưng cần đóng phí để được phép thực hiện. Ngày nay, dù là Phật tử hay không, bạn cũng có thể tham gia vào phong tục truyền thống này bằng cách ghé thăm một trong những ngôi chùa tại Tokyo và mua vé Joya no Kane.
Xem thêm: Phong tục đón năm mới của người Nhật
Một số ngôi chùa nổi tiếng như chùa Zojoji (増上寺) gần tháp Tokyo thường bán vé Joya no Kane vào đầu tháng 12 và ưu tiên cho những ai đến trước. Vì chuông chùa thường có kích thước lớn, cao từ 1m trở lên, nên việc rung chuông thường được thực hiện theo nhóm từ 4 - 5 người. Tất cả mọi người chung sức kéo gậy đánh chuông chùa ngay trong đêm Giao thừa là trải nghiệm có một không hai không chỉ với du khách quốc tế mà cả người dân bản địa.
Đặc biệt, chùa Todaiji (東大寺) ở Nara và chùa Chion-in (知恩院) ở Kyoto nổi tiếng với những chiếc chuông khổng lồ cần đến sự hợp sức của 17 vị sư mới có thể rung được chuông. Để nghi lễ Joya no Kane diễn ra suôn sẻ, chùa Chion-in thường tổ chức diễn tập trước.
Thêm nữa, để chào đón du khách ghé thăm chùa trong đêm Giao thừa, các ngôi chùa còn mang đến đồ uống như rượu Sake hay rượu ngọt Amazake cho khách, trong khi những chùa lớn hơn có thể phục vụ đồ ăn.
kilala.vn