Japanophile: Có một tình yêu mãnh liệt với Nhật Bản

Bài: Ái ThươngSep 5, 2023

Rất lâu trước khi khái niệm "Weeaboo" hay "Wibu" xuất hiện, đã có một thuật ngữ dùng để chỉ những người ngoại quốc dành tình yêu đặc biệt cho đất nước Nhật Bản. "Japanophile" cụ thể là gì và thuật ngữ này xuất hiện từ khi nào, hãy cùng Kilala tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Japanophile - Thân Nhật Bản là gì?

Japanophile hay Japanophilia là một thuật ngữ chỉ những người nước ngoài quan tâm, say mê văn hóa, cuộc sống và lịch sử của Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, Japanophile là "Shinnichi" (親日 - Thân Nhật). Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên vào thế kỷ 18 và dần thay đổi theo sự phát triển của thời đại.

định nghĩa japanophile

Ảnh: freepik

Nguồn gốc của Japanophile

Khái niệm Japanophile được định nghĩa vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Thời điểm đó, Nhật Bản đã mở cửa giao thương và đón tiếp bạn bè quốc tế đến khám phá xứ mặt trời mọc của phương Đông. 

Nhà tự nhiên học người Thụy Điển Carl Peter Thunberg và bác sĩ, nhà thực vật học người Đức Philipp Franz von Siebold là những người tiên phong thể hiện tình yêu với xứ hoa anh đào. Họ cũng giới thiệu hệ thực vật, tác phẩm nghệ thuật, đồ vật cùng văn hóa của Nhật đến châu Âu, thể hiện niềm đam mê với đất nước này qua những tài liệu nghiên cứu tâm huyết và thu hút sự quan tâm của công chúng phương Tây.

Cũng từ đây, thuật ngữ Japanophile xuất hiện. Vào thế kỷ 19, từ này đã được đề cập trong cuốn sách của Charles Egbert Tuttle Jr. khi ông mô tả về Lafcadio Hearn (tác giả người Ireland gốc Hy Lạp sống tại Nhật, nổi danh với tác phẩm Kwaidan) rằng: “một người Japanophile đã được xác nhận”. 

lafcadio hearn

Lafcadio Hearn là một nhà văn, dịch giả và giáo viên người Ireland gốc Hy Lạp, người đã giới thiệu văn hóa và văn học Nhật Bản tới phương Tây. Ảnh: Yabai

Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, Japanophile dần được sử dụng phổ biến hơn với trào lưu văn học ca ngợi nước Nhật của các nhà văn châu Âu, chủ yếu là những tiểu thuyết gia đến từ Anh Quốc. 

Như vào năm 1904, Beatrice Webb đã viết rằng Nhật Bản là "ngôi sao đang lên của sự tự chủ và giác ngộ của loài người” và ca ngợi người Nhật đang mang trong mình xu hướng và tư tưởng cởi mở. 

Lúc đó, Nhật được coi là một đồng minh tiềm năng của Anh và rất nhiều học giả xứ sương mù đã đến xứ Phù Tang để học hỏi, tiếp thu những tinh hoa văn hóa, việc công nghiệp hóa sau Thế chiến I của Nhật.

Không chỉ là một thuật ngữ mà còn là một hệ tư tưởng

Từ thế kỷ 18, khi người châu Âu đặt chân đến nước Nhật, họ đã được tiếp cận và bị thu hút bởi những nét đặc sắc trong văn hóa, lối sống, lịch sử của quốc gia phương Đông này. 

Rất nhiều người đã đem lòng ngưỡng mộ và phổ biến các kiến thức về Nhật Bản ra thế giới, từ tình cảm cá nhân với một đất nước dần trở thành hệ tư tưởng “thân Nhật” của cả một cộng đồng quốc tế. 

Lúc đó các tín đồ Japanophile chủ yếu thuộc giới học giả, tầng lớp trí thức, doanh nhân nhưng về sau dần trở nên phổ biến, hơn và được mọi tầng lớp trong xã hội theo đuổi.

thân nhật bản

Ảnh: The Japan Times

Japanophile bắt đầu bùng nổ toàn cầu vào những năm 60 khi nước Mỹ bị ảnh hưởng bởi cách kinh doanh, làm kinh tế của Nhật. Sau đó là sự xâm chiếm của văn hóa 2D với manga, anime đã khiến “cơn sốt” Japanophile lan tỏa toàn cầu. Từ đây các thế hệ theo đuổi Japanophile cứ lần lượt ra đời với số lượng ngày càng đông đảo.

Tuy nhiên từ thế kỷ 21, từ Japanophile không còn được sử dụng rộng rãi nữa mà thay vào đó người ta biết đến thuật ngữ Weeaboo.

david bowie

David Bowie được biết đến là một người đam mê văn hóa Nhật. Ảnh: saburaku

Japanophile khác với Weeaboo

Vào đầu những năm 2000, Weeaboo (Wibu trong tiếng Việt) xuất hiện trên các diễn đàn internet, khởi nguồn từ 4chan. 

Ban đầu Wanpanese” - từ rút gọn của "white Japanese" (Nhật da trắng) hoặc "wannabe Japanese" (kẻ học đòi người Nhật) được sử dụng để gọi những kẻ sùng bái văn hóa Nhật một cách lố bịch. Nhưng kể từ năm 2004, Wanpanese đã được admin của diễn đàn 4chan thay bằng từ Weeaboo lấy từ bộ truyện tranh The Perry Bible Fellowship.

Weeaboo chỉ những người nước ngoài, đặc biệt là người da trắng bị ám ảnh bởi văn hóa đại chúng Nhật Bản, thể hiện tình yêu cuồng nhiệt với anime, manga. 

Và từ Weeaboo được sử dụng mang tính mỉa mai, châm biếm về những người cuồng tín quá mức với xứ Phù Tang mà theo Know Your Meme và Gaijin Pot là bộc lộ qua 5 biểu hiện cố chấp như: thường chèn tiếng Nhật vào tiếng quốc gia; thiên vị, coi trọng mọi thứ đến từ Nhật; cho rằng người Nhật thuộc tầng lớp thượng đẳng; luôn tỏ ra giống người Nhật và chìm đắm trong thế giới văn hóa manga, anime, phim ảnh, tiểu thuyết của Nhật. 

anime

Weeaboo hay Wibu là một khái niệm mới xuất hiện vào đầu thập niên 2000. Ảnh: Ranker

Mặc dù Japanophile được xem là một thuật ngữ cũ của Weeaboo, đều là những từ chỉ về người nước ngoài yêu thích Nhật nhưng Japanophile mang ý nghĩa khác hẳn. Japanophile mang một sắc thái trung lập hơn, không có sự mỉa mai hay phân biệt, ẩn chứa khi miệt thị như Weeaboo.  

Japanophile chỉ là thể hiện tình yêu với nước Nhật nhưng không đến mức “thượng đẳng”, tôn sùng hay cuồng nhiệt thái quá và cũng không có tính tiêu cực như "đạp" văn hóa của quốc gia xuống để nâng văn hóa của Nhật lên. 

Japanophile tuy không được dùng phổ biến như xưa nhưng nhắc đến từ này người ta sẽ nghĩ đến một thứ tình cảm, tư tưởng cuồng nhiệt, đắm say nhưng không ám ảnh quá mức với nước Nhật của người nước ngoài.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU