Các hình thức hôn nhân truyền thống
Từ thời cổ đại kéo dài đến thời Heian (thế kỷ 8), hôn nhân ở Nhật Bản chủ yếu theo hình thức “Muko irekon” (gửi rể). Tuy nhiên, bước vào thời Kamakura (thế kỷ 12), cùng với cán cân quyền lực nghiêng về tầng lớp võ sĩ, nam giới trở nên có vị trí quan trọng hơn nữ giới. Theo đó, hôn nhân trong giai đoạn này thường hướng tới mục đích gia tăng quyền lực cho hai bên gia đình nên xuất hiện thêm 2 hình thức mới là “Ashi irekon” và “Yome irekon”.
Với Ashi irekon, sau khi tổ chức nghi lễ tại nhà trai, cô dâu và chú rể sẽ sống ở nhà cô dâu cho đến khi cả 2 có con thì sẽ chuyển về nhà chú rể. Còn Yome irekon là hình thức cô dâu đến ở hẳn nhà chú rể. Hình thức này trở nên rất phổ biến trong các gia đình võ sĩ và dần lan rộng ra tầng lớp bình dân với các nghi thức mang đậm yếu tố bản địa. Từ sau thời Meiji (thế kỷ 19), bên cạnh việc đôi nam nữ tự tìm hiểu, yêu nhau và tiến đến hôn nhân “Renai kekkon” thì kiểu hôn nhân thông qua mai mối “Omiai kekkon” cũng phổ biến.
Lễ đính hôn
Yuino (結納) – lễ đính hôn là bước tiếp theo sau giai đoạn tìm hiểu của đôi nam nữ. Các nghi lễ và cách thức tiến hành ở lễ đính hôn sẽ khác biệt theo từng địa phương nhưng về căn bản đó là nghi thức quan trọng để hai bên gia đình gặp gỡ, nhà trai sẽ trao lễ vật và nhà gái cũng gửi vật lưu niệm cho nhà trai. Trong các món lễ vật mà nhà trai trao cho nhà gái thường có cả trang phục Kimono truyền thống với thắt lưng Obi kèm theo tiền lễ.
Thông thường, lễ đính hôn thường được tiến hành trước lễ cưới từ 3 đến 6 tháng. Trong thời gian này, đôi nam nữ sẽ được hai bên gia đình xem như thành viên trong gia đình. Đây cũng là giai đoạn mọi người cùng nhau thảo luận để lựa chọn thời gian, địa điểm tổ chức lễ cưới.
Lễ cưới truyền thống
Trong lễ cưới, cô dâu sẽ mặc trang phục Shiromuku (白無垢), tượng trưng cho sự trinh trắng và thanh khiết, đầu đội mũ Wataboshi (綿帽子) hoặc Tsunokakushi (角隠し). Chú rể mặc Hakama truyền thống, có kẻ sọc.
Mặc dù hiện nay, các lễ cưới theo nghi thức Thiên chúa giáo được ưa chuộng nhưng phần lớn người Nhật vẫn lựa chọn tổ chức lễ cưới theo nghi thức truyền thống ở đền thờ Thần đạo với sự tham dự của gia đình và họ hàng thân thích hai bên. Tại chính điện, người chủ tế là tu sĩ của đền thờ sẽ thực hiện nghi thức thanh tẩy O-harai cho cô dâu chú rể. Cô dâu chú rể cùng cúi đầu, tiếp nhận sự thanh tẩy và lạy một lạy trước thần linh. Sau đó, chủ tế sẽ tuyên bố sự gắn kết của hai người trước mặt thần linh. Cả hai sẽ thực hiện nghi thức uống rượu giao bôi “Sansankudo”, cùng nói lời thề ước và sau cùng là trao nhẫn.
Sansankudo (三三九度) hay còn được gọi là “Sankon no gi” (三献の儀 ) là một nghi thức uống rượu giao bôi thề nguyện trăm năm của tân lang tân nương trước mặt thần linh. Theo nghi thức này, cô dâu và chú rể sẽ lần lượt uống rượu thề nguyện trong ba chiếc cốc. Cốc nhỏ hướng về quá khứ, nguồn cội, chứa đựng lời cảm tạ ông bà, tổ tiên đã phù hộ cho cặp đôi. Cốc trung chính là hiện tại, là lời nhắc nhở cặp vợ chồng cùng chung sức chung lòng xây dựng cuộc sống lứa đôi. Cốc đại hướng đến tương lai, cầu mong bình an hạnh phúc và con cháu đầy đàn.
kilala.vn