Hoa tử đằng trong văn hóa Nhật Bản

Bài: Ciro
Apr 20, 2023

Nguồn: Tokyo Weekender

Hoa tử đằng gắn bó mật thiết với lịch sử nước Nhật từ thời cổ đại, được miêu tả trong nhiều tác phẩm kinh điển và tranh vẽ, được người Nhật vô cùng yêu thích.

Khi nhắc đến “hanami” – hoạt động ngắm hoa chào xuân ở xứ Phù Tang, nhiều người thường mặc định là ngắm hoa anh đào, nhưng thực tế mùa xuân ở Nhật Bản có rất nhiều loài hoa khoe sắc, và loài hoa nào cũng đáng để ta ghé thăm, tận hưởng hương sắc của chúng.

hoa tử đằng nhật bản
Ảnh: japan-guide.com

Trong đó, những cây hoa tử đằng đặc biệt thu hút bởi sắc tím lãng mạn và hương thơm ngào ngạt. Không chỉ vậy, tử đằng cũng là loài mang ý nghĩa sâu sắc và không ít tác phẩm văn hóa nghệ thuật Nhật Bản có sự xuất hiện của loài hoa này. Hãy cùng Kilala tìm hiểu về tất tần tật những điều liên quan đến hoa tử đằng ở đất nước Mặt trời mọc nhé! 

Hoa tử đằng xứ Nhật

Tử đằng (danh pháp khoa học: Wisteria sinensis) là một loài thực vật có hoa thuộc họ Đậu. Trong tiếng Nhật, loài hoa này được gọi là Fuji (藤)– giống với cách đọc tên núi Phú Sĩ (富士) nhưng khác về Hán tự.

Hoa tử đằng gắn bó mật thiết với lịch sử nước Nhật từ thời cổ đại, được miêu tả trong nhiều tác phẩm kinh điển và tranh vẽ, được người Nhật vô cùng yêu thích.

“Fujifu - 藤布”, vải được làm bằng sợi của cây hoa tử đằng, được cho là loại vải lâu đời nhất của xứ Phù Tang, xuất hiện từ thời tiền sử Jomon, và đến nay vẫn còn được sản xuất, đã được chỉ định là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 1991.

fujifu vải sợi hoa tử đằng
Fujifu - loại vải được làm từ sợi của hoa tử đằng. Ảnh: yushisha.com

Kể từ thời Edo (1603 – 1868), hoa tử đằng đã được trồng bằng cách sử dụng giàn che để có được tán màu tím và lan tỏa những bông hoa đi khắp nơi.

Ý nghĩa của hoa tử đằng là gì?

Tất cả các loài hoa đều mang một ý nghĩa riêng và tử đằng cũng không ngoại lệ. Đối với người Nhật, hoa tử đằng được cho là đại diện cho sự may mắn, lòng tốt và tuổi thọ bởi thân cây dài. Trong khi những bông hoa xinh xắn cũng được cho hàm chứa ý nghĩa lãng mạn.

hoa tử đằng xứ nhật
Ảnh: Tokyo Weekender

Người ta thường tặng hoa tử đằng cho các cặp vợ chồng mới cưới vì nó tượng trưng cho một cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng, tuyệt đối không được đưa hoa tử đằng cho người bệnh, vì điều đó có thể khiến tình trạng của họ trở nên tồi tệ hơn.

Hoa tử đằng trong văn hóa nhật bản

Không có gì ngạc nhiên khi loài hoa sở hữu vẻ đẹp huyền diệu này thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm văn học, hội họa, sân khấu...

Trong Cổ Sự Ký, quyển biên niên sử ra đời năm 712 bao gồm các thần thoại, truyền thuyết, thánh ca... về nguồn gốc nước Nhật, hoa tử đằng đã xuất hiện trong câu chuyện về Izushiotome – nữ thần không mở lòng với chuyện kết hôn cho đến khi được cầu hôn bởi hoa tử đằng. Loài hoa với sắc tím đặc trưng cũng là chủ đề quen thuộc của thơ ca, với không dưới 28 lần xuất hiện trong tập thơ cổ lâu đời nhất Nhật Bản, Manyo-shu (Vạn Diệp Tập). Hoa tử đằng cũng được đề cập đến trong “Truyện kể Genji”.

hoa tử đằng trong văn hóa nhật bản
Ảnh: Tokyo Weekender

Ngoài ra, còn có điệu múa Kabuki “Fuji Musume,” ra đời vào năm 1826, ban đầu là một phần của chuỗi năm điệu múa và là phiên bản duy nhất vẫn được biểu diễn cho đến ngày nay. Khi trình diễn điệu múa, các vũ công đội cài nhánh hoa tử đằng trên tóc và sân khấu được trang trí bằng những bông hoa đầy màu sắc.

Hoa tử đằng còn được cho là mang lại may mắn cho con người, trong khi đem đến vận xui và làm suy yếu sức mạnh của ma quỷ. Gần đây, trong loạt phim hoạt hình nổi tiếng “Demon Slayer”, hoa tử đằng đã được sử dụng để xua đuổi ma quỷ, giống như cách dùng tỏi với ma cà rồng.

Thời điểm để ngắm tử đằng tại Nhật Bản

Thông thường, hoa tử đằng ở Nhật Bản nở vào tháng Năm. Tuy nhiên, mùa hoa có thể thay đổi tùy thuộc vào kiểu thời tiết và khí hậu địa phương. Ở những hòn đảo ấm áp phía nam như ở vùng Kyushu, những bông hoa màu tím có thể bắt đầu xuất hiện sớm nhất là vào giữa tháng Tư. Càng đi về phía bắc, hoa nở càng muộn, nhưng đợt nở hoa đỉnh điểm thường kết thúc trên toàn quốc vào giữa tháng Năm.

ngắm hoa tử đằng
Ảnh: japan-guide.com

Bạn có thể lên kế hoạch cho kỳ nghỉ để có thể vừa thưởng thức hoa tử đằng vừa ngắm hoa anh đào và nhiều loài hoa khác. Tuy nhiên, cần lưu ý thời điểm Tuần lễ vàng (29/4-5/5), vì lúc này nhiều doanh nghiệp đóng cửa và số lượng khách du lịch tăng đột biến. 

Xem thêm:Tháng Năm ngắm hoa tử đằng ở công viên Ashikaga

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU