Khi những ngày thu tới cũng là lúc cảnh vật xứ sở mặt trời mọc chuyển mình rõ rệt. Những tán cây bắt đầu thay lá và khoác lên mình màu vàng đỏ đặc trưng của tiết thu nơi đây. Không quá nổi bật như lá đỏ (Momiji) hay cây bạch quả (Ginkgo), nhưng cây mộc vàng (Kinmokusei) vẫn luôn là một phần của mùa thu Nhật Bản với vẻ đẹp đặc trưng của riêng mình.
Nguồn gốc và tên gọi của hoa mộc vàng
Cây mộc vàng (mộc tê, quế hoa) vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, là một loài cây thuộc chi Hoa mộc sinh trưởng tại châu Á. Tên gọi trong tiếng Nhật "金木犀 - Kinmokusei - Kim Mộc Tê" thể hiện những đặc điểm nổi bật của loài cây này với hoa màu vàng cam (金 - vàng) và hình dáng vỏ cây rất giống chân của một con tê giác (犀 - tê giác).
Kinmokusei được cho là du nhập vào Nhật Bản từ đầu thời Edo (1603 - 1868) và được trồng rộng rãi ở nhiều vùng trên cả nước. Tại Việt Nam, cây mộc vàng cũng xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Thái Bình...
Cây mộc vàng với đời sống của người Nhật
Hoa mộc vàng mọc thành chùm, nhỏ nhưng có hương thơm nồng nàn rất đặc trưng. Vì hoa bắt đầu nở vào những ngày cuối hè đầu thu nên mùi hương mộc vàng trở thành tín hiệu báo thu về, cũng như gắn liền với những kỉ niệm của người Nhật về mùa đẹp nhất trong năm. Hoa mộc vàng tượng trưng cho mùa thu, là một trong ba loài hoa có hương thơm nổi bật đại diện cho các mùa, bên cạnh hoa thụy hương (沈丁花 - Jinchouge) vào mùa xuân và hoa dành dành (クチナシ - Kuchinashi) vào mùa hè.
Vào thời Showa (1926 - 1989), cây mộc vàng phổ biến hơn ngày nay và được trồng gần những nhà vệ sinh với mục đích khử mùi nhờ hương thơm của nó. Còn ngày nay, mộc vàng được trồng chủ yếu để làm cảnh, làm dược liệu trong các khu vườn cũng như thanh lọc không khí trên nhiều con đường tại Nhật Bản.
Nhờ hương thơm của mình, hoa mộc vàng được dùng để làm nước hoa và tinh dầu. Bên cạnh đó, loài hoa này cũng được dùng để pha trà và ủ rượu. Rượu hoa mộc là đồ uống truyền thống rất nổi tiếng, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Giai thoại và ý nghĩa của hoa mộc vàng
Những câu chuyện dân gian về cây hoa mộc bắt nguồn từ Trung Quốc, quê hương của nó. Chuyện kể rằng, ngày xưa, có một cây hoa mộc khổng lồ mọc trên mặt trăng. Vào mỗi tháng, cây sẽ nở hoa cũng như thay lá. Người Trung Quốc tin rằng, chính cái cây này đã che đi ánh sáng mặt trăng, tạo nên các chu kỳ trăng trong một tháng, khi trăng non thì tán cây rậm rạp còn khi trăng tròn thì tán cây rụng bớt lá.
Rồi một ngày, có một người đàn ông tên Wu Gang bị thần linh gửi lên mặt trăng để chặt cây hoa mộc này như một hình phạt. Cứ mỗi khi anh ta chặt vào cây, cây hoa mộc liền lành lại ngay lập tức. Vì thế, Wu Gang cứ phải chặt cây mãi mãi. Thành ngữ “Wu Gang chặt cây” ngày nay được người Trung Quốc dùng để chỉ những nỗ lực vô ích.
Còn tại Nhật Bản, nơi hoa mộc vàng mọc phổ biến hơn, người dân nơi đây cũng đặt cho cây hoa này nhiều ý nghĩa biểu tượng:
- Ý nghĩa về sự khiêm tốn: Dù có mùi hương rất đậm nhưng hoa mộc vàng bản thân rất nhỏ và giản dị, không quá lộng lẫy.
- Ý nghĩa về sự quý phái: Cây mộc vàng rất dễ rụng hoa vào những ngày mưa, để lại trên mặt đất một tấm thảm màu vàng cam, khung cảnh đó trông rất trang nhã. Bên cạnh đó, mùi hương của hoa mộc vàng ngào ngạt nhưng lại không thu hút sâu bọ. Có lẽ vì thế mà người Nhật đã gắn nó với sự quý phái.
- Ý nghĩa về sự thật, tình yêu đích thực: Mùi hương của mộc vàng rất dễ nhận ra bởi chúng thơm và lan rất xa nên loài hoa này đại diện cho những điều không thể che giấu.
- Ý nghĩa về mối tình đầu: Vẫn là mùi hương của mộc vàng, sâu đậm khó quên cũng như lần đầu trải qua cảm giác được yêu của mỗi người.
- Ý nghĩa về sự quyến rũ, niềm hạnh phúc: Sự cuốn hút của hương mộc vàng được rất nhiều người ưa chuộng. Chính vì thế, rất dễ hiểu khi hoa mộc vàng được gắn cho ý nghĩa này.
kilala.vn