Hiện tượng Mariko Aoki: Vào nhà sách bỗng dưng đau bụng

Bài: kirinJun 28, 2021

Bạn đã bao giờ gặp trường hợp mỗi khi bước vào nhà sách, nhu cầu đi vệ sinh lại trỗi dậy? Nếu lục lại trí nhớ, bạn thấy điều tương tự đã từng xảy ra với mình thì cũng đừng quá ngạc nhiên vì bạn không hề cô đơn! Có nhiều người khác cùng chia sẻ trải nghiệm kỳ lạ này, và thực tế nó còn có tên gọi riêng là “Mariko Aoki”, được đặt theo tên của một phụ nữ Nhật Bản.

Bản thân con người đã là một điều bí ẩn với rất nhiều hiện tượng tâm lý khó mà lý giải. Có những người có thể nghe thấy màu sắc, cảm giác được âm thanh hay ngửi được mùi vị từ những từ ngữ nhất định (*). Nghe thật thú vị phải không? Nhưng cũng có những hiện tượng lại gây ra một số bất tiện trong sinh hoạt, chẳng hạn như “Mariko Aoki”. Nó có thể khiến con đường tiếp cận tri thức của bạn thêm gian nan, bởi cứ bước vào nhà sách là lại muốn... “đi nặng”!

mariko-aoki-1
Mariko Aoki là tên của hiện tượng hễ vào nhà sách là lại "đau bụng".

(*) Hội chứng Synesthesia - Cảm giác kèm là một bệnh lý thần kinh khi não xử lý các dữ liệu, thông tin bằng nhiều giác quan cùng một lúc. Người mắc phải hội chứng này có những cảm giác độc đáo giữa hai giác quan hay tri giác mà người bình thường không thể cảm nhận được. (Theo hellobacsi.com)

Nguồn gốc của Mariko Aoki

Bạn có thắc mắc vì sao tên của một phụ nữ Nhật Bản lại được đặt cho hiện tượng không mấy “đẹp đẽ” này?

Nó xuất phát từ việc một phụ nữ tên Mariko Aoki đã gửi thư đến Tạp chí Sách hay "Hon no Zasshi" của Nhật Bản, kể về một hiện tượng khó hiểu xảy ra với cô: bất cứ khi nào Aoki bước vào hiệu sách, ruột của cô lại đột nhiên quặn lên, kéo theo nhu cầu cần phải “giải quyết”. Tạp chí đã in bức thư của Aoki trong số ra tháng 2 năm 1985 và phát hiện ra rằng người phụ nữ này không hề đơn độc. Nhiều độc giả khác đã gửi thư đến tòa soạn, kể chi tiết về trải nghiệm tương tự của họ tại hiệu sách hay thư viện, và Hon no Zasshi đã tận dụng độ “hot” của chủ đề này bằng cách xuất bản một bài báo dài có tên “Hiện tượng làm rung chuyển ngành công nghiệp sách!” Từ đó, hiện tượng bí ẩn này được gọi với cái tên “青木まりこ現象 -  Aoki Mariko Genshou”, tức “hiện tượng Mariko Aoki”.

Ông Koji Meguro của tạp chí Hon no Zasshi cho biết, mức độ phủ sóng của hiện tượng này có lẽ là bởi một phụ nữ trẻ đã không ngần ngại chia sẻ một vấn đề tương đối tế nhị với mọi người. Bản thân Mariko Aoki đã nhiều lần được phỏng vấn bởi ban biên tập Hon no Zasshi kể từ năm 1985, và cô cho biết mình không đặc biệt bận tâm về việc tên của mình được sử dụng để đặt cho hiện tượng này.

Nhiều thập kỷ sau, mặc dù chưa thể giải thích hoàn toàn trên góc độ khoa học, Mariko Aoki vẫn xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông như một hiện tượng thú vị và không kém phần kỳ lạ.

/mariko-aoki-3
Tồn tại mối liên hệ giữa nhà sách và đau bụng? Ảnh: Wikipedia

Sự phổ biến của hiện tượng Mariko Aoki

Một số nghiên cứu nhỏ được thực hiện ở Nhật Bản cho thấy tình trạng này xảy ra trên khắp đất nước và phổ biến ở phụ nữ từ hai đến bốn lần so với nam giới. Một báo cáo ước tính cứ trong 10 đến 20 người sẽ có 1 trường hợp mắc chứng Mariko Aoki và ít nhất vài triệu người ở Nhật Bản đã trải qua hiện tượng này. Theo một cuộc khảo sát trực tuyến của Nhật Bản với đối tượng là phụ nữ đi làm trong độ tuổi từ 22 đến 33, số lượng trả lời "Có" cho câu hỏi "Bạn đã bao giờ cảm thấy muốn đi nặng khi ở trong hiệu sách chưa?" là 40 trên 150 (26,7%).

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra hội chứng này xuất hiện phổ biến ở người trưởng thành, nổi bật ở các nhóm tuổi 20 và 30. Mặt khác, các trường hợp là trẻ em cũng đã được ghi nhận.

Có thể nói, đây là một hiện tượng mà ai cũng có thể gặp phải vì dường như tiền sử gia đình không thể hiện sự liên quan. Tuy nhiên, mẹ của Mariko Aoki cho biết bà cảm thấy có thể có một số yếu tố di truyền, vì em trai của bà (tức chú của Mariko Aoki) cũng gặp phải các triệu chứng tương tự. Hiện tượng này cũng được biết là có xu hướng truyền từ người này sang người khác.

Lý giải hiện tượng Mariko Aoki

Theo News Lagoon, một giả thuyết cho rằng mực hoặc giấy được sử dụng trong quá trình sản xuất một số cuốn sách có thể chứa chất nhuận tràng, trong khi ý kiến khác lại cho rằng thói quen đọc sách trong nhà vệ sinh đã tạo ra phản xạ muốn đại tiện khi mở một cuốn sách. Cũng có thể các động tác gập người và ngồi xổm mà chúng ta làm trong khi quét các giá sách, lấy sách và tạm dừng để đọc một vài trang đã tác động lên ruột gây ra hiện tượng trên. Một lý do nữa được đề cập là tiềm thức của chúng ta bị choáng ngợp bởi lượng thông tin khổng lồ trong một hiệu sách và nhu cầu đi nặng chính là một nỗ lực tâm lý để thoát khỏi áp lực này.

mariko-aoki-2
Thói quen đọc sách trong nhà vệ sinh có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng Mariko Aoki.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU