Buổi hoà nhạc ngẫu hứng diễn ra tại Hà Nội có tên gọi “Hà Nội Collective Orchestra” do Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam giới thiệu là chương trình nằm trong dự án Hoà nhạc đồng diễn ở Châu Á (Ensembles Asia Orchestra).
“Hà Nội Collective Orchestra” là một giàn nhạc khác biệt, tác phẩm trình diễn cũng không phải là các bản giao hưởng bất hủ của Mozart, Beethoven… mà là những âm thanh đời thường, người tham gia cũng chưa từng biểu diễn trong giàn nhạc, buổi hoà nhạc không qua luyện tập, tổng duyệt, tất cả đều là ngẫu hứng.
Dự án do Japan Foundation và nhạc sĩ Otomo Yoshihide – đồng thời là nhạc công guitar, DJ, nhà sản xuất nhạc phim, nhà sản xuất đĩa hát – kết hợp thực hiện tại các nước Châu Á, và lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Nhạc sĩ Otomo cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu âm nhạc ở các vùng miền Philippines, Indonesia, Thái Lan, Ogijima và Fukushima (Nhật Bản)… nhằm tạo ra một dòng nhạc riêng cho những người bản địa, nếu tôi áp dụng vốn kiến thức âm nhạc của mình vào âm nhạc bản xứ, thì sẽ như một sự ép buộc. Thế nên tôi muốn đem lại một dòng nhạc hoàn toàn mới cho những người tôi chưa từng gặp, họ sẽ tạo ra âm nhạc không giống với tất cả những gì tôi đã từng làm, được gọi là Âm nhạc không cần nhạc sĩ”.
Để tạo nên bữa tiệc âm thanh sôi động, nhạc sĩ Otomo Yoshihide, nghệ sĩ Fuji Hiroshi, nhiếp ảnh gia Ishikawa Naoki cùng 6 sinh viên tình nguyện từ vùng Tohoku và 24 sinh viên Việt Nam đã đi quanh phố phường Hà Nội, chọn tìm các vật dụng sinh hoạt thường ngày, từ cái chảo, nắp vung, đinh ốc, chìa khoá, khúc tre, đến thùng sắt, chậu nhựa, chai lọ, ống lon… tập hợp lại và cùng người tham gia chương trình tự chế nhạc cụ mà ngay bản thân người chế tác cũng chưa biết rõ âm thanh nhạc cụ ấy sẽ thế nào. Thuý Hằng – sinh viên khoa Nhật ngữ ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Tôi chưa biết gì về âm nhạc và nhạc cụ, khi tham gia dự án này được các bạn sinh viên Nhật hướng dẫn, thật vui vì không ngờ những chén bát, que kem, hòn sỏi, ống lon bỏ đi… lại có thể tạo thành nhạc cụ với âm thanh lạ tai nhưng cảm giác gần gũi, quen thuộc”.
Sau 3 giờ với mài dũa, cưa đục, cắt dán, lắp ghép… các nhạc cụ lạ đời nhất và chưa từng được định danh xuất hiện, cái thùng xốp với cây cung vĩ tạo âm thanh, cái rổ tòn ten với lỉnh kỉnh móc khoá, đinh vít… bất kể cái gì tạo nên tiếng động đều trở thành “nhạc cụ” và đủ điều kiện tham gia vào buổi hoà nhạc.
Ý tưởng lập ra “ban nhạc lộn xộn” này được nhạc sĩ Otomo lý giải: “Âm nhạc phương Tây phân định rõ rệt giữa chuyên và không chuyên, còn ở Châu Á tôi không thấy rõ khoảng cách đó, ví dụ nhạc trong lễ lạt, hội hè… ai cũng có thể chơi và tham gia, và không hẳn là người được học, đào tạo chuyên nghiệp về âm nhạc. Các dòng nhạc phát triển trên thế giới phân định giữa người chơi và người nghe, tôi muốn tạo ra một thứ âm nhạc mới để xoá đi ranh giới ấy, đó là không cần nhạc cụ chuyên nghiệp, biểu diễn không theo sáng tác có trước, không nhạc phổ, không giới hạn thời gian và độ tuổi người tham gia”.
Buổi diễn bắt đầu, ai nấy nín thở chờ đợi, và chỉ với vài dấu hiệu đơn giản để mọi người có thể nhìn theo và trỗi lên âm thanh của nhạc cụ trong tay, nhạc sĩ Otomo đã tạo nên một bản hoà tấu đầy hứng khởi, hơn 200 âm thanh các loại khi rộn ràng, khi khoan nhặt, khi theo nhịp đều đặn từ tiếng gõ thùng, tiếng kèn, đến xủng xoảng, leng keng, lách cách… cứ kéo dài như bất tận, tuỳ theo ngẫu hứng nhanh – chậm, nhỏ - to mà Otomo điều khiển.
Người tham gia buổi hoà nhạc càng thêm phấn khích hơn khi được giao vai trò điều khiển giàn nhạc theo ý thích. Cô giáo mầm non Đỗ Thanh Loan chia sẻ sau những phút giây “phiêu” khi được giao quyền điều khiển giàn nhạc: “Tôi chưa điều khiển một đám đông chơi nhạc cụ như thế bao giờ, cảm giác gần gũi, hoà đồng và gắn kết giữa mọi người đến thật tự nhiên, âm thanh tạo ra khiến tôi bất ngờ vì không nghĩ những giản đơn ấy lại có thể tạo nên sự hoà trộn rộn ràng và vui nhộn đến thế”.
Nguyễn Đình/Kilala.vnNhạc sĩ Otomo Yoshihide được thế giới biết đến qua những tác phẩm âm nhạc cho hơn 70 bộ phim do ông soạn nhạc và sản xuất, cùng những sáng tác nhạc ngẫu hứng, âm nhạc tiếng ồn, nhạc trẻ, đạt các giải thưởng danh giá trong thành tựu âm nhạc như Giải Japan Record Award từ phần sáng tác nhạc nền cho phim truyền hình “Amachan”. Thực hiện các dự án lớn như “Dự án Fukushima”, Hoà nhạc đồng diễn Châu Á (Ensembles Asia Orchestra), các dự án âm nhạc dành cho trẻ em khuyết tật…
Keiko Arima - GĐ dự án Ensembles Asia Orchestra: “Ngay cả bản thân tôi cũng bất ngờ, khi dự án diễn ra ở Nhật, các buổi hoà nhạc đều sử dụng nhạc cụ sẵn có, còn ở Việt Nam là nhạc cụ tự chế nên âm thanh rất lạ tai, người tham gia cũng rất vui nhộn, tạo nên một không gian âm nhạc thực sự đặc biệt. Chương trình ở Hà Nội là bước thử nghiệm đầu tiên, và đã có những thành công cũng như sự đón nhận của người tham gia, tôi sẽ mang chương trình này trở lại các vùng miền khác ở Việt Nam”.
Naoki Hiraishi – tình nguyện viên Nhật Bản: “Đây là lần đầu tôi đến Việt Nam, khi được giao nhiệm vụ tìm vật liệu trên đường phố Hà Nội để chế tác nhạc cụ, tôi bất ngờ vì có nhiều nơi bán tre, giá rất rẻ so với ở Nhật, rồi khi được thưởng thức ẩm thực đường phố, ăn món nào cũng ngon khiến tôi nghĩ ngay đến việc kết hợp tre và dụng cụ nhà bếp để chế tác thành các nhạc cụ cho buổi biểu diễn”.