Góc tối phía sau ngành kinh doanh khách sạn tử thi tại Nhật

Bài: Rin Jun 26, 2021

Trong bối cảnh dân số Nhật Bản ngày càng già hoá dẫn đến sự quá tải của các lò thiêu, mô hình khách sạn tử thi đã ra đời, đáp ứng nhu cầu cất giữ thi thể của người thân trong thời gian chờ đợi được hoả táng. 

Khách sạn tử thi đầu tiên mở tại thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản vào năm 2010. Đến nay, loại hình này vẫn đang nở rộ tại Nhật, nhất là ở các khu đô thị lớn như Tokyo, Osaka. Dù nhận được ủng hộ của người sử dụng dịch vụ, khách sạn tử thi trở thành mối lo ngại và bị phản đối kịch liệt bởi cộng đồng dân cư xung quanh. Đồng thời, sự phát triển của loại hình mới này cũng phơi bày những mặt tối của xã hội Nhật Bản. 

Khách sạn tử thi là gì?

Khách sạn tử thi “遺体ホテル – Itai Hoteru” là nơi các gia đình đặt phòng, tổ chức một tang lễ nhỏ và cất giữ thi thể người thân đã qua đời của họ trong lúc chờ đợi hoả táng. Vào tháng 6 năm 2010, khách sạn tử thi đầu tiên mang tên “Lastel Kuboyama” đã mở cửa hoạt động tại Nishi, thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa. Sau đó, nhiều khách sạn tử thi khác cũng ra đời, nổi bật như Sousou tại thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa hay Relation ở Osaka. Thậm chí, gần đây nhất, vào tháng 12 năm 2020, một ngôi nhà được cấp phép cho thuê cũng kinh doanh loại hình dịch vụ này. 

lastel-khach-san-tu-thi
Khách sạn tử thi đầu tiên tại Nhật Bản - Lastel. Ảnh: ekiten.jp

Bên trong các khách sạn tử thi

Khách sạn Sousou 

Mở cửa hoạt động vào năm 2014, Sousou là một nhà xưởng được tân trang lại với ngoại thất sơn màu bạc và cửa sổ đen để trở thành “khách sạn tử thi”. Khác với nhà xác thông thường đặt thi thể trong tủ đông, tại Sousou, xác của người đã mất được bảo quản bằng cách đặt trong các phòng máy lạnh không khác gì lúc họ còn sống. Với mức chi phí thuê phòng 9.000 yên/ngày, các gia đình có thể lưu giữ người thân đã khuất ở 1 trong 10 phòng tại Sousou trong thời gian tối đa 4 ngày cho đến khi tìm được nơi hoả táng. 

khach-san-sousou1
Ông Hajime Iguchi được đưa đến nơi hoả táng sau thời gian ở tại khách sạn Sousou. Ảnh: nytimes.com

Bên trong khách sạn Sousou, tường được sơn màu pastel, nội thất gồm sofa và ghế đẩu màu xanh lá cây mang đến cảm giác gần gũi, đầy sức sống. Có lẽ chẳng ai nghĩ rằng nơi đây sẽ trở thành chỗ dừng chân cuối cùng của một người trước khi được đưa đi hoả táng. Bài trí tại lối vào cũng toát lên vẻ nhẹ nhàng, nhã nhặn, chẳng khác nào một Spa với kệ đặt cây xanh và sách. Chia sẻ về điều này, ông Hisao Takegishi – chủ khách sạn Sousou nói rằng: “Tôi muốn các căn phòng trông không quá buồn hay tạo cảm giác cô đơn”. 

Từ khi mở ra, khách sạn Sousou nhận được khá nhiều lượt đặt phòng. Ông Hisao có nhiều mối quan hệ với giám đốc của các nhà tang lễ và cả nhà sư, nên tại Sousou, thân nhân của người đã mất được tư vấn dịch vụ tang lễ với giá cả phải chăng. Nhiều khách hàng của Sousou đã có thể tổ chức một tang lễ nhỏ với sự tham gia của nhà sư, trong số đó là gia đình ông Hajime Iguchi. Qua đời ở tuổi 83 vào mùa thu năm 2016, tang lễ của ông được tổ chức tại khách sạn Sousou bởi vợ chồng em gái Kunie Abe. Theo lời kể của bà, ông Iguchi sống trong cảnh độc thân suốt đời, mất tại viện dưỡng lão sau cơn bạo bệnh và có rất ít bạn bè. Bà Kunie Abe, 73 tuổi, chia sẻ: “Ngày trước, chúng tôi thường tổ chức tang lễ tại nhà, nhưng nay thời đại đã đổi thay. Lúc đó, tất cả những người hàng xóm đều biết nhau và sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng bây giờ, bạn thậm chí còn không biết người hàng xóm sát cạnh bên.” Vì anh trai bà – ông Hajime không có nhiều bạn bè nên vợ chồng Kunie đã quyết định tổ chức một lễ tang nhỏ cho ông tại đây. 

khach-san-sousou2
Thi thể ông Hajime Iguchi được đưa từ Viện dưỡng lão đến khách sạn Sousou. Ảnh: businessinsider

Tang lễ diễn ra với sự tham gia của 5 người thân. Họ ngồi trên những chiếc ghế gần với quan tài của ông Hajime. Thi hài của ông được đặt trong quan tài màu trắng lót bằng vải sa tanh cùng màu. Một vị sư được mời đến để tụng kinh và thực hiện các nghi lễ tiễn đưa ông ở chặng đường cuối cùng. Sau khi nhà sư tụng kinh xong, năm người thân đứng dậy và đặt những bông hoa cùng hạc giấy lên người ông, làm nên một vòng hoa rực rỡ quanh đầu và trên ngực. Bà Abe ghé sát tai người anh trai đã khuất và thì thầm: “Tạm biệt” trong niềm tiếc thương. 

khach-san-sousou3
Người thân tiễn đưa ông Hajime Iguchi tại khách sạn Sousou. Ảnh: nytimes.com

Dù khách hàng rất hài lòng về loại hình mới này, nhưng cư dân sống xung quanh khách sạn Sousou đã để lại nhiều tấm bảng trên hàng rào ghi dòng chữ: “Cất giữ tử thi: Phản đối hoàn toàn!”. Thậm chí, một người phụ nữ sống phía sau khách sạn đã yêu cầu ông chủ phải lắp đặt thêm các lỗ thông khí, nhưng yêu cầu này đã bị phía Sousou từ chối. Các cư dân quanh đây cho rằng dịch vụ mang không khí u ám đến khu dân cư vốn bình yên và tươi vui. Ông Hisao cũng đã nhắc nhở nhân viên đưa thi thể vào khách sạn một cách kín đáo nhất để không làm phiền đến bất kỳ ai, nhưng những lời phàn nàn vẫn luôn tiếp diễn. Trong tương lai, nếu nhu cầu về khách sạn tử thi vẫn còn cao, ông chia sẻ ý định mở rộng mô hình này ở các thành phố khác của Nhật Bản. 

Khách sạn Relation

Khách sạn Relation tại Osaka cũng tham gia cung cấp dịch vụ “Itai Hoteru”. Hơn một nửa số phòng tại Relation được trang bị bàn thờ nhỏ và bệ để đặt quan tài. Các quan tài mà Relation cung cấp còn được thiết kế với nắp trong suốt, vừa kiểm soát nhiệt độ, vừa giúp gia đình có thể nhìn thấy người thân đã mất. Gói dịch vụ “Itai Hoteru” thấp nhất của khách sạn Relation có giá 185.000 yên gồm hoa, phòng để người thân có thể qua đêm cùng người đã khuất, áo liệm truyền thống, trang trí đơn giản cỗ quan tài, chi phí vận chuyển thi thể từ bệnh viện đến khách sạn và từ khách sạn đến nơi hoả táng, bình đựng tro cốt. Nếu gia đình muốn thuê phòng riêng với người quá cố hoặc tổ chức tang lễ thì phải trả thêm phí. Ngoài ra, nếu muốn gia hạn thêm số ngày thuê, khách cần trả thêm 10.800 yên/đêm. 

Được biết, có khoảng 1/3 khách hàng đã bỏ hẳn việc tổ chức tang lễ như thông thường cho người thân, mà thay vào đó, họ ngồi cùng phòng với người đã mất trong một hoặc hay hai ngày rồi đưa đến nơi hoả táng. Về việc kinh doanh loại hình mới này, ông Kurisu – chủ của Relation chia sẻ: “Tôi bị những người trong ngành tổ chức tang lễ ghét bỏ vì đang hạ giá mặt bằng dịch vụ”. Khách sạn tử thi ra đời đã làm các nhà tổ chức tang lễ truyền thống cảm thấy tức giận, không riêng gì những cư dân xung quanh. 

Nhà trọ tử thi tại Osaka

Không dừng lại ở khách sạn, trong một khu dân cư yên tĩnh ở quận Sumiyoshi, thành phố Osaka, một ngôi nhà được cấp phép kinh doanh phòng trọ cũng đã chuyển đổi thành Itai Hoteru khiến cư dân xung quanh vô cùng kinh ngạc và lo ngại. Một người đàn ông 70 tuổi sống gần đó đã thấy một thi thể được vào ngôi nhà vào tháng 12 năm 2020: “Xác được quấn trong một tấm vải. Tôi thấy nó được đặt ở vườn. Đây thật sự là vấn đề đáng lo ngại vì chủ nhà thực hiện trong im lặng, không một lời thông báo với chúng tôi”. 

nha-tro-tu-thi-osaka
Nhà trọ tử thi tại Osaka gây ra nỗi bất an lớn cho cư dân xung quanh. Ảnh: theworldnews.net

Người chủ nhà trọ này đã giải trình với quan chức địa phương rằng mỗi tháng, họ nhận từ hai đến ba thi thể. Trước đó, ông đã kinh doanh việc bán quan tài và bắt đầu bén duyên với “khách sạn tử thi” khi được một người điều hành nhà tang lễ liên hệ tìm nơi cất giữ thi thể. Ông nhấn mạnh thêm rằng mình đã tuyệt vọng khi dịch COVID ập tới, khiến cho nhà trọ không có khách thuê. Nhờ vào dịch vụ “khách sạn tử thi”, ông mới vượt qua được khó khăn. Điều ông đang làm không hề vi phạm pháp luật. 

Phơi bày những mặt tối của xã hội Nhật Bản

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số người chết tại đất nước này vào năm 2016 là khoảng 1,3 triệu người, tăng 35% so với 15 năm trước. Đến năm 2040, con số này được dự báo tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất là 1,7 triệu người. Nhật Bản đang từng bước trở thành quốc gia có mô hình xã hội “siêu già” đi trước phần còn lại của thế giới. Theo đó, rất nhiều gia đình tại Nhật phải chờ đợi nhiều ngày liền vì nhà tang lễ lúc nào cũng đông kín, họ không thể tổ chức đám tang cho người thân vào thời gian mong muốn. Trước đây, thân nhân đưa thi thể của người đã khuất từ bệnh viện về nhà, ngồi canh qua đêm và cử hành tang lễ vào sáng hôm sau với sự tham dự của hàng xóm, đồng nghiệp và bạn bè, cuối cùng là đưa đi hoả táng ngay vào buổi chiều. 

Đặc biệt tại Tokyo, tình trạng quá tải của các lò hoả táng và nhà tang lễ trở nên nghiêm trọng hơn cả. Theo Cục Y tế và Phúc lợi Đô thị Tokyo, số người chết hàng năm tại đây là vào khoảng 110.000 người và có hơn 300 người qua đời/ngày, nhưng chỉ có 26 lò hoả táng. Tình trạng quá tải thường diễn ra vào hai thời điểm đặc biệt trong năm là tháng 12 cuối năm và tháng 1 Tết Dương lịch khi thời tiết mùa đông khắc nghiệt khiến người già không chống cự nổi. Nhiều trường hợp phải đợi đến hơn 7 ngày mới được hoả táng. 

nghia-trang-tokyo
Một nghĩa trang nằm bên ngoài Tokyo - nơi đặt tro cốt đã được hoả táng. Ảnh: nytimes.com

Tình trạng thiếu lò thiêu dường như có thể giải quyết bằng việc xây dựng mới, nhưng điều này không hề dễ dàng tại Nhật. Nếu có kế hoạch xây dựng lò hoả táng, hình ảnh khu đất sẽ trở nên xấu đi và nhất là bị người dân địa phương phản đối. Vì vậy, khách sạn tử thi – nơi thi thể có thể được cất giữ vài ngày trước khi hoả táng đã trở thành "cứu cánh" cho nhiều gia đình Nhật. Bên cạnh đó, Itai Hoteru cũng mang lại bài toán kinh tế hiệu quả. Theo Hiệp hội người tiêu dùng Nhật Bản, chi phí tổ chức một đám tang vào khoảng 1,95 triệu yên, trong khi đó, tại các khách sạn tử thi, chi phí dịch vụ từ vận chuyển thi thể, lưu trữ đến hoả táng chỉ vào khoảng 450.000 yên. Nếu khách hàng bỏ hẳn việc tổ chức tang lễ thì chi phí sẽ dưới 200.000 yên. Rõ ràng, khách sạn tử thi đã giúp các gia đình giải quyết vấn đề nan giải về tiền bạc, giảm đi áp lực kinh tế cho người ở lại. 

Một câu chuyện đáng buồn khác ẩn sau “khách sạn tử thi” chính là các đám tang từng có sự tham gia của đông đảo hàng xóm láng giềng, nay đã vơi bớt đi, thậm chí là mất hẳn. Khoảng 37% phụ nữ Nhật Bản qua đời trên 90 tuổi có rất ít bạn bè đến tiễn đưa tại đám tang, theo số liệu vào năm 2016. Gần 1/5 nam giới Nhật Bản sống độc thân suốt đời hoặc làm cha đơn thân có rất ít người thân để lên kế hoạch tổ chức tang lễ hoặc tham dự đám tang của họ. Đặc biệt, số người chết một mình (Kodokushi) cũng đang có xu hướng gia tăng. Tại Tokyo, năm 2016, số lượng người trên 65 tuổi sống một mình qua đời tại nhà đã tăng gấp đôi so với giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2015. 

nguoi-nhat-chet-mot-minh
Gần 1/5 nam giới Nhật sống độc thân suốt đời hoặc làm cha đơn thân ra đi trong sự cô đơn. Ảnh: nytimes.com

Theo Midori Kotan đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life – công ty bảo hiểm hàng đầu tại Nhật, trong thời kỳ bong bóng kinh tế những năm 1980, đám tang chính là nơi thể hiện người đã khuất nhận được bao nhiêu sự quan tâm của những người xung quanh. Nhưng nay, ngày càng ít người kết giao với hàng xóm nên cũng không cần phải tạo dựng hình ảnh tốt qua tang lễ hay suy nghĩ về việc láng giềng nhìn nhận họ như thế nào. Đó cũng là lý do mà việc tổ chức tang lễ truyền thống đã bị loại bỏ và thay vào đó, các gia đình lựa chọn hình thức “khách sạn tử thi” đơn giản để tiễn đưa người thân đã mất ở chặng đường cuối. Con số ấn tượng mà bà Kotani đưa ra là khoảng 30% số người mất ở Tokyo đã không được tổ chức tang lễ như thông thường, tăng 10% so với 1 thập kỷ trước. (Số liệu trích từ báo New York Times đăng ngày 01/07/2017). 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU