Xung quanh vị pháp sư kỳ tài En no gyoja, người khai sinh ra tôn giáo Shugendo, là những câu chuyện lạ lùng, bí ẩn được lưu truyền đến tận hôm nay.
En no gyoja (634-701) là một pháp sư Nhật Bản sống vào thời Asuka (550-710). Ông được biết đến là người sáng lập ra Shugendo (修験道 - Tu nghiệm đạo), một giáo phái kết hợp giữa tín ngưỡng Thần đạo bản địa và tín ngưỡng Phật giáo của Ấn Độ. Tương tự như Thần đạo, Shugendo tin rằng mỗi ngọn núi là một vị thần. Các tu sĩ Yamabushi - người theo đạo Shugendo - tôn thờ thần núi, do đó họ ẩn cư trên núi và khổ luyện tu hành dựa theo những điều răn của Phật. Họ cho rằng con đường dẫn đến sức mạnh tinh thần là thông qua kỷ luật và rèn luyện.
Dù xuất thân là một nhà tu hành, xung quanh ông có rất nhiều giai thoại bí ẩn được truyền lại. Từ những câu chuyện bình thường như phục trang
của ông được đan từ sợi cây sắn dây rừng, ăn lá cây thông, sống ẩn cư
trên núi cho đến những chuyện khó tin như việc ông bay về trời, nhận ma
quỷ làm đệ tử hay trường sinh bất lão...
Giai thoại về giấc mơ của người mẹ
En no gyoja sinh ra ở vùng Chihara, núi Katsuragi (nay thuộc thành phố Gose, tỉnh Nara). Lúc người mẹ mang thai ông, bà đã có một giấc mơ kỳ lạ. Trong mơ, bà nhìn thấy những bàn thờ Phật bằng vàng rơi từ trên cao xuống và rớt vào miệng mình. Sau khi sinh ông ra, bà cảm giác đứa trẻ này thật đáng sợ nên đã mang con đi bỏ trong rừng. Lạ lùng thay, mặc cho bị bỏ rơi giữa rừng, đứa trẻ vẫn không hề gặp phải chuyện gì bất trắc, trời mưa cũng không ướt và còn được muông thú bảo vệ. Người mẹ thấy thế đã đổi ý và mang ông về nhà nuôi nấng. Từ đó, cuộc đời En no gyoja cũng bắt đầu gắn với những giai thoại xoay quanh việc ông được thiên nhiên yêu thương và che chở.
Khả năng viết chữ Phạn từ nhỏ
Một câu chuyện dị thường khác về En no gyoja là từ nhỏ ông đã viết được chữ Phạn - loại chữ có nguồn gốc từ Phật giáo Ấn Độ. Vì sao ông lại biết được ngôn ngữ của một quốc gia xa xôi trong khi xung quanh không có ai chỉ dạy cho mình, chính điều đó đã góp phần vào sự kỳ bí tột cùng về nhân vật này.
Giác ngộ và quy y cửa Phật từ năm 22 tuổi
Tương truyền rằng, người ta thường bắt gặp hình ảnh ông chạy lên núi với bộ trang phục rách nát nhưng đôi mắt sáng ngời như đã tìm ra chân lý cuộc đời và ngồi thiền dưới thác nước từ khi còn là một cậu bé. Đó không đơn thuần là trò chơi của đứa trẻ con, ông dường như đã toát ra phong thái của bậc tu hành từ khi ấy.
Đến năm 22 tuổi, người ta lại đồn rằng ông đã có cơ duyên gặp được vị cao tăng đắc đạo Nagarjuna sống vào thế kỷ 2 của Ấn Độ và được truyền lại những tuyệt kỹ tu hành. Đó xem như là bước đệm đầu tiên cho việc sáng lập ra giáo phái Shugendo sau này.
Thu nhận đôi vợ chồng quỷ dữ làm đệ tử
Sau lời đồn kể trên, người ta lại thấy En no gyoja tập hợp những tu sĩ khác trên núi và bắt đầu hoạt động truyền giáo. Cùng với đó, ông cũng tự nâng cao khả năng chữa trị về mặt tinh thần và tâm hồn cho người khác bằng những quan niệm, lẽ sống dựa theo lời dạy của Phật.
Vị pháp sư còn tự tìm hiểu về các loại thảo dược và tài nguyên khoáng sản. Để làm được điều đó, ông cần phải có sự trợ giúp của những người tinh thông về địa lý các khu vực trên núi. Nhưng không phải lúc nào ông cũng gặp được người có tâm sáng, mà phần lớn là lại gặp phải những người có ác tâm. Ông đã dùng những giáo lý Phật giáo để truyền đạt cho họ, khiến họ thay đổi tâm tính và trở nên hướng thiện. Có lẽ vì cảm nhận được sự chân thật, đúng đắn trong những lời nói đó, họ đã giác ngộ và trở thành đồng minh với ông.
Chính quá trình đó đã tạo nên giai thoại về việc En no gyoja thu nhận đôi vợ chồng quỷ dữ làm đệ tử. Theo những ghi chép để lại, lúc bấy giờ, trên núi có một đôi vợ chồng quỷ dữ chuyên ăn thịt người, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân trong vùng. En no gyoja đã dùng phép thuật để giấu đi đứa con của chúng, khiến chúng sợ hãi và hoảng hốt đi tìm. Khi đó, vị pháp sư đưa ra thỏa hiệp rằng nếu từ giờ trở đi chúng không ăn thịt người nữa, thay vào đó là ăn hạt dẻ để sống, ông sẽ trả lại đứa con. Nghe thấy thế, đôi vợ chồng quỷ lập tức đồng ý. Về sau, chúng giác ngộ và biến thành người, cầu xin được làm đệ tử của En no gyoja.
Chống đối thần linh và bị đày ra đảo
Như đã đề cập, núi là nơi En no gyoja ẩn cư và truyền giáo cho những người tu hành khác. Nhưng núi đồng thời cũng là nơi cư ngụ của thần linh, nên việc tranh cãi, xung đột giữa En no gyoja với các vị thần là không thể tránh khỏi.
Tương truyền, một lần nọ, ông muốn dựng cây cầu nối giữa hai ngọn núi là Kinpu và Katsuragi nên đã tập hợp các vị thần và tiến hành xây dựng cả ngày lẫn đêm. Thế nhưng có một vị thần gọi là Nhất Ngôn Chủ Thần (一言主 - Hitokotonushi) đã từ chối việc này bởi diện mạo ông xấu xí, sợ phải lộ mặt ra ngoài. En no gyoja đã tức giận và dùng phép thuật khiến vị thần này rơi xuống đáy vực.
Nuôi lòng hận thù, Nhất Ngôn Chủ Thần bèn lan truyền tin tức rằng vị pháp sư đang có âm mưu tạo phản. Tin tức đến tai, triều đình đã ra lệnh vây bắt En no gyoja, nhưng ông đã dùng phép thuật bay lên trời, không để cho ai bắt được mình. Thấy thế, triều đình lại cho quân lính bắt giữ mẹ ông làm con tin, buộc pháp sư phải xuất đầu lộ diện. Không còn cách nào khác, ông phải ra mặt và bị đày ra đảo Izu Ooshima với tội danh mưu đồ tạo phản.
Giai thoại này phản ánh hai thái cực là nhân ái và dữ dội trong tính cách của En no gyoja. Tuy nhiên, cũng có nhận xét cho rằng triều đình đã cố tình vu khống để đày ông ra đảo nhằm mục đích chiếm lấy nguồn tài nguyên khoáng sản trên núi.
Đất trời nổi cơn thịnh nộ
Sau sự việc En no gyoja bị đày ra đảo, kỳ lạ thay, thời tiết liên tục xảy ra các hiện tượng thất thường như mưa to, sấm chớp, gây nên sự hoang mang tột độ cho Thiên hoàng Văn Vũ, người cai trị đất nước lúc bấy giờ. Sau đó, Thiên hoàng nằm mộng thấy đứa trẻ Sao Bắc Đẩu hiện ra và giải thích rằng có một vị thánh nhân đã bị kết tội oan nên trời đất mới nổi cơn thịnh nộ như vậy. Tỉnh dậy sau giấc mơ, Thiên hoàng vội lập tức ra lệnh phóng thích En no gyoja, đưa ông về lại đất liền. En no gyoja sau khi được giải oan và trả lại tự do đã cùng mẹ bay về trời, từ đó không ai gặp lại ông nữa.
Phía sau những lời đồn đoán
Những giai thoại khiến ông có vẻ như không phải người trần mắt thịt, nhưng sự thật có lẽ là do người xưa đã ca tụng và thần thoại hóa những câu chuyện xung quanh vị pháp sư này. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, khi các luật lệ của chính quyền quá hà khắc khiến cho người dân có cuộc sống khổ cực, pháp sư đã chỉ dạy cho họ những kinh nghiệm, kiến thức về các loại thảo dược mà ông đã nghiệm ra trong quá trình tu hành trên núi. Ngoài ra, ông cũng hướng người dân đến những suy nghĩ tích cực để họ vượt qua được những khổ đau trong cuộc đời. Có lẽ chính vì vậy, người dân đã ca ngợi En no gyoja như một vị thánh sống trong lịch sử.
kilala.vn