Giải mã bí ẩn về người cá Ningyo của Nhật Bản

Bài: Rin
May 26, 2022

Nguồn: Nippon

Người cá từ lâu đã là một bí ẩn lớn với nhân loại. Qua các ghi chép trong nhiều thế kỷ tại Nhật Bản, Ningyo (người cá trong tiếng Nhật) đã được nhìn thấy nhiều lần, và dân gian vẫn lưu truyền những câu chuyện về sinh vật huyền bí này. Hiện nay, xác ướp Ningyo vẫn còn được thờ phụng tại các đền chùa trên khắp nước Nhật với niềm tin giúp kéo dài tuổi thọ, cầu sức khỏe, “mẹ tròn con vuông” và cả xua đi vận rủi.

Ningyo theo dòng lịch sử

Người cá (Ningyo - 人魚) được nhìn thấy chủ yếu dọc theo Biển Nhật Bản (hiện nay là từ tỉnh Aomori đến tỉnh Oita) trong khoảng thời gian từ thời cổ đại mãi đến giữa thời Edo (1603 – 1868).

ningyo nhật bản
Xác ướp Ningyo được thờ phụng ở nhiều đền chùa tại Nhật Bản. Ảnh: Nippon

Ghi chép sớm nhất về Ningyo xuất hiện trong bộ sách cổ Nihon Shoki (Nhật Bản thư kỷ) với các sự kiện diễn ra vào năm thứ 27 dưới thời của Hoàng hậu Suiko, tức là vào khoảng năm 619, nhưng lúc này, từ Ningyo vẫn chưa được sử dụng.Cụ thể, một sinh vật giống như con người đã được nhìn thấy tại một con sông ở tỉnh Omi (nay là tỉnh Shiga) hay một ngư dân bắt được một con vật không phải người cũng chẳng phải cá tại tỉnh Settsu (nay là một phần của tỉnh Hyogo và Osaka).

lá bùa ningyo tại khu khảo cổ suzaki
Lá bùa hình Ningyo được tìm thấy ở khu khảo cổ Suzaki, tỉnh Akita. Ảnh: Nippon

Từ “人魚 - Ningyo - Nhân Ngư” xuất hiện lần đầu trong "Wamyou ruijuushou", cuốn từ điển Nhật – Trung cổ (năm 937). Theo cuốn sách địa lý Trung Quốc "Sơn Hải Kinh" và nhiều nguồn khác, Ningyo được định nghĩa là có thân của cá, mặt người và giọng nói giống trẻ em.

Tuyển tập "Kokon chomonjuu" gồm 1254 truyện đã miêu tả rất chi tiết về ngoại hình của người cá. Trong đó, nổi bật là câu chuyện người cá tại tỉnh Ise (nay là tỉnh Mie) kể về một ngư dân đã đánh bắt được 3 con cá kỳ lạ.

Đầu chúng trông giống con người nhưng miệng hô với những chiếc răng nhỏ và mặt rất giống khỉ. Khi ngư dân tiến đến gần, chúng đã kêu lên và bật khóc. Dân làng sau đó đã giết thịt, ăn một trong 3 sinh vật lạ và bảo rằng thịt rất ngon. Tác giả nhận xét rằng "có lẽ đó là người cá".

Cuốn sách sử Azuma kagami (tạm dịch: Chiếc gương của phía Đông) được thu thập bởi chính quyền Mạc phủ Kamakura đã ghi lại rằng vào năm 1247, một con cá lớn trông giống xác người chết đã xuất hiện ngoài khơi biển Tsugaru (nay là tỉnh Aomori).

Đây cũng là năm xảy ra cuộc tranh đấu giữa gia tộc Houji - nắm quyền hành thực sự trong Mạc phủ, với gia tộc Miura, và phần thắng thuộc về Houji. Biên niên sử năm đời của Houjo đã ghi lại rằng loài cá trên chính là Ningyo, đồng thời chỉ ra có 10 ghi chép khác nhau nhắc đến việc nhìn thấy người cá vào thời kỳ hỗn loạn này.

Đến năm 1999, tấm bia gỗ vẽ một vị sư và một con vật rất giống Ningyo đã được khai quật tại địa điểm khảo cổ Suzaki ở tỉnh Akita. Tấm bia được cho là có từ khoảng nửa sau thế kỷ 13 với dòng chữ “Thật tội nghiệp nhưng phải giết nó”. Còn vào thời trung cổ với nhiều xung đột diễn ra, sự xuất hiện của Ningyo được xem là điềm xấu và các vị sư được mời đến để cúng và xua đuổi tai họa. Như vậy, tấm bia trên có thể là cảnh một nhà sư sắp hành hình Ningyo.

Người cá xuất hiện trong y học và nghệ thuật

Từ thời Edo, phương thức chữa bệnh bằng xương của người cá đã ra đời dựa trên sự kết hợp giữa Honzougaku (nghiên cứu về thảo dược Trung Quốc) với Rangaku (y học phương Tây, du nhập vào Nhật nhờ vào các tài liệu tiếng Hà Lan). Điển hình như sách y về thảo dược Nhật Bản “Yamato honzou” (năm 1709) của Kaibara Ekken dựa trên tài liệu Bencao gangmu của Trung Quốc trong thế kỷ 16, đã đề cập đến công dụng của xương Ningyo là ngăn ngừa chảy máu trực tràng.

Trong "Wakan sansai zue", bộ bách khoa toàn thư có tranh minh họa đầu tiên của Nhật xuất bản năm 1713, Ningyo được đề cập bên cạnh nhiều loại cá khác và chú thích xương của nó đã được sử dụng tại Hà Lan như một loại thuốc giải độc. Theo đó, hình minh họa Ningyo trong sách cũng khá giống với quan niệm người cá hiện nay khi có nửa thân trên là phụ nữ và nửa thân dưới là cá.

sách wakan sansai zue
Ningyo trong cuốn Wakan sansai zue được mô tả có tác dụng như thuốc giải độc. Ảnh: Nippon

Vẫn còn những ghi chép khác, như trong cuốn sách "Rokumotsu shinshi" (năm 1786), tác giả Outsuki Gentaku đã trích dẫn từ nhiều nguồn của Nhật Bản và Trung Quốc, cũng như các công trình của nhà giải phẫu học nổi tiếng người Pháp Ambroise Paré, nhà tự nhiên học người Ba Lan John Jonston và đưa ra kết luận rằng có sự tồn tại của người cá, ông cũng miêu tả ngoại hình của sinh vật cùng công dụng chữa bệnh.

sách rokumotsu shinshi
Sách "Rokumotsu shinshi" với những hình ảnh sống động về Ningyo. Ảnh: Nippon

Trong một lá thư học giả Hirata Atsutane gửi cho bạn bè, ông từng nhắc đến cách mình lấy được xương của Ningyo và dự định chọn một ngày thích hợp, cùng nhau nghiền nhỏ xương này để uống với mục đích trường thọ.

Bên cạnh công dụng y học, Ningyo còn trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà văn và họa sĩ. Trong tác phẩm “Budou denraiki” (năm 1687) của Ihara Saikaku, ông đã miêu tả ngoại hình của một Ningyo xuất hiện vào năm 1247 ở ngoài khơi Tsugaru. Khác với hình dạng giống như xác người chết được miêu tả trong "Azuma kagami", Ningyo dưới ngòi bút của Saikaku là một cô gái với khuôn mặt xinh đẹp với mào gà ở trên đầu.

Ningyo tỏa mùi hương ngọt ngào và tiếng khóc giống như tiếng của chim chiền chiện. Vào lúc bấy giờ, chưa có nhiều tài liệu miêu tả chi tiết về Ningyo nên có thể Saikai, bằng sức tưởng tượng phong phú, đã mang đến một cái nhìn mới mẻ hơn về sinh vật bí ẩn này.

tác phẩm Kannon reigenki
Tác phẩm "Kannon reigenki". Ảnh: Nippon

Đến thế kỷ 19, họa sĩ Ukiyo-e Utagawa Hiroshige II và Kunisada đã cùng nhau vẽ nên tác phẩm "Kannon reigenki" miêu tả vị Quan Thế Âm với thân dưới là cá. Bức tranh kể lại câu chuyện một Ningyo, kiếp trước là con người, đã gặp Thái tử Shotoku khi ngài đang chuẩn bị đến tỉnh Omi (nay là tỉnh Shiga) để truyền bá đạo Phật, cầu xin được ngài cứu rỗi.

Và cuối cùng, người cá giác ngộ trở thành một vị Quan Thế Âm. Ngày nay, tại hồ Biwa, tỉnh Shiga vẫn lưu truyền sự tích về Ningyo từng xuất hiện tại đây.

Truyền thuyết về vị sư cô sống đến 800 tuổi nhờ ăn thịt nhân ngư

Một trong những câu chuyện về Ningyo nổi tiếng nhất Nhật Bản là "Yao Bikuni" (八百比丘尼 – Ni cô tám trăm năm). Truyện có khá nhiều dị bản, nhưng đều nhắc đến tỉnh Wakasa (nay là tỉnh Fukui).

Chuyện bắt đầu từ việc ngư dân bắt được một Ningyo, ông đã mời bạn bè về nhà để thiết đãi thịt nhân ngư nhưng không hề tiết lộ sự thật cho bất kỳ ai. Tuy nhiên, một vị khách đã vào bếp và nhìn thấy đầu cá có hình mặt người nên nhắc nhở mọi người đừng ăn. Sau đó, họ đã bí mật gói trong giấy, giấu vào người rồi mang đi vứt trên đường về nhà. Nhưng một trong số họ vì say rượu đã vô tình mang thịt cá về nhà. Khi cô con gái thấy cha trở về thì mè nheo đòi quà, ông bất cẩn đưa thịt cá cho con ăn.

Không có gì xảy ra lúc ấy. Cô con gái vẫn trưởng thành và kết hôn, nhưng sau đó cô không hề già đi nữa. Sau nhiều năm trẻ mãi không già, người phụ nữ trở thành sư cô và sống “tha phương cầu thực” rồi trở về quê nhà Wakasa, nơi cô lìa trần ở tuổi 800. Cũng có một số dị bản khác kể lại rằng cô sống đến 1.000 tuổi hay câu chuyện diễn ra tại tỉnh Okayama, chứ không phải Wakasa.

tượng yao bikuni
Tượng Yao Bikuni tại Obama, tỉnh Fukui. Ảnh: shisly.cocolog-nifty.com

Kinoshita Hiroshi, Trưởng Hội văn hóa dân gian Okayama chia sẻ: “Không có bất kỳ tài liệu nào ghi nhận việc nhìn thấy Ningyo ở tỉnh Okayama nhưng đã có một số câu chuyện liên quan đến Yao Bikuni tại tỉnh Fukui. Chẳng hạn như Bikuni trước khi đi ngao du từ tỉnh này sang tỉnh nọ đã cắm cây gậy xuống đất và nói rằng sẽ quay trở lại khi cây gậy vẫn còn y nguyên. Lưu truyền rằng nó đã bén rễ và phát triển thành một cây cao lớn."

Hay có một câu chuyện khác kể lại rằng một người trẻ tuổi du lịch từ tỉnh Okayama đến Fukui đã gặp được Bikuni. Vị sư cô bất tử này vẫn nhớ đến quê nhà Wakasa và nhớ lại nhiều sự kiện cách đó cả một thiên niên kỷ.

Kinoshita nói thêm: “Ý nghĩa và vai trò của Ningyo đã thay đổi theo thời gian. Nếu vào thời trung cổ, nhân ngư bị xem là mang đến điềm xấu thì nay nó lại là điềm lành. Trong thời Edo khi các bệnh như đậu mùa và sởi tràn lan, nhân gian lưu truyền câu chuyện về Yokai “Jinja Hime – Nàng công chúa đền thờ” với hình dáng giống với Ningyo, xuất hiện tại tỉnh Hizen (nay thuộc tỉnh Nagasaki và Saga) và dự báo trước về đại dịch tả cho người dân. Sau này vai trò dự báo bệnh tật đã được trao lại cho Yokai (yêu quái) Amabiko và Amabie.

yokai jinja hime
Yokai Jinja Hime mang hình dáng như một Ningyo. Ảnh: Nippon

Yokai Jinja Hime xuất thân là một người hầu dưới Thủy cung được cho là xuất hiện vào năm 1819 ở ngoài khơi tỉnh Hizen. Yokai đã dự báo về 7 năm mùa màng bội thu nhưng đồng thời cảnh báo trước về căn bệnh dịch tả (Korori). Jinja Hime đã khuyên mọi người hãy vẽ tranh và nhìn vào nó để bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh. Loài Yokai sở hữu khuôn mặt của một người phụ nữ còn cơ thể là rồng với hai chiếc sừng trên đầu và đuôi chĩa làm ba. Do vậy, nó được xếp vào một loài Ningyo.

Xác ướp người cá được ưa chuộng tại nước ngoài

Trong thời Edo, xác ướp Ningyo được trưng bày trong các buổi triển lãm. Ngày càng nhiều người tìm đến xem bởi quan niệm thời bấy giờ là nhìn xác ướp nhân ngư cũng như tranh của chúng có thể giúp trường thọ và bảo vệ con người khỏi bệnh dịch. Sau cùng, các xác ướp này được chuyển đến trưng bày và thờ cúng tại nhiều đền chùa ở Nhật Bản.

Kinoshita cho biết thêm các xác ướp này có thể được chế tác từ thời Edo đến đầu thời Meiji (1868 – 1912): “Chúng xuất hiện trong các buổi trưng bày và một số được vận chuyển đến châu Âu, nơi nhu cầu về xác ướp Ningyo rất cao. Nên chắc hẳn đã có một số nghệ nhân lành nghề làm ra các xác ướp này”.

Ngày nay, tại Bảo tàng Dân tộc học quốc gia tại Leiden, Hà Lan, vẫn còn một mẫu vật xác ướp Ningyo được trưng bày, do một người Hà Lan vận chuyển từ Dejima, Nagasaki vào đầu thế kỷ 19. Đặc biệt, xác ướp “nàng tiên cá Fiji” tại Hoa Kỳ trở nên nổi tiếng vào năm 1842 cũng có thể được làm ra tại xứ sở Phù Tang.

người cá fiji
"Nàng tiên cá" Fiji. Ảnh: folklorethursday.com

Những xác ướp đó đã được chế tác khéo léo với nửa thân trên là khỉ và nửa thân dưới là cá hồi hoặc các loài cá khác. Trong cuốn “Tường thuật về chuyến thám hiểm của đội hải quân Mỹ đến Biển Trung Quốc và Nhật Bản”, thiếu tướng Hải Quân Hoa Kỳ Matthew Perry đã nhắc đến việc một ngư dân Nhật làm ra Ningyo.

Ngày nay, xác ướp Ningyo vẫn còn tồn tại ở các đền, chùa trên khắp Nhật Bản với nhiều quyền năng như giúp kéo dài tuổi thọ, cầu sức khỏe, sinh con bình an và xua đi điềm xấu. Thỉnh thoảng, chúng không được công khai với công chúng nên chưa rõ có tất cả bao nhiêu xác ướp Ningyo trên toàn nước Nhật.

Một trong số những xác ướp nhân ngư nổi tiếng tại Nhật có thể kể đến là tại chùa Kamuro Karukayadou ở chân núi Kouya, Hashimoto, tỉnh Wakayama. Xác ướp này đã được công nhận là một tài sản văn hóa dân gian của tỉnh. Nó dài khoảng 60cm, mang biểu cảm và dáng hình giống với tác phẩm “Tiếng thét” của họa sĩ Edvard Munch. Hay tại chùa Ganjouji tại Higashioumi, tỉnh Shiga cũng có một xác ướp tương tự.

Ngoài ra, xác ướp nhân ngư tương tự cũng được lưu giữ tại Kashiwazaki, tỉnh Niigata và Tenshoukyousha ở Fujinomiya, tỉnh Shizuoka với chiều dài 170cm. Trong khi đó, tại chùa Zuiryuuji của Osaka cũng có một xác ướp với mái tóc dài và cánh tay dang rộng, hoặc tại Kotohiraguu ở tỉnh Kagawa là xác ướp nhân ngư nằm sấp, đầu ngẩng lên.

Phân tích xác ướp Ningyo của chùa Enjuin

Hiện tại, Đại học Khoa học và Nghệ thuật Kurashiki tại tỉnh Okayama đang nghiên cứu về xác ướp nhân ngư của chùa Enjuin tại địa phương. Dự án ra đời sau khi ông Kinoshita Hiroshi đưa ra yêu cầu nghiên cứu thông qua Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Kurashiki.

Kinoshita nói rằng mình đặc biệt quan tâm đến xác ướp này vì ông tìm thấy một tài liệu phủ nhận sự tồn tại của Ningyo của nhà tự nhiên học Satou Kiyoaki đến từ Okayama, đó là cuốn từ điển về Yokai đầu tiên của Nhật Bản vào năm 1935.

Kinoshita nhận xét: “Sau khi đưa ra yêu cầu phân tích xác ướp nhân ngư Enjuin, tôi đã có dịp quan sát nó. Xác ướp nhân ngư mang phong cách “Tiếng thét” dài khoảng 30cm. Ấn tượng đầu tiên của tôi là nó nhỏ hơn so với những xác ướp trước đây tôi từng có dịp chiêm ngưỡng”.

xác nhân ngư tại chùa Enjuin
Xác ướp nhân ngư Enjuin. Ảnh: Nippon

Trong chiếc hộp đựng xác ướp, có một tờ giấy ghi chú với dòng chữ “Ningyo khô”. Ông Kinoshita chia sẻ: “Tờ ghi chú giải thích rằng nó được tìm thấy ở ngoài khơi biển Tosa (tỉnh Kochi) vào thời Genbun (1736 – 1741) và bởi vì nó khá lạ nên đã được sấy khô rồi mang đến Osaka. Gia đình Kojima tại Fukuyama, tỉnh Hiroshima đã mua và gìn giữ chúng như một vật gia truyền. Về sau, bằng một cách nào đó, nó đã được mang đến Enjuin”.

Theo một báo cáo tạm thời được công bố vào tháng 04/2022 vừa qua, xác ướp được miêu tả là từng có lông mày, tóc, tai, cánh tay và bàn tay với 5 ngón, các móng tay phẳng giống với các loài linh trưởng. Răng giống với loài cá ăn thịt. Hơn nữa, có vẻ như có một số vảy ở thân trên và thân dưới của nhân ngư. Theo kế hoạch, vào mùa thu năm nay, báo cáo cuối cùng kèm kết quả khảo sát về truyền thuyết dân gian sẽ được công bố.

lịch sử của xác ướp nhân ngư enjuin
Lịch sử của xác ướp nhân ngư Enjuin. Ảnh: Nippon

Kinoshita nhận xét: “Trường Đại học sẽ sử dụng phương pháp phân tích DNA để tìm ra xác ướp trên giống với loài cá nào, kết hợp phương pháp xác định niên đại bằng carbon để tìm ra thời điểm mà nó xuất hiện. Cùng phương pháp tiếp cận về lịch sử và dân tộc học, tôi mong chờ có thể tìm ra những khám phá mới liên quan đến nhân ngư”.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU