Fukusasa – vật cầu may độc đáo
Fukusasa là cành cây treo những vật cầu may được bày bán vào ngày 9-11/1 hàng năm nhằm đem đến bình an và may mắn trong gia đình. Từ "Fukusasa" được ghép từ "fuku" nghĩa là hạnh phúc và "sasa" nghĩa là một loài thực vật cùng nhóm với tre, thường được đồng nhất với nhau. Người ta tin rằng việc sở hữu một nhánh Fukusasa sẽ đem lại một khởi đầu thuận lợi cho năm mới.
Tre vốn là một loài thực vật mang ý nghĩa sâu xa trong văn hóa Nhật Bản. Được nhắc tới trong Kojiki (Biên niên sử cổ nhất còn sót lại ở Nhật Bản), từ thời cổ đại, tre đã được cho là chứa đựng sức mạnh huyền bí đưa thần linh xuống gần với hạ giới. Với gốc rễ vững chãi bám vào lòng đất và lá xanh hướng thẳng lên trời, hình ảnh tre thể hiện sức sống tiềm tàng mãnh liệt và sự thịnh vượng dài lâu. Sự giản dị và mộc mạc của tre cũng thường được gắn với sự thanh sạch và thuần khiết. Do đó, Fukusasa là một vật phẩm không thể thay thế trong những dịp lễ quan trọng của Thần đạo.
Được trang trí bằng nhiều vật khác nhau nên mỗi cành Fukusasa đều độc đáo. Cũng có những cành Fukusasa được trang trí sẵn, nhưng giá của chúng không hề rẻ. Những vật cầu may nho nhỏ, gọi là Kodakara hoặc Kitcho được treo trên Fukusasa gồm có: Zenigamasu, Zenibukuro (túi đựng tiền), Suehiro (quạt), Koban (đồng tiền vàng thời Edo), Chogin (đồng tiền bạc từ thời Muromachi đến Meiji), Eboshi (mũ), Usu (cối đựng thóc), Kozuchi (chiếc búa nhỏ thần kỳ), Komedawara (bó rơm) và Tai (cá tráp).
Nhận Fukusasa, rước phước lành tại lễ hội Toka Ebisu
Gắn liền với Fukusasa là lễ hội Toka Ebisu kéo dài trong vòng ba ngày 9-11/1, khi các quầy bán hàng trong khuôn viên những ngôi đền thu hút sự chú ý của khách đến thăm bằng những lời rao giòn giã và những nhánh Fukusasa được trang trí nhiều màu sắc. Những người đến với lễ hội cầu mong vị thần Ebisu, một trong bảy vị thần may mắn (Shichi fukujin) mang đến phước lành trong việc buôn bán. Lễ hội này chủ yếu được tổ chức ở vùng Kansai với ba ngôi đền chính thờ thần Ebisu, gồm có đền Imamiya Ebisu ở Osaka, đền Kyoto Ebisu ở Kyoto và đền Nishinomiya ở Hyogo.
Đặc biệt, đền thờ Imamiya Ebisu chính là một trong những nơi lớn nhất bày bán Fukusasa trên toàn Nhật Bản với ước chừng hơn một triệu lượt khách đến thăm hàng năm trong vòng ba ngày. Để nhận Fukusasa tại đây, trước tiên bạn hãy đến trước chính điện, tung đồng xu vào hòm, chắp tay và thành tâm cúi đầu cầu nguyện cho năm mới. Chú ý không nên vào đền từ lối ra rồi mới cầu nguyện ở chánh điện vì phước lộc sẽ bị hoàn lại đền thay vì mang về nhà. Sau khi cầu nguyện xong, bạn có thể nhận nhánh Fukusasa do các Fukumusume – “cô gái may mắn” đầu đội mũ vàng và mặc áo Chihaya bên ngoài Kimono – phân phát lần lượt. Tùy vào lời thỉnh cầu, bạn cũng sẽ mua thêm vật cầu may tương ứng để các Fukumusume treo lên nhánh Fukusasa. Tuy nhánh Fukusasa là miễn phí cho mọi người, giá cả của những vật may mắn lại khá cao, với một món cầu may có giá từ 1,500 yên cho đến vài chục nghìn yên. Nếu đi vào ngày cuối cùng của lễ hội, ngày 11, bạn có thể mua các vật trang trí may mắn với giá thấp hơn thông thường. Người Nhật tin rằng nhánh Fukusasa càng được treo nhiều vật cầu may thì càng trở nên linh nghiệm, nên hãy trang trí nhánh Fukusasa của mình thật lộng lẫy nhé!
Sau khi đã nhận được cành Fukusasa và mua vật may mắn, bạn sẽ đi vòng ra đằng sau chính điện để gõ lên chiếc cồng chiêng làm bằng đồng được đặt sẵn ở đó nhằm gọi thần linh. Theo như truyền thuyết xưa kể lại, do thần Ebisu bị lãng tai nên cần được gọi xuống dương gian bằng thanh âm vang ngân phát ra từ chiếc cồng chiêng.
Bên cạnh Fukusasa, nhiều người cũng mua thêm Kumade (tay gấu may mắn) và một số vật khác ở đền, ví dụ như Fukumi (cái rá may mắn) để thêm lộc. Những vật này vốn bắt nguồn từ nông cụ đời thường được cho là gắn liền với thần Ebisu. Điển hình là Kumade có hình dáng cái cào với những cái ngạnh chĩa ra, do đó người ta tin rằng Kumade sẽ giúp gia chủ cào ra và thu về thật nhiều phước lộc.
Trang hoàng Fukusasa đúng cách ở nhà
Khi đã có được cành Fukusasa ưng ý mang từ đền về, hãy trưng bày thật đẹp trong nhà. Tuy không có quy định bắt buộc về cách bài trí Fukusasa, đa phần người Nhật tin rằng phải đặt Fukusasa trong nhà theo hướng hợp với phong thủy thì mới mang lại điềm may. Do đó, thông thường Fukusasa được đặt ở nơi sạch sẽ và trang trọng nhất trong nhà, hướng về phía Đông để cầu vận may trong công việc hoặc hướng về phía Nam để cầu địa vị và danh dự. Fukusasa cũng thường được đặt ở phòng ăn nơi các thành viên trong gia đình dùng bữa, cao hơn tầm mắt người trưởng thành và thường là gần trần nhà cho mọi người cùng dễ thấy. Với những ngôi nhà truyền thống có Kamidana (bàn thờ Thần đạo) thì đặt Fukusasa ở đây là phù hợp và đúng lễ nghi nhất. Tuy nhiên, với những ngôi nhà Nhật hiện đại ít có Kamidana, người ta thường gắn nhánh Fukusasa cố định lên tường hoặc cắm vào bình sao cho nhánh cây rủ xuống. Bình cắm Fukusasa có thể đặt ở đâu tùy ý nên có lẽ cách này khá là dễ dàng và linh hoạt. Nếu như nhà tương đối kín và không bị tuyết hay mưa hắt vào, Fukusasa cũng có thể được đặt ở ngay Genkan (tiền sảnh) để khi bước vào là có thể thấy ngay. Có thể nói các quy tắc bài trí Fukusasa cũng có nhiều điểm tương đồng với Ofuda (bùa phù hộ cho gia đình) vì cả hai đều là vật phẩm của Thần đạo.
Sau một năm, Fukusasa sẽ được đem đến ngôi đền nơi nó được mua về hoặc ngôi đền gần nhà nhất để được đốt. Giống như những vật cầu may khác, người Nhật tin rằng việc hoàn lại lộc trong suốt một năm cho ngôi đền đã đem đến phước lành cho mình là hợp lí nhất. Sau đó, họ sẽ mua một nhánh Fukusasa mới để tiếp tục cầu mong bình an cho năm tiếp theo. Trong trường hợp bất khả kháng mà nhánh Fukusasa không thể được đem trả lại đền, có thể rải muối sạch lên Fukusasa, gói ghém gọn gàng trong giấy báo rồi đem hủy. Nếu như nhà có lò đốt thì cũng có thể đốt Fukusasa ở nhà.
kilala.vn