Edo-Shigusa: Sự tinh tế trong văn hóa ứng xử của người Nhật
Bài: KIM OANH
May 10, 2020
Ảnh: Tranh của Hiroshige Utagawa, Sách "Japan Journeys" - Famous Woodblock Prints of cultural sights in Japan
Edo-Shigusa là gì?
Edo (1603-1867) là một thời kỳ lịch sử đặc biệt bởi trong thời kỳ này người dân Nhật Bản được tận hưởng sự thanh bình, không có chiến tranh kéo dài hơn 260 năm. Kinh thành Edo trở thành nơi thu hút nhiều nhân tài khắp cả nước về sinh sống. Sự đa dạng về phong tục, tập quán của nhiều vùng miền khiến cho Edo trở thành đô thị văn minh và sầm uất bậc nhất.
Mặt khác, một điều đặc biệt ở thời Edo chính là ý thức mạnh mẽ của người dân trong việc tôn trọng lẫn nhau cũng như cẩn trọng trong lời nói và hành động để tránh làm phiền người khác. Các nguyên tắc ứng xử tinh tế của người Edo được Akira Shibamitsu (1928-1999), người đứng đầu Hiệp hội Giáo dục Edo-Shigusa, tổng hợp, đặt tên và công bố lần đầu tiên vào năm 1981 (từ Shigusa / 仕草 trong tiếng Nhật có nghĩa là cung cách khi thực hiện một việc gì đó). Kể từ đó, Edo -Shigusa được biết đến rộng rãi như một nét văn hóa đặc trưng của thời Edo và dần được xem như một chuẩn mực đạo đức cho xã hội Nhật Bản hiện đại.
Một số quy tắc thú vị
Giá trị của Edo - Shigusa được công nhận bởi hướng con người đến cách ứng xử từ bỏ sự ích kỷ của bản thân và biết thông cảm với người khác. Từ đó tạo dựng một xã hội gồm những con người biết đề cao sự kết nối và tôn trọng nhau. Tiêu biểu có thể kể đến 3 quy tắc sau đây:
Nguyên tắc nghiêng ô “Kasa-Kashige”: Vào thời Edo, đường phố trong kinh thành rất hẹp nên sự va chạm lẫn nhau là điều khó tránh khỏi. Do đó, vào những ngày trời mưa, những người cầm ô sẽ thật chú ý khi đi về hướng ngược lại với người khác. Khi gặp nhau, cả hai người sẽ nghiêng ô ra phía sau mình để nước mưa trên ô không rơi trúng đối phương.
Nguyên tắc “Bước 3 - 7 / Shichisan-Aruki”: Đây là nguyên tắc mà mọi người dân Edo đều nắm rõ khi đi bộ trên đường. Theo đó, chiều rộng của một con đường được chia thành một phần ba và một phần bảy. Người đi bộ chỉ đi trong phạm vi một phần ba, tính từ mép đường phía trong. Một phần bảy phần đường còn lại bên ngoài sẽ dành cho những người mang vác hành lý, đang có việc gấp cần đi nhanh hoặc đang đưa bệnh nhân đến trạm y tế. Ngày nay, nét văn hóa này đã trở thành một quy định khi đi thang cuốn ở các nơi công cộng. Du khách sẽ không tìm thấy quy định đứng nép về phía bên trái thang cuốn được ghi ở bất cứ nơi công cộng nào nhưng tất cả người Nhật đều nắm rõ như một điều hiển nhiên.
Nguyên tắc xin lỗi “Ukatsu-Ayamari”: Một số du khách nước ngoài rất ngạc nhiên khi chứng kiến văn hóa xin lỗi của người Nhật vì khi xảy ra sự cố, cả hai người Nhật đều ngay lập tức xin lỗi nhau. Nguyên do là bởi vào thời Edo, vì đường hẹp nên việc vô tình giẫm lên chân người khác là thường xuyên xảy ra. Người làm sai thì xin lỗi là đương nhiên. Nhưng người Edo cho rằng, vì bản thân mình cũng vô ý đưa chân ra nên mới bị người khác dẫm phải, nên cũng là người cần xin lỗi cho sự vô ý (ukatsu) của chính mình.
Người Edo luôn có ý thức gìn giữ sự hòa hợp cộng đồng, bảo tồn văn hóa truyền thống và làm phong phú thêm những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Dù hơn 400 năm đã trôi qua nhưng những tinh hoa đạo đức của Edo-Shigusa vẫn được giảng dạy trong các trường học và được sử dụng trong các buổi huấn luyện nhân viên.
Quả thật, ở bất cứ thời đại nào thì việc xem trọng mối quan hệ hữu hảo giữa người và người luôn là điều quan trọng như nền tảng cho sự phát triển văn hóa - kinh tế xã hội của một quốc gia.
kilala.vn