Edokko: Người gốc Tokyo mang nét phong nhã chốn kinh kỳ

Bài: Rin
Mar 4, 2022

Xuất hiện vào nửa cuối thể kỷ 18, thuật ngữ Edokko dần trở nên phổ biếnđể chỉ một nhóm người đặc biệt sinh ra và lớn lên ở Edo (Tokyo ngày nay). Một người Edokko mang phong thái đặc trưng riêng của chốn kinh kỳ và là niềm kiêu hãnh lớn lao khi được gọi bằng danh xưng này. 

Edokko là gì? 

Edokko (江戸っ子) được ghép từ chữ “江戸 – Edo” và “子 – Tử”, nghĩa là "người con", nên nghĩa đen của từ này là “người con của Edo”. Thuật ngữ Edokko ra đời vào nửa cuối thế kỷ 18 tại Edo (được đổi tên thành Tokyo vào năm 1868), dùng để chỉ một người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. 

người edokko
Edokko là thuật ngữ chỉ người sinh ra và lớn lên ở Edo (Tokyo). Ảnh: mag.japaaan.com

Trước khi Edokko ra đời, “東男 – Azuma Otoko” (người đàn ông sinh tại vùng phía Đông/ vùng Kanto) và “江戸者 – Edo Mono” (người Edo) là hai từ thông dụng để thay thế. 

Có phải ai sinh ra và lớn lên ở Edo đều được gọi là Edokko? 

Edokko là từ thường chỉ dành cho dân bản địa, những người được sinh ra và lớn lên ở trung tâm của Edo, chẳng hạn như Nihonbashi Honcho, và hầu hết người thành thị mới được gọi là Edokko. 

tranh ukiyoe về người edokko
Tranh về người Edokko vẽ bởi họa sĩ Kunisada Utagawa. Ảnh: edo-g.com

Tuy nhiên, vào cuối thời Edo, để được gọi là một người Edokko chân chính thường phải rơi vào hai trường hợp dưới đây: 

  • Bố mẹ phải được sinh ra và lớn lên ở Edo và dĩ nhiên họ cũng vậy. Nếu bố hoặc mẹ không phải là người gốc Edo, con cái của họ dĩ nhiên không phải là một Edokko chính hiệu, mà được gọi là “まだら – Madara – Vết đốm”.
  • Sinh ra và lớn lên ở Edo trong một dòng tộc có ba hoặc bốn đời đều sinh sống tại Edo. 
Trường hợp thứ hai thường khá hiếm trong thực tế bởi phần lớn dân số Edo bao gồm cả dân địa phương từ các vùng khác đến sinh sống. Trong lịch sử, người Edokko hầu hết đều liên quan đến tầng lớp “町人 – Chounin – Dân thành thị”, một tầng lớp xã hội nổi lên tại Nhật trong những năm đầu của chế độ Mạc phủ Tokugawa, họ được xếp sau tầng lớp Samurai

Tuy nhiên, vì phần lớn Samurai tại Edo đều xuất thân từ nông thôn nên các Edokko thường có thái độ tự mãn, xem thường Samurai, gọi Samurai là Yabo (野暮), một từ để mô tả điều gì đó kém thẩm mỹ, không hấp dẫn, trái nghĩa với từ Iki (粋) đại diện cho sự sang trọng, sành điệu. 

Bấy giờ, một nửa dân số Edo đều là Samurai, do vậy, theo Hinako Sugiura, một nhà nghiên cứu về lịch sử Edo, ước tính chỉ có khoảng 1,25% dân số Edo được gọi là Edokko. 

Iki - nét trang nhã của người Edokko

Iki được cho là bắt nguồn từ tầng lớp thương nhân thành thị Chounin hay người Edokko. Dù bị xếp sau tầng lớp Samurai trong hệ thống phân cấp xã hội, nhưng họ lại rất giàu có, kiểm soát phần lớn nền kinh tế Nhật lúc bấy giờ. 

Trong thời Edo, tầng lớp Samurai thống trị đã ban hành một số sắc lệnh chẳng hạn như tránh mặc những bộ Kimono lụa mới, đắt tiền nhằm hạn chế việc phô bày của cải vật chất của những người ở tầng lớp thấp hơn họ, cụ thể là tầng lớp Chounin, như một cách để duy trì địa vị của các tầng lớp trên.

iki là gì
Iki biểu hiện sự giàu có của tầng lớp thương nhân Edo một cách tinh tế. Ảnh: nomurakakejiku.jp

Các sắc lệnh trên đã dẫn đến sự ra đời của Iki như một biểu hiện về sự giàu có ngầm của tầng lớp thương nhân theo cách tinh tế nhất. Việc quá phô trương của cải sẽ đẩy một Chounin rơi vào nguy cơ bị tịch thu tài sản. Do vậy, nhà của một thương gia Edo có vẻ ngoài không sang trọng, nhưng bên trong lại chứa đầy báu vật. Họ cũng chọn những bộ Kimono len trơn, trang nhã với một lớp lụa lót tinh xảo. 

Theo cách hiểu trên, cả Samurai và tầng lớp lao động thấp đều bị xem là không có Iki. Ra đời từ thời Edo, Iki trở thành nền tảng tư duy và quan niệm thẩm mỹ trong văn hóa truyền thống Nhật Bản. 

Geisha cũng được xem là mang nét Iki nếu so sánh với kỹ nữ cao cấp Oiran hào nhoáng, những bông hoa đẹp nhưng phù du. Geisha mặc dù sở hữu vẻ ngoài dịu dàng, trang nhã nhưng bên trong lại là cây liễu kiên cường, sống trong điều kiện khắc nghiệt nhưng không bao giờ ngã đổ và luôn thể hiện sự trung thành với những người bảo trợ cho họ. 

Quan niệm Iki cũng ăn sâu vào tâm tưởng của người Nhật, điển hình như việc những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình sở hữu khối tài sản khổng lồ ở Nhật Bản (hay còn gọi là “rich kid” Nhật Bản) không khoe khoang mà có cuộc sống quá đỗi bình dân, không toát ra “mùi tiền” của giới siêu giàu như ở các quốc gia khác.

Tính cách đặc trưng của người Edokko

Vào thời Edo, mỗi vùng miền tại Nhật có sự khác biệt rất lớn về văn hóa, ngôn ngữ và lối sống so với ngày nay. Với số lượng ít ỏi, người Edokko mang niềm tự hào và óc thẩm mỹ riêng, cùng một tinh thần độc đáo vì họ sống tại nơi đóng đô của chính quyền Mạc phủ Tokugawa. 

sự sành điệu của người edokko
Người Edokko nổi tiếng với sự sành điệu, tính cách hào sảng. Ảnh: ameblo.jp

Người Edokko được miêu tả bởi những cụm từ như:

  • 宵越しの金は持たない (Không giữ tiền qua đêm): Nghĩa là số tiền kiếm ra trong ngày sẽ được sử dụng hết ngày hôm đó mà không cần để dành cho hôm sau. Nó cho thấy sự thoải mái của Edokko, họ không lo lắng quá nhiều về tiền bạc và tự hào vì điều này.
  • 竹を割ったような性格  (Tính cách thẳng như chẻ tre): chỉ sự bộc trực, thẳng thắn trong tính cách của Edokko.
  • 五月の鯉の吹流し (Lồng đèn cá chép tháng 5): Mượn hình ảnh chiếc bụng rỗng của lồng đèn cá chép trong ngày Tết thiếu nhi để chỉ tính khí của người gốc Edo: “Dù cách nói năng hùng hổ, hào sảng nhưng trong bụng không để lại bất cứ điều gì, mưu sự gì”.

Như vậy, về mặt tích cực trong tính cách người Edokko, có thể kể đến một số điểm như vừa sành điệu vừa ga lăng, có tính cách sảng khoái không quan tâm nhiều đến tiểu tiết, hành xử tốt, không bị ám ảnh bởi tiền bạc. Tuy nhiên, mặt khác, họ không suy nghĩ quá nhiều, thuộc kiểu khá bướng bỉnh và cố chấp.

Những cụm từ phổ biến với người Edokko

Với những nét tính cách trên, cùng nguồn gốc của mình, người Edokko sử dụng cách nói chuyện mang phong thái riêng. Dưới đây là một số từ được sử dụng phổ biến: 

てやんでえ/Teyandee

Teyandee là một trong những phương ngữ Edo (Tokyo) cực kỳ nổi tiếng vào lúc bấy giờ và được người Edokko ưa chuộng. 

Đây là dạng rút gọn của cụm từ “なに言ってやがるんでい – Nani itte yagarundei – Sao anh dám nói vậy?”, thường sử dụng để thể hiện thái độ phê phán, xem thường. 

chợ cá edo
Chợ cá tại Edo, vẽ bởi họa sĩ Keisai Eisen. Ảnh: otakinen-museum.note.jp

べらぼうめ/ Beraboume và べらんめえ/ Beranmee

Đây là các từ dùng để nhục mạ người khác với ý nghĩa là "ngu ngốc", tương tự như "Baka" hay "Aho". Có vẻ như Beraboume đã được biến âm thành Beranmee. Từ này thường được dùng chung với Teyandee, chẳng hạn "てやんでぇ、べらぼうめ!".

あたぼうよ/ Atabouyo 

Atabouyo có nghĩa là đương nhiên, dĩ nhiên, được rút gọn từ câu "Atarimae, beraboume" (Đương nhiên rồi, đồ ngốc này).

quán ăn thời edo 2
Quán ăn thời Edo, vẽ bởi họa sĩ Utagawa Hiroshige. Ảnh: kokushu-museum.com

間尺に合わねえ/ Mashaku ni awanee 

Từ “間 – Ma” và “尺 – Shaku” đều là đơn vị đo chiều dài nên cả cụm “Mashaku ni awanee” mang nghĩa đen là chiều dài không vừa vặn, nhìn chung để chỉ điều gì đó không đáng. 

とーんとくる/ Toonyokuru 

Người Edo ví “とーん – Toon” là âm thanh biểu hiện cho khoảnh khắc rơi vào lưới tình. Khi trót phải lòng ai đó, bạn cảm thấy như có gì đó rớt xuống, và nó phát ra một tiếng "Toon"... Do đó, cả cụm “Toonyokuru” mang ý nghĩa là "bị trúng tiếng sét ái tình". 

肴を荒らさねえ/ Sakana o arasanee

Từ “肴 – Sakana” là đồ nhắm khi uống rượu. Do vậy, cả cụm “Sakana o arasanee” mang ý nghĩa là không ăn đồ nhắm khi uống rượu. 

Vào thời Edo, những người chỉ chọn ăn đồ nhắm mà không uống rượu được gọi là kẻ phá hoại món nhắm và khá điên rồ. Do vậy, với những ai đam mê rượu mà không màng đến đồ nhắm được coi là một người đàn ông Edokko sành điệu.

Có phải đa số Edokko đều giàu có? 

Trên thực tế, hầu hết những người dân thành thị ở Edo sống trong các khu nhà tập thể được gọi là “長屋 – Nagaya”. Một phòng tại Nagaya thông thường rộng khoảng 6 chiếu Tatami (khoảng 10m2) với một căn bếp, giống với phòng 1K (Kitchen) tại chung cư Manshon hiện nay. 

Một phòng của Nagaya thường là nơi sinh sống của gia đình gồm 3 thành viên: bố mẹ và con cái, với nhà vệ sinh dùng chung và họ thường tắm tại nhà tắm công cộng. Bức tường ngăn cách giữa các phòng trong Nagaya thường rất mỏng, có thể là loại cửa Shoji và hầu như không có sự riêng tư. 

phòng tại nagaya thời Edo
Một căn phòng trong Nagaya được tái hiện tại Bảo tàng Edo ở Fukagawa, Tokyo. Ảnh: comemo.nikkei.com

Giá thuê trung bình một phòng tại Nagaya là khoảng 6.000 yên, đây được cho là mức giá khá hợp lý. Phần thuế do người chủ Nagaya đóng.

Hơn 70% người dân Edo sống trong các Nagaya và chỉ có khoảng 30% còn lại là những người kinh doanh buôn bán và khá giả. 

Thu nhập và chi tiêu của thợ mộc, nghề tinh hoa của Edokko

Vì thường xuyên xảy ra thiên tai, hỏa hoạn nên trong các nghề nghiệp thời đó ở Edo, thợ mộc được xem là nghề danh giá và được trả mức lương tương đối cao. 

Theo cuốn “文政年間漫録 – Bunsei Nenkan Manroku” được viết vào cuối thời Edo, thu nhập bình quân của một người thợ mộc với gia đình gồm một vợ, một con là vào khoảng 2,7 triệu yên/năm. 

Edokko làm nghề thợ mộc
Tranh vẽ các thợ mộc thời Edo, họa sĩ Utagawa Kunisada. Ảnh: intojapanwaraku.com

Dưới đây là lịch làm việc thông thường của một thợ mộc tại Edo, tuy nhiên, nếu cần người hỗ trợ ngay tức khắc sau một trận động đất hay hỏa hoạn, thỉnh thoảng, người thợ mộc rời khỏi chỗ làm sớm hơn hoặc phải tăng ca.

  • 8h: Bắt đầu công việc 
  • 10h: Nghỉ giải lao 30 phút 
  • 12h: Nghỉ trưa 
  • 14h: Nghỉ giải lao 30 phút 
  • 18h: Kết thúc công việc.

Như vậy, thợ mộc tại Edo làm việc một ngày khoảng 8 tiếng như hiện nay. Khi thu nhập của một người thợ mộc Edokko vào khoảng 2,7 triệu yên thì mức chi tiêu của họ là khoảng 2,5 triệu yên, bao gồm chi phí thức ăn, thuê phòng Nagaya, quần áo, giải trí... Thậm chí, với một thợ mộc khá giàu có, họ cũng chỉ dư dả khoảng 200.000 yên/năm. 

Điều này cho thấy thực tế rằng không phải người Edokko “không giữ tiền qua đêm” mà là họ không thể với mức thu nhập trên, dù là làm nghề thợ mộc danh giá. 

Trẻ em Edokko là lực lượng lao động quý giá 

Khi ngay cả những gia đình Edokko giàu có cũng chẳng dư dả mấy thì có thể thấy cuộc sống của nhiều gia đình Edokko khó khăn đến mức nào. Do vậy, trẻ em đóng một vai trò tích cực trong xã hội Edo.

Tại Edo, trẻ em trở thành một lực lượng lao động vô cùng quý và được coi trọng. Ở những gia đình Edokko làm nghề kinh doanh, trẻ em bận rộn trong việc phụ giúp cửa hàng. Những đứa trẻ Edokko khác thì kiếm tiền bằng cách bán hoa, ngao nước ngọt, bánh kẹo, đồ ăn khác...

trẻ em edokko học ở terakoya
Dù phải làm việc từ nhỏ nhưng trẻ em Edokko luôn được cho đến trường Terakoya để học đọc, viết, tính Soroban. Ảnh: kumon.ne.jp

Trong cuốn “浮世風呂 – Ukiyoburo” còn đề cập đến việc những cô gái Edokko của các gia đình giàu có thỉnh thoảng cũng học đàn Shamisen và nhảy múa, cũng như nói về “教育ママ – Kyouiku Mama” - những người mẹ Edokko tâm huyết trong việc giáo dục con cái. 

Coi trọng giáo dục và giải trí 

Có thể thấy, hầu hết các gia đình Edokko có cuộc sống không quá giàu có, tuy nhiên, có hai điều mà người Edokko luôn trân trọng dù họ có nghèo khó đến đâu: 

Giáo dục trẻ em 

Mặc dù trẻ em Edokko trở thành một lực lượng lao động quý giá, nhưng điều đó không có nghĩa chúng chểnh mảng trong việc học. Tại Edo, có rất nhiều nơi giống như trường luyện thi ngày nay được gọi là “寺子屋 – Terakoya” được thành lập. Tại đây, trẻ em được học đọc, viết và tính bằng bàn tính Soroban

edokko viết thư pháp

Tranh vẽ "Khai bút đầu năm tại Terakoya" của họa sĩ Utagawa Toyokuni. Ảnh: intojapanwaraku.com

Mức học phí tại Terakoya không cố định mà được điều chỉnh tùy theo tình hình tài chính của gia đình học sinh, và thông thường các gia đình Edokko nghèo thường gửi con đến học tại đây. Việc học với người Edokko giống như một khoản đầu tư để mở đường cho tương lai. 

Giải trí khi rảnh rỗi

Nhắc đến người Edokko, không thể không nói đến việc họ là những người sành điệu, sử dụng thời gian rảnh rỗi để giải trí một cách hợp lý. Trồng cây được xem là một trong những thú vui tiêu khiển được đặc biệt yêu thích của người Edokko. 

saruwakacho nơi có nhiều rạp chiếu phim tại edo
Saruwakacho, nơi có nhiều rạp chiếu phim tại Edo, vẽ bởi họa sĩ Utagawa Hiroshige. Ảnh: intojapanwaraku.com

Họ dành nhiều đam mê cho việc làm vườn tại nhà và đến các vườn bách thảo để ngắm nhìn cây cối. Asakusa Hanayashiki, hiện nay là một công viên giải trí ở Tokyo, trước đây là một vườn bách thảo được xây dựng vào thời Edo. Ngoài kịch Kabuki được đặc biệt ưa chuộng, đàn ông Edokko còn thường lui tới phố đèn đỏ như một thú vui lúc rảnh rỗi. 

Người Edokko được đánh giá là khá giỏi trong việc tìm kiếm các thú vui mà không tốn quá nhiều chi phí, chẳng hạn như họ chọn nuôi thú cưng như chim nhỏ, cá vàng và bọ, thay vì mua sách, họ thuê sách để đọc. Có thể những cửa hàng đồng giá 100 yên ngày nay được hình thành từ việc người Edokko lựa chọn cho mình những thứ không quá đắt đỏ. 

Học hỏi từ ý thức sử dụng tiền của người Edokko

Tại Edo, hầu hết các gia đình sống trong cảnh nghèo khó, tuy nhiên, họ vẫn tận hưởng thời gian rảnh rỗi với nhiều hình thức giải trí cùng các thú vui và không quên đầu tư vào trẻ em.

Lý do phía sau việc người Edokko không quá ám ảnh về vấn đề tiền bạc cũng có thể xuất phát từ việc họ phải sống tại Edo, nơi xảy ra nhiều hỏa hoạn và không biết khi nào sẽ mất tất cả. Hơn nữa, dân cư đông đúc tại Edo cũng khiến cơ hội có việc làm khá mong manh. 

shibuya-tokyo
Edo ngày xưa đã trở thành Tokyo sầm uất hiện nay. Ảnh: commons.wikimedia.org

Ngày nay, Nhật Bản đang đối mặt vấn đề dân số già hóa, không dễ để hiểu cảm giác "không giữ tiền qua đêm" như dân Edokko ngày xưa, và việc tiết kiệm trở nên vô cùng quan trọng. 

Tuy nhiên, khi nhìn vào lối sống của người Edokko xưa, có thể nhận thấy điều quan trọng là cần đầu tư vào tương lai và sử dụng tiền để làm cho cuộc sống thêm phong phú.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU