Edo Sashimono: Kỹ thuật ghép gỗ không cần đinh của Nhật Bản
Bài: Rin
Mar 11, 2022
Nguồn: Mainichi
Không sử dụng bất kỳ chiếc đinh sắt nào, những người thợ thủ công Nhật Bản đã ghép các miếng gỗ lại với nhau bằng một kỹ thuật đặc biệt, tạo nên nhiều đồ nội thất lớn nhỏ. Thoạt nhìn, chúng có cấu trúc khá mỏng manh, nhưng thực tế lại có thời gian tồn tại lên đến 100 năm. Đó chính là kỹ thuật ghép gỗ Sashimono nổi tiếng của Nhật Bản, phát triển mạnh mẽ vào thời Edo (1603-1867) và vẫn được bảo tồn cho đến tận ngày nay.
Sashimono là gì?
Sashimono là nghề thủ công chế tác đồ gỗ truyền thống của Nhật, tạo ra nhiều sản phẩm nội thất tinh tế mà không cần sử dụng đến đinh để ghép các miếng gỗ lại với nhau. Kỹ thuật này cũng là hiện thân rõ nét nhất của nền văn hoá gỗ Nhật Bản.
“Sashimono - 指物” là sự kết hợp của danh từ "物差し – Monosashi" (cây thước), chỉ việc đo đạc, và động từ "差し合わせる – Sashiawaseru" (ghép), chỉ việc ghép gỗ lại với nhau. Thay vì sử dụng đinh như thông thường, nghệ nhân sẽ đo đạc và tính toán để khắc răng cưa lên gỗ, rồi khớp chúng với nhau để kết nối các thanh gỗ.
Nền văn hoá chế tác đồ gỗ của Nhật Bản bắt nguồn từ thời
cổ đại, được mãi giũa và hoàn thiện suốt chiều dài lịch sử. Nhật Bản là
một đất nước giàu tài nguyên rừng nên hầu hết các công trình tại quốc gia
này đều được xây bằng gỗ; từ đồ nội thất đến các dụng cụ trong gia đình
cũng không thể thiếu đi vai trò của gỗ.
Với Sashimono, kỹ thuật ghép gỗ độc đáo này bắt nguồn từ khoảng giữa thời Heian (794 – 1185) đến thời Kamakura (1185 – 1333). Cụ thể hơn, Sashimono được cho là có xuất phát điểm từ các hộp gỗ dùng để đựng vật dụng, dụng cụ uống trà của các thành viên Hoàng gia và giới quý tộc ở cố đô Kyoto ngày xưa.
Edo Sashimono, nét tinh tế của nghệ thuật Sashimono
Nếu Sashimono của Kyoto hướng đến Hoàng gia và giới quý tộc triều đình, Sashimono ở Edo (Tokyo ngày nay) lại phục vụ chủ yếu cho các gia đình Samurai, chẳng hạn như gia đình của Tướng quân và lãnh chúa phong kiến, hoặc dùng làm rương biểu diễn trên sân khấu kịch Kabuki.
Trái ngược với đồ gỗ Sashimono của Kyoto được đặc trưng bởi kiểu trang trí lộng lẫy với vỏ sò..., Edo Sashimono đơn giản và có tính ứng dụng cao, chú trọng sử dụng các loại gỗ chất lượng.
Kỹ thuật Edo Sashimono phát triển vô cùng mạnh mẽ vào thời Edo và được ứng dụng để sản xuất ra hàng loạt vật dụng gia đình, từ lò than hình chữ nhật đến bàn viết, tủ áo và hộp đựng kim chỉ.
Yutaka Mogami, 68 tuổi, thế hệ thừa kế thứ 3 của xưởng Edo Sashimono có tên Mogami Kogei tại khu Kuramae, Tokyo chia sẻ: “Sashimono là đồ gia dụng không thể thiếu với các chiến binh Samurai và thương gia Edo”.Ông Mogami giải thích thêm: “Mặc dù thoạt nhìn chúng có cấu trúc khá mỏng manh, nhưng lại chắc chắn đến ngạc nhiên và có tuổi thọ khoảng 100 năm. Đồ nội thất gỗ Edo Sashimono không quá sặc sỡ nhưng các vân gỗ mang vẻ đẹp nổi bật và sự khéo léo tài tình của người thợ được ẩn giấu bên trong chúng. Đó có thể là lý do mà Edo Sashimono lại rất hợp với Iki, sự nhạy cảm sang trọng của người dân Edo”.
Hiện nay, vẫn còn một số thợ mộc Edo Sashimono ở Kuramae, gần quận Ueno và Asakusa của Tokyo. Kể từ khi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ trận Đại động đất Kanto vào năm 1923 và Chiến tranh Thái Bình Dương (1941– 1945), khu vực Kuramae đã không còn được như xưa, nhưng những người thợ thủ công nơi đây vẫn tiếp tục truyền giữ lại tinh thần của Edo.
Loại gỗ được sử dụng trong kỹ thuật ghép gỗ Edo Sashimono
Điều đặc biệt trong chế tác đồ nội thất Edo Sashimono truyền thống của Nhật Bản là chỉ có loại gỗ nội địa Nhật mới được chọn dùng, trong đó, gỗ từ cây dâu tằm được xem là nguyên liệu hiếm và giá trị nhất.
Gỗ cây dâu tằm chắc chắn, có tính đàn hồi và nhất là vân gỗ sở hữu hoa văn đẹp mắt. Trong số các loại cây dâu tằm, những cây đến từ đảo Miyake và đảo Mikura thuộc quần đảo Izu phía Nam ở Tokyo được cho là có chất lượng tốt nhất với những vân gỗ ánh bạc.
Ngoài gỗ cây dâu tằm, gỗ cây hoàng bá cũng được sử dụng phổ biến. Nó được biết đến là loại gỗ nhẹ, dễ sử dụng, khả năng chống biến dạng cao cũng như vân gỗ khác biệt, có màu vàng nhạt bóng loáng.
Một số loại gỗ Nhật Bản khác được sử dụng trong kỹ thuật Edo Sashimono là gỗ keyaki (thuộc họ cây du) với vân đậm màu và gỗ cây hông bền chắc, thường dùng để đóng tủ. Còn gỗ cây hạt dẻ Nhật thì nổi tiếng với khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu nước.
Nghệ nhân Yutaka Mogami chia sẻ: “Bản thân tôi lại thích gỗ tamo (tần bì) của Nhật Bản. Nó có màu xanh lá nhạt và các vân gỗ cũng rất đẹp. Những vân gỗ ở khu vực gần rễ cây thật sự rất thú vị”.
Đồ nội thất Edo Sashimono được chế tác như thế nào?
Sử dụng đục và búa, ông Mogami tạo nên các khớp nối. Trong lúc khéo léo giữ khúc gỗ bằng chân, Mogami bắt đầu chạm khắc nhiều rãnh hình thang dọc theo các cạnh của thanh gỗ. Khi hai thanh gỗ được nối với nhau theo một góc vuông, phần lồi và lõm khớp vào nhau.
Ông Mogami chia sẻ: “Hình thức ghép gỗ này được gọi là khớp nối con kiến. Hình dáng của khớp nối chẳng phải rất giống đầu con kiến hay sao? Kiểu dáng này chính là chìa khoá”.
Điều đặc biệt là ông Mogami chạm gỗ theo đường chéo vì các thanh gỗ sẽ dễ dàng bị tách ra nếu đẽo các phần lồi và lõm theo đúng góc vuông. Ông Mogami bật mí: “72 độ là góc tốt nhất. Nó đảm bảo các phần lồi và lõm ăn khớp với nhau mà không dễ dàng bị rời ra”. Các khớp nối gồ ghề cũng được giấu đi khéo léo, hoàn toàn không thể nhìn thấy từ bên ngoài.
Gỗ nở ra và co lại theo sự thay đổi của nhiệt độ, độ ẩm. Vì vậy, đồ gỗ có thể bị nứt tuỳ theo cách chúng được tạo tác. Nếu sử dụng đinh sắt, gỗ có thể bị nứt khi chúng co giãn. Nhưng với Sashimono, kỹ thuật này cho phép các bộ phận bằng gỗ thay đổi hình dạng cùng nhau vì được lồng ghép vào nhau, từ đó mà ít bị nứt và cong vênh hơn.
Ông Mogami cho biết: “Edo Sashimono đã xem xét kỹ đặc tính này của gỗ và khéo léo vận dụng nó để tạo nên lợi thế cho Edo Sashimono. Đây thật sự là một cách nghĩ tốt cho hệ sinh thái, phù hợp với thời tiết nóng và ẩm của Nhật Bản”.
Quá trình tạo ra đồ nội thất Edo Sashimono bắt đầu bằng việc thu gom
nguyên liệu gỗ từ những người buôn gỗ quý hiếm, sau đó đem gỗ đi sấy
khô.
Tiếp đó, ông Mogami lên kế hoạch thiết kế đồ gỗ theo đơn đặt hàng, cắt gọt nhiều phần gỗ khác nhau trong lúc cố gắng giữ lại các vân gỗ đẹp nhất. Gỗ được đem đi xử lý, lắp ráp, phủ sơn mài trước khi gắn các phụ kiện kim loại vào, chẳng hạn như tay nắm.
Một nghệ nhân sẽ đảm nhiệm toàn bộ quy trình trên, đây cũng là một đặc trưng khác của đồ gỗ Edo Sashimono. Điều này rất hiếm trong các nghề thủ công truyền thống của Nhật Bản, bởi thông thường mỗi thợ thủ công sẽ đảm trách 1 công đoạn của quá trình sản xuất.
Sức hấp dẫn của Edo Sashimono là mặc dù nó mang vẻ đẹp tinh tế, nhưng thực chất lại vô cùng cứng cáp.
- Yutaka Mogami
Nghệ nhân Yutaka Mogami cười và nói rằng: “Tôi cho rằng truyền thống trên bắt nguồn từ việc ngày xưa, các thợ mộc phải làm việc trong những dãy nhà chật hẹp. Ngày nay, tôi vẫn có thể làm tất cả các công đoạn một mình tại xưởng. Về cơ bản, không có gì thay đổi cả”.
Vì chỉ có một người thợ thủ công đảm trách toàn bộ quá trình, từ việc cưa gỗ đến lắp ráp, đánh bóng, nên nghề thủ công này đòi hỏi người thợ phải tính toán thật kỹ càng trước khi bắt tay vào thực hiện.
kilala.vn
Ra đời vào năm 1912, xưởng gỗ Edo Sashimono Mogami Kogei của ông Yutaka Mogami mang đến các sản phẩm với thiết kế sáng tạo, chẳng như túi xách, tranh gỗ, móc khoá điện thoại, cà vạt gỗ, bên cạnh các đồ nội thất truyền thống. Nghệ nhân Mogami hy vọng sẽ tạo ra những món đồ dùng hằng ngày phù hợp với thời đại từ kỹ thuật ghép gỗ Edo Sashimono lâu đời.
- Địa chỉ: 4-37-10 Kuramae, quận Taito, Tokyo.
- Website: sasimono.ciao.jp (Tiếng Nhật và tiếng Anh)