Lễ hội ngắm trăng - Tết Trung thu Nhật Bản!

Bài: Inako/ Ảnh: PIXTAAug 26, 2018

Ở Nhật, bão và những trận mưa dầm dề vẫn thường xuyên ghé thăm đảo quốc vào đầu thu. Thế nhưng, khi bước sang giữa thu, những luồng khí khô và lạnh sẽ bắt đầu thổi từ lục địa vào, khiến cho bầu trời trở nên thật quang đãng. Thời điểm này chính là lúc thích hợp nhất để người Nhật tổ chức lễ hội ngắm trăng - Otsukimi. Thú vị hơn, Otsukimi cũng trùng với ngày rằm tháng 8 ở Việt Nam và Trung Quốc. Tuy gọi là ngày lễ, nhưng Otsukimi thường diễn ra trong phạm vi gia đình hoặc bạn bè thân thiết 

Nguồn gốc lễ hội ngắm trăng

Trong tiếng Nhật, “Tsukimi” (月見) có nghĩa là “ngắm trăng”, còn chữ “O” thường được thêm vào phía trước để thể hiện sự trang trọng. Lễ hội thường diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch, tức vào khoảng tháng 9 - 10 dương lịch, và là dịp để mọi người cùng thưởng thức đêm trăng đẹp nhất trong năm. 

Có giả thiết cho rằng Otsukimi bắt nguồn từ phong tục Tết Trung Thu của Trung Quốc. Ngày lễ này được lưu truyền vào đảo quốc Nhật Bản thông qua những đoàn đi sứ nhà Đường trong thời kỳ Heian (794 – 1185). Ban đầu, Otsukimi chỉ dành cho hoàng gia và tầng lớp quý tộc, nhưng đến thời kỳ Edo (1603 – 1868) thì nó đã được phổ biến rộng rãi như một lễ hội dân gian. Những mùa lễ Otsukimi đầu tiên được người dân tổ chức vào giai đoạn sau khi đã thu hoạch hoa màu mùa hạ và chuẩn bị bước vào mùa gặt lúa nước, với mục đích là cầu xin thần linh mang đến những vụ mùa tươi tốt cho con người.

Với ý nghĩa đó, Otsukimi đã đi sâu vào đời sống tinh thần của con người Nhật Bản, đồng thời được coi như một cơ hội tuyệt vời để phong phú hóa tâm hồn trẻ thơ.

Tết Trung thu Nhật Bản
Ảnh: PIXTA

“Trung thu” được tổ chức 2 lần

Ngoài 15/8 âm lịch, Otsukimi còn được tổ chức lần 2 vào khoảng 1 tháng sau – ngày 13/9 âm lịch. Nếu đêm 15/8 được đặt cho tên gọi đặc biệt là “đêm 15” (十五夜), thì đêm 13/9 này được gọi là “đêm 13” (十三夜) hay  “trăng sau” (後の月). Người Nhật quan niệm rằng một khi đã ngắm trăng đêm 15 thì nhất định phải ngắm trăng vào đêm 13. Bởi nếu chỉ ngắm trăng đêm 15 thì chắc chắn sẽ gặp xui xẻo hay tai họa! Điều kiêng kỵ này trong tiếng Nhật được gọi là “Kata-tsukimi” (片月見). Đây cũng là một nét khác biệt của Otsukimi Nhật Bản.

Câu chuyện Thỏ ngọc giã bột làm bánh mochi

Nếu như người Việt Nam tưởng tượng trên cung trăng có cây đa và chú Cuội, thì người Nhật Bản tin rằng có một chú thỏ đang sinh sống trên vương quốc của thần Mặt trăng bất tử và đến đêm Otsukimi lại giã bột để làm bánh dày mochi. Ngoài ra, liên tưởng về một chú thỏ đang ngồi ăn bánh dango cũng xuất hiện ở nhiều địa phương trên nước Nhật.

Một trong những truyền thuyết về Thỏ ngọc được trẻ con Nhật Bản yêu thích có nguồn gốc từ thần thoại Ấn Độ , kể về 3 con vật là khỉ, cáo và thỏ được Thượng đế thử thách khi Thượng đế hóa thân thành một ông lão và đến xin chúng thức ăn. Trong khi khỉ nhanh nhảu trèo lên cây để hái thật nhiều trái ngon, còn cáo thì đi trộm đồ cúng từ các ngôi mộ để biếu tặng ông lão, chỉ có mỗi thỏ là không có gì cả. Vì vậy để có thức ăn biếu ông lão, thỏ đã lao mình vào đống lửa để hiến tặng chính bản thân mình. Cảm động trước tấm lòng của thỏ, Thượng đế đã hồi sinh cho thỏ rồi đưa nó lên cung trăng để tôn vinh trước tất cả mọi người.

Thỏ ngọc làm bánh mochi trên cung trăng
Ảnh: PIXTA

Cùng đón Tết Trung thu theo phong cách Nhật Bản!

Để có thể thưởng thức đêm lễ Otsukimi một cách trọn vẹn nhất, cần phải chuẩn bị những thứ như sau:

A. Nơi ngắm trăng

Có thể là trong phòng, trong vườn, ở hiên nhà hay bất kì nơi nào thoáng đãng có thể ngắm trăng thuận tiện nhất. Nếu chọn một nơi mà tầm nhìn bị che chắn thì sẽ không thể thưởng thức đêm trăng tuyệt đẹp này một cách trọn vẹn được! Chính vì vậy, việc chọn địa điểm phù hợp để ngắm trăng nên được ưu tiên làm trước và không nên để “nước tới chân mới nhảy”!

B. Vật trang trí

Vật trang trí phổ biến nhất trong lễ hội Otsukimi chính là một trong bảy loại cỏ nổi tiếng của mùa thu Nhật Bản: cỏ lau (Susuki). Từ xưa, cỏ lau đã được xem như hiện thân của thần Mặt Trăng, đem đến sự sung túc cho gia đình và giúp mùa màng bội thu. Ngoài ra, cũng có nơi cho rằng hình dáng chĩa nhọn của sợi cỏ lau có khả năng xua đuổi ma quỷ. Vì vậy, cỏ lau cũng thường được đem treo trước cửa nhà. 

đón Tết Trung thu Nhật
Susuki - Ảnh: oisa

Ngoài cỏ lau, vật trang trí khác thường thấy là sáu loại cỏ mùa thu còn lại gồm có hồ chi (Hagi), sắn dây rừng (Kuzu), hoa nữ lang (Ominaeshi), trạch lan (Fujibakama), cát cánh (Kikyo) và cẩm chướng (Nadeshiko), cùng nhiều loại hoa dại gần gũi khác. Có các loại hoa cỏ này tô điểm, buổi ngắm trăng của bạn chắc chắn sẽ trở nên thi vị hơn!

C. Đồ cúng

Tsukimi-dango

Ắt hẳn dango đã không còn xa lạ gì với những ai yêu thích quà bánh Nhật Bản! Những chiếc bánh tròn tròn và xinh xắn tựa như những ông trăng nhỏ này chẳng những không thể thiếu trong các lễ cúng nông nghiệp, mà người Nhật còn quan niệm rằng chúng sẽ giúp bạn trở nên khoẻ mạnh và hạnh phúc hơn. Vào đêm 15, người Nhật thường xếp khoảng 15 viên bánh dango có đường kính 1 thốn 5 phân (tức 4.5 cm) lên dĩa để cúng. Tuy nhiên, tùy theo năm thường hay năm nhuận mà cũng có người chọn số bánh bằng số đêm trăng tròn trong năm là 12 hoặc 13 viên, hoặc giản lược con số 15 đi thành 5 viên. Vào đêm 13/9 thì sẽ cúng 13 hoặc 3 viên bánh. Sau khi cúng, bạn có thể thưởng thức chúng cùng với gia đình mình!

bánh tsukimi
Ảnh: PIXTA

Các loại rau quả khác

Giống như tên gọi khác của đêm 15 là “Imomeigetsu” (trăng mùa khoai), Otsukimi còn được xem là lễ cầu chúc cho mùa thu hoạch khoai các loại. Do đó, vào đêm này, ta có thể cúng cả khoai tây lẫn khoai môn. Còn đồ cúng thích hợp của đêm 13 là lê hoặc đậu các loại. 

Thêm vào đó, việc cúng các loại rau quả khác mà tự tay mình trồng còn mang ý nghĩa là cảm tạ thần linh đã mang đến những vụ mùa tươi tốt. Tùy từng địa phương mà các loại rau quả này sẽ khác nhau. Đặc biệt, người Nhật tin rằng nếu cúng những loại trái cây như nho thì điều ước sẽ dễ thành hiện thực.

Và sau khi đã chuẩn bị theo các bước đã hướng dẫn, hãy cùng thưởng thức đêm Otsukimi nào!

Inako/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU