Gập người chào nhau, ngồi chính tọa với tư thế Seiza, bộ trang phục thể thao màu đỏ chót,... những chi tiết rất Nhật kết hợp cùng chuyển động hình thể sắc nét đã truyền tải trọn vẹn yếu tố đặc trưng của người Nhật trong “Hội chứng truyền thống mãn tính – Phiên bản Nhật Bản” – vở múa hấp dẫn do nhóm Akudo trình diễn lần đầu tiên tại Việt Nam.
Trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản giới thiệu, nhóm múa đôi Akudo gồm hai nghệ sĩ trẻ Shun Nakamura và Shota Utagawa đến từ Nhật Bản đã khiến khán giả mãn nhãn với màn trình diễn độc đáo khi sử dụng kỹ thuật múa đương đại để diễn tả những yếu tố nhạy cảm, sự chính xác, khiêm tốn, khiếu thẩm mỹ cao,... hiện hữu trong bản tính người Nhật. Vở múa “Hội chứng truyền thống mãn tính – Phiên bản Nhật Bản” đã từng đoạt giải Nghệ sĩ trẻ xuất sắc tại Yokohama Dance Collection EX 2014, và trong những ngày lưu diễn tại Việt Nam, biên tập viên Kilala đã có dịp đồng hành cùng bộ đôi Akudo tham gia vào các hoạt động trình diễn, hội thảo, tập huấn cho các nghệ sĩ và sinh viên Việt Nam, để khám phá những câu chuyện thú vị hình thành nên vở múa hấp dẫn của họ.
Anh có thể giải thích một chút về tên gọi của vở múa?
Shun Nakamura:Người Nhật được đánh giá là thông minh, tinh tế, những sinh hoạt giản đơn thường ngày như việc cúi chào nhau thể hiện tính cách người Nhật rất rõ, vì vậy chúng tôi dùng từ “truyền thống mãn tính” để chỉ ra rằng người Nhật dù luôn tiếp thu và phát triển cái mới, nhưng cũng đồng thời bảo lưu giá trị cũ. Chúng tôi muốn truyền đạt niềm tự hào Nhật Bản thông qua những chi tiết rất nhỏ ấy trong vở múa.
Mất thời gian bao lâu để Akudo cho ra đời tác phẩm trong đó sử dụng kỹ thuật múa đương đại để diễn tả tính cách mà nhìn qua đó người xem cảm ngay yếu tố Nhật Bản?
Shota Utagawa:Ý tưởng ra đời vở múa gói gọn trong hai tuần, và khi kết hợp chúng tôi điều chỉnh dần các động tác để tạo thêm tính hấp dẫn và đa dạng. Thông điệp của vở múa không được truyền tải qua ngôn ngữ, hình ảnh, mà chỉ bằng chuyển động cơ thể, nên chúng tôi phải vận dụng nhiều kỹ thuật tỉ mỉ, độ khó cao để chinh phục khán giả.
Các nghệ sĩ múa đương đại khi trình diễn thường có những ngôn ngữ biểu đạt riêng, và múa đơn có vẻ dễ dàng và tự do hơn là múa đôi, với Akudo thì sao?
Shun Nakamura:Tôi là vũ công đường phố, còn Utagawa tốt nghiệp chuyên ngành múa đương đại, hình thể chúng tôi cũng khác biệt, nếu nhìn qua dễ có chung cảm nhận hai người khó kết hợp. Chúng tôi không áp đặt các vở múa của Akudo vào khuôn phép hay phong cách biểu diễn riêng từng người, mà chọn lối thể hiện sáng tạo và tự do nhất có thể. Nhờ những khác biệt đó nên khi kết hợp các động tác múa, chúng tôi bổ sung cho nhau rất hài hòa. Khi trình diễn, chúng tôi cũng cảm được quan niệm và suy nghĩ giống nhau nên phối hợp rất ăn ý.
Trong vở múa có một chi tiết gây chú ý là bộ đồng phục thể thao màu đỏ, Akudo chọn trang phục đó hẳn phải có ẩn ý gì phía sau?
Shota Utagawa:Có một điều rất buồn cười là tại Nhật Bản, các diễn viên hài khi chọn trang phục biểu diễn thì đều chọn màu đỏ, gần như là một nguyên tắc cố hữu và có lẽ chỉ ở Nhật mới như thế. Chúng tôi có thể chọn Yukata hay Kimono có vẻ truyền thống và nhiều người biết hơn, nhưng khi đưa vấn đề này ra bàn luận, cả hai thống nhất chọn màu đỏ để tạo nên sự khác lạ nhưng vẫn rất Nhật. Thiết kế kiểu dáng của bộ trang phục này đã có ở Nhật từ thời Chiêu Hòa (1927 – 1989).
Theo nghiệp múa đương đại, Akudo hẳn gặp nhiều khó khăn để sống và giữ phong độ cùng nghề, vậy điều gì quan trọng đem lại thành công cho Akudo?
Shun Nakamura:Nghệ sĩ sống được bằng nghề múa đương đại chắc không nhiều, chúng tôi đều còn rất trẻ, nên cần phải nỗ lực không ngừng nghỉ. Và những giải thưởng mà nhóm gặt hái được, những lời mời đi lưu diễn, cơ hội hợp tác với các nghệ sĩ lớn ở Nhật và quốc tế, chính là những khích lệ và động lực để chúng tôi tiếp tục theo nghề. Về lâu dài, chúng tôi muốn trở thành những nhà đánh giá nghệ thuật, còn hiện tại chỉ cần được múa, thoả mãn đam mê, đó là điều hạnh phúc nhất.
Akudo thường tổ chức nhiều hội thảo và tập huấn về nghệ thuật múa đương đại cho học sinh – sinh viên, nhưng thật khó chuyển tải kiến thức, kinh nghiệm, vũ đạo chỉ trong vài buổi. Vậy điều chính yếu mà Akudo mang đến là gì?
Shun Nakamura:Chúng tôi đến để mang lại cảm hứng cho những người đam mê, với một thông điệp rất cụ thể: mục đích của việc học múa đương đại không phải là để trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, mà quan trọng là biết sử dụng những động tác ấy để lan truyền cảm hứng và niềm vui giữa người với người.
Profile nghệ sĩ
Shun Nakamura sinh năm 1992 tại Saitama, là một vũ công đường phố từ thời trung học. Năm 2010, tại Đại học Daito Bunka, Nakamura gặp nghệ sĩ múa đương đại Shota Utagawa, sinh 1991 tại Fukushima. Cả hai kết hợp múa đôi và vở múa đầu tiên của nhóm có tên Akudo đã đoạt giải thưởng đặc biệt cho Chuyển động nghệ thuật tại Toyama năm 2012, từ đó họ đặt tên nhóm múa là Akudo.
Nguyễn Đình/kilala.vn
“Khi xem nhóm Akudo trình diễn, tôi rất ấn tượng với phần múa trên nền tiếng đàn Shamisen. Âm thanh độc đáo của nhạc cụ này khiến mọi người phải chú ý hơn và những động tác của nghệ sĩ đem lại sự hòa quyện chặt chẽ, tạo nên một không gian đương đại rất Nhật Bản”. Đức Anh – khán giả xem vở múa “Hội chứng truyền thống mãn tính – Phiên bản Nhật Bản”.