Đền Yasukuni: Nơi tưởng niệm gây tranh cãi nhất thế giới

Bài: NatsumeAug 15, 2021

Là nơi tưởng nhớ những người lính Nhật đã ngã xuống trong Thế chiến thứ hai, một địa điểm thu hút khách du lịch khi đến Tokyo, tuy nhiên, khi những người đứng đầu chính phủ thăm ngôi đền này sẽ lập tức tạo nên nhiều tranh cãi.

Mỗi năm, vào ngày 15/08, đền Yasukuni lại "lọt vào tầm ngắm" của các phương tiện truyền thông khi Thủ tướng hoặc các thành viên khác trong nội các có thể sẽ đến thăm ngôi đền để tưởng nhớ ngày Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ hai.

yakukuni
Đền Yasukuni tọa lạc ngay trung tâm Tokyo, là nơi tưởng niệm những người đã hi sinh trong chiến tranh. Ảnh: Pixta

Yasukuni Jinja - 靖国神社 hay đền Yasukuni là đền thờ Thần đạo nằm ở trung tâm Tokyo. Nơi đây tưởng nhớ những người Nhật đã hi sinh trong chiến tranh để tạo dựng nền tảng cho một Nhật Bản hòa bình. Đền Yasukuni tưởng niệm linh hồn của hơn 2,466 triệu người thuộc phe quân đội Nhật Bản trong các cuộc xung đột kể từ năm 1853 bao gồm: Cuộc Duy tân Minh Trị, Cuộc nổi dậy Satsuma, Chiến tranh Trung – Nhật lần thứ nhất và lần thứ hai, Chiến tranh Nga – Nhật, Chiến tranh thế giới thứ nhất, Sự kiện Phụng Thiên (hay còn gọi là sự kiện Mãn Châu, Trung Quốc), Chiến tranh Thái Bình Dương, Thế chiến thứ hai. Tất cả đều được lưu giữ tại đền Yasukuni dưới dạng văn bản ghi lại tên, nơi ở, ngày tháng và nơi hi sinh của họ.

Nguồn gốc lịch sử

Năm 1869, Nhật Bản đang trong quá trình cải cách lịch sử hay còn được gọi là Minh Trị Duy Tân để tạo nên một nhà nước thống nhất như hiện nay. Trước đó, Nhật Bản đã áp đặt chính sách bế quan tỏa cảng trong khoảng 250 năm, hạn chế giao thương với các nước. Đến khi Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây bắt đầu gây áp lực, buộc Nhật Bản phải mở cửa, điều này đã làm cho Nhật Bản phân thành hai phe, phe tán thành và phe phản đối. 

Mạc phủ Tokugawa đã giữ quyền kiểm soát nền chính trị Nhật Bản trong 260 năm nhưng cũng không thể kiểm soát tình hình lúc bấy giờ. Sự phân chia mạnh mẽ trong tư tưởng đã dẫn đến chiến tranh Boshin (chiến tranh Mậu Thìn hay còn được gọi là chiến tranh Minh Trị Duy Tân). Điều đó đã phải trả một cái giá khá đắt khi nhiều sinh mạng đã ngã xuống trong công cuộc thống nhất đất nước.

yasukuni
Cổng Torii xuất hiện ở khắp nơi trong ngôi đền. Ảnh: Pixta

Thiên hoàng Minh Trị, với mong muốn thành kính, tưởng nhớ những người đã hy sinh vì đất nước, đã ra lệnh xây dựng một ngôi đền để làm nơi tưởng niệm. Ngôi đền tên là Shokonsha, được thành lập vào tháng 6/1869. Đây là nguồn gốc của đền Yasukuni ngày nay. 

Khi Thiên hoàng đến thăm Shokonsha lần đầu tiên vào ngày 27/01/1874, ông đã sáng tác một bài thơ: "Tôi đảm bảo với những người trong các bạn đã chiến đấu và hy sinh cho đất nước của mình rằng tên các bạn sẽ sống mãi tại ngôi đền này ở Musashino" (tạm dịch).

Và để thực hiện theo đúng ý nghĩa trong lời của Thiên hoàng, ngôi đền được đổi tên thành Yasukuni Jinja vào năm 1879. Cái tên “Yasukuni” do Thiên hoàng Minh Trị ban tặng, có nghĩa là gìn giữ hòa bình cho cả quốc gia.

yasukuni

Các lễ hội được tổ chức tại đền. Ảnh: Yasukuni Jinja

Theo tín ngưỡng truyền thống của Nhật Bản, sự tôn kính đối với người đã khuất được thể hiện tốt nhất bằng cách đối xử với người chết theo cách tương tự như khi họ còn sống. Do đó, tại Yasukuni Jinja, các nghi lễ cúng dường bữa ăn và dành những lời tri ân cho người đã khuất được lặp lại hàng ngày. 

Vào hai lần mỗi năm: mùa xuân và mùa thu, các nghi lễ lớn được tiến hành, trong đó có nghi lễ dâng lễ vật từ Nhật hoàng. Các nghi thức này cũng có sự tham gia của thành viên trong gia đình Hoàng gia.

yasukuni

Ngôi đền luôn thu hút lượng lớn người đến viếng thăm. Ảnh: Yasukuni Jinja

Đối với người Nhật, Yasukuni Jinja mang một ý nghĩa tâm linh đặc biệt, chính vì thế có khoảng 5 triệu người đến thăm ngôi đền mỗi năm để tưởng niệm những người đã hi sinh trong các cuộc chiến tranh.

yasukuni

Bảo tàng Yushukan là nơi trưng bày những hình ảnh, mô hình và thông tin về chiến tranh của Nhật Bản. Ảnh: Pixta

Nơi tưởng nhớ những người đã hi sinh cho đất nước

Yasukuni Jinja là nơi tưởng niệm nhiều anh hùng đã hy sinh bản thân trong các cuộc xung đột như: Yoshida Shoin, Sakamoto Ryoma, Takasugi Shinsaku và Hashimoto Sanai… cùng những binh lính trong các cuộc chiến tranh.

Ngoài ra, nơi đây còn tưởng niệm phụ nữ và nữ sinh tham gia hoạt động cứu trợ trên chiến trường, nhiều sinh viên đã đến làm việc trong các nhà máy để duy trì sản xuất trong chiến tranh… Ngôi đền cũng không loại trừ người Đài Loan và người Hàn Quốc gốc Nhật đã hi sinh, những người chết trong thời gian bị giam giữ trong các trại lao động ở Siberia, và những người bị coi là tội phạm chiến tranh, xử tử sau khi bị Đồng minh xét xử.

yasukuni

Trong vườn là những bức tượng tưởng niệm. Ảnh: Yasukuni Jinja

Tại Yasukuni Jinja, mọi người, bất kể cấp bậc, địa vị xã hội hay giới tính, đều được coi là những đối tượng được tôn trọng và thờ phụng hoàn toàn bình đẳng, vì mục đích của ngôi đền là để tưởng nhớ những người đã hy sinh mạng sống cho quốc gia. Họ đều được coi là Kami, nghĩa là vị thần.

Ngôi đền gây tranh cãi

Tuy nhiên, trong số 2,466 triệu người được tưởng nhớ tại đền Yasukuni có những người là tội phạm chiến tranh loại A* bị kết án, bao gồm cả Thủ tướng Hideki Tojo, người bị hành quyết vì tội ác chiến tranh vào năm 1948. Chính vì thế, ngôi đền này cũng là nơi tranh cãi với những nước chịu ảnh hưởng của chiến tranh có sự tham gia củaNhật Bản và cuộc viếng thăm của những người đứng đầu Chính phủ thường dấy lên tranh cãi trong dư luận.

*Tội phạm chiến tranh loại A – Tội ác chống lại hòa bình: là những người lập kế hoạch, chuẩn bị, khởi xướng hoặc tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược. Đây là mức độ cao nhất của tội phạm chiến tranh.

yasukuni

Cựu thủ tướng Hideki Tojo cũng được tưởng niệm tại đền, điều này đã gây tranh cãi lớn. Ảnh: AP

Một số nhà lập pháp tỏ lòng kính trọng tại ngôi đền mỗi năm, trong đó cuộc viếng thăm chính thức của thủ tướng Yasuhiro Nakasone vào năm 1985 đã gây nên tranh cãi lớn. Cựu Thủ tướng Ryutaro Hashimoto cũng đã thực hiện một chuyến thăm riêng vào ngày sinh nhật của ông vào tháng 7/1996.

yasukuni

Cựu thủ tướng Koizumi thăm đền Yasukuni năm 2006. Ảnh: Nippon

yasukuni

Cựu thủ tướng Shinzo Abe cũng đã từng đến viếng đền. Ảnh: Nikkei

Thủ tướng Junichiro Koizumi đã sáu lần đến thăm Yasukuni trong thời gian tại vị từ năm 2001 - 2006. Các cuộc tranh cãi đã nổ ra sau đó về việc liệu điều này được thực hiện với tư cách cá nhân hay chính thức. Vào năm 2013, khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đắc cử được 1 năm, ông cũng có chuyến thăm đền Yasukuni và điều này đã gây phẫn nộ với Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Các chuyến thăm của nhà lãnh đạo và bộ trưởng cấp cao khiến các nước láng giềng châu Á của Nhật Bản, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên, những nước từng là nạn nhân của hành động xâm lược quân sự của Nhật trong nửa đầu thế kỷ 20, tức giận.

yasukuni

Hoa anh đào nở rộ tại đền Yasukuni mỗi dịp xuân về, tại đây cũng có cây anh đào đại diện của Tokyo được cơ quan khí tượng sử dụng để tuyên bố chính thức khai mạc hoa trong thành phố. Ảnh: Pixta

Xem thêm: Horikoshi Jiro: Kỹ sư tài năng của Đế quốc Nhật, cảm hứng cho bộ phim The Wind Rises

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU