Dân số Nhật Bản: Nguyên nhân nào dẫn đến sụt giảm dân số?
Bài: Quỳnh Trịnh
Apr 24, 2020
Ảnh: PIXTA
Tỉ lệ người không kết hôn và kết hôn muộn tăng
Theo một kết quả báo cáo của phủ Nội các Nhật Bản, tỉ lệ người trên 30 tuổi không kết hôn ở Nhật năm 1985 và năm 2015 là:
Trong suốt 30 năm, tỉ lệ người trên 30 tuổi không kết hôn ở Nhật Bản đã tăng lên rất nhiều. Đi đôi với việc tỉ lệ người không kết hôn tăng là việc kết hôn muộn. Theo thống kê của Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, năm 2015 độ tuổi kết hôn trung bình đã tăng lên, nữ giới là 29,4 tuổi và nam giới là 31,1 tuổi.
Nếu tình trạng này cứ tiếp tục gia tăng thì nó sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh. Khi tỉ lệ sinh giảm đồng nghĩa với số người lao động trong tương lai cũng sẽ giảm. Điều này gây không ít ảnh hưởng đến việc xã hội và kinh tế Nhật Bản vận hành trong tương lai.
Sự thay đổi giá trị quan về hôn nhân và con cái
Trước đây, việc dựng vợ gả chồng vốn là một lẽ thường. Nhưng có lẽ do sự phát triển xã hội và thay đổi của thời cuộc mà người ta dần dần coi trọng sự tự do của bản thân. Có rất nhiều người cảm thấy hài lòng khi sống một mình nên cũng không quá để tâm đến việc kết hôn. Thậm chí còn có nhiều người nói rằng dù kết hôn thì họ cũng không muốn có con. Không chỉ vì lý do kinh tế, mà chỉ đơn giản là họ không muốn sinh con để có thể sống tự do mà không ràng buộc.
Thân phận của người phụ nữ được nâng cao
Nếu trước kia, công việc của người phụ nữ chỉ xoay quanh gian bếp, đến tuổi thì lấy chồng rồi sinh con, chăm sóc cho con, cho chồng thì hiện nay đã không còn nhiều cảnh như vậy nữa. Người phụ nữ hiện đại đã bước ra xã hội, được học, được đi làm và độc lập về mọi thứ. Khi đi làm, người ta sẽ khó cân bằng giữa công việc và gia đình. Chính vì vậy, mà nhiều người lựa chọn ưu tiên công việc hơn, quyết định không kết hôn hoặc kết hôn muộn.
Xã hội vẫn không đáp ứng tốt điều kiện để nuôi con
Dù nói rằng tỉ lệ sinh giảm là do sự tiến bộ của xã hội làm ảnh hưởng đến cách nhìn của người Nhật về việc kết hôn và sinh con, nhưng vẫn không thể bỏ qua việc xã hội không đáp ứng tốt điều kiện để nuôi con.
Ví dụ, việc chăm sóc con cái luôn được xem là công việc của người phụ nữ, còn người đàn ông lo những vấn đề ngoài xã hội. Suy nghĩ này đã quá "cổ lỗ sĩ". Hiện nay chăm sóc con cái không chỉ là trách nhiệm của một mình người vợ, mà là trách nhiệm chung của cả hai vợ chồng. Nhưng ở Nhật, người phụ nữ vẫn mang nhiều trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái, dù có một số gia đình người chồng cũng giúp đỡ vợ nhưng cũng chỉ là số ít.
Hơn nữa, xu hướng gia đình ở Nhật bây giờ là "Gia đình hạt nhân", tức là chỉ có cha mẹ và con cái ở chung với nhau, nếu có con thì người phụ nữ phải bỏ công việc hiện tại để chăm sóc cho con vì họ không thể nhờ ông bà trông hộ. Thế nên nhiều phụ nữ Nhật Bản không muốn có con.
Gánh nặng tài chính khi nuôi con
Người ta nói rằng, để nuôi một đứa trẻ ở Nhật từ khi sinh ra đến lúc tốt nghiệp trường đại học công lập sẽ tốn hơn 20 triệu yên (khoảng 4 tỉ đồng). Hiện tại, dù chính phủ cũng có nhiều khoản trợ cấp sau khi sinh và trợ cấp cho trẻ em dưới 18 tuổi, nhưng số tiền để nuôi một đứa trẻ vẫn quá lớn. Đó sẽ là gánh nặng đối với một số gia đình, nên nhiều người quyết định không sinh con.
(Xem thêm: Nuôi dạy con kiểu Nhật: "Tiền sẽ quyết định học lực và bằng cấp"?)
Tuổi thọ tăng do sự phát triển của y tế
Cùng với sự phát triển của xã hội thì y tế cũng phát triển. Những căn bệnh trước đây không thể chữa thì hiện tại đã có thuốc để chữa trị và vắc-xin phòng chống. Y tế phát triển giúp con người sống khỏe mạnh hơn, tuổi thọ cũng tăng lên. Tính đến năm 2018, người Nhật có tuổi thọ trung bình ở nữ giới là 87,32 tuổi và nam giới là 81,25 tuổi. Tuổi thọ trung bình ở Nhật Bản tăng qua từng năm và hiện đang đứng thứ 3 thế giới. Tuổi thọ trung bình cao chứng tỏ cơ sở y tế ở Nhật Bản rất phát triển, tuy nhiên tuổi thọ trung bình tăng trong khi tỷ lệ sinh lại giảm thì sẽ gây ra tình trạng già hóa dân số.
Đối mặt với tình hình sụt giảm dân số hiện nay, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết, nhưng dường như vẫn chưa được triệt để. Vì vậy, Nhật Bản vẫn đang nghiên cứu thêm những biện pháp khác.
(còn tiếp)
kilala.vn