Có một Valentine rất riêng ở Nhật Bản

Bài: .Ngưn.Feb 13, 2019

Ngày Valentine 14/2 hằng năm (Valentine's Day) được gọi là “Ngày lễ tình yêu” hay “Ngày lễ tình nhân” có nguồn gốc từ phương Tây, là dịp để các đôi yêu nhau thể hiện tình cảm, trao nhau những tấm thiệp Valentine, hoa hồng đỏ hay thỏi sô cô la (chocolate) ngọt ngào. Nhưng khi du nhập vào Nhật Bản, ngày Valentine đã có sự thay đổi, thể hiện rõ nét văn hóa đặc biệt ở xứ sở Hoa anh đào.

Valentine du nhập vào Nhật Bản từ khi nào?

Valentine du nhập vào Nhật Bản
Ban đầu Valentine du nhập vào Nhật Bản vì mục đích thương mại. Nguồn: Pixta
Có rất nhiều giả thuyết giải thích sự du nhập ngày Valentine vào Nhật Bản như:

+ Năm 1936, công ty bánh kẹo Morozoff đã khởi xướng phong trào “tặng chocolate vào ngày Valentine” đầu tiên tại Nhật Bản. 

+ Năm 1958, công ty bánh kẹo Mary Chocolate đã tổ chức chương trình khuyến mãi ngày Valentine ở cửa hàng Isetan tại Shinjuku. Năm 1960, công ty bánh kẹo Morinaga đã đăng quảng cáo ngày Valentine trên báo chí, truyền bá một cách rộng rãi trên toàn quốc.

+ Năm 1968, cửa hàng tạp hóa Sony Plaza đã khởi xướng và tạo ra trào lưu tặng chocolate vào ngày Valentine.
Mặc dù có rất nhiều giả thuyết nhưng ta có thể đưa ra kết luận Valentine du nhập vào Nhật Bản là vì mục đích thương mại. Nhưng kể từ năm 1970, quan niệm ngày Valentine là dịp để nữ giới bày tỏ tình cảm với nam giới mà không có chiều ngược lại đã được định ra và kéo dài cho đến tận bây giờ.

Chỉ có nữ giới tặng chocolate cho nam giới

nữ tặng nam trong ngày Valentine
Chỉ có nữ tặng nam trong ngày Valentine Đỏ ở Nhật. Nguồn: Pixta
Ở nhiều nước phương Tây và cả Việt Nam thì Valentine là ngày dành cho những đôi yêu nhau. Trong đó, nam giới thường tặng quà cho nữ giới với những món quà như hoa, thiệp, đồ trang sức… Riêng Nhật Bản, Valentine là ngày mà đấng mày râu lên ngôi khi chỉ có nữ giới tặng quà, mà không có chiều ngược lại. Và họ chỉ tặng một loại quà duy nhất là chocolate. 

Nguyên nhân là do sự nhạy bén của các công ty bánh kẹo khi nắm bắt được xu hướng thị trường và mong muốn thầm kín của phụ nữ Nhật Bản. Kể từ những năm 1960, số cuộc hôn nhân tự nguyện tăng dần, trong khi trước chiến tranh, việc tự do yêu đương, tự do kết hôn là rất hiếm. Điều đó cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật muốn nỗ lực nắm lấy hạnh phúc cho riêng mình. Các công ty bánh kẹo đã tận dụng mong ước này để tạo ra chiến dịch “Tặng chocolate, trao gửi tình cảm”. Chiến dịch này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ nữ Nhật Bản và kéo dài đến bây giờ.

Socola ở Nhật có nhiều loại

Socola ở Nhật có rất nhiều loại khác nhau. Nguồn: Livedoor News

Vào ngày Valentine, các cô gái không chỉ tặng chocolate cho người mình có tình cảm mà còn dành tặng cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên để bày tỏ sự biết ơn, giữ mối quan hệ tốt đẹp. Vì thế, chocolate cũng được chia thành nhiều loại như Giri-choco (Tặng cho cấp trên, đồng nghiệp), Honmei-choco (Tặng cho crush hoặc người yêu), Tomo-choco (Tặng cho bạn bè), Jibun-choco (Tặng cho bản thân).

Nhật Bản có 2 Ngày Valentine

Khác với các nước trên thế giới chỉ có 1 ngày Valentine, Nhật Bản có đến 2 ngày Valentine: Valentine Đỏ (ngày 14/2) là ngày nữ giới bày tỏ tình cảm với nam giới và Valentine Trắng (ngày 14/3) là ngày nam giới “đáp lễ” cho những cô gái đã tặng chocolate cho họ vào ngày Valentine Đỏ. Ngược lại, người Nhật gần như không quan tâm đến ngày 8/3 dù đây là ngày Quốc tế phụ nữ.
Nhật Bản có 2 Ngày Valentine
Valentine Trắng là ngày "đáp lễ" cho Valentine Đỏ. Nguồn: Pixta

Valentine Trắng hình thành từ năm 1978. Một công ty bánh kẹo vì muốn khuyến khích nam giới Nhật Bản mua quà đáp lại ngày Valentine Đỏ nên đã tạo ra “Ngày kẹo dẻo” và đẩy mạnh việc tiếp thị kẹo dẻo cho nam giới. Đến năm 1980, Hiệp hội công nghiệp bánh kẹo quốc gia đã định ngày 14/3 là Valentine Trắng, ngày “đáp lễ” Valentine Đỏ.  Và giá trị của món quà “đáp lễ” này gấp 3 lần so với quà Valentine đã nhận được.

Xu hướng ngày Valentine ở Nhật 

Kể từ khi du nhập vào Nhật Bản cho đến nay, về bản chất, ngày Valentine vẫn không thay đổi. Đó là ngày nữ giới tặng chocolate cho nam giới. Tuy nhiên nội dung quà tặng thì đang thay đổi, loại chocolate ngày càng trở nên đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện trên thị trường xuất hiện thêm loại Ore-Choco dành riêng cho nam giới – những người thích ăn ngọt. Hay Fami-Choco để tặng cho người thân là nam giới trong gia đình như bố, anh, em trai. 
xu hướng Valentine ở Nhật
Valentine là cơ hội để nữ giới chủ động bày tỏ tình cảm của mình. Nguồn: ZatsugakuLabo

Ngoài ra, việc nữ giới chủ động bày tỏ tình cảm trong ngày Valentine mang một ý nghĩa đặc biệt. Bởi nhiều nam giới Nhật Bản ngày càng nhút nhát, không chủ động trong chuyện tình cảm nên rất khó tỏ tình với người khác giới. Do đó, nếu không có sự mạnh dạn của nữ giới trong ngày Valentine thì có lẽ số lượng người tiến tới hôn nhân sẽ ít dần, tạo thêm gánh nặng cho vấn đề nhân lực ở Nhật Bản. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU