Quán Bar tại Nhật không phải nơi náo nhiệt để bạn có thể "quẩy" theo những điệu nhạc, mà mang không khí trầm lắng, yên bình đủ để những người đến đây có không gian suy nghĩ về những nỗi niềm riêng.
Nếu đã có dịp ghé thăm Nhật Bản, hẳn bạn sẽ ấn tượng với rất nhiều loại hình giải trí, những tấm biển hiệu đặc sắc và bắt mắt trên những con phố tấp nập. Hình ảnh ấy giống như một lớp áo choàng lộng lẫy của đất nước Mặt trời mọc. Tuy nhiên, khi băng qua những con ngõ nhỏ hoặc nhìn lên căn gác của một tòa nhà bất chợt trên phố, hay đôi khi sâu trong một tầng hầm kín đáo, bạn sẽ nhận ra hình ảnh những quán Bar (バー) trầm lắng, với ánh đèn vàng sang trọng và âm hưởng nhạc Jazz phảng phất xung quanh. Những quán Bar nhỏ nhắn ấy âm thầm phát triển, trở thành một nét văn hóa quen thuộc của người Nhật tự bao giờ.
Là một khái niệm du nhập từ phương Tây, các quán Bar bắt đầu xuất hiện tại Nhật Bản vào những năm giữa thế kỷ 19, trong đó “Bar” được giữ nguyên ý nghĩa tiếng Anh, trực dịch có nghĩa là “thanh chắn ngang”, ám chỉ chiếc bàn dài nơi người pha chế dùng để chế biến các món đồ uống. Cùng với những cải cách văn hóa triệt để của thời kỳ Minh Trị, tích cực du nhập văn hóa phương Tây, các quán Bar đã mau chóng được đón nhận một cách mạnh mẽ và phát triển tới tận ngày nay.
Phân biệt giữa Bar, Pub, Izakaya và Club tại Nhật
Nếu bạn đang muốn được thả mình vào tiếng nhạc sôi động và sống trong không khí náo nhiệt, chắc chắn các quán Bar Nhật không dành cho bạn. Trong mắt người Nhật, Bar là một nơi để người ta tới và nhâm nhi rượu. Đến đây, người Nhật thường đi theo nhóm nhỏ, không nói chuyện quá lớn tiếng. Không gian quán bar tại Nhật cũng mang hơi hướng trầm lắng, âm nhạc du dương (thường là Jazz, RnB, Blue…) với kệ rượu Whiskey, Gin vô cùng bắt mắt. Một số quán cũng chuẩn bị các món ăn nhẹ để thực khách có thể thưởng thức bên ly rượu của mình.
Điều này khá khác biệt với Pub (パブ). Pub đối với người Nhật là một nơi náo nhiệt hơn, có tiếng nhạc tương đối lớn, khách hàng có thể cảm thấy thoải mái khi cười nói thành tiếng hay đi theo nhóm đông người. Tại Pub, bia, cocktail và rượu sẽ là những món đồ uống chủ đạo.
Izakaya(居酒屋), ở một khía cạnh khác, có thể hiểu là “quán nhậu kiểu Nhật”. Đây không chỉ là mô hình ăn uống phổ biến nhất tại Nhật, mà còn là một trong những văn hóa đặc sắc của xứ Anh Đào. Tại Izakaya, bên cạnh các món đồ uống có cồn, đồ ăn kèm là một điểm nhấn rất lớn. Các món ăn được phục vụ vô cùng đa dạng, từ các loại thịt xiên, Gyouza (bánh xếp), hay đồ ăn Nhật truyền thống.
Cuối cùng, Club là nơi náo nhiệt nhất với tiếng nhạc sôi động, nơi mọi người có thể tới để nhảy và vui chơi. Tuy vậy, so với 3 hình thức kể trên, mô hình Club tại Nhật lại chiếm số lượng ít nhất.
Một số kiểu Bar phổ biến tại Nhật
Người Nhật luôn thích sự sáng tạo, chẳng thế mà khái niệm Kaizen (改善 - cải tiến) luôn là một trong những “kim chỉ nam” của rất nhiều các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Hình thức quán Bar tại Nhật cũng không ngoại lệ. Theo thời gian, loại hình này tại Nhật cũng thay đổi rất nhiều, có sự đa dạng hóa để phù hợp với nhu cầu, xu hướng của khách hàng.
- Bar cổ điển: Đây là hình thức Bar theo đúng định nghĩa ban đầu, cũng là loại phổ biến nhất. Các quán Bar này thường được trang trí tối giản với tường gỗ hoặc gạch, không gian tối với ánh sáng vàng. Bàn ghế tại các quán Bar được sắp xếp đa dạng, bao gồm ghế đơn tại quầy và các bàn nhỏ dành cho nhóm 4 người.
- Shot Bar (ショットバー): Khi uống rượu, chúng ta thường dùng từ “one-shot” để nói về 1 ly rượu. Chính vì thế, Shot Bar được sinh ra để phân biệt với những quán bán rượu theo chai. Đặc biệt, Shot Bar hướng đến việc để thực khách trải nghiệm hương vị nhiều loại rượu khác nhau chỉ trong một lần ghé thăm, đây cũng là cách dễ dàng để giúp các vị khách tìm thấy được hương vị phù hợp với mình nhất.
- Bar đứng (スタンディングバー): Nghe có vẻ kỳ lạ đúng không? Nhưng tại Nhật, các mô hình quán ăn đứng, cafe đứng không còn quá xa lạ. Ngay từ cái tên chúng ta có thể hiểu rằng, quầy bar đứng là nơi khách hàng vừa đứng, vừa thưởng thức rượu. Điều khiến những quán Bar này thu hút khách hàng là giá cả mỗi loại rượu "hợp túi tiền", không gian đơn giản, phù hợp với những người không có nhiều thời gian. Bar đứng trong tiếng Nhật còn được gọi là Tachinomi (立ち飲み).
- Bar âm nhạc (ミュージックバー): Đây là các quán Bar có sự đầu tư rất lớn về mặt âm nhạc bao gồm cả dàn âm thanh khủng, các dàn máy phát, đĩa than đồ sộ hoặc có thể sẽ là các nghệ sĩ biểu diễn nhạc sống.
Xem thêm: Nomikai: những bữa "chè chén" sau giờ làm của giới công sở Nhật
kilala.vn