Có gì đặc biệt trong những chiếc đĩa than “pressed in Japan”?

Bài: Khánh Hà
Aug 24, 2020

Ảnh bìa: audiofi.net

Một chiều thu năm 2020, giữa thành phố Tokyo nhộn nhịp, vẫn có những bước chân chậm rãi bước qua hàng đĩa than với những tâm tình rất riêng, vẫn có những trái tim say mê bàn xoay, yêu kim cần và những tiếng tạch tạch đặc trưng.

Năm 2020, nhiều người Nhật vẫn sống với âm nhạc từ những chiếc đĩa than và trân quý chúng như người bạn tri kỷ. Có nhiều lý do để người Nhật yêu đĩa than, ví như bởi vì nó phát ra thứ âm nhạc ấm áp và sâu lắng, hay bởi vì cái thói quen ưa hoài cổ của con người xứ mặt trời mọc, hoặc là vì sự chất lượng đến từ những chiếc đĩa than. Cũng có thể chính vì niềm yêu thích ấy của con người Nhật Bản mà những chiếc đĩa than “pressed in Japan” luôn mang màu sắc khác biệt và chất lượng, khiến chúng trở nên giá trị đối với những người yêu thích và sưu tầm đĩa than trên khắp thế giới.

Đĩa than trở về cùng con người Nhật Bản

Đĩa than ra đời vào những năm 50 của thế kỷ XX và thịnh hành nhất vào giai đoạn những năm 70 của thế kỷ trước. Sau đó, đến thời gian đầu những năm 80, cùng với sự ra đời của đĩa CD là sự phát triển của các dịch vụ streaming, người ta bắt đầu chuyển hướng sang âm nhạc công nghệ số, số người nghe nhạc bằng đĩa than dần chẳng còn nhiều nữa.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, bởi nhu cầu thưởng thức âm nhạc với chất lượng cao hơn, mong muốn giữ gìn những giá trị truyền thống hay cảm giác thích thú khi sửa soạn thiết bị, đặt chiếc đĩa than trên mâm đĩa rồi thưởng thức thứ âm nhạc của riêng mình, người Nhật bắt đầu quay về với hình thức nghe nhạc đầy hoài niệm này. Một trong những thống kê thể hiện rõ xu hướng nghe đĩa than trở lại chính là lượng sản xuất đĩa vinyl tại Nhật Bản đã vượt mức 1 triệu đơn vị vào năm 2018, gấp 10 lần so với 2010.

có gì đặc biệt trong những chiếc đĩa than
Đĩa than ra đời vào những năm 50 của thế kỷ XX (ảnh: unsplash.com). 

“Trong thời đại streaming, mọi người lại muốn sở hữu một cái gì đó đặc biệt, đậm chất riêng. Và vinyl thì cung cấp trải nghiệm đặc biệt đó", Taichi Aoki, quản lý cửa hàng của Tower Records với hơn 70.000 đầu đĩa khác nhau, đưa ra lời giải thích cho sự hồi sinh của đĩa than.

“Pressed in Japan” - không chỉ là một nhãn dán

Có một điểm đặc biệt đối với những người sưu tầm đĩa than đó chính là những chiếc đĩa được gắn thêm mác “pressed in Japan” luôn có một sức mạnh về giá trị khiến nó trở thành một thứ đáng sở hữu. Hoàn toàn không chỉ đơn giản là vấn đề về xuất xứ hay danh tiếng đến từ quốc gia mặt trời mọc, nhưng những chiếc đĩa than “pressed in Japan” được đánh giá cao bởi giá trị thật sự của nó, từ dáng vẻ bên ngoài đến chất lượng bên trong.

Độc đáo từ thiết kế vỏ đĩa

Lý do đầu tiên để những chiếc đĩa than đến từ Nhật Bản được giới sưu tầm đánh giá cao là bởi những chiếc vỏ đĩa, dù là của nghệ sĩ trong nước hay quốc tế, thì phiên bản sản xuất tại đây cũng có vẻ ngoài vô cùng thu hút. Các thiết kế vỏ đĩa, đặc biệt là những album nổi tiếng, khi được sản xuất tại Nhật Bản đều là những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, thú vị nhưng không kém phần tinh tế. Bên cạnh đó, vỏ đĩa của những đĩa than được sản xuất tại Nhật, được làm bởi chất liệu bền và chắc chắn, hoặc có đôi khi còn được thiết kế khác với những vỏ đĩa than truyền thống. Một ví dụ có thể kể đến là album Isle of Wight của Jimi Hendrix, phiên bản “pressed in Japan” của nó vừa có ảnh cover khác, vừa là kiểu vỏ gấp thú vị.

đĩa than có thiết kế vỏ đĩa độc đáo
Đĩa than "press in Japan" thường có thiết kế mới mẻ độc đáo (ảnh: i.redd.it).

Có thêm "thắt lưng" Obi

Bên cạnh chiếc vỏ được thiết kế với hình ảnh bắt mắt, điều khiến vẻ ngoài của một chiếc đĩa than “pressed in Japan” được đánh giá cao đó chính là những chiếc obi. Obi (帯び) nghĩa gốc là chiếc đai lưng quấn quanh hông người mặc Kimono nhằm giữ cố định áo, để nó không tuột khỏi người khi di chuyển. Nhưng Obi, đối với không chỉ đĩa than mà là các loại CD, DVD hay video games, là một chiếc nhãn cuộn dọc được thường được đặt bên trái của bìa đĩa, trên đó là đầy đủ những thông tin cần thiết về sản phẩm. Một số nội dung sẽ được xuất hiện trên Obi gồm ngày phát hành, giá gốc của đĩa, chi tiết về nghệ sĩ và sự nghiệp của họ cùng một số thông tin khác. Những thông tin này sẽ được viết bằng tiếng Nhật để giúp người mua lẫn người bán có thể dễ dàng tìm hiểu về chiếc đĩa mình đang cầm trên tay. Bên cạnh giá trị về thông tin, Obi còn có mang giá trị kinh tế khi giúp nhiều hãng đĩa không phải in lại một chiếc bìa hoàn toàn mới bằng tiếng Nhật,. Ngoài ra, Obi còn mang giá trị sưu tầm đối với những người yêu thích đĩa than vì những chiếc Obi tương đối mỏng manh và dễ rách, với những chiếc đĩa được phát hành rất lâu trước đây, việc có thể giữ được Obi không phải dễ dàng, và chính điều đó đã tạo nên giá trị cho những chiếc đĩa than vẫn còn nguyên vẹn Obi. 

Đĩa than Nhật Bản
Thắt lưng Obi của đĩa than luôn nằm bên trái của bìa đĩa (ảnh: Pinterest).

Cho đến chất lượng vượt trội

Không chỉ được đánh giá cao bởi vẻ ngoài, đĩa than được sản xuất tại Nhật Bản thường có chất lượng tương đối nhỉnh hơn các nước khác. Bởi lẽ thay vì sử dụng chất liệu vinyl được tái chế từ những đĩa cũ nung chảy để tiết kiệm chi phí, các hãng đĩa Nhật Bản lại sử dụng chất liệu vinyl mới 100% để cho ra chất lượng âm thanh tốt nhất. Không chỉ vậy, đối với một số bản đĩa đặc biệt, các hãng đĩa tại Nhật cũng sử dụng những chất liệu đặc biệt hơn để tạo ra nó. Một chất liệu đặc biệt có thể kể đến chính là Everclean vinyl do Toshiba sản xuất, đây là loại vinyl có màu đỏ đun đặc trưng và khả năng chống tĩnh điện rất tốt, khiến cho chúng bền hơn, khó bị bụi lọt vào và bảo vệ cho đầu kim tránh bị mòn sau thời gian sử dụng.

Đĩa than Nhật Bản
Đĩa than Nhật Bản được sử dụng chất liệu vinyl mới 100% để cho ra chất lượng âm thanh tốt nhất. (Ảnh: Rodrigo y Gabriela @ BandCamp)

Giới hạn số lượng đĩa sao ra từ Master Disc

Bên cạnh việc sử dụng chất liệu tốt nhất, đĩa than tại Nhật Bản với tôn chỉ đặt chất lượng âm thanh lên hàng đầu, nên việc sử dụng Master Disc (đĩa gốc) tại Nhật cũng có đôi chút khác biệt. Để in một chiếc đĩa than, người ta thường dùng một bản đĩa gốc bằng kim loại gọi là Metal Master Disc để ép khuôn, từ đó cho ra đời những bản copy khác. Master Disc có thể được xem như chiếc đĩa gốc để từ đó sao ra các bản đĩa than khác. Thông thường, các hãng đĩa sẽ in một số lượng lớn các bản copy từ một Master Disc, sử dụng nó cho đến khi mòn rồi mới đổi dùng một Master Disc khác. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tuy nhiên, khi sau khi sử dụng Master Disc nhiều lần sẽ khiến cho rãnh đĩa bị mòn đi, từ đó giảm đi chất lượng âm thanh của những chiếc đĩa than về sau. Ở Nhật Bản, các hãng đĩa thường chỉ in một số lượng rất có hạn đối với một Master Disc để có thể kiểm soát tốt nhất chất lượng âm thanh của đĩa. Điều này khiến giá thành của những chiếc đĩa than “pressed in Japan” có phần nhỉnh hơn so với các đĩa than được sản xuất tại quốc gia khác. 

đĩa than
Đĩa than được sản xuất tại Nhật thường có chất lượng tương đối nhỉnh hơn các nước khác (ảnh: unsplash.com).

Đĩa than là một thú chơi thú vị, cầm trên tay tách cà phê ấm nóng, đặt đầu kim lên chiếc đĩa than rồi ngả người lên chiếc ghế quen thuộc để lắng nghe giai điệu được phát ra từ chiếc máy. Tất cả khiến đời sống dường như được chậm lại một nhịp, để người ta thư thả và xoa dịu lòng mình giữa những lo toan, bộn bề. Nếu có dịp, và hãy thử cầm trên tay một chiếc đĩa than “pressed in Japan” để cảm nhận cảm giác ấy bạn nhé!

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU