Chizuko Mifune: Cái chết đầy ẩn ức của một thiên tài

Bài: Rin May 22, 2021

Nổi tiếng và giúp được nhiều người với khả năng nhìn xuyên thấu (thấu thị) nhưng Chizuko Mifune có một cuộc đời bất hạnh và kết thúc trong bi thảm bằng hành động tự vẫn ở tuổi 24.  

Hôn nhân ngắn ngủi và nỗi oan ức đầu đời

Chizuko Mifune (御船 千鶴子) sinh ngày 17/7/1886 tại làng Matsuai, quận Uto, tỉnh Kumamoto (nay là Shiranuhimachi, thành phố Uki, tỉnh Kumamoto). Bà là con thứ hai trong một gia đình hành nghề y, cha tên Hidemasu Mifune và mẹ Yuki Mifune. Bà bị khiếm thính bẩm sinh, được miêu tả là người giàu cảm xúc và khá nhạy cảm. Dù dành niềm tin tuyệt đối vào Phật Kannon Bosatsu, nhưng Chizuko rất dễ rơi vào cảm giác bi quan. 

Chizuko Mifune cái chết đầy ẩn ức của một thiên tài
Chizuko Mifune chụp cùng anh rể Kiyohara (hàng đứng, thứ hai, từ phải sang) và giáo sư tâm lý Fukurai (hàng ngồi, ngoài cùng, bên phải). Ảnh: ameblo.jp

Năm 22 tuổi, Chizuko kết hôn với Kawachi Kaken - một trung úy lục quân phục vụ trong quân đội Nhật Bản. Không lâu sau, người chồng ra chiến trường, để lại người vợ trẻ sống cùng cha mẹ chồng. Vào một ngày nọ, Chizuko chỉ được chính xác chỗ cất 50 yên mà bố chồng bà cho rằng ông đã để mất. Bà nói với cha mẹ chồng rằng, số tiền không bị mất mà đang nằm trong ngăn kéo bàn thờ Phật. Do không giải thích được vì sao có thể nhìn được chính xác vị trí những đồng tiền, Chizuko bị gia đình nhà chồng vu oan tội ăn cắp. Mẹ chồng thông báo cho con trai ở chiến trường, đồng thời buộc Chizuko phải chia tay chồng. Vốn nhạy cảm, khi bị cha mẹ chồng vu oan, Chizuko đã nhen nhóm ý định tự vẫn. Tuy nhiên, sau đó, bà trở về sống với bố mẹ đẻ, chấm dứt cuộc hôn nhân vô cùng ngắn ngủi. 

Mâu thuẫn gia đình khởi đầu chuỗi bi kịch liên tiếp

Trở về nhà Chizuko Mifune giúp bố mẹ điều trị, bốc thuốc cho bệnh nhân tại tiệm thuốc Kampo của gia đình. Với khả năng thấu thị đặc biệt, bà có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và kê đơn thuốc “bách phát bách trúng”. Tên tuổi Chizuko nhanh chóng lan truyền khắp nơi khiến tiệm thuốc Kampo luôn tấp nập bệnh nhân ra vào. 

Trong thời gian này, Takeo Kiyohara - anh rể của Chizuko - người rất am hiểu về thuật thôi miên, đã giúp bà khai phá toàn diện khả năng nhìn xuyên thấu (còn gọi là "đặc dị thiên lý nhãn"). Takeo đã thôi miên Chizuko để kiểm tra và phát hiện khả năng đặc biệt của em vợ. Ông lên kế hoạch đào tạo và phát triển tài năng đặc biệt này của Chizuko.  

Nhờ học về thôi miên, Chizuko công phá được hoàn toàn khả năng đặc dị thấu thị, có thể nhìn thấy những điều người bình thường không thể. Bà từng tìm ra nơi tàu chiến Hitachi Maru của Sư đoàn 6 bị đánh chìm dưới biển trong chiến tranh Nga - Nhật (2/1904 - 9/1905), vị trí chính xác của một chiếc nhẫn bị rơi xuống biển, con bọ dưới vỏ cây. Kiyohara còn để Chizuko nhìn xuyên qua cơ thể người để chẩn đoán các chứng bệnh rối loạn.

mâu thuẫn gia đình khởi đầu chuỗi bi kịch liên tiếp
Mỏ than Mitsui Miike được Chizuko Mifune tìm ra nhờ khả năng thiên lý nhãn. Ảnh: mitsuipr

Bi kịch bắt đầu từ mâu thuẫn tiền bạc với người anh rể. Một tập đoàn lớn tên Mitsui đã mời Chizuko đến thành phố Omuda, tỉnh Fukuoka để giúp họ tìm ra mỏ than. Theo gợi ý từ Chizuko, tập đoàn đã khai thác được mỏ than Mitsui Miike với trữ lượng lớn. Để hậu tạ, họ tặng Chizuko 20.000 yên (khoảng 20 triệu yên Nhật ngày nay). Người anh rể Kiyohara muốn chia một nửa số tiền thưởng từ tập đoàn Mitsui vì cho rằng, nhờ anh mà khả năng thấu thị của Chizuko mới được phát triển toàn diện và vượt bậc như hiện tại. Các cuộc cãi vã trong gia đình diễn ra liên miên khiến Chizuko đau lòng và lo lắng khôn nguôi. Thời điểm đó, 20.000 yên là một số tiền lớn, chúng khiến danh tiếng của Chizuko ngày càng vang xa, thu hút sự chú ý của báo chí và giới khoa học. 

Nhiều nhà khoa học Nhật Bản rúng động trước tin tức về khả năng thiên lý nhãn của Chizuko và muốn kiểm chứng. Đây chính là lúc bi kịch lớn nhất cuộc đời bà ập tới. 

Chizuko trở thành "vật thí nghiệm" của nhiều nhà khoa học

Từ năm 1909 đến năm 1910, qua sự giới thiệu của Tsunehira Iseri - hiệu trưởng trường trung học Seisei, tỉnh Kumamoto, Chizuko trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều học giả. Trong đó, nổi bật là giáo sư ngành Y - Shinkichi Imamura tại Đại học Hoàng gia Kyoto (nay là Đại học Kyoto) và phó giáo sư tâm lý học Tomokichi Fukurai đến từ Đại học Hoàng gia Tokyo (nay là Đại học Tokyo). 

Chizuko trở thành vật thí nghiệm của nhiều nhà khoa học
Phó giáo sư Tomokichi Fukurai và giáo sư Shinkichi Imamura kiểm tra khả năng thấu thị của Chizuko. Ảnh: wikipedia

Vào ngày 10/4/1910, Imamura và Fukurai đã tiến hành một thí nghiệm về khả năng thiên lý nhãn của Chizuko tại nhà riêng của người anh rể Takeo tại tỉnh Kumamoto. Hai nhà nghiên cứu đặt sẵn danh thiếp của Kiyohara vào một bình trà và yêu cầu bà đoán chữ viết trên tấm danh thiếp. Chizuko đã thành công và Fukurai hoàn toàn tin tưởng vào khả năng thấu thị đặc biệt của bà. Ông đã trình bày kết quả thí nghiệm này tại một cuộc họp hàn lâm của giới Tâm lý học. Chizuko cùng khả năng thấu thị xuất hiện trên khắp các mặt báo và nhận nhiều luồng ý kiến nghi ngại về việc vén bức màn sự thật phía sau câu chuyện. Rất nhiều người tự nhận mình là “Senrigan - người thấu thị” - yêu cầu phải có thêm bằng chứng. 

những dụng cụ thử nghiệm khả năng thiên lý nhãn của Chizuko Mifune
Những dụng cụ thử nghiệm khả năng thiên lý nhãn của Chizuko Mifune. Ảnh: wikipedia.

Ngày 15/9/1910, buổi thử nghiệm thứ hai được diễn ra với sự tham gia của rất nhiều người, trong đó, có Kenjiro Yamakawa - nhà vật lý, nhà giáo dục kiêm hiệu trưởng của Đại học Hoàng gia Tokyo. Lần này Chizuko phải đoán được 3 chữ Kanji được viết và đặt trong ống chì bịt kín. Bà định thần, tập trung vào "con mắt thứ ba" của mình và đoán đúng 3 từ: "盗丸射 - Đạo, Hoàn, Xạ". Tuy nhiên, sau đó, hội đồng lại đưa ra kết luận: tờ giấy không phải từ giáo sư Yamakawa chuẩn bị, mà do người anh rể Kiyohara đã cho Chizuko tập luyện trước đó. Chi tiết đáng ngờ này khiến báo chí đăng tải nhiều tin tiêu cực về bà.

Chưa dừng lại, cuộc thí nghiệm thứ ba được tiến hành trong một khách sạn tại Awajicho, Tokyo với sự giám sát nghiêm ngặt hơn. Các nhà nghiên cứu có mặt, phải đóng dấu lên tờ giấy trước khi bỏ vào ống chì. Nhờ vào khả năng thấu thị, Chizuko khiến giới khoa học tại buổi thử nghiệm phải sửng sốt khi đoán chính xác 3 từ viết trên tờ giấy là: "道徳天 - Đạo, Đức, Thiên". 

Dù giới truyền thông Nhật Bản khi đó đã chứng kiến tận mắt khả năng đặc dị của Chizuko, cũng như phỏng vấn trực tiếp các nhà khoa học, nhưng do không lý giải được hiện tượng kì dị nên họ quyết định từ chối chấp nhận sự tồn tại về khả năng thiên lý nhãn của Chizuko. Báo chí đồng loạt cho rằng: khả năng đặc biệt của Chizuko là giả mạo, chỉ trích bà là "giang hồ", "lừa đảo". 

Cái chết tức tưởi ở tuổi 24

Trước sự xuyên tạc của truyền thông, Chizuko đã nhanh chóng rời Tokyo, về quê nhà ở tỉnh Kumamoto mong tìm sự yên bình nhưng vẫn không thoát khỏi những lời vu khống bịa đặt. Dù giúp rất nhiều người khỏi bệnh, tìm lại đồ vật đã mất nhưng Chizuko không thắng nổi sức mạnh từ những lời bịa đặt của truyền thông. Nhiều người, thậm chí chưa từng tiếp xúc với Chizuko nhưng luôn chửi bới, giễu cợt bà. Đọc những tờ báo viết về mình, thất vọng xen lẫn tức giận, Chizuko đã nói với anh rể Kiyohara rằng: “Việc nghiên cứu em sẽ không còn bất kỳ ích lợi gì”. 

cái chết tức tưởi ở tuổi 24
Chizuko Mifune được phát hiện đã tự tử tại nhà riêng khi mới 24 tuổi. Ảnh: wikipedia

Rạng sáng ngày 19/1/1911, Chizuko được phát hiện đã chết tại nhà riêng do uống chất Kali dicromat. Nhiều thông tin cho rằng bà kết liễu đời mình vì không chịu được sức ép từ dư luận. Một số người dân địa phương nói bà tự vẫn vì mâu thuẫn tài chính trong gia đình. 

Số phận đầy bi kịch của Chizuko Mifune đã trở thành đề tài cho nhiều nhà văn, nhà làm phim Nhật Bản khai thác. Trong tập 8 “Senigan no Otoko” của bộ phim truyền hình Trick, cuộc đời của Chizuko đã được tái hiện. Bà cũng trở thành hình mẫu người mẹ của Sadako - nhân vật có siêu năng lực trong cuốn tiểu thuyết kinh dị “Ring” của tác giả Koji Suzuki. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU