Đây là chủ đề luận văn của Yuri Nakahashi, sinh viên Đại học Hosei. Sau một thời gian nghiên cứu, những kết quả mà Nakahashi ghi nhận được có nhiều điểm thú vị.
Do nhiều yếu tố như thể chất, thói quen, quy chuẩn xã hội… mà từ lâu, tư thế ngủ, chỗ ngủ của con người đã trở nên cố định. Tuy nhiên, đối với những loài thú cưng, đặc biệt là mèo thì chỗ ngủ của chúng lại khá đa dạng, đôi khi còn hơi kì quái như trên hành lang, nóc tủ…
Mèo sẽ ngủ ở nhiều vị trí khác nhau, mỗi vị trí được chúng lựa chọn là sự kết hợp của các yếu tố như tâm trạng, ánh sáng, sự ấm áp... Vậy nếu con người bắt chước những kiểu ngủ của mèo thì liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng giấc ngủ của họ?
Yuri Nakahashi đã cố gắng đo lường và định lượng những tác động thể chất và tinh thần mà điều này tạo ra đối với con người bằng cách theo dõi vị trí ngủ của 5 chú mèo ở nhà, và nơi ngủ của mỗi chú mèo cũng sẽ là chỗ ngủ của Nakahashi.
Vào buổi tối, khi mèo cuộn tròn yên vị tại vị trí ngủ của chúng, Nakahashi cũng sẽ ôm túi ngủ đặt ngay bên cạnh. Đây là một quyết tâm vì đôi khi cô sẽ phải ngủ ở những nơi kì quái như: dưới gầm giường, dọc trên cầu thang… Thí nghiệm này được tiến hành bao gồm: 20 đêm trước thử nghiệm và 24 đêm thử nghiệm liên tục, luân phiên giữa 5 chú mèo.
Nakahashi đã đeo đồng hồ sức khỏe Fitbit để có thể đo được số giờ ngủ, chất lượng ngủ cũng như số lần cô ấy thức dậy vào ban đêm.
Kết quả nghiên cứu được Nakahashi giải thích trong luận án của mình rằng dữ liệu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể. Điểm số giấc ngủ trung bình 20 ngày trước khi thử nghiệm là 84,2 với độ phân tán là 22,7. Trong quá trình thử nghiệm, điểm số giấc ngủ trung bình là 83,7 với độ phân tán là 36,1.
Tuy nhiên, các kết quả cho thấy một số hiệu ứng tâm lý thú vị. Ví dụ, nhật ký của Nakahashi thường mô tả cảm giác phấn khích và hồi hộp khi cô không biết mình sẽ ngủ ở đâu vào đêm đó. Đáng chú ý, cũng có nhiều khám phá mới khi nhà nghiên cứu có cơ hội kiểm tra lại ngôi nhà của chính cô từ một góc độ hoàn toàn khác.
Ngoài ra, Nakahashi lưu ý rằng mặc dù bị đánh thức vài lần trong thời gian ngắn do các chuyển động khác nhau của chú mèo, điều này không hiển thị trong các số liệu và có thể được cho là tác động không đáng kể.
Thậm chí còn có những điểm khác biệt đáng chú ý trong hành vi của mèo, chẳng hạn như sự gia tăng các hành vi trìu mến, cũng như mèo tỏ ra ngày càng thích chiếc túi ngủ mà con người đang sử dụng. Và do đó, nhà nghiên cứu kết luận rằng việc ngủ ở vị trí của mèo cưng không có bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đến chất lượng giấc ngủ của con người.
Đôi khi, việc này lại mang đến những lợi ích bất ngờ như làm sâu sắc hơn mối quan hệ với thú cưng, cũng như là cơ hội để suy ngẫm lại về mối quan hệ của chúng ta với không gian sống.
Tuy nhiên, việc cảm thấy phù hợp với cách ngủ này hay không sẽ còn tùy thuộc vào sự dễ tính khi ngủ của mỗi người. Với những người dễ dàng ngủ ở bất kì đâu thì có lẽ sẽ có trải nghiệm tương tự Nakahashi, nhưng đối với những người khó ngủ, dễ bị ảnh hưởng bởi tác động xung quanh thì có lẽ họ sẽ không có được chất lượng giấc ngủ đủ tốt.
Chất lượng giấc ngủ là gì?
Chất lượng giấc ngủ thể hiện ở việc bạn ngủ ngon như thế nào mỗi đêm và hoàn toàn khác biệt với số lượng giờ ngủ. Chính vì thế, đôi khi bạn sẽ gặp trường hợp sáng hôm sau cảm thấy uể oải, mệt mỏi (chất lượng giấc ngủ) dù đêm hôm trước ngủ 9 tiếng (số lượng giờ ngủ).Nhưng có ngày bạn lại thấy tràn đầy sức sống (chất lượng giấc ngủ) dù chỉ ngủ được 6 tiếng (số lượng giờ ngủ).
Chất lượng giấc ngủ tốt được xác định ở các đặc điểm sau: ngủ ngay khi lên giường hoặc sau 30 phút; ngủ thẳng giấc hoặc chỉ thức dậy 1 lần trong đêm; ngủ lại ngay trong vòng 20 phút sau khi tỉnh; cảm thấy phục hồi, tràn đầy năng lượng vào sáng hôm sau.
Trái lại, chất lượng giấc ngủ kém sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, không có tinh thần làm việc, đau đầu, buồn ngủ. Nếu kéo dài sẽ tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim, huyết áp cao hay tác động đến tâm lý như trầm cảm, lo âu…
kilala.vn