Câu chuyện về những “búp bê hữu nghị”, nhân chứng cho mối quan hệ Mỹ - Nhật

Bài: NatsumeSep 21, 2022

Tồn tại qua thời kỳ khắc nghiệt của chiến tranh, hiện nay chỉ còn hơn 300 búp bê còn “sống sót’ và được bảo quản tại những bảo tàng ở Nhật.

Vào năm 1924, Mỹ công bố Đạo luật Nhập cư cấm người Đông Á nhập cư vào Mỹ (1924), trong đó có Nhật Bản. Điều này khiến cho mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng hơn. 

Trong bối cảnh đó, Tiến sĩ Sidney Gulick là một nhà truyền giáo, trước đây đã dành thời gian ở Nhật Bản từ năm 1888 - năm 1913. Ông hiểu rõ tầm quan trọng của búp bê trong văn hóa Nhật Bản và để thúc đẩy thiện chí giữa các quốc gia, ông đã khởi xướng chương trình gửi búp bê từ Mỹ cho trẻ em ở Nhật Bản thông qua một nhóm do ông sáng lập có tên gọi “Ủy ban Tình bạn Thế giới giữa các trẻ em”.

Tiến sĩ Sidney Gulick

Tiến sĩ Sidney Gulick. Ảnh: Wikipedia

Năm 1927, dự án đầu tiên là tổ chức gửi 12.739 búp bê tình bạn hay còn gọi là búp bê mắt xanh (American blue-eyed dolls) của Mỹ sang Nhật Bản, tên gọi dựa trên bài hát thiếu nhi nổi tiếng mang tên "Búp bê mắt xanh" của Ujo Noguchi. Những con búp bê này đã đến kịp dịp lễ Hinamatsuri - lễ hội búp bê hàng năm của Nhật Bản.

Những con búp bê này được gửi dưới danh nghĩa trẻ em Mỹ dành tặng cho trẻ em tiểu học Nhật Bản như một cử chỉ biểu lộ tình bạn và được quyên góp từ các nhà thờ, trường học trên toàn quốc. Mỗi con sẽ được đính kèm thông tin riêng và được tổ chức tiệc chia tay trước khi gửi đi.

búp bê hữu nghị

Những con búp bê đã được trưng bày trong các cửa hàng bách hóa lớn và được hàng nghìn người nhìn thấy trước khi tổ chức lễ kỷ niệm Hina Matsuri trong một bữa tiệc ngoài vườn tại đền Meiji với sự tham dự của bảy công chúa Nhật Bản. Một số búp bê thậm chí còn "đến thăm" Hoàng hậu và công chúa tại Cung điện Akasaka. 

Phần lớn búp bê được gửi đến các trường tiểu học trên khắp Nhật Bản và được chào đón bằng các bữa tiệc và nghi lễ. Nhiều đứa trẻ vào thời điểm đó, đã hát một bài hát có tên "Blue-eyes Doll" của Ujo Noguchi để chào đón những con búp bê. Sự mới lạ với mái tóc vàng và đôi mắt xanh trên búp bê, là lý do tại sao những con búp bê này đều được gọi là “búp bê mắt xanh của Mỹ”, cho dù chúng có mắt xanh hay không. Những con búp bê mắt xanh định cư tại tại các trường tiểu học và ở lại như một biểu tượng vui vẻ cho hy vọng hòa bình và hữu nghị.

passport

Những giấy tờ đi kèm với búp bê mắt xanh. Ảnh: inkalearnsthings

Đáp lại tình cảm này, Tử tước Eiichi Shibusawa đã tìm đến những nhà sản xuất búp bê nổi tiếng nhất ở Nhật Bản để tạo nên 58 búp bê tình bạn, mỗi con cao khoảng 81cm, mặc những bộ Kimono bằng lụa cùng phụ kiện độc đáo. Không đơn thuần là búp bê thông thường mà đây sẽ là đại diện của một khu vực cụ thể của Nhật Bản như: Miss Aichi; Miss Chiba; Miss Hyogo; Miss Gifu...

Tuy nhiên, 14 năm sau khi trao đổi búp bê hữu nghị, Nhật và Mỹ lại gặp nhau nhưng ở hai chiến tuyến trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Từ bạn hóa thành thù, chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh tiêu diệt búp bê mắt xanh của Mỹ vì chúng bị coi là "búp bê của kẻ thù". Các cuộc ném bom của Mỹ vào các thành phố của Nhật Bản năm 1945 đã phá hủy những con búp bê khác, cùng với trường học của chúng. 

búp bê bị phá hủy

Búp bê Rose Mary (trái) và búp bê Mary (phải) là những con búp bê được người Nhật gìn giữ, không phá hủy theo yêu cầu của chính phủ. Ảnh: linkalearnsthings và Asahi

Bất chấp lệnh của chính phủ về việc tiêu hủy búp bê Mỹ, nhiều giáo viên trường học Nhật Bản và những người khác đã giấu và bảo quản những con búp bê này. 

Cụ thể, vào tháng 04/1941 Hiroko Kikuchi, 19 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học Sư phạm được bổ nhiệm vào Trường Tiểu học Quốc gia Kurosawa. Tại trường lúc ấy đang cất giữ búp bê mắt xanh có tên là Mary và được nhiều học sinh yêu mến. 

Tuy nhiên, khi Thế chiến thứ hai nổ ra, Kikuchi được lệnh của Hiệu trưởng phải tiêu hủy con búp bê, biểu tượng cho sự hiện diện của kẻ thù. Nhưng bà cảm thấy rằng không thể làm điều này và lén giấu Mary tại khu vực kín đáo nhất của thư viện trường. Trong một buổi chia sẻ tại trường học, bà Kikuchi lý giải cho hành động lúc ấy là vì bà cho rằng búp bê không liên quan đến chiến tranh và không đáng bị phá hủy. Tuy vậy, bà vẫn nuối tiếc vì đã đốt bức ảnh của người gửi Mary đến Nhật.

Bà Kikuchi

Bà Hiroko Kikuchi (trái) khi còn trẻ và những học trò của bà (phải) tại buổi triển lãm. Ảnh: Asahi

Hành động lúc ấy của Kikuchi được cho là rất mạo hiểm vì nếu búp bê được phát hiện còn ở trong trường thì bà và cả Hiệu trường đều có thể bị trừng phạt.

Khi chiến tranh kết thúc và Nhật Bản bước vào giai đoạn hồi phục, Mary được xuất hiện và được các nhân viên hỗ trợ khôi phục trạng thái ban đầu như lúc được gửi đến Nhật. 

Đến năm 2019, trường tiểu học Kurosawa được hợp nhất với một trường học khác trong thị trấn, nhưng Mary vẫn trở thành một biểu tượng. Và nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bà Kikuchi, những học trò cũ cùng với những người quý trọng bà đã tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt xung quanh câu chuyện về Mary và vai trò quan trọng của bà Kikuchi.

“Mary giống như một kho báu của thị trấn này. Chúng tôi muốn truyền lại câu chuyện về người đã gìn giữ và bảo vệ nó an toàn”, Hiromichi Iimura – người từng là Phó Hiệu trưởng của trường từ năm 2005 cũng là một trong những người tổ chức triển lãm, cho biết.

Nhiều người đến với triển lãm cũng chia sẻ rằng trường học của họ cũng từng có búp bê mắt xanh nhưng rất tiếc đã bị phá hủy, nên họ rất trân trọng và muốn nhìn thấy Mary.

búp bê Katie

Búp bê Katie. Ảnh: linkalearnsthings

Hiện nay, chỉ còn khoảng hơn 300 con búp bê mắt xanh còn nguyên vẹn và được bảo quản, cất giữ tại những bảo tàng Nhật Bản. Những con búp bê này được trẻ em và người lớn Nhật Bản ngày nay trân trọng vì những con búp bê này đại diện cho sự tồn tại của lý tưởng hòa bình quốc tế, thiện chí và sự hiểu biết bất chấp những nỗ lực trấn áp nó bằng tuyên truyền quân sự trong Thế chiến thứ hai, như chứng nhân của một giai đoạn đầy biến động trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ.

Vào ngày 27/02/2002, trường Tiểu học Shukugawara đã nhận được món quà đặc biệt là một con búp bê mắt xanh mới từ Sidney Gulick III, và vợ của ông ấy là Frances. Trong suốt 15 năm qua, họ đã gửi khoảng 150 con búp bê đến các trường tiểu học và mẫu giáo ở Nhật Bản. Được biết Sidney Gulick là cháu trai của Tiến sĩ Sidney Gulick và ông đang tiếp tục thực hiện ước muốn của người ông quá cố.

búp bê hữu nghị

Búp bê Lisa (trái) và búp bê Shira (phải). Ảnh: bill-gordon và mainichi

Lisa sở hữu mái tóc nâu, dài gần đến thắt lưng, mặc trang phục do bà Frances thiết kế. Đi kèm với cô búp bê là hộ chiếu bằng tiếng Anh và tiếng Nhật.

Búp bê Shira cũng được gia đình Sidney Gulick III gửi đến trường tiểu học Nishioji ở Hino, tỉnh Shiga vào tháng 02/2021. Tuy nhiên vì dịch bệnh mà ông Gulick không thể đến Nhật tham dự buổi lễ trao tặng.

búp bê Hữu nghị

Đại diện trường học nhận búp bê mắt xanh từ Austin H. Moore, phải, phó chủ tịch hiệp hội hữu nghị quốc tế Hino. Ảnh: Mainichi

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU