Một xưởng nhuộm chuyên sản xuất các sản phẩm sử dụng kỹ thuật in họa tiết lên vải bằng khuôn giấy “Edo Komon” đã thực hiện một chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng. Mục tiêu là số hóa và bảo tồn các mẫu hoa văn Edo Komon tinh xảo đang dần bị mai một.
Xưởng nhuộm mang tên Tomita Sen-Kogei Co. (Tomita Dyeing & Crafts Co.) được thành lập vào năm 1882, nằm dưới chân cầu bắc qua con sông Kanda, một địa điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng ở Tokyo. Các mặt hàng thủ công chính của họ là Kimono, cà vạt, khăn quàng cổ, dù, ví và nhiều sản phẩm khác được làm với kỹ thuật Edo Komon.
Edo Komon là gì?
Edo Komon (江戸小紋) là kỹ thuật in họa tiết lên vải bằng cách sử dụng khuôn giấy hoa văn đặc biệt gọi là Ise-katagami. Kỹ thuật này được phát triển trong thời Edo (1603 – 1867), nổi tiếng với các họa tiết đều nhau, cực kỳ nhỏ mà nếu nhìn ở khoảng cách xa sẽ trông giống như một tấm vải trơn.
Ban đầu kỹ thuật này được sử dụng để in các hoa văn lên trang phục của Samurai, nhưng dần dà, người ta đã ứng dụng nó để nhuộm vải Kimono cho dân thường.
Xem thêm: Nhuộm và dệt Kimono
Bảo tồn kỹ thuật in hoa văn lên vải Edo Komon
Xưởng Tomita Sen-Kogei nói riêng và cả ngành in hoa văn Edo Komon nói chung đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng để giữ nghề trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực và các khuôn giấy để in hoa văn cũng rất khó để bảo quản.
Atsushi Tomita, 73 tuổi, chủ xưởng in hoa văn Tomita Sen-Kogei cầm khuôn giấy với các hoa văn đã bị rách trên tay, tâm sự: “Khuôn giấy này không thể dùng để nhuộm được nữa. Nhưng nếu chúng tôi bỏ nó đi thì bản thân hoa văn cũng biến mất theo. Các hoa văn trên khuôn giấy là tài sản văn hóa chứa đựng tư duy thẩm mỹ và kỹ năng của thế hệ đi trước. Do vậy, tôi muốn làm mọi cách có thể để bảo tồn nó”.
Vào mùa thu 2012, công cuộc bảo tồn kỹ thuật Edo Komon đã có bước tiến triển mới. Lúc này, Bảo tàng Nghệ thuật Tokyo đã khởi xướng dự án “Tokyo Crafts & Design", nơi trưng bày các tác phẩm được làm nên từ sự hợp tác giữa các nhà thiết kế và thợ thủ công truyền thống.
Ông Tomita đã tham gia dự án này, và chiếc túi vuông với các họa tiết được làm từ kỹ thuật Edo Komon đã xuất sắc trở thành 1 trong 10 sản phẩm đẹp nhất trong tổng số 265 sản phẩm tham gia triển lãm.
Qua sự kiện, ông Tomita nhận ra rằng kỹ thuật nhuộm hoa văn lên vải Kimono còn có thể sử dụng để tạo ra nhiều mặt hàng khác, miễn là các họa tiết còn tồn tại thì vẫn có thể mở ra nhiều hướng phát triển khác nhau.
Dù ông Tomita đang gìn giữ hàng chục nghìn khuôn giấy với các họa tiết độc đáo, bao gồm cả những khuôn giấy lâu đời ước tính được làm ra từ năm 1789 đến năm 1801, nhưng điều đáng buồn là chúng đang bị phá hủy dần theo thời gian. Do vậy, ông đã tìm đến các chuyên gia ở Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Tokyo để xin lời khuyên.
Xem thêm:Các hoa văn truyền thống Nhật Bản
Các chuyên gia tại đây gợi ý ông nên bảo quản các khuôn giấy bằng cách quét và chuyển đổi chúng thành dữ liệu số, có thể tái tạo lại bằng công nghệ cắt laser.
Bắt đầu từ mùa thu năm 2019, ông Tomita đã dồn mọi nỗ lực để số hóa 200 khuôn giấy, bên cạnh duy trì công việc thường ngày tại xưởng. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi nguồn tài chính khá lớn mà cá nhân ông không thể đáp ứng đủ. Do vậy, ông đã phát động chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng vào tháng 11 năm 2021.
Bên cạnh những khó khăn trong bảo tồn khuôn giấy - phần nào được giải quyết nhờ vào số hóa, nghề in hoa văn lên
vải Edo Komon còn gặp trở ngại trong việc truyền lại nghề cho thế hệ
trẻ. Đây là tình trạng phổ biến không chỉ riêng với Edo Komon, khi ngày càng có ít người trẻ quan tâm đến các nghề thủ công truyền thống.
Hầu hết khuôn giấy được sử dụng để in hoa văn trong kỹ thuật Edo Komon là giấy hoa văn Ise Katagami, được sản xuất chủ yếu ở thành phố Suzuka, tỉnh Mie và được cho là có nguồn gốc từ thời Muromachi (1336-1573).
Để làm nên khuôn giấy, các thợ thủ công sẽ dán giấy Washi Mino lại với nhau bằng một dung dịch giàu chất tannin, làm từ nước quả hồng lên men gọi là “Kakishibu”. Tiếp đó, họ sấy khô giấy rồi bắt đầu chạm khắc hoa văn Komon lên giấy bằng tay. Điều đặc biệt là các hoa văn này được khắc mỏng đến mức chỉ bằng một sợi tóc.
Vào thời Edo, nghề thủ công sản xuất giấy hoa văn Ise Katagami phát triển mạnh mẽ tại tỉnh Mie; từng có hơn 300 thợ hành nghề trước khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ xảy ra vào năm 1973.
Hiện nay, nghề thủ công này đã được công nhận là “Tài sản Văn hóa phi vật thể”, tuy nhiên, sự thịnh vượng của nghề đã lụi tàn theo thời gian, những gì còn lại chỉ là ký ức về một thời huy hoàng.
Toshikazu Sato, 74 tuổi, cựu phó giám đốc của Hiệp hội Hợp tác xã Ise Katagami rất trăn trở về vấn đề này khi hiện chỉ có khoảng 30 nghệ nhân làm giấy Ise Katagami. Ông cho biết, một yếu tố tác động đến việc số lượng nghệ nhân giảm là do Nhật Bản đang dần chuyển hướng khỏi trang phục truyền thống, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của thời trang nhanh giá rẻ.
Ông bộc bạch: “Dù chúng tôi từng nhận được các đơn hàng khuôn giấy hoa văn nhưng bây giờ, màn lụa chiếm đa số, công việc dành cho các nghệ nhân cũng ít đi”.
Hiện nay, phần lớn nghệ nhân Ise Katagami đã ở độ tuổi 70 hoặc hơn. Do vậy, những nghệ nhân của tỉnh Mie dành tình yêu cho nghề đặt hy vọng vào sáng kiến huy động vốn từ cộng đồng của ông Tomita.
Ông Tomita cho biết: “Nếu một hệ thống được lập ra để cả những người thợ Edo Komon và những nhà bán lẻ sử dụng các mẫu thiết kế được số hóa để bảo tồn chúng, sẽ có thể dẫn đến việc tăng doanh số bán hàng, lợi nhuận. Điều này còn có thể góp phần bồi dưỡng nên thế hệ kế thừa nghề”.
Với những ai quan tâm và mong muốn bảo tồn nghề in hoa văn lên vải truyền thống bằng khuôn giấy Edo Komon có thể tham gia ủng hộ chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng thông qua website first-flight.sony.com hoặc website chính thức tomita-senkougi.com của xưởng nhuộm Tomita Sen-Kogei Co.
Xem thêm: Hoa văn truyền thống nào đại diện cho ngày sinh của bạn?
kilala.vn