Các nghi thức khi viếng thăm đền thờ Thần đạo ở Nhật Bản
Bài: Ciro
Oct 9, 2023
Nguồn: Savvy Tokyo
Các đền thờ Thần đạo là những địa điểm không thể bỏ lỡ khi du lịch đến Nhật Bản. Có vô số lý do để viếng thăm một ngôi đền như tìm hiểu văn hóa, khám phá kiến trúc, cầu xin vận may... nhưng điều quan trọng nhất là phải bày tỏ sự tôn trọng và cư xử đúng lễ nghi.
Trong tiếng Nhật, hoạt động viếng thăm đền thờ, chùa chiền... được gọi là “sampai” (参拝). Hãy cùng Kilala học cách thực hiện “sampai” đúng chuẩn nha!
Bước một: Cúi đầu trước cổng đền
Khi đi bộ lên con đường “sando” (参道) dẫn đến đền thờ, bạn sẽ bắt gặp cổng torii được làm từ đá, bê tông hoặc gỗ sơn son đỏ. Những cánh cổng này đánh dấu sự khởi đầu không gian linh thiêng của ngôi đền.
Hãy dừng lại bên ngoài và kính cẩn cúi đầu trước cổng đền. Theo truyền thống Thần đạo, đây là cách bạn chào các vị thần hộ mệnh của ngôi đền và xin phép vào khuôn viên. Tiếp đến, khi tiến vào bên trong, bạn nên di chuyển theo lối đi bên trái vì trung tâm con đường được dành riêng cho các vị thần.
Bước hai: Thanh tẩy bản thân
Sau khi bước qua cổng torii, hãy tiếp tục đi theo con đường hướng tới các tòa nhà chính của ngôi đền. Một số khu phức hợp đền thờ rất đồ sộ và sẽ có cổng torii thứ hai, một số khác có khu vườn hoặc phòng trà nhỏ... trước khi đến chính điện.
Đến gần cổng vào chính điện, bạn sẽ nhìn thấy “chouzuya” (手水), đây là bồn rửa tay để mọi người thanh tẩy bản thân trước khi cầu nguyện tại điện thờ chính. Phía trên hoặc bên cạnh chouzuya, bạn sẽ tìm thấy những chiếc muôi được gọi là “hishaku” (柄杓) thường được làm từ kim loại hoặc gỗ.
Đầu tiên, hãy cầm hishaku lên bằng tay phải và múc một muôi đầy nước lên; lùi lại một bước và đổ một ít nước vào lòng bàn tay trái, sau đó đổi tay và đổ một ít lên tay phải; sau khi rửa tay, đổ một ít nước vào tay trái và chạm vào môi nhưng không uống nước.
Nếu còn nước trong muôi, hãy úp muôi lại để nước chảy xuống quai, sau đó đặt trở lại giá đỡ. Đây là hành động làm sạch tay cầm hishaku để người đến sau có thể sử dụng. Bạn không nên chạm vào bất cứ thứ gì sau khi rửa tay nhưng bạn có thể lau khô tay vì việc này không bị coi là xúc phạm.
Bước ba: Viếng thăm điện chính
Tòa nhà chính của ngôi đền được gọi là “honden” (本殿), là nơi trú ngụ của các vị thần. Từ lúc này, các nghi thức sẽ trở nên phức tạp hơn, tùy thuộc vào quy mô và phong cách của ngôi đền mà cách cầu nguyện có thể khác nhau.
Rung chuông
Một số ngôi đền có một chiếc chuông lớn được treo trên mái của chính điện với một sợi dây. Hãy nắm lấy sợi dây và rung chuông hai lần. Hành động này nhằm thông báo sự hiện diện của bạn với các vị thần trong đền thờ.
Quyên góp vào hòm công đức
Phía trước chính điện bạn sẽ thấy một chiếc hộp làm bằng gỗ, đá hoặc kim loại có lỗ mở ở trên, gọi là “saisen bako” (賽銭箱) để mọi người có thể tùy tâm quyên góp. Tuy nhiên, nếu bạn muốn cầu may mắn, hãy bỏ vào đó đồng xu 5 yên. Trrong tiếng Nhật, 5 yên được phát âm là “go-en” (五円) đồng âm với “ご縁”, có nghĩa là “chúc may mắn” hoặc “nhân duyên tốt đẹp”.
Cúi đầu và cầu nguyện
Sau khi thực hiện hai nghi thức trên, hãy cúi đầu hai lần về phía điện chính, vỗ tay hai lần, sau đó chắp tay cầu nguyện. Khi cầu nguyện, hãy nhấn hai lòng bàn tay vào nhau và duỗi thẳng các ngón tay để tạo thành tư thế “gassho” (合掌) thích hợp. Sau khi kết thúc lời cầu nguyện, hãy cúi đầu một lần nữa.
Quá trình trên được gọi “nirei, nihakushu, ichirei” (二礼二拍手一礼) trong tiếng Nhật, nghĩa là “hai cái cúi đầu, hai cái vỗ tay, một cái cúi đầu”.
Bước bốn: Tham quan xung quanh đền thờ
Sau khi đã tỏ lòng thành kính, bạn có thể đi bộ xung quanh, ngắm nhìn các khu vườn hoặc ghé vào cửa hàng của đền thờ để mua bùa may mắn omamori hoặc ấn tự (goshuin - 御朱印).
Một số ngôi đền lớn thậm chí có cả quán trà, quán cà phê hoặc cửa hàng quà tặng trong khu phức hợp, vì vậy bạn cũng có thể dừng chân nghỉ ngơi.
Bước năm: Cúi đầu trước cổng torii trước khi rời đi
Khi trở ra hãy di chuyển theo lối đi cũ và vẫn di chuyển về phía bên trái. Khi bước qua cổng , hãy quay lại đối mặt với cổng và cúi chào một lần nữa. Đây là “lời chào tạm biệt” với ngôi đền và các vị thần trú ngụ ở đó.
kilala.vn