Các môn võ thuật chính của Nhật Bản

Bài: KIM NGÂN
Jun 15, 2020

Ảnh: PIXTA

Văn hóa võ thuật Nhật Bản rất phong phú với nhiều bộ môn khác nhau và được chia thành hai nhóm lớn gồm võ thuật cổ truyền – được truyền lại qua nhiều thế kỷ và võ thuật hiện đại – kế thừa và phát triển theo hơi thở của thời đại.

Võ thuật cổ truyền

Võ thuật cổ truyền dùng để chỉ những môn võ thuật ra đời từ trước thời Minh Trị Duy Tân (năm 1868). Đặc trưng của loại võ thuật này là chú trọng kỹ thuật và chiến thuật để áp dụng trong các cuộc chiến đấu thực tế, cụ thể là chiến trường.

Các môn võ thuật tiêu biểu cho võ thuật cổ truyền là Sumo, Jujutsu (Nhu thuật), Kenjutsu (Kiếm thuật), Battojutsu (Bạt đao thuật), Naginatajutsu (Trường đao thuật)… Trong đó, Sumo là môn võ có lịch sử lâu đời nhất Nhật Bản, ra đời cách đây khoảng 1.500 năm.

Jujutsu (Nhu thuật) thì được mệnh danh là một trong những môn võ tàn độc nhất vì mỗi một đòn tung ra đều là những đòn hiểm hóc, có sức sát thương cao đến mức “hễ ra đòn là sẽ chết”. Naginatajutsu (Trường đao thuật) là loại vũ khí lợi hại, được các samurai sử dụng rộng rãi vào thời Trung cổ nhưng dần bị hạn chế dùng do súng đạn được sử dụng nhiều trong các cuộc chiến.

Đến cuối thời kỳ Edo thì Naginatajutsu được phụ nữ sử dụng làm binh khí tự vệ và trở thành biểu tượng của lực lượng nữ chiến binh thuộc giới quý tộc Nhật Bản.

các môn võ thuật Nhật Bản - Nhu thuật Nhật Bản
Sumo là một trong những môn võ thuật cổ truyền Nhật Bản.

Võ thuật hiện đại

Võ thuật hiện đại được thành lập sau cuộc Minh Trị Duy Tân. Đặc trưng của loại võ thuật này là không chỉ không chỉ học kỹ thuật chiến đấu mà còn chú trọng đến việc hình thành nhân cách, rèn luyện thể chất và tâm hồn. Dưới đây là 5 môn võ thuật tiêu biểu cho võ thuật hiện đại.

Nhu đạo

Nhu đạo (tiếng Nhật là Judo) là một trong những môn võ thuật phổ biến nhất tại Nhật. Nhu đạo ra đời vào năm 1882 do Võ sư – Giáo sư môn thể chất Jigoro Kano sáng lập dựa trên môn võ thuật cổ truyền Jujutsu (Nhu thuật). Với phương châm “lấy nhu thắng cương”, mượn chính sức mạnh của đối thủ để đánh bại họ. Đây là môn võ chủ yếu sử dụng vào việc tự vệ và rèn luyện sức khỏe.

Nhu đạo sử dụng nhiều kỹ thuật như kiểm soát nắm giữ bằng khóa tay, quật ngã đối phương, đòn đè, vật lộn trên mặt đất với kỹ thuật chân điêu… Trong đó nổi tiếng nhất là kỹ thuật ném tuyệt đẹp. Nhưng dù là kỹ thuật nào thì tất cả đều chú trọng đến tính an toàn và thoải mái cho người học. Vì vậy nhu đạo phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính, ai cũng có thể học được.

Nhu đạo (Judo) với phương châm lấy nhu thắng cương - Nhu thuật Nhật Bản
Nhu đạo (Judo) với phương châm lấy nhu thắng cương.

Võ phục của Nhu đạo gồm quần, áo và đai. Quần áo có màu trắng và xanh dương, còn màu đai thì tùy vào đẳng cấp. Có 10 cấp bậc được chia theo màu sắc, trong đó cấp thấp nhất là đai trắng, cấp cao nhất là đai đen.

Từ đai trắng đến đai nâu, cuộc thi đấu nâng cấp bậc sẽ được tổ chức trong phòng tập và do võ sư dạy mình trực tiếp thăng cấp. Từ đai nâu đến đai đen, cuộc thi đấu phải diễn ra trước hội đồng uy tín.

Kiếm đạo

Kiếm đạo (tiếng Nhật là Kendo) – một môn võ thuật rèn luyện cốt cách của người dùng kiếm. Nó kế thừa các kỹ thuật truyền thống của kiếm sĩ Nhật Bản và phát triển thành môn võ đánh kiếm hiện đại.

Một đặc trưng của Kiếm đạo so với các môn võ khác là ngoài kỹ thuật, nó còn sử dụng tiếng thét để áp đảo tinh thần đối phương, nâng cao chí khí bản thân. Đồng thời khi di chuyển, kiếm sĩ cũng sử dụng các bước dậm chân để tăng sức mạnh của đòn đánh.

Đây cũng là môn võ nguy hiểm khi các đòn đánh của Kiếm đạo chỉ nhắm đến chỗ hiểm trên cơ thể là đỉnh đầu, cổ tay, cổ họng, hông giữa xương sườn và xương chậu. Vì vậy đòn của Kiếm đạo thường là “nhất chiêu tất sát” – trúng một chiêu, hồn về cực lạc.

Do đó võ phục của Kiếm đạo có bộ giáp bảo vệ cơ thể: mũ trùm đầu bằng kim loại, có lưới sắt che mặt và cổ; bao tay dài, độn dày để bảo vệ bàn tay và khuỷu tay; y phục bằng vải đệm có lót bông; áo che ngực đan bằng tre có phủ lớp da bên ngoài.

môn Kiếm đạo (tiếng Nhật là Kendo)
Kendo rèn luyện cốt cách của người dùng kiếm.

Nhưng mục đích rèn luyện của Kiếm đạo hiện nay chủ yếu là để tu dưỡng tinh thần, rèn luyện trí óc, đề cao sự tôn trọng giữa người với người.

Karate

Karate là một trong những môn võ thuật tiêu biểu của Nhật Bản. Được thành lập bởi những người nhà Đường đầu tiên đặt chân lên Okinawa nên Karate có sự kết hợp tinh túy của võ thuật cổ truyền Okinawa và võ thuật Trung Hoa. Khi Okinawa trở thành một tỉnh của Nhật Bản, Karate cũng dần được “Nhật Bản” hóa.

Nhưng người có công rất lớn trong việc phổ biến Karate tại Nhật Bản là Funakoshi Gichin (1868 – 1957). Ông đã sáng lập ra môn phái Shotokan – phái karate hùng mạnh và nổi tiếng nhất trên thế giới. Ngoài ra, cái tên “karate” ngày xưa được viết là 唐手 (“Đường Thủ” nghĩa là các môn võ thuật có nguồn gốc từ Trung Hoa).

Nhưng được Funakoshi thay thế thành một từ khác có cùng cách phát âm là 空手 (“Không Thủ” nghĩa là tay không). Vì ông muốn nhấn mạnh đến môn võ chú trọng sức mạnh nội tại của con người hơn là sử dụng vũ khí.

Karate có các đòn đặc trưng như đá, đấm, cú đánh cùi chỏ, đầu gối, cú đấm móc, đấm đá liên hoàn, sử dụng các kỹ thuật đánh bằng bàn tay mở, các đòn khóa, né, chặn, quật ngã và các kỹ thuật đánh vào chỗ hiểm. Tuy nhiên ông tổ của karate hiện đại thì cho rằng mục đích tối thượng của karate không nằm ở thắng thua mà là sự hoàn thiện nhân cách của những người luyện tập.

Cung đạo

Cung đạo (tiếng Nhật là Kyudo) – tinh hoa trong võ thuật Nhật Bản. Đây là môn võ sử dụng cung tên làm vũ khí với mục đích bắn trúng mục tiêu phía trước. Cung đạo là kỹ năng được các samurai chú trọng trong chiến tranh thời phong kiến khi có thể tấn công địch từ xa. Nó bị thoái trào khi súng cầm tay xuất hiện và bây giờ đã được khôi phục, trở thành môn thể thao chính thức có hệ thống và quy củ.

Cung đạo kyudo được xem là tinh hoa của võ thuật Nhật Bản
Cung đạo được xem là tinh hoa của võ thuật Nhật Bản.

Cung đạo Nhật Bản không chỉ rèn thể lực mà còn luyện tinh thần của người tập. Với người mới bắt đầu, họ không tập kỹ thuật ngay mà sẽ có khoảng thời gian ngắn để học các lễ nghi cơ bản trong Cung đạo như cách đi, đứng, ngồi, chào… Sau đó, người tập mới đến giai đoạn học kỹ thuật bắn mang tên Hassetsu (Bắn cung tám bước). Cung, tên đều là vũ khí có mức sát thương cao nên luôn có người hướng dẫn bên cạnh người mới tập đế tránh xảy ra thương tích.

Để có thể bắn “bách phát bách trúng” thì người tập cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa thể lực và tinh thần. Một lần bắn thành công không chỉ là mũi tên cắm chính xác mục tiêu mà tư thế, động tác cũng phải chính xác. Bước đi nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, chậm rãi mà duyên dáng, kết hợp với Cung đạo tạo nên một hình thể đẹp đến mức người xem không thể rời mắt. Như vậy, mục tiêu cao nhất của Cung đạo chính là hướng đến “Chân – Thiện – Mỹ”.

Aikido

Aikido là môn võ thuật đề cao sự hòa hợp của con người với con người. “Ai” trong tiếng Nhật nghĩa là hòa hợp, “ki” là tinh thần còn “do” là đạo lý. Như vậy Aikido nghĩa là môn võ sử dụng nguyên lý, chiến thuật để phối hợp với hành động của đối phương, nhằm kiểm soát tối đa hành động của họ.

môn võ aikido
Aikido có mục tiêu không phải đánh bại kẻ thù mà là chinh phục bản thân.

Vì vậy Aikido không chú trọng tấn công mà chủ yếu là tự vệ bằng cách vô hiệu hóa đòn tấn công của đối phương, vừa tránh làm bản thân bị thương vừa không đả thương đối thủ. Các kỹ thuật trong Aikido là các động tác quật ngã, ném, khóa khớp, chuyển động xoay hướng (chuyển hướng đà tấn công của đối phương), sao cho bảo đảm an toàn đôi bên. Luyện tập những kỹ thuật này còn giúp nâng cao sức khỏe cho người học. Như vậy, mục tiêu cao nhất của Aikido không phải đánh bại kẻ thù mà là chinh phục bản thân.

Võ phục của Aikido có tên là Hakama và các đai thể hiện cấp bậc như Nhu đạo. Đai thấp nhất là trắng, kế tiếp là xanh, nâu và cao nhất là đen.

Ngoài nhu thuật Nhật Bản thì có những môn võ nào trên thế giới ?

Taekwondo (Hàn Quốc): Taekwondo là một môn võ gốc Hàn Quốc, tập trung vào việc sử dụng các đòn đá cao và mạnh mẽ.

Kung Fu (Trung Quốc): Kung Fu là một hệ thống võ thuật Trung Quốc rất đa dạng và phong phú.

Capoeira (Brasil): Capoeira là một môn võ gốc Brasil, kết hợp giữa võ thuật và múa rối.

Muay Thai (Thái Lan): Muay Thai là một môn võ Thái Lan, sử dụng phối hợp cả cơ thể để tấn công đối thủ.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU