Kiếm Nhật: Nguồn gốc, đặc trưng của các loại kiếm Nhật

Bài: kirinAug 15, 2023

Kiếm Nhật Bản là một biểu tượng của nền văn hóa và lịch sử phong phú xứ Phù Tang. Con đường phát triển của nó phản ánh sự pha trộn phi thường giữa tính thẩm mỹ và chức năng, là hiện thân cho quan niệm về cái đẹp độc đáo của người Nhật. Trong bài viết này, hãy cùng Kilala tìm hiểu về nguồn gốc và sự phát triển của kiếm Nhật cùng những thanh kiếm nổi tiếng nhất trong lịch sử.

Kiếm Nhật là gì?

Kiếm Nhật hay “Nihonto” (日本刀 – Nhật Bổn Đao) là thuật ngữ chung chỉ những thanh kiếm được chế tạo bằng phương pháp rèn độc đáo của người Nhật.

Theo nghĩa rộng hơn, nó đề cập đến những thanh kiếm được sản xuất tại Nhật Bản. Còn theo nghĩa hẹp, Nihonto chỉ bao gồm những thanh kiếm xuất hiện từ cuối thời Heian (794-1185) và sau đó trở thành dòng kiếm chủ đạo của Nhật Bản, gắn liền với tầng lớp chiến binh Samurai.

kiếm nhật là gì
Kiếm Nhật - tinh hoa nghệ thuật thủ công Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia

Lịch sử ra đời và phát triển của kiếm Nhật Bản

Ở Nhật Bản, kiếm được chế tạo muộn nhất là vào thời Kofun (khoảng thế kỷ 3 đến thế kỷ 7), nhưng loại kiếm ban đầu là kiếm nhật thẳng (Chokuto), được du nhập từ lục địa Châu Á.

Với các cuộc chinh phục vùng phía bắc Ezo trong thời Heian (794-1185), bắt đầu có sự chuyển đổi từ kiếm nhật thẳng sang kiếm cong (Wanto). Nửa sau thời kỳ này đánh dấu sự trỗi dậy của hai đại kình địch: gia tộc Minamoto và gia tộc Taira, đi kèm với nó là sự phát triển của những thanh kiếm cong rất dài, còn được gọi là Tachi. Kiếm từ thời điểm này trở đi được gọi là Nihonto - kiếm Nhật Bản.

Theo dòng lịch sử, kiếm Nhật được chia thành 4 loại chính: “古刀 – Koto – Cổ Đao”, “新刀– Shinto – Tân Đao”, “新々刀 – Shinshinto – Tân Tân Đao” và “現代刀 – Gendaito – Hiện Đại Đao”.

Trận Sekigahara năm 1600 thường được coi là ranh giới giữa kiếm Nhật "Cổ" và "Tân", tức “Cũ” và “Mới”. Nói cách khác, loại kiếm được sản xuất và sử dụng ở Nhật Bản đã có sự thay đổi đáng kể trong thời đại Keicho kéo dài từ năm 1596 đến 1615.

Cuộc giao tranh kết thúc với sự ra đời của Mạc phủ Tokugawa, dẫn đến những thay đổi đáng kể về nhu cầu và phương pháp chế tạo kiếm. Mặc dù Tachi với đặc trưng lưỡi kiếm rất dài là loại phổ biến hàng đầu cho đến giữa thời Muromachi (1392–1573), nhưng sau đó nó đã được thay thế bằng Katana ngắn và nhẹ hơn.

thanh kiếm nhật bản
Ảnh: blackbeltmag.com

Giai đoạn Shinshinto kéo dài từ năm 1780 cho tới cuối thời Edo (1603–1868). Kiếm nhật ở giai đoạn này mô phỏng theo những thanh kiếm cũ, nhưng được phát triển thêm những đặc điểm và kiểu dáng của riêng mình.

Cuộc Duy Tân Minh Trị đã chấm dứt chế độ Mạc phủ Tokugawa và khôi phục quyền cai trị của Thiên hoàng. Năm 1876, chính quyền Minh Trị bãi bỏ tầng lớp võ sĩ đạo và cấm đeo kiếm nơi công cộng. Vì lẽ đó, trong thời gian này, những thanh kiếm truyền thống của Nhật Bản được dùng làm đồ trang trí nghệ thuật hơn là thực hiện chức năng vũ khí.

Vào đầu những năm 30, nhiều thanh kiếm được sản xuất hàng loạt cho các sĩ quan trong quân đội đế quốc. Chúng có hình dạng truyền thống của kiếm Samurai, nhưng không có các đặc điểm thẩm mỹ của một lưỡi kiếm được rèn bằng tay như hoa văn hamon và vân kiếm.

Ngoài ra, những thanh kiếm quân đội này được làm từ thép đúc, không phải theo cách truyền thống như nghệ thuật rèn kiếm Edo Katana là dùng thép Tamahagane. Kiếm từ giai đoạn này về sau được gọi là Gendaito.

kiếm đạo kendo
Ảnh: thoughco

Cấu tạo của kiếm Nhật

Trong lịch sử của Nihonto, rất nhiều loại kiếm đã được ra đời để phục vụ cho mục đích của người sử dụng, và mỗi loại như vậy lại sở hữu những đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, nhìn chung, cấu tạo cơ bản của một thanh kiếm Nhật sẽ bao gồm những phần sau:

  • Saya: Bao kiếm.
  • Tsuka: Chuôi kiếm, thường được quấn vải hoặc chạm khắc cầu kỳ theo thẩm mỹ, cá tính của người sở hữu.
  • Tsuba: Kiếm cách – bộ phận ngăn cách chuôi kiếm và phần lưỡi kiếm.
  • Ha: Lưỡi kiếm, là cạnh sắc của kiếm
  • Mune: Sống kiếm, là lưỡi cùn của kiếm.
  • Menuki: Phần họa tiết trang trí hoặc cầu may được gắn ở chuôi kiếm
  • Habaki: Phần thép nhỏ ngăn cách chuôi kiếm với thân kiếm.
  • Monouchi: Phần nhọn của lưỡi kiếm
  • Kissaki: Mũi kiếm
  • Hamon: Vân kiếm nằm trên lưỡi sắc của kiếm, được điêu khoắc hoặc in.
cấu tạo kiếm nhật
Các bộ phận của thanh kiếm Nhật. Ảnh: nihontoownersclub.com

Nghệ thuật rèn kiếm của Nhật Bản

Việc rèn nên những thanh kiếm Nhật đẹp, cao cấp là một quá trình đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ và không kém phần tinh tế. Và nghệ thuật rèn kiếm xứ Phù Tang đã phát triển qua nhiều thế kỷ để đáp ứng những nhu cầu thay đổi về phong cách, thẩm mỹ lẫn cải tiến kỹ thuật.

Để tạo ra những lưỡi kiếm này, người thợ rèn không chỉ cần có sức mạnh thể chất mà còn phải có sự kiên nhẫn, khéo léo và một đôi mắt tinh tường có thể nhìn ra giới hạn của vật liệu cũng như vẻ đẹp của một thanh kiếm thành phẩm.

Các thợ rèn Nhật Bản theo truyền thống sử dụng tamahagane, loại thép được sản xuất trong lò luyện tatara từ cát giàu sắt. Ở thời hiện đại, chế tạo kiếm Nhật Bản theo cách truyền thống vẫn sử dụng loại thép này. Ngày nay, nhà máy luyện tatara cuối cùng còn hoạt động nằm ở Yokota, tỉnh Shimane.

rèn kiếm nhật bản
Nghệ thuật rèn kiếm Nhật được phát triển qua hàng trăm năm. Ảnh: Toki

Những đặc trưng của kiếm Nhật Bản

Rèn những thanh kiếm Nhật truyền thống chất lượng cao từ những nguyên vật liệu cơ bản không phải là một quá trình dễ dàng. Những người thợ rèn thường dành hơn hai tuần để tạo ra một thanh Nihonto duy nhất, thậm chí có trường hợp mất đến hàng tháng trời.

Khi bắt tay vào rèn một thanh kiếm mới, các thợ rèn Nhật Bản sẽ nhắm đến bốn tiêu chuẩn sau để tạo ra thanh Nihonto đạt chuẩn.

Sức mạnh

Những thanh kiếm truyền thống chất lượng cao của Nhật Bản cực kỳ chắc chắn và có thể chịu được áp lực đáng kể mà không bị gãy nứt hoặc hư hại. Trước thời kỳ Trung đại của Nhật Bản, những người thợ rèn đã làm kiếm bằng đồng, họ đổ đồng nóng chảy vào khuôn đúc để tạo ra lưỡi kiếm.

Tuy nhiên, những thanh kiếm bằng đồng thiếu đi sự bền bỉ, vì vậy cuối cùng họ đã chuyển sang sử dụng sắt và thép, cho phép đạt được mức độ sức mạnh vượt trội.

Tính linh hoạt

Các thợ rèn nhận ra rằng kiếm Nhật phải có khả năng uốn cong dưới áp lực, nếu không, chúng sẽ dễ bị hư hại. Để vượt qua thử thách này, họ đã sử dụng phương pháp xử lý nhiệt đặc biệt: phủ một lớp bùn đất sét dày lên sống kiếm, trong khi không phủ hoặc chỉ phủ một ít lên cạnh sắc.

Khi thanh kiếm vẫn còn nóng, người thợ làm nguội nó trong nước hoặc dầu, cho phép sống kiếm và cạnh kiếm nguội đi ở các tốc độ khác nhau, mang đến sự linh hoạt cho kiếm.

kiếm nhật đẹp
Một thanh kiếm Nhật chất lượng phải đảm bảo 4 tiêu chuẩn: sức mạnh, tính linh hoạt, độ cứng và cân bằng. Ảnh: handmadesword.com

Độ cứng

Mặc dù nghe có vẻ tương tự nhau nhưng độ cứng và sức mạnh là hai đặc tính khác biệt, và một thanh kiếm phải đảm bảo được cả hai yêu cầu này.

Sức mạnh thường đề cập đến khả năng chịu đựng áp lực của vật thể, trong khi độ cứng đề cập đến khả năng ngăn ngừa biến dạng. Nếu một thanh kiếm không cứng, nó có thể bị biến dạng dưới tác động của lực, chẳng hạn bị uốn cong hay nứt vỡ.

Tính cân bằng

Cuối cùng, một thanh kiếm chất lượng cao sẽ được thiết kế với sự cân bằng tổng thể. Nói cách khác, chúng không nên nặng hơn ở phần trên và cũng không nên nặng hơn ở phần dưới.

Tại Nhật Bản thời phong kiến, những người thợ rèn đã rèn kiếm sao cho chúng có độ cân bằng phù hợp, cho phép các chiến binh Samurai và những người luyện võ sử dụng dễ dàng hơn. Nếu một thanh kiếm không cân bằng, nó sẽ bị loại bỏ và dùng làm nguyên liệu để rèn nên những thanh kiếm khác.

nihonto
Ảnh: akibagamers.it

Những loại kiếm Nhật phổ biến nhất

1. Katana (刀) – Đao

Loại kiếm nổi tiếng nhất của Nhật Bản, Katana, là thanh kiếm dài biểu tượng của các Samurai. Nó vừa phục vụ như một huy hiệu cấp bậc, vừa là vũ khí chiến đấu đồng hành với võ sĩ. Samurai đeo thanh Katana với cạnh sắc hướng lên trên và thường cầm nó bằng hai tay, giúp loại kiếm này hiệu quả khi chiến đấu bằng chân.

Thanh kiếm Katana có chiều dài lưỡi kiếm hơn 60cm nhưng có độ cong nhỏ hơn so với những thanh kiếm tiền nhiệm.

kiếm nhật katana
Thanh kiếm Katana. Ảnh: kcpinternational.com

2. Wakizashi (脇差) – Hiếp Soa

Phiên bản ngắn hơn của Katana - Wakizashi là người bạn đồng hành thường xuyên của Samurai. Nó dài khoảng 45cm và thường được sử dụng kết hợp với Katana. 

Cả hai loại kiếm đều cong và chỉ có một lưỡi nhọn, nhưng Wakizashi đặc biệt thích hợp trong cận chiến. Nó cũng phục vụ như một vũ khí tự vệ cho các tầng lớp dân cư khác như thị dân và thương nhân.

3. Tachi (太刀) – Thái Đao

Là thanh kiếm Nhật Bản đầu tiên có lưỡi cong, Tachi được dùng làm vũ khí cho kỵ binh. Các chiến binh trên lưng ngựa ban đầu đeo thanh kiếm Tachi trên thắt lưng, với lưỡi kiếm hướng xuống, cho phép sử dụng kỹ thuật chém hiệu quả. Tachi có nhiều nét tương đồng với “người kế nhiệm” của nó là Katana, nhưng có độ cong rõ rệt hơn.

Chiều dài lưỡi kiếm Tachi khác nhau tùy thuộc vào từng thời kỳ, nhưng sau đó được ấn định chính thức từ 44 đến 67cm.

kiếm tachi
Tachi. Ảnh: Wikimedia

4. Kodachi (小太刀) – Tiểu Thái Đao

Là phiên bản ngắn hơn của Tachi, có chiều dài khoảng 60cm.

5. Odachi ( 大太刀) – Đại Thái Đao

Đây là thanh kiếm Samurai dài nhất, với chiều dài lưỡi kiếm dao động từ 90 đến 130cm, theo truyền thống được đeo ngang lưng. Thuật ngữ Odachi có nghĩa đen là tachi lớn, và còn được gọi với tên khác là Nodachi (野太刀).

6. Tanto (短刀) – Đoản Đao

Là thanh kiếm có lưỡi ngắn hơn 30cm. Tanto thường được phân loại là kiếm, nhưng cách sử dụng của nó cũng tương tự như dao.

Tanto có thể được rèn theo cặp hoặc đơn với mục đích chính dùng để đâm. Đây cũng là thanh kiếm Samurai dùng để rạch bụng trong nghi lễ Seppuku.

đoản đao tanto
Đao Tanto. Ảnh: samuraiworld

7. Naginata (薙刀) – Thái Đao

Naginata là tên một loại kích của Nhật Bản, nó là một cây gậy dài có lưỡi cong nhọn ở đầu. Ban đầu Nanigata được sử dụng bởi tầng lớp Samurai. Đây cũng là vũ khí mang tính biểu tượng của Onna-musha, các nữ chiến binh thuộc giới quý tộc Nhật Bản.

Tổng chiều dài của nó rơi vào 205 - 260cm, còn lưỡi đao là 85 - 100cm.

8. Chokuto (直刀) – Trực Đao

Không giống như thanh Katana nổi tiếng, Chokuto có lưỡi thẳng và bản thân nghĩa đen của từ này là “thanh kiếm thẳng”. Chiều dài của nó rơi vào khoảng 60-90cm. 

Chokuto được sử dụng đầu tiên bởi tầng lớp chiến binh Samurai, về sau có thêm dân thường và các nhân vật liên quan đến tôn giáo.

9. Nagamaki (長巻) – Trường Quyển

Nagamaki có phần chuôi dài bằng lưỡi kiếm, thoạt nhìn khá giống với Naginata nhưng nó thực chất được phát triển từ Odachi. Odachi rất khó sử dụng do chuôi cầm ngắn và lưỡi kiếm cực dài. Vì vậy, một số chiến binh đã bọc phần dưới của lưỡi kiếm để mở rộng tay cầm.

Nó thường có chiều dài lưỡi kiếm 60cm trở lên, với phần chuôi cũng dài tương đương.

nagamaki
Nagamaki. Ảnh: japonalia

10. Yari (槍) – Thương

Yari là một loại giáo của Nhật, có lưỡi đao rất dài và thẳng (từ vài chục cm cho tới hơn 1m). Đây là loại vũ khí thường xuyên xuất hiện trên chiến trường trong thời Chiến Quốc.

Có được phép sở hữu kiếm ở Nhật Bản?

Chính phủ Nhật Bản cho phép sở hữu kiếm Nihonto để sử dụng trong gia đình và những lưỡi kiếm này phải có giấy chứng nhận cũng như giấy phép. Quy tắc chỉ áp dụng cho kiếm cổ và kiếm mới, các loại kiếm luyện tập như Iaito được miễn trừ. Ngoài ra, chính phủ không công nhận kiếm trong quân đội và yêu cầu tiêu hủy chúng.

Để duy trì chất lượng kiếm Nhật, các thợ rèn được cấp phép chỉ được sản xuất tối đa 2 thanh kiếm Nhật kích thước dài như Katana hoặc 3 thanh kiếm ngắn hơn như Wakizashi và Tanto mỗi tháng.

Tuy nhiên, vũ khí hợp pháp duy nhất được mang ra khỏi nhà là những lưỡi kiếm ngắn hơn 6cm, điều đó có nghĩa là bạn không thể mang theo đoản đao Tanto đến nơi công cộng.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU