Bóng đá được mệnh danh là “Môn thể thao vua” của thế giới vì sở hữu một lượng người hâm mộ khổng lồ. Tuy nhiên, nếu chỉ nói riêng về Nhật Bản thì có lẽ mức độ được yêu thích của bóng đá sẽ kém hơn một chút so với bóng chày. Tại sao lại như vậy?
Bóng chày Nhật Bản có gì đặc biệt?
Bóng chày, trong tiếng Nhật là Yakyuu (野球), là một môn thể thao lâu đời phổ biến ở Mỹ và các nước Đông Á. Người Nhật rất yêu thích môn thể thao này, có lẽ vì vậy mà nhiều người lầm tưởng rằng bóng chày xuất phát từ Nhật Bản. Thật ra, môn bóng chày được sinh ra ở Mỹ - đất nước của những môn thể thao nổi bật. Bóng chày được giới thiệu đến Nhật Bản vào năm 1872 bởi một thầy giáo người Mỹ giảng dạy tại một học viện của Nhật. Trong thời kỳ giao thương với Nhật Bản, người Mỹ đã phổ biến môn thể thao này một cách rộng rãi, dần dần thành lập lên những đội bóng chuyên nghiệp. Ngày nay, nhờ sự tham gia tài trợ của các doanh nghiệp mà môn thể thao này ngày càng phổ biến và được ưa chuộng tại đất nước Nhật Bản.
Trong suốt thời gian môn bóng chày phát triển ở Nhật, nó đã có nhiều sự thay đổi, chẳng hạn như bóng chày của Nhật là có thể chấp nhận tỉ số hòa, nhưng Mỹ thì ngược lại. Theo luật bóng chày của Mỹ nếu không có tỉ số chênh lệch, họ sẽ bắt buộc phải tổ chức thêm các hiệp phụ cho đến khi tìm được đội chiến thắng. Nhật Bản sử dụng loại bóng và gậy nhỏ hơn so với Mỹ. Hơn nữa, việc khiêu khích đối thủ không được ủng hộ ở Nhật Bản, dù điều này khá phổ biến ở Mỹ. Những sự thay đổi này là để phù hợp với văn hóa và xã hội Nhật Bản, nhưng dù thay đổi thế nào thì tinh thần thể thao vẫn luôn được đề cao.
Những quy định cơ bản của môn bóng chày
Một trận bóng chày gồm có 9 hiệp và không bị giới hạn thời gian như bóng đá. Sau 9 hiệp đó, đội nào có nhiều điểm hơn thì sẽ chiến thắng. Trong từng hiệp, mỗi đội sẽ có hai lượt: tấn công và phòng thủ. Số trọng tài trong mỗi trận không cố định, tuy nhiên thường mỗi trận bóng sẽ có 4 trọng tài, và con số này có thể tăng lên nếu đó là những trận đấu quan trọng.
Mỗi lần thi đấu gồm có hai đội, mỗi đội 9 người. Trong đó, có một người bắt bóng và một người ném bóng là cố định. Những cầu thủ còn lại thì chạy trên sân để bắt bóng.
- Cầu thủ ném bóng (Pitcher): Đây là cầu thủ giữ vai trò quan trọng nhất trong đội. Họ sẽ đứng đối diện và ném thẳng về phía cầu thủ bắt bóng. Người ném bóng cũng được coi là một cầu thủ sân trong.
- Cầu thủ bắt bóng (Catcher): Nhiệm vụ chính của họ là chụp và ném trả bóng lại cho pitcher, cố gắng ngăn không cho những cầu thủ đang chạy trên sân bắt được bóng và mang về sân nhà để ghi điểm.
- Cầu thủ thứ nhất (First baseman): Với nhiệm vụ là chụp được những trái bóng ném ra từ đồng đội sân trong, nó khá là đơn giản so với các nhiệm vụ của cầu thủ còn lại.
- Cầu thủ thứ hai (Second baseman): Vị trí này đòi hỏi cầu thủ cần có nhiều kỹ năng để có thể bảo vệ second base.
- Cầu thủ thứ ba (Third baseman): Dù chỉ với nhiệm vụ bắt bóng nhưng vị trí này lại được tăng độ khó lên khi phải ném lại bóng cho cầu thủ thứ nhất và thứ hai.
- Cầu thủ trung tâm (Shortstop): Với trình độ phòng thủ tốt nhất trong đội bóng, đây là vị trí đòi hỏi tính chính xác và độ nhanh nhạy cao.
- Cầu thủ ngoài sân cánh phải (Right fielder): Đây là cầu thủ với nhiệm vụ phòng thủ phía ngoài sân đứng ngay sau cầu thủ thứ hai của đội bóng.
- Cầu thủ ngoài sân cánh trái (Left fielder): Với nhiệm vụ khá giống với cầu thủ ngoài sân cánh phải, họ chỉ khác vị trí là đứng bên ngoài sân trái và đứng sau cầu thủ trung tâm.
- Cầu thủ ngoài sân trung lộ (Center fielder): phòng thủ vị trí giữa sân phía sau cầu thủ thứ hai, thường là cầu thủ có chạy nhanh nhất trong 3 cầu thủ ở ngoài sân.
Bóng chày trong cuộc sống người Nhật
Với một đất nước có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới, từ khi còn nhỏ, việc chú trọng vào thể thao cho con trẻ được các bố mẹ Nhật đặc biệt quan tâm. Bóng chày là một sự lựa chọn ưu tiên khi các em đã quen với những bài thể dục hàng ngày. Không chỉ vậy, kể cả những người đã có tuổi, đây cũng là một môn thể thao không thể thiếu mỗi khi rảnh rỗi. Đúng như tên gọi "Môn thể thao vua", không có người Nhật nào mà không biết về môn bóng chày cả.
Hằng năm ở Nhật có rất nhiều giải thi đấu bóng chày, từ các giải đấu chuyên nghiệp cho đến nhưng giải đấu của học sinh ở các trường trung học. Dù là giải đấu nào thì cũng được thu hút nhiều người xem và đến cổ vũ. Giải vô địch bóng chày trung học quốc gia diễn ra ở sân vận động Koshien và được trực tiếp trên TV là giải đấu được nhiều người quan tâm nhất, thu hút hơn 50.000 người xem mỗi năm.
Bóng chày còn là nguồn cảm hứng của nhiều mangaka (họa sĩ truyện tranh). Nếu là một tín đồ của manga hay anime và thích thể loại thể thao thì hẳn đã ít nhất một lần bạn nghe qua những cái tên như Touch, Ace of Diamond, Major, Big Windup! (Okiku Furikabutte),... đó đều là những bộ truyện tranh, phim hoạt hình nổi tiếng về bóng chày. Ngoài ra, đối với người Nhật ở thế hệ 6x, 7x thì trong lòng họ còn có một bộ truyện huyền thoại về bóng chày là Captain. Bộ truyện này xuất bản vào những năm 70, nên khá xa lạ đối với những fan manga/anime sau này.
Ở Nhật còn có nhiều cầu thủ nổi tiếng, từng chơi cho các đội bóng nước ngoài và đạt được nhiều danh hiệu như Ichiro Suzuki, Shohei Ohtani, Hideki Matsui. Trong đó thì Ichiro Suzuki là “thần tượng” trong lòng nhiều người Nhật, anh được tôn vinh là biểu tượng của tính cách con người Nhật Bản, mang văn hóa Nhật Bản ra thế giới. Các đội bóng nổi tiếng ở Nhật Bản là Hanshin Tigers, Hiroshima Carps và Yomiuri Giants.
Nếu bạn chưa biết lựa chọn cho mình một môn thể thao nào để thử trải nghiệm trong thời gian tới, thì bóng chày là một lựa chọn không tồi. Hiện nay, Việt Nam cũng có thêm nhiều trung tâm và câu lạc bộ dạy bóng chày phù hợp với mọi lứa tuổi. Hãy thử và chắc chắn nó sẽ không làm bạn thất vọng!
kilala.vn