Bỉ ngạn: Sắc đỏ ma mị của mùa thu Nhật Bản

Bài: Hoàng QuyênSep 29, 2021

Từ giữa tháng 9 đến tháng 10 là khoảng thời gian những cánh đồng hoa bỉ ngạn khoe sắc đỏ rực, báo hiệu mùa thu về trên đất nước Nhật Bản. Mang màu sắc rực rỡ với những cánh hoa mong manh nhưng bỉ ngạn lại là loại hoa chứa độc tính cực mạnh, đồng thời gắn liền với nhiều truyền thuyết bi thương.

Theo quan niệm được lưu truyền ở đất nước Phù Tang, bỉ ngạn là loài hoa đại diện cho nỗi đau thương và những điềm gở với những cánh hoa đỏ rực tỏa ra bầu không khí đầy bí ẩn. Loài hoa này có ở nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… và ở Việt Nam, hoa cũng được gieo trồng phục vụ nhu cầu làm cảnh, đặc biệt là tại khu vực Đà Lạt. Tuy nhiên ở mỗi nền văn hóa, hoa bỉ ngạn lại mang một ý nghĩa riêng. Nhiều người chú ý đến hoa bỉ ngạn không chỉ bởi vẻ đẹp mà còn ở sự độc đáo “hoa tàn thì lá mọc, lá rụng thì hoa nở”, mãi mãi không gặp được nhau.

hoa bỉ ngạn

Cánh đồng hoa bỉ ngạn rực rỡ. Ảnh: Ikidane Nippon

Hoa bỉ ngạn là gì? 

Bỉ ngạn có tên trong tiếng Nhật là Higanbana (彼岸花) – là một loài hoa thuộc họ Lycoris, hay còn được biết đến với tên gọi hoa huệ đỏ/hoa Equinox. Đây là loài cây lâu năm thường mọc ở nơi có nhiều ánh nắng như ven đường, bờ ruộng, bờ đê và nghĩa địa. Mỗi đóa hoa gồm 5 đến 7 nụ nở tỏa đều các hướng trên ngọn thân cây xanh lục mọc thẳng đứng. Hoa bỉ ngạn có nhiều màu khác nhau nhờ vào nhân giống, nhưng màu đỏ là phổ biến nhất ở Nhật. Ngoài ra, hoa bỉ ngạn ở Nhật chỉ có giống cái, nên cây sẽ được trồng bằng củ chứ không phải hình thức thụ phấn nhờ cây đực. 

hoa bỉ ngạn
Những cánh hoa bỉ ngạn mỏng manh, mang vẻ đẹp ma mị. Ảnh: Horti

Vào tuần lễ Thu phân (彼岸 - Higan)*, người dân Nhật Bản thường viếng mộ và tưởng nhớ linh hồn của người đã khuất trong gia đình. Trong khoảng thời gian này, đêm thường dài hơn ngày nên bầu không khí càng trở nên u ám hơn bình thường. Đây cũng là thời điểm những bông hoa bỉ ngạn bắt đầu nở rộ, nên người ta lấy tên Higanbana để đặt cho loài hoa này.

Tại công viên Kinchakuda Manjushage ở Hidaka, tỉnh Saitama, Nhật Bản, bạn có thể tìm thấy hơn 5 triệu bông hoa bỉ ngạn đỏ đang sinh trưởng và phát triển. Khi thu đến, nơi đây ngập tràn sắc đỏ và là địa điểm yêu thích của nhiều người.

*Higan (彼岸) là tuần lễ Phật giáo được tổ chức vào hai dịp trong năm: ba ngày trước và sau Xuân phân, ba ngày trước và sau Thu phân. Dịp mùa xuân còn được gọi là Haru higan (春彼岸) và mùa thu là Aki higan (秋彼岸)

Hoa bỉ ngạn trong đời sống của người Nhật

Tưởng niệm người đã khuất

Nhật Bản thời nay rất thịnh hành hình thức hỏa táng, nhưng người Nhật khi xưa thường chôn trực tiếp thi thể người đã khuất xuống đất nên việc chuột chũi, cáo hay lửng ăn di thể là chuyện dễ dàng xảy ra. Do đó, trồng hoa bỉ ngạn được xem là một giải pháp ngăn chặn điều này, vì trong hoa bỉ ngạn có độc nên chuột chũi cũng như các loài động vật khác sẽ tránh xa, giúp bảo vệ các ngôi mộ. 

hoa bỉ ngạn
Ảnh: The Gate

Ngoài ra, nhiều Phật tử cũng trồng hoa bỉ ngạn vào mộ phần của người đã khuất để bày tỏ lòng thành kính, rằng họ vẫn luôn ghi nhớ và kính trọng những người không còn ở trần thế.

Bảo vệ mùa màng

Hoa bỉ ngạn nở vào mùa thu, ngay khi không khí oi bức mùa hè vừa chấm dứt, đây cũng là thời điểm ruộng lúa bắt đầu chín. Chính vì thế, hoa bỉ ngạn được người nông dân trồng quanh ruộng lúa để ngăn chuột đồng và sâu bệnh phá hoại mùa màng. Nếu đi về miền quê Nhật Bản vào mùa này, không khó để bắt gặp những đóa hoa bỉ ngạn đỏ thắm nổi bật xen lẫn màu vàng của lúa chín.
hoa bỉ ngạn
Ảnh: gltjp

Có nhiều dược tính

Dù chứa chất độc nhưng hoa bỉ ngạn vẫn được trồng rộng rãi, không chỉ bởi vẻ đẹp mà loài hoa này còn có dược tính hữu ích. Theo tạp chí Weed Biology and Management, khi trồng cây trong đất trộn với lá bỉ ngạn, cây trồng bị ức chế sinh trưởng nên bỉ ngạn được xem là có tiềm năng làm cây che phủ mặt đất giúp phòng trừ cỏ dại.

Theo y học cổ truyền Trung Quốc, củ bỉ ngạn đắng và độc nên nếu ăn nhầm có thể bị ngộ độc, nôn mửa, tê liệt thần kinh… và thậm chí tử vong. Tuy nhiên, nếu được dùng với liều lượng phù hợp, các hoạt chất như lycopene và galantamine trong củ bỉ ngạn sẽ giúp giảm đau, sưng, chống viêm, giảm nôn, an thần, hỗ trợ điều trị ung thư, bại liệt…

Loài hoa đẹp nhưng độc

Bỉ ngạn cho nở ra đóa hoa đỏ rực, màu sắc tươi thắm, cánh hoa dài lớn, đẹp mĩ miều. Cho dù đẹp đến thế nhưng bạn không thể tùy tiện ngắt hoa khi bắt gặp chúng trên đường, đó là vì hoa có độc. Chính xác là trên cánh hoa, lá, thân, rễ, tất cả đều có độc. Hoa bỉ ngạn quả thật là loài thực vật “độc toàn thân”. 

Bộ phận đặc biệt có nhiều độc tính là phần củ, có dạng hình cầu, với các mảnh nhỏ như vảy cá xếp chồng lên nhau bao bọc chung quanh. Bỉ ngạn nở hoa trước, hoa tàn, sau đó thân và lá cũng héo đi, chỉ còn củ nằm lại dưới lòng đất, năm qua năm lại tiếp tục nở hoa.

hoa bỉ ngạn

Ảnh: sinjijapan

Trong hoa bỉ ngạn có chứa chất độc lycorine là một trong những loại ancaloit. Khi ăn phải lycorine sẽ bị nôn mửa, tiêu chảy, khó thở, trường hợp xấu nhất có thể gây chết người. Lượng lycorine chứa trong mỗi cây hoa bỉ ngạn là khoảng 15mg (0,5 mg trong mỗi gam củ tươi và 0,3 mg trong mỗi gam lá tươi). Lượng lycorine dẫn đến tử vong khi nuốt phải chất độc này là 10g, ước lượng khoảng 667 cây hoa bỉ ngạn. 

Tuy nhiên, chỉ chạm vào hoa bỉ ngạn thì sẽ không gây hại gì cho cơ thể con người. Nhưng khi đã chạm vào hoa, nếu không rửa tay mà dùng để bốc thức ăn thì vẫn có nguy cơ chất độc sẽ xâm nhập vào trong cơ thể. Tốt nhất nên rửa sạch tay bằng nước khi đã chạm vào hoa bỉ ngạn và đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu trúng độc.

Hoa bỉ ngạn có nhiều tên gọi khác nhau

Manjushage (曼珠沙華)

Đại diện đầu tiên khi nhắc đến những cái tên được đặt cho loài hoa này là Manjushage (曼珠沙華) – Mạn Châu Sa Hoa. Trong tiếng Phạn, nó có tên là "manjusaka", tức "bông hoa nở trên trời" (Tenjou no Hana - 天上の花) để kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca thuyết giảng Kinh Pháp Hoa.

Sutekobana  (捨て子花)

Cách ra hoa của bỉ ngạn cũng khá độc đáo. Từ trước đến nay, tất cả các loài thực vật đều có lá trước khi đơm hoa. Bỉ ngạn thì ngược lại. Hoa nở trước rồi mới có lá. Hoa tàn đi thì lá mới mọc. Vì lý do này nên cái tên Sutekobana (捨て子花) – “hoa mồ côi” ra đời, ý nói con cái (hoa) không gặp được cha mẹ (lá).
hoa bỉ ngạn
Ảnh: blog.udn

Namuamidabutsu (南無阿弥陀仏) – Nam Mô A Di Đà Phật

Câu này ban đầu được dùng để niệm trong Tịnh Thổ Tông và Tịnh Độ Chân Tông (các giáo phái của Phật Giáo) để bày tỏ lòng sùng kính đối với Phật A Di Đà. Khi một người chết đi vì trúng độc hoa bỉ ngạn, mọi người sẽ đến lễ tang và niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Vì thế câu niệm này cũng được dùng để đặt tên cho hoa.

Ngoài ra hoa bỉ ngạn còn có một số cái tên khác:

- Oyashine Koshine (親死ね子死ね) – “cha mẹ chết đi, con chết đi ” từ câu chuyện cha mẹ và con cái giết hại lẫn nhau bằng chất độc của hoa bỉ ngạn.

- Từ đặc điểm không thể nhìn thấy hoa và lá cùng một lúc nên bỉ ngạn còn được gọi là Hamizu Hanamizu (葉見ず花見ず) – “không hoa, không lá”. 

- Người thời xưa còn gọi đóa hoa này là Shibitobana (死人花) – hoa xác chết, hay Jigokubana (地獄花) – hoa địa ngục.

hoa bỉ ngạn

Ảnh: looknews

- Nodoyakebana (喉焼花) – “hầu thiêu hoa”: mang ý nghĩa chết vì trúng độc.

- Yureibana (幽霊花) – “Ưu linh hoa” cũng mang màu sắc cổ quái u buồn. Vào thu, mỗi cây hoa bỉ ngạn chỉ đơn độc mọc ra một thân, mạnh mẽ vươn mình lên cao, rồi những đóa hoa đỏ rực bắt đầu nở rộ. Những cánh hoa mong manh, lặng lẽ nhưng tỏa ra một thứ ma lực khiến người ta rợn người. 

- Nhiều cái tên cũng được ra đời dựa vào màu sắc của hoa như: Kajibana (火事花) – hoa đám cháy, Touroubana (灯籠花) –  hoa đèn lồng, Kitsunebana (狐花) – hoa hồ ly, Kaminaribana (雷花) – hoa sấm sét...

Xuất hiện trong Anime

Trong phim hoạt hình Nhật, hoa bỉ ngạn gắn liền với lời tạm biệt cuối cùng, những kỷ niệm và lòng trắc ẩn nên sẽ xuất hiện ở những nơi mọi người chia tay nhau, không còn cơ hội gặp nhau nữa hay những cảnh chết chóc. Trong Anime Tokyo Ghoul, nhân vật chính Kaneki đã dần vứt bỏ bản chất con người để trở thành bộ dạng nửa người nửa quỷ ăn thịt người, hoa bỉ ngạn đỏ chính là hình ảnh đại diện cho phần “quỷ” trong nhân vật này.
hoa bỉ ngạn
Bỉ ngạn xanh được nhắc đến trong Kimetsu no Yaiba. Ảnh: looknews

Hoa bỉ ngạn xanh từng xuất hiện trong bộ truyện tranh nổi tiếng Kimetsu no Yaiba khi Muzan nỗ lực tìm kiếm loài hoa này để điều chế thuốc trường sinh và không còn phải trốn chạy ánh nắng mặt trời. Hoa bỉ ngạn xanh không có thực nhưng có một loại hoa cùng họ Lycoris với bỉ ngạn gọi là Lycoris sprengeri (Electric Blue Spider Lily). Loài hoa này có cánh màu tím hồng và một chút màu xanh ở đầu cánh hoa, mỗi đóa hoa cũng có 5 đến 7 nụ mọc tỏa thành vòng tròn trên đỉnh của thân cây. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU