Bí ẩn về Taikomochi - Geisha nam thời phong kiến của Nhật Bản

Bài: NatsumeMar 2, 2022

Geisha với gương mặt trắng, môi đỏ, mặc áo kimono bằng lụa sang trọng, tinh tế, duyên dáng và bí ẩn. Họ là một biểu tượng truyền thống của Nhật Bản, một định nghĩa về nữ tính và cám dỗ bắt nguồn từ sự phát triển văn hóa của… đàn ông?

Taikomochi là gì?

Trái ngược với mọi hình ảnh và cảm xúc mà các nữ Geisha gợi lên trong xã hội ngày nay, những Geisha đầu tiên thực sự là đàn ông. Họ được gọi là “Taikomochi - 太鼓持” hay “Hokan - 幇間”, Geisha nam chính gốc, đầu tiên của Nhật Bản.
taikomochi

Taikomochi là một cái tên ít trang trọng hơn đối với những người đàn ông này, chữ Taiko có nghĩa là “cái trống” nên Taikomochi có thể hiểu là “người mang trống”, mặc dù không phải tất cả họ đều sử dụng trống.

Hokan đóng vai trò quan trọng

Hokan hay Taikomochi xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1300 với tư cách là phụ tá chính cho Daimyo (lãnh chúa phong kiến) của Nhật Bản. Họ không chỉ cung cấp dịch vụ giải trí tương tự như Jester – những người pha trò trong nhà quý tộc ở thời kỳ Trung cổ và Phục hưng, mà các Taikomochi còn là những cố vấn quân sự và chiến lược gia tham gia vào các trận chiến.
Taikomochi
Bức tranh “Party Scene in the Yoshiwara” (1800) của Gessai Gabimaru được cho là có sự xuất hiện của Taikomochi. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Boston

Những ngươi đàn ông này cũng tài năng không kém và được đánh giá cao về các kỹ năng của mình như: một quân sư, một người lính hay nghệ nhân trà đạo.

Trong những năm 1600, khi Nhật Bản bước vào thời kỳ hòa bình, vai trò của Taikomochi bắt đầu thay đổi. Không còn cần hỗ trợ chiến tranh, họ trở thành Otogishu hoặc Hanashishu - người kể chuyện. Với khiếu hài hước cùng vốn hiểu biết sâu rộng, những câu chuyện của họ nhanh chóng thu hút được sự chú ý và yêu thích.

Hokan

Ảnh: Wikipedia

Vào thời kỳ đỉnh cao của sự nổi tiếng, số lượng Taikomochi có khi lên đến 500 - 600 người ở Nhật Bản.

Sự suy tàn của đế chế Taikomochi

Năm 1751, nữ Taikomochi đầu tiên, được gọi là Onna Geisha đã xuất hiện tại một bữa tiệc tối làm cục diện thay đổi. Nét quyến rũ, khả năng ca hát, nhảy múa của cô đã làm say lòng các vị khách. Cô được gọi là Geiko, thuật ngữ chỉ các Geisha ở Kyoto ngày nay.

Vào cuối những năm 1700, Geisha ngày càng vượt xa Taikomochi về số lượng và những Taikomochi trở nên ít ỏi đến mức họ bắt đầu được gọi với cái tên Otoko Geisha (Geisha nam).

geisha

Sự xuất hiện của các Geisha đã làm lung lay vị trí của Taikomochi. Ảnh: blog.spiceroads

Trong "Geisha: The Secret History of a Vanishing World" của Lesley Downer, tác giả ghi nhận rằng tại Yoshiwara vào năm 1770, có 16 Geisha nữ và 31 Geisha nam. Năm 1775 có 33 Geisha nữ, và vẫn còn 31 Geisha nam. Nhưng vào năm 1800, có 143 Geisha nữ trong khi chỉ có 45 Geisha nam. Phụ nữ bắt đầu tiếp quản lĩnh vực này và vai trò của nam giới một lần nữa thay đổi, họ đảm nhận vai trò hỗ trợ phụ nữ trong các bữa tiệc.

taikomochi Arai

Arai là một trong năm Taikomochi thực thụ hiếm hoi còn lại ở Nhật Bản, hiện ông đang sống ở Kyoto. Ảnh: Mitene.or.jp

Ngày nay, khi ngay cả Geisha cũng dần sụt giảm về số lượng do nhu cầu thay đổi của xã hội thì Taikomochi cũng không ngoại lệ. Sau thời kỳ đỉnh cao với hơn 500 nghệ giả, chỉ còn lại 5 Taikomochi trên toàn Nhật Bản, 4 ở Tokyo và 1 ở Kyoto. Nét văn hóa truyền thống, nơi đàn ông tạo ra và phụ nữ tinh luyện, nay đang dần bị suy yếu và đứng trước nguy cơ biến mất.

Sức ảnh hưởng của văn hóa Taikomochi và Geisha nam đối với cuộc sống hiện đại

Mặc dù văn hóa của Taikomochi hiện nay không còn thịnh hành nhưng lại là tiền đề cho những club tại Nhật, nơi phụ nữ đến để gặp gỡ, trò chuyện với những người đàn ông thời trang, vui vẻ, đẹp trai và thường được gọi là “kỹ nam”. Phần lớn các cơ sở này nằm ở các thánh địa về đêm của Nhật Bản, như khu đèn đỏ Kabuki-cho của Tokyo ở Shinjuku.
Geisha nam nổi tiếng nhất nhật bản - roland
Roland được xem là "King of the Hosts" với doanh thu siêu khủng. Ảnh: Nextshark

Tuy nhiên, khác với Taikomochi hay Geisha “chỉ bán nghệ, không bán thân”, các kỹ nam này lại chấp nhận phục vụ khách tối đa với mục đích cuối cùng là “lấy tiền” của khách. Càng “moi” được nhiều tiền của khách, các kỹ nam càng nhận được nhiều tiền hoa hồng. Thậm chí nếu may mắn gặp khách “sộp”, họ sẽ được tặng thêm những món đắt tiền như xe hơi, đồng hồ, quần áo, căn hộ…

Xem thêm: Kỹ nam ở Nhật Bản: Sự tồn tại đối lập với Geisha

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU