Bí ẩn lịch sử về những vụ bắt cóc người Nhật của Triều Tiên
Bài: Ái Thương
Oct 11, 2021
Nguồn: Japan Forward, The Washington Post
Ảnh bìa: ABC News
Vào những năm cuối thập niên 70, có rất nhiều công dân Nhật Bản đã mất tích kỳ lạ. Theo kết quả điều tra, họ bị đưa đến Triều Tiên để thực hiện công cuộc đào tạo đội quân gián điệp.
Những vụ bắt cóc táo bạo khiến tình hình chính trị rối ren
Trong khoảng thời gian từ năm 1977 đến năm 1983, Chính phủ Nhật Bản từng xác nhận chắc chắn rằng có 17 công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Trong đó, vụ bắt cóc gây chấn động nhất là vụ việc của Megumi Yokota, 13 tuổi.
Vào ngày 15/11/1977, nữ sinh Megumi sống tại tỉnh Niigata đang trên đường đi học về thì bất ngờ bị một đám người tấn công và mang đi. Trước đó, vào tháng 9/1977, Kume Yutaka, 52 tuổi, sống ở Tokyo cũng được thông báo là mất tích khi đi đến khu vực Bán đảo Noto ở tỉnh Ishikawa.
Vào năm 1978 cũng đã xảy ra nhiều vụ bắt cóc tại khu vực ven biển. Ngày 7/7/1978, Chimura Yasushi, 23 tuổi, cùng với vị hôn thê Fukie cũng biến mất khi hai người đang hẹn hò bên bờ biển gần thành phố Obama ở tỉnh Fukui.
Một cặp đôi khác là Hasuike Kaoru, 20 tuổi, và bạn gái Okuda, 22 tuổi, cũng đã biến mất vào ngày 31/07/1978 tại tỉnh Niigata, cùng nơi Megumi Yokota đã mất tích trước đó. Sau đó, vào ngày 12/08/1978, bà Hitomi Soga cũng bị ba người đàn ông tấn công và bắt cóc khi đang đi mua sắm cùng con gái.
Những vụ án mất tích tại các địa phương ven biển cứ thế ngày một tăng lên khiến dư luận hoang mang và phẫn nộ. Cảnh sát vào cuộc điều tra và cho rằng các công dân Nhật Bản đã bị điệp viên Triều Tiên bắt cóc, nạn nhân bị tấn công, đánh thuốc mê đến bất tỉnh rồi đưa lên tàu rời khỏi nước Nhật. Kết luận này được đưa ra dựa trên những tiết lộ của điệp viên Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản.
Họ đã khai rằng chính quyền Bình Nhưỡng đứng sau các vụ bắt cóc người nước ngoài vào thập niên 1980. Thời điểm đó, Chính phủ Nhật khẳng định rằng những công dân mất tích đều là nạn nhân của các vụ bắt cóc từ Triều Tiên nhưng thiếu bằng chứng cụ thể để đối chất. Mối quan hệ Nhật Bản - Triều Tiên vì vậy mà trở nên căng thẳng.
Đến năm 2002, khi Thủ tướng Koizumi Junichiro đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong Il, Chính quyền Triều Tiên đã thừa nhận có 13 trường hợp bị bắt, trong số đó có 8 người đã chết và đồng ý thả tự do cho 5 người còn lại. Phía Nhật xác định thông tin Triều Tiên đưa ra không chính xác bởi con số nạn nhân là 17 người.
Qua đó, Nhật Bản cũng cáo buộc Triều Tiên xử lý các vụ bắt cóc chưa thỏa đáng, đồng thời yêu cầu tiếp tục điều tra và trả về nước những con tin còn sống. Năm 2014, hai nước đồng ý thỏa thuận mở lại cuộc điều tra về những người bị bắt cóc nhưng sau đó, Triều Tiên đã giải thể ban điều tra.
Số phận của những nạn nhân
Ông Hasuike Kaoru, một trong năm người bị bắt cóc được phía Triều Tiên trả về quê hương vào năm 2002 đã kể lại câu chuyện của mình. Sau cái ngày định mệnh 31/07/1978 đó, Hasuike và bạn gái đã bị chia cắt, ông bị những kẻ bắt cóc ép uống một loại thuốc khiến cơ thể mê man, rồi bị đưa lên thuyền.
Khi Hasuike tỉnh dậy thì phát hiện mình đã được đưa đến cảng Chongjin ở Triều Tiên. Từ đây, ông phải sống gần 25 năm tại một khu chuyên biệt dành cho những người nước ngoài bị bắt cóc để phục vụ chính quyền Bình Nhưỡng.
Hasuike phải trải qua khóa học chính trị, học bản ngữ và phục tùng mọi chỉ thị đề ra để tồn tại. Sau đó, ông được đưa đi đào tạo ngoại ngữ với nhiệm vụ dạy các mật vụ Triều Tiên nói tiếng Nhật. Ông nghi ngờ rằng hoạt động này để thực hiện công cuộc tạo ra đội quân gián điệp gây rối chính trị tại Nhật Bản.
Nghi vấn của ông đã chính xác khi nữ mật vụ Kim Hyon Hui, người đặt bom trên chuyến bay của hãng hàng không Korean Air vào năm 1987 bị bắt. Cô ta đã khai báo về việc được công dân Nhật Bản dạy tiếng để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Sau đó, Hasuike được giao công việc dịch bài viết trên các tạp chí và báo Nhật Bản sang tiếng Triều Tiên. Ông may mắn hơn những nạn nhân khác vì đã được đoàn tụ với bạn gái sau 18 tháng bị chia cắt. Hai người đã kết hôn và sinh được hai con. Năm 2002, Hasuike và vợ được chính phủ Triều Tiên cho phép trở về thăm gia đình trong một tuần, hai người con của họ bị giữ lại để làm con tin.
Sau khi về Nhật Bản, Hasuike quyết định không trở lại Triều Tiên nữa, họ tin rằng nếu ở lại quê hương, phía Triều Tiên trước sau gì cũng sẽ trao trả con lại cho họ. Quả đúng như vậy, vào năm 2004, vợ chồng Hasuike đã được đoàn tụ với hai con.
Trải qua nhiều biến cố, ông Hasuike cùng bốn người khác đã trở về Nhật Bản. Còn những nạn nhân khác thì sao? Phía Triều Tiên cho biết họ đã chết nhưng Nhật Bản bác bỏ điều này. Sự phủ nhận này được đưa ra dựa trên những bí ẩn chưa có lời giải về cái chết của Megumi Yokota.
Megumi là nữ sinh 13 tuổi bị bắt cóc vào năm 1977, năm 2004 Triều Tiên trao trả hài cốt của cô cho phía Nhật Bản. Tuy nhiên, xét nghiệm ADN cho thấy đó không phải là hài cốt của Megumi và hồ sơ y khoa của cô do chính quyền Triều Tiên cung cấp thì chứa đầy lỗi và có dấu hiệu giả mạo.
Theo lời kể của ông Hasuike, khi bị bắt sang Triều Tiên, gia đình ông đã từng sống gần nơi ở của Megumi Yokota trong nhiều năm. Ông cho biết, về sau Megumi đã kết hôn với một người đàn ông Triều Tiên. Ông thấy cô lần cuối vào năm 1994, khi Megumi đang rơi vào trạng thái trầm uất do mắc một chứng bệnh tâm lý và được đưa đến bệnh viện ở nơi khác để chữa trị.
Tuy nhiên, phía Triều Tiên lại thông báo rằng Megumi đã tự tử vào ngày 13/03/1993. Những điểm nghi vấn này khiến gia đình của Megumi ở Nhật tin rằng cô vẫn còn sống và chưa bao giờ từ bỏ hy vọng tìm lại được con gái đã mất tích.
Tháng 3/2014, tại thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ, cha mẹ của Megumi là ông Shigeru Yokota và bà Sakie đã đến gặp cô bé Kim Eun Gyong, người có xét nghiệm ADN trùng khớp với Megumi, được cho là con gái của Megumi. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải chấp nhận sự thật Megumi đã ra đi.
Vào tháng 07/2014, cảnh sát Nhật Bản bắt đầu công bố các bức ảnh và thông tin chi tiết của hàng trăm người mất tích trong vòng 60 năm qua, được cho là do mật vụ Triều Tiên bắt cóc. Tuy nhiên, nhiều gia đình nạn nhân đã từ chối cho phép cảnh sát công khai các vụ việc.
Số phận của những công dân Nhật bị bắt cóc đưa đến Triều Tiên vẫn còn là một ẩn số chưa có lời giải. Họ còn sống hay đã chết? Hiện nay, gia đình của các nạn nhân vẫn cố gắng tìm kiếm, nỗ lực đấu tranh để được gặp lại người thân, những con người vô tội đã bị tước đoạt đi quyền tự do, phải rời khỏi quê hương để trở thành “quân cờ” trong âm mưu chính trị.
kilala.vn