Nếu châu Âu thế kỷ 20 xuất hiện phong trào nghệ thuật Dada nhằm chế giễu những thứ mà các thành viên của nó xem là vô nghĩa về thế giới hiện đại, thì ở Nhật thời Minh Trị cũng có phong trào chống lại phong cách thời trang phương Tây, bày tỏ quan điểm sự nam tính của người đàn ông không thể hiện ở trang phục. Phong trào này được gọi là Bankara.
Bankara là gì?
Thuật ngữ "Bankara - 蛮カラ" được ghép bởi chữ “Ban - 蛮” trong "野蛮" (dã man, man rợ) và “Kara - カラ” trong "ハイカラ" (cổ cồn cao - high collar). Những người theo phong cách này sẽ để tóc dài, bù xù và mặc quần áo sờn rách. Bởi niềm tin của họ cho rằng phẩm chất của một người đàn ông mới là điều quan trọng chứ không phải ngoại hình.
Tuy nhiên không chỉ có thế, ẩn sau “cuộc chiến” về thời trang này là quan niệm về sự lý tưởng hóa đất nước: giữa nam tính và nữ tính; giữa dân tộc hóa và quốc tế hóa; giữa “đạo đức” của chủ nghĩa truyền thống và “sự suy đồi” của chủ nghĩa hiện đại. Và như một lời tuyên chiến với những đổi mới từ phương Tây.
Nguyên nhân đến từ cải cách trang phục
Năm 1875, sau khi Thiên hoàng Minh Trị quyết định cải cách trang phục, đã có nhiều ý kiến phản đối việc áp dụng trang phục phương Tây cho tất cả các tầng lớp. Theo lập luận của Shimazu Hisamitsu – Samurai và là người cai quản miền Satsuma, trang phục truyền thống là cần thiết đế phân biết tầng lớp thượng lưu, trung lưu và hạ lưu ở Nhật.
Tuy nhiên chính phủ lại cho rằng trang phục Tây phương mới của Hoàng đế được chấp nhận vì "vẻ đẹp và chất lượng của các nước châu Âu".
Năm 1879, Họa sĩ Honda Kinkichiro bắt đầu châm biếm chính phủ thông qua việc xuất bản các tác phẩm miêu tả chính phủ như những con khỉ vì họ bắt chước người phương Tây. Nhiều bình luận của các nhà phê bình về những người mặc trang phục phương Tây nhưng không phù hợp với cơ thể.
Quá trình này bắt đầu trước tiên với thời trang nam giới. Kiểu tóc cạo trọc và búi cao nhường chỗ cho tóc cắt kiểu Âu; vào giữa những năm 1880, 90% đàn ông Tokyo để tóc theo kiểu châu Âu. Giày đã thay thế guốc gỗ Geta. Bộ vest, mũ và cà vạt thay thế Hakama và Haori.
Trong xã hội thượng lưu, trang phục lộng lẫy kiểu phương Tây trở thành ví dụ dễ thấy nhất về việc sống theo khẩu hiệu mới: Văn minh khai hóa (Bunmei Kaika - 文明開化).
Các quan chức của Nhật Bản đã tìm cách tạo ra một vẻ ngoài lịch sự, sạch sẽ, hiện đại cho người dân của đất nước họ. Thiên hoàng Minh Trị cắt tóc ngắn, điều này đã thúc đẩy người dân thường noi gương. Năm 1898, sự thay đổi từ trên xuống trong thời trang này được gọi là phong trào “cổ cồn cao”.
Nhưng khi quần áo và phong cách cũ chuyển sang một hình thức mới chịu ảnh hưởng của phương Tây, một phong trào phản đối đã nổi lên để thách thức sự thay đổi này – Bankara.
Những người theo phong cách Bankara có thể dễ dàng nhận ra nhờ ống tay áo xắn lên, cẳng tay lộ ra, luộm thuộm và nước da ngăm đen. Bankara được các sinh viên trẻ yêu thích vì niềm tin vào "hành động hơn lời nói, quan niệm lãng mạn về sự phiêu lưu và táo bạo”.
Bên cạnh đó, họ muốn cơ thể mình cũng phải khỏe mạnh để sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào. Các tạp chí Bankara như Boken Sekai luôn đăng tải hình ảnh những người đàn ông cơ bắp. Mọi khía cạnh về ngoại hình của họ đều nhằm thể hiện quan niệm - tăng cường thể chất để phục vụ đất nước.
Soshi – những người nhân danh cải cách thời trang
"Soshi - 壮士" (tráng sĩ) được xem là những người khởi xướng Bankara. Họ thường là con trai của các cựu Samurai bên phe thua cuộc trong cuộc Minh Trị Duy Tân. Soshi là những người trẻ, năng động và có động cơ chính trị. Hệ tư tưởng của họ là căm ghét chế độ Minh Trị và sẵn sàng sử dụng bạo lực để mang lại thay đổi chính trị.
Năm 1887, nhà báo kiêm nhà sử học thời Minh Trị Tokutomi Soho đã mô tả cảm xúc của mình đối với Soshi như sau: “Họ nhu nhược, hẹp hòi, cố chấp và lập dị, những điều này rõ ràng không đáng được khen ngợi. Nhưng khi người ta chứng kiến sự phẫn nộ, sự chính trực bất khuất và tinh thần yêu nước cao cả của họ, và khi họ hành động, tự hào mình là người Nhật (Nippon danji), thì họ trở nên vô cùng hấp dẫn”.
Tuy vậy, dường như Soshi đã đi ngược lại với mục đích ban đầu khi họ tham gia vào những cuộc tấn công, điển hình như vụ ám sát Hoàng hậu Minh Thành (Hoàng hậu Myeongseong) của Triều Tiên. Xuất phát từ quan điểm của Soshi, họ tức giận với việc một người phụ nữ nắm giữ quyền lực chính trị to lớn.
Sự lụi tàn của Bankara
Khi chiến tranh kết thúc, ngày càng có nhiều người cảm thấy lý tưởng của Bankara đã trở nên lỗi thời, với phong cách thời trang trở nên lạc lõng với phần còn lại của xã hội.
Các trường học cũng đã thực hiện loạt quy định hà khắc (bao gồm cả trang phục và vẻ ngoài) đã khiến Bankara khó tồn tại hơn trong chính các trường học. Trong thời kỳ hậu chiến, việc mua quần áo sản xuất hàng loạt trở nên dễ dàng hơn nên phong cách Bankara giờ đây dường như chỉ là mốt nhất thời.
Tuy nhiên, Bankara cũng sở hữu di sản của riêng mình. Ví dụ ở các trường có truyền thống Bankara trước chiến tranh, như Waseda, thì sinh viên vẫn sẽ mặc trang phục được thiết kế theo phong cách Bankara và biểu diễn ở các trận đấu thể thao. Hoặc phong cách này vẫn còn được nhắc đến trong các bộ manga, anime… ngày nay.
kilala.vn