Bài học từ người Edo để giải quyết các vấn đề đô thị

Bài: Rin
Jan 24, 2023

Nguồn: Nippon

Lối sống “xanh” chan hòa với môi trường tự nhiên của người Edo xưa rất đáng để học hỏi. 

Giống với nhiều đô thị lớn trên thế giới, Tokyo với dân số 37 triệu người cũng đang đối mặt với những vấn nạn như lượng rác thải lớn, chất lượng không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng kém thân thiện với môi trường... Ngược dòng thời gian, Edo (Tokyo ngày nay) cũng từng là một trong những thành phố lớn nhất thế giới với mật độ dân số cao, nhưng dường như con người ở thời này lại biết cách tạo dựng một xã hội bền vững. 

cầu Nihonbashi xưa và nay
Cầu Nihonbashi xưa và nay. Ảnh: Nippon 

Trong cuốn sách “Just Enough: Lessons from Japan for Sustainable Living, Architecture, and Design” (tạm dịch “Những bài học từ Nhật Bản về cuộc sống bền vững, kiến trúc và thiết kế) của Azby Brown – chuyên gia về Nhật Bản trong lĩnh vực kiến trúc, thiết kế và bảo vệ môi trường, ông chỉ rõ nhiều khía cạnh sống bền vững được người Nhật xưa áp dụng tại Edo đáng để chúng ta noi theo. 

Chú trọng hệ thống sông ngòi và kênh rạch

Một điều mà Brown chỉ ra về cuộc sống hiện đại ở Tokyo hiện nay chính là việc chính quyền địa phương đánh giá thấp về hệ thống đường thủy của thành phố. 

Trong hàng trăm năm, hệ thống sông ngòi, kênh rạch đã không ngừng được mở rộng ở Edo và được xem như một hệ thống giao thông. Nhưng sau thời Minh Trị (1868 – 1912), người Nhật dần thay thế chúng, ban đầu là bằng đường sắt, sau đó là phương tiện giao thông đường bộ khiến cho mọi người dần quên đi tầm quan trọng của sông ngòi.

Theo Brown, đây thật sự là điều vô cùng đáng tiếc bởi trong thời Edo (1603 – 1868), mối quan hệ cộng sinh với sông ngòi và biển cả phát triển hơn hiện tại. Bấy giờ, hệ thống sông ngòi vô cùng quan trọng với nghề đánh bắt cá nên người dân Edo đã cố gắng không làm ô nhiễm nguồn nước. 

cầu Nihonbashi thời Edo
Cầu Nihonbashi tấp nập thuyền qua lại vào thời Edo, tranh của họa sĩ Katsushika Hokusai. Ảnh: commons.wikimedia.org

Ông Brown phân tích thêm: “May mắn thay, hiện tại, đã xuất hiện nhận thức mới cho rằng các thành phố của Nhật Bản sẽ đáng sống hơn nếu họ quan tâm nhiều hơn đến hệ thống đường thủy. Như Nihonbashi ở Tokyo. Cây cầu này từng bị che phủ bởi một con đường cao tốc bên trên để chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic 1964. Hiện tại, đoạn đường cao tốc này đang chuẩn bị được tháo dỡ để chuẩn bị cho kế hoạch khơi thông dòng sông và làm cho hệ thống sông có thể được sử dụng trở lại”.

đường cao tốc Shuto
Đường cao tốc Shuto nằm trên con sông, nơi có cây cầu Nihonbashi nổi tiếng ở quận Chuo, Tokyo. Ảnh: Nippon 

Xử lý rác thải thông minh 

Một vấn đề khác liên quan đến quản lý nguồn nước là cách các thành phố lớn xử lý chất thải như thế nào. Tokyo sản sinh ra lượng rác thải lớn và tác động của chúng có thể thấy ở nhiều khu vực. Hiện nay, lượng lớn rác thải đã được tái chế nhưng sau cùng hầu hết chúng đều bị đốt hoặc chôn lấp. Vịnh Tokyo đang dần bị lấp đầy bởi các hòn đảo nhân tạo được xây dựng từ một phần chất thải này. 

Trước đó, vào thời Edo, chất thải của con người đã được tái chế thành phân bón dùng trong nông nghiệp. Khi ấy, tại châu Âu và Bắc Mỹ, dịch tả cùng nhiều dịch bệnh khác bùng phát dữ dội nguyên do là vì chất thải của con người bị đổ xuống sông. Tuy nhiên, đô thị Edo đã tránh được thảm họa trên nhờ vào việc họ liên tục dọn dẹp nhà vệ sinh và mang phân đến các trang trại. Người Nhật vẫn tiếp tục làm tốt việc này đến thế kỷ 19. 

trồng lúa thời Edo
Tranh Ukiyo-e về nông nghiệp vào thời Edo của họa sĩ Katsushika Hokusai. Ảnh: phys.org

Ông Brown cho biết: “Hiện nay, chúng ta sử dụng nhà vệ sinh có nút dội. Chúng sạch sẽ và an toàn, nhưng vấn đề với hệ thống này là sau cùng chúng ta vẫn đổ chất thải ra sông và nguồn nước, do vậy, điều này đòi hỏi các nhà máy xử lý rác thải dùng hóa chất để biến chúng thành nước có thể uống được lần nữa.

Quay về thời Edo, người Nhật đã xử lý chất thải của người rất tuyệt vời khi sử dụng chúng làm phân bón, vừa giúp sản xuất lương thực tốt hơn, lạ tránh được bệnh tật. Cách làm này cũng vệ sinh hơn và không gây ô nhiễm nguồn nước. Chính vì vậy, mà nhiều người truyền tai rằng bạn có thể lấy nước ở sông Sumida và pha trà uống”. 

Giảm nhiệt mùa hè

Chống lại cái nóng mùa hè là một trường hợp khác cho thấy công nghệ hiện đại đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Trong những tháng mùa hè nóng và ẩm, hầu hết các thành phố ở Nhật đều chịu ảnh hưởng của “hiện tượng đảo nhiệt” do bề mặt các tòa nhà và đường phố giữ nhiệt và phản xạ nhiệt. 

“Điều này là do các thành phố không được xây dựng để tận dụng khả năng làm mát tự nhiên. Điều hòa không khí hoạt động hết công suất và đây là một vấn đề lớn”, ông Brown nói thêm. 

giàn rau muống 1
Giàn rau muống ở một khu chợ tại Iriya, quận Taito, Edo của họa sĩ Kisai Rissho. Ảnh: chiba-muse.or.jp

Ngay cả ở vấn đề này, người dân Edo cũng đã tìm ra giải pháp đơn giản mà lại thân thiện với môi trường. Họ dùng những giàn lưới nhẹ, dễ dàng di dời và trồng dây leo để tạo bóng mát cho không gian nội thất trong nhà. Giống như những tấm rèm xanh, ngoài tạo bóng râm, chúng còn mang đến các loại rau củ như đậu, bí; làm đẹp không gian với màu sắc tươi tắn như hoa bìm bìm.

Ông Brown chỉ ra rằng gần đây, ý tưởng tấm rèm “xanh” trên cũng đã được điều chỉnh và áp dụng vào thiết kế các tòa nhà văn phòng. Điển hình, một doanh nghiệp lớn ở Nhật đã tạo các tấm rèm xanh này ở 5 nhà máy, trong đó sử dụng hoa bìm bìm và mướp đắng tạo nên rèm che nắng dài hơn 140m.

Bằng cách này, công ty nhận ra chúng làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng điều hòa không khí ở các nhà máy, nhất là vào buổi sáng. Ý tưởng thú vị này cũng được áp dụng cho trường học, tòa nhà chính phủ trên khắp nước Nhật.

giàn dây leo
Giàn dây leo giúp giảm nhiệt mùa hè. Ảnh: Nippon

Sau cùng, ông Brown đưa ra nhận định: “Thay vì xây dựng các tòa nhà quá to lớn, kỳ quái cho giới thượng lưu và phá hủy các khu dân cư đang hoạt động tốt, chúng ta có thể học hỏi cách xã hội Edo bảo tồn môi trường tự nhiên bằng cách mang đến môi trường sống cho nhiều loài sinh vật, trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu làm đẹp không gian của cư dân”. 

“Các thành phố được quy hoạch như Edo vẫn có thể hỗ trợ cho số lượng dân cư đông đảo, các hoạt động kinh tế phức tạp và hệ thống giao thông bởi vì chúng được tích hợp có chủ đích với hệ sinh thái địa phương. Chìa khóa nằm ở việc hiểu cách cư trú của con người và hệ thống sinh thái tự nhiên để tạo nên một tổng thể thống nhất, phụ thuộc lẫn nhau”, ông Brown chia sẻ.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU